Saturday, November 5, 2022

THỦ TƯỚNG ĐỨC THĂM TRUNG QUỐC ĐỂ TÌM KIẾM CƠ HỘI HỢP TÁC KINH TẾ (Anh Vũ / RFI)

 



Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 04/11/2022 - 13:06

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221104-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9.....BB%99i-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-kinh-t%E1%BA%BF

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, hôm nay, 04/11/2022, dẫn đầu phái đoàn hơn sáu chục người chủ yếu là các doanh nhân Đức, đã tới Bắc Kinh trong một chuyến công du chính thức kéo dài chưa đầy một ngày. Chuyến thăm Trung Quốc của ông Olaf Scholz, lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến Trung Quốc từ khi nổ ra đại dịch Covid 19, đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và bị chỉ trích nhiều.

 

https://s.rfi.fr/media/display/00fabde2-5c28-11ed-8c94-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/AP22308260573861.webp

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (T) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 04/11/2022. AP - Kay Nietfeld

 

Trong cuộc hội đàm đầu tiên giữa ông Olaf Scholz và Tập Cận bình, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố rằng những cường quốc có ảnh hưởng, Trung Quốc và Đức, phải cùng nhau làm việc nhiều hơn nữa trong « thời kỳ đầy biến động » hiện nay vì hòa bình thế giới, theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV.

 

Theo AFP, trong bối cảnh các nước phương Tây đang ngày càng tỏ thái độ dè chừng đối với cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới, thủ tướng Đức bày tỏ ủng hộ hợp tác « nhiều hơn nữa » và quan hệ hợp tác « cân bằng » với Trung Quốc.

 

Về tình hình quốc tế, thủ tướng Đức nhấn mạnh, cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới đang hết sức căng thẳng vì cuộc chiến tranh do Nga phát động tại Ukraina. Ông đã đề nghị chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng ảnh hưởng của mình tác động Nga nhằm chấm dứt cuộc « chiến tranh xâm lược » chống Ukraina.

 

Về phần mình, ông Tập Cận Bình cho rằng « Trung Quốc và Đức phải tôn trọng lẫn nhau và cùng cố gắng chống lại các can thiệp vào quan hệ của hai nước ». Lãnh đạo Trung Quốc nói : « chúng tôi hy vọng nước Đức sẽ tiếp tục chính sách tích cực đối với Trung Quốc để đi đến kết quả hai nước cùng có lợi ».

 

Chuyến công du của thủ tướng Scholz tới Bắc Kinh với trọng tâm là kinh tế, tìm kiếm thị trường cho các doanh nghiệp Đức, gây không ít tranh cãi và chỉ trích từ trong nước.

 

Thông tín viên RFI Pascal Thibaut từ Berlin tường trình :

 

"Mất 23 giờ bay nhưng chỉ có 11 tiếng ở tại chỗ. Hiếm có một chuyến thăm chính thức nào đến Trung Quốc lại ngắn như vậy. Nhưng cũng là hiếm có chuyến đi nào lại bị chỉ trích nhiều như chuyến công du này. Ngay trong liên minh cầm quyền của thủ tướng Olaf Scholz, đặc biệt là đảng Xanh, đã phản đối kiểu quan hệ làm ăn như thường lệ, không có chuyện gì xảy ra, đồng thời lên án Bắc Kinh vi phạm nhân quyền cũng như nguy cơ bị lệ thuộc vào một nước kém dân chủ như đã xảy ra với Nga trong quá khứ gần đây.

 

Phe Dân Chủ - Thiên Chúa Giáo cũng chỉ trích, đồng thời lại quên rất nhanh 12 chuyến thăm Trung Quốc của cựu thủ tướng Angela Merkel, chủ yếu là để tìm kiếm các hợp đồng cho các hãng lớn của Đức. Việc ông Olaf Scholz tuần trước đã phản bác ý kiến của nhiều bộ trưởng để cho phép Trung Quốc tham gia góp vốn đầu tư cảng Hambourg đã gây khó hiểu. Có 7 trên 10 người Đức phản đối quyết định này. 2/3 trong số họ cho rằng Đức cần phải giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong một diễn đàn, ông Olaf Scholz có hứa là sẽ không bỏ qua các chủ đề gây tranh cãi với Bắc Kinh như nhân quyền, Đài Loan hay thái độ của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược Ukraina của Nga.

 

Thủ tướng Đức phải chơi bài lựa lách ngoại giao rất phức tạp trong khi mà các đầu tư trực tiếp của Đức tại Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt mức kỷ lục mới."

 

---------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ĐỨC -TRUNG QUỐC - EU

Liên Hiệp Châu Âu từng cảnh báo Đức về việc bán cảng Hamburg cho Trung Quốc

 

ĐỨC -TRUNG QUỐC

Thủ tướng Đức muốn bán cảng Hamburg cho Trung Quốc

 

PHÂN TÍCH

Lục đục trong quan hệ Pháp - Đức làm suy yếu châu Âu

 

 

 

 


No comments: