Thông
điệp gì từ chuyến thăm Trung Quốc của tổng bí thư Việt Nam
03/11/2022
https://gdb.voanews.com/00040000-0aff-0242-3499-08dabd045982_cx8_cy16_cw81_w1023_r1_s.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và người đồng cấp
Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà ở Bắc Kinh hôm 31/10.
Chuyên gia nhận định chính sách đối ngoại của Việt
Nam không thay đổi sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
nhưng cảnh báo về quyền lực của “nhà lãnh đạo hạt nhân” Tập Cận Bình
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến
thăm Trung Quốc mà truyền thông cả hai nước ca ngợi là “thành công tốt đẹp”.
Sự vui mừng về thành công và tầm quan trọng của chuyến thăm Trung Quốc của
ông Trọng, người đang nắm nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ lãnh đạo Đảng Cộng
sản Việt Nam, thể hiện qua việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm
Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước Việt Nam ra
đón ông tại sân bay khi về tới Hà Nội hôm 1/11.
Ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch Trung
Quốc Tập Cận Bình tiếp đón ngay sau khi Đại hội Đảng, tổ chức mỗi 5 năm một lần,
kết thúc. Ngoài ông Tập, người vừa trúng cử chức tổng bí thư Đảng nhiệm kỳ 3
cũng chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc, ông Trọng còn hội kiến tất cả các lãnh
đạo cao cấp khác tại Bắc Kinh – gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, Chủ tịch Quốc hội
Lật Chiến Thư và Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương.
Ông Trọng cùng phái đoàn Việt Nam và các lãnh đạo nhà nước Trung Quốc ở Bắc
Kinh đã “đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước
Việt-Trung và tình hình quốc tế” trong các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh,
theo VietNamNet.
Mười ba văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa các ban, bộ, ngành, địa
phương của Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong chuyến thăm của ông Trọng.
Trong Điện
cảm ơn gửi ông Tập ngay sau khi về tới Hà Nội hôm 1/11, ông Trọng nói
rằng: “Tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức hài lòng về
kết quả phong phú của chuyến thăm” và “tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần định
hướng lâu dài cho quan hệ hai Đảng, hai nước” cũng như “góp phần quan trọng vào
việc tăng cường tình hữu nghị, sự tin cậy chính trị, tiếp tục đẩy mạnh và làm
sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc,”
theo Báo Điện tử Chính phủ.
Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof
Ishak, có trụ sở ở Singapore, chuyến thăm vừa qua của ông Trọng được coi là
“thành công” vì đã đạt được những gì đã đặt ra nhưng không làm thay đổi bản chất
quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
“Các phía, hai bên Việt Nam và Trung Quốc, đều nói là (chuyến thăm) thành
công (nhưng) nếu so sánh với chuyến thăm của ông Trọng (tới Bắc Kinh) hồi tháng
1/2017 đến giờ thì không có gì khác nhau nhiều lắm,” TS Hợp nhận định. “Quan điểm
của hai phía về hợp tác giữa hai Đảng vẫn thế, không có gì mới hơn.”
Ông Trọng thăm Bắc Kinh ngay sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2 chức tổng bí thư Đảng
Cộng sản Việt Nam hồi đầu năm 2017 và vào cuối năm đó tiếp đón ông Tập tại Hà Nội
khi người đứng đầu Trung Quốc thăm Việt Nam ngay sau khi trúng cử nhiệm kỳ 2
lãnh đạo Đảng Cộng sản của nước này.
Xung đột Biển Đông
Trong 5 năm qua, kể từ khi hai lãnh đạo này gặp nhau lần cuối, mối quan hệ
giữa Việt Nam và Trung Quốc dù phát triển hơn về mặt hợp tác kinh tế nhưng cũng
chứng kiến những xung đột về lãnh thổ. Vào năm 2018, không lâu sau khi ông Tập
thăm Hà Nội, Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào khu vực mà Việt Nam coi là vi phạm
chủ quyền lãnh thổ. Sau đó Việt Nam còn nhiều lần cáo buộc Trung Quốc có các hoạt
động phi pháp trong vùng biển tranh chấp, gồm cả quân sự hóa các đảo và đâm
chìm tàu cá Việt Nam.
Ông Trọng và ông Tập nhắc tới xung đột trên biển khi hội đàm hôm 31/10 và
theo báo chí trong nước, hai bên thừa nhận đây là vấn đề còn tồn tại trong quan
hệ giữa hai nước.
Vấn đề trên biển cũng được đưa vào Tuyên
bố chung được đưa ra ngay sau khi ông Trọng kết thúc chuyến thăm tới Bắc
Kinh.
Tuyên bố được VietNamNet đăng toàn văn cho biết, hai bên “đi sâu trao đổi
ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; cho rằng kiểm soát bất đồng,
duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng.” Theo tuyên bố này,
các lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc “nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển,
đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực.
“Phía Việt Nam đề nghị đưa vào Tuyên bố chung rằng vấn đề trên biển là một
vấn đề cực kỳ quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước và mong muốn rằng
hai bên xử lý các vấn đề đó bằng các biện pháp hòa bình và dựa trên luật pháp
quốc tế, đặc biệt là Công ước 1982 về luật biển,” TS Hợp, chuyên nghiên cứu về
an ninh và chính sách đối ngoại trong khu vực, cho biết.
Theo Tuyên bố chung, hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện,
hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc
ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước
Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Hai bên cũng thống nhất “kiểm soát tốt
bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh
chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác trên biển.”
“Đưa chuyện Biển Đông vào Tuyên bố chung không phải là mới nhưng ngôn ngữ
của lần này khác các lần trước,” TS Hợp nhận định. “Ngôn từ (mới) ở chỗ là khẳng
định rõ hơn về quan điểm (rằng) vấn đề Biển Đông là vấn đề cực kỳ quan trọng giữa
hai Đảng và hai nước (mà) trước đây không có. Điểm này khá mới và thể hiện sự
tích cực từ phía Việt Nam và từ phía Trung Quốc nữa.”
Tuy nhiên, TS Hợp cho rằng điều này không đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ
không gây ra thêm xung đột trên Biển Đông bởi, theo nhà nghiên cứu của ISEAS,
ông Tập, sau khi trở thành “nhà lãnh đạo hạt nhân” của Đảng Cộng sản Trung Quốc,
có nhiều quyền lực trong tay hơn và sẽ kiên quyết hơn trong chính sách ngoại
giao “chiến binh sói lang” vốn bị cộng đồng quốc tế không thiện cảm vì mang hơi
hướm thù địch.
“Kết quả Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng họ sẽ xây dựng
một quân đội hùng mạnh nhất thế giới và trong 5 năm tới chắc chắn họ sẽ tăng cường
sức mạnh của quân đội,” TS Hợp nói. “Một khi họ tăng cường sức mạnh quân đội
thì nó sẽ là rủi ro cho Việt Nam.”
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc hồi tuần trước cũng nhận
định với VOA rằng dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc “sẽ tiếp tục
sử dụng các biện pháp ngoại giao, chính trị, kinh tế và cả cưỡng ép để thúc đẩy
chủ quyền” trên Biển Đông.
Không liên minh
Việt Nam hiện đang ở trong vòng xoáy của sự gia tăng cạnh tranh giữa
Trung Quốc và Mỹ. Quốc gia Đông Nam Á đang phải thận trọng trong quan hệ của
mình với cả hai cường quốc. Việc duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc luôn
là ưu tiên hàng đầu trong ngoại giao của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam cũng đang
nỗ lực phát triển hơn nữa mối quan hệ ngày càng nồng ấm với Mỹ. Mặc dù vậy,
theo các nhà quan sát, Hà Nội luôn phải xoa dịu những lo ngại ngày càng gia
tăng của Trung Quốc về mối quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển nhanh chóng trong những
năm gần đây, đặc biệt là quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước ở Biển Đông.
Nhiều chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của Mỹ trong năm qua, đặc biệt
là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloy Austin và Phó Tổng thống Kamala
Harris tới Hà Nội chỉ trong vòng 1 tháng hồi năm ngoái, cho thấy Washington
ngày càng muốn thắt chặt quan hệ với Việt Nam trong lúc tìm cách chống lại sức
mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo tờ The
Diplomat, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam trong chuyến
công du tới Đông Nam Á cuối tháng này để tham dự các cuộc họp đa phương gồm
G-20, Thượng đỉnh Đông Á và APEC. Tờ tạp chí tin tức chuyên về khu vực Ấn Độ-Thái
Bình Dương có trụ sở ở Washington DC của Mỹ, nhận định rằng đó là lý do ông Trọng
cần phải đi thăm Trung Quốc trước chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt
Nam. Theo tờ báo này, chuyến thăm của ông Trọng là để “thuyết phục Trung Quốc rằng
mối quan hệ Trung-Việt vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của
Hà Nội.”
Nhà Trắng chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc Tổng thống Biden sẽ tới
thăm Việt Nam trong thời gian tới. Lịch trình của người đứng đầu Nhà Trắng cho
thấy ông Biden sẽ tới Ai Cập, Campuchia và Indonesia từ 10 đến 17 tháng này để
tham dự các cuộc họp thượng đỉnh và điểm đến Việt Nam không có trong đó. Chính
phủ Việt Nam cũng chưa công bố bất kỳ thông tin nào về chuyến thăm của Tổng thống
Biden.
Vào năm 2015, hơn một tháng trước khi có chuyến công du đầu tiên tới Mỹ,
ông Trọng đã tới Trung Quốc và gặp ông Tập. Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted
Osius từng nói trước đây, Việt Nam luôn phải dè chừng Trung Quốc khi quan hệ với
Mỹ. Trong chuyến thăm Washington tháng 7/2015, ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo
Đảng Cộng sản đầu tiên được tiếp đón tại Nhà Trắng và sự kiện này được xem là mở
ra một chương mới trong quan hệ giữa hai cựu thù Việt Nam và Mỹ.
Việt Nam vẫn tiếp tục kiên định với chính sách quốc phòng “4 Không” của mình
và để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau cũng như đặt nền tảng vững chắc cho sự
phát triển quan hệ với Trung Quốc, ông Trọng, trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa
qua, đã khẳng định lại lập trường này. Theo CGTN,
mạng lưới tin tức truyền hình do nhà nước Trung Quốc quản lý, ông Trọng nói với
ông Tập rằng Việt Nam không cho phép bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự
trên lãnh thổ của mình, không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không sử dụng
vũ lục chống lại bất kỳ nước nào, và không liên kết với quốc gia này chống lại
quốc gia khác.
Dù truyền thông chính thống của Việt Nam không đăng tải bất kỳ thông tin
nào về việc này nhưng theo các nhà quan sát, việc ông Trọng khẳng định lại lập
trường này là để đảm bảo với Trung Quốc rằng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ
không làm tổn hại đến mối quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam.
Trong khi đó, TS Hợp cho rằng việc khẳng định lại lập trường của Việt Nam
của ông Trọng tại Bắc Kinh là khôn ngoan.
“Điều đó thể hiện là Việt Nam muốn khẳng định rằng Việt Nam là một quốc
gia đi theo đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ cũng như đi theo hướng quan hệ
quốc tế đa phương chứ không song phương vì đa phương là không đứng vào phe nào
cả,” TS Hợp nói.
Cả Việt Nam và Trung Quốc
đều thấy mình đang phải đối mặt với sự xâm nhập ý thức hệ ngày càng tăng từ Mỹ.
Cả hai đảng Cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc đều cảm thấy bị đe dọa bởi các
giá trị cốt lõi của phương Tây, như bầu cử tự do và tự do ngôn luận. Do đó cả
hai bên đã tăng cường trao đổi và theo đuổi những phương cách để bảo vệ hệ thống
xã hội chủ nghĩa của họ cũng như duy trì sự cầm quyền của đảng.
Nhận định nhân chuyến thăm của ông Trọng tới Bắc Kinh, tờ Hoàn cầu Thời báo (Global
Times) – một ấn phẩm của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nói rằng “trên thực tế Mỹ
và phương Tây chưa bao giờ từ bỏ “diễn tiến hòa bình” chống lại Trung Quốc và
Việt Nam. Dẫn lời các chuyên gia, tờ báo này cho rằng chuyến thăm của ông Trọng
“một lần nữa chứng minh rằng phương Tây đã không hiểu được và không giải thích
được mối quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng của họ.”
No comments:
Post a Comment