Friday, November 4, 2022

SỬ GIA MỸ NHẬN ĐỊNH về TẬP và PUTIN (Trần Gia Huấn)

 



Sử gia Mỹ nhận định về Tập và Putin

Trần Gia Huấn 

30/10/2022

https://www.danchimviet.info/tap-va-putin-duoi-con-mat-cua-nha-su-hoc-my/10/2022/27435/

 

(Stephen Kotkin là con trai của một gia đình công nhân tại New York. Ông dành nhiều năm trời nghiên cứu trong viện lưu trữ Soviet. Ông tiếp cận thông tin từ bản gốc. Nay ông là giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton, Đại học Standford, và Học viện Hoover. Ông là tác giả của chín cuốn sách đồ sộ về Liên Xô trong đó có bộ tiểu sử Joseph Stalin ba tập. Đây là mục “Năm câu hỏi dành cho Stephen Kotkin” của của chương trình “Uncommon Knowledges” (Những kiến thức quý hiếm), thuộc Hoc viện Hoover, được thực hiện sau ngày Nga xâm lược Ukraine. Bài gần mười ngàn từ gồm 5 câu hỏi. Tôi chỉ lược dịch câu hỏi 1, 2 về Tập và Putin, để hiểu thêm những sự kiện mà chúng ta đang chứng kiến. Tựa tạm đặt.)

 

                                                             *

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/10/Putin-and-Xi.jpg

Tập Cận Bình và Vladimir Putin

 

 

Peter Robinson hỏi: Năm câu hỏi cho ông Stephen Kotkin. Câu thứ nhất về Trung Quốc. Ông và tôi đã có những buổi trao đổi cách nay ba/bốn năm. Tôi nhận ra: Ông đã vùi đầu trong những kho lưu trữ Soviet lâu hơn bất cứ người nào khác. Tôi hỏi: Ông tìm thấy cái gì là tâm điểm trong đó? Ông không do dự trả lời: “Họ là những người cộng sản chính cống.” Những lãnh tụ Liên Xô thực sự tin rằng họ sẽ xây dựng thành công cuộc cách mạng vô sản trên toàn thế giới. Vậy, Tập Cận Bình có tin điều này không, và ông ấy muốn gì?

 

Stephen Kotkin trả lời: Chúng ta mất vài năm vì Covid. Thật vui khi gặp lại. Cảm ơn Peter có lời mời.

 

Tập Cận Bình, cũng giống như tôi, khi đang là sinh viên thì Liên Xô sụp đổ. Tập dành nhiều thời gian để tìm lời giải cho câu hỏi: Tại sao Liên Xô sụp đổ? Tập khẳng định: Điều này sẽ không thể xảy ra ở TQ, và viết thành một giáo trình giảng dạy trong hệ thống trường đảng. Đây là nguyên nhân đã thúc đẩy tôi viết cuốn “Armageddon Averted” – Đề phòng ngày sụp đổ.

 

Bạn không thể là người vô sản được, nếu bạn sở hữu tài sản. Vậy, chỉ có thể độc quyền hoặc không có gì cả.

 

Khi bạn kêu gọi đổi mới tức là: Mở cửa kinh tế và tự do chính trị. Tự do chính trị là mọi người có quyền thảo luận các vấn đề chính trị, về nội bộ đảng, và các đảng phái khác. Té ra, rất nhiều người muốn đa đảng. Thậm chí, nhiều đảng viên cộng sản muốn ra khỏi đảng. Bằng chứng là những cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1956, ở Tiệp năm 1968, và ở Liên Xô thời Gorbachev.

 

Tập đã thấy rõ điều này, nên không có chuyện cải tổ chính trị. Không có một điểm tựa nào để bắt đầu một cuộc cải cách chính trị mà vẫn giữ được sự ổn định. Bạn chỉ cần rút một sợi chỉ trong chiếc áo thun, là hỏng cả cái áo. Vậy đừng mơ tới chuyện cải tổ chính trị trong hệ thống cộng sản, trừ khi bạn muốn tự sát. Tôi đã giải thích rõ trong cuốn “Armageddon Averted” – Đề phòng ngày sụp đổ – Đây là khẩu hiệu mà cả cuộc đời Tập theo đuổi.

 

Nhiều người cho rằng: Mở của kinh tế và hội nhập toàn cầu sẽ tiến tới cải cách chính trị. Bởi vì, hội nhập và tăng trưởng dẫn tới tầng lớp trung lưu ra đời. Tầng lớp này sẽ đòi hỏi thêm nhiều quyền công dân, và hình thành lên một nền tảng pháp lý, pháp trị.

 

Trung Quốc không dám làm, mà nếu làm thì sẽ là lời “Vĩnh biệt.” Đã có nhiều người đùa giỡn đòi cởi mở chính trị, mong có một Gorbachev của Trung Quốc. Không thể có! Bởi vì, đảng chỉ lựa chọn những người bảo thủ, cố bám quyền lực, và loại bỏ những người có tư tưởng cải cách. Họ rất sợ sự kiện ở Hungary năm 1956, ở Tiệp năm 1968, và thời Gorbachev.

 

Hãy nhớ lại câu chuyện xảy ra trước khi Gorbachev lên nắm quyền. Mikhail Suslov là một nhà khoa học, đứng đầu ngành tuyên giáo, xếp thứ hai trong chính quyền Soviet, chỉ sau Brezhnev. Có lần Brezhnev hỏi Suslov: Hay là, chúng ta nên cởi mở hơn, bớt kiểm duyệt đi. Suslov trả lời: Ông có ngon thì làm đi! Nhưng ai sẽ mang xe tăng vào Moscow để cứu ông.

Như tôi đã nói ở trên. Tập là một sinh viên, đã chứng kiến và nghiên cứu toàn bộ quá trình sụp đổ của Liên Xô, rồi viết ra một giáo trình phổ biến trong nội bộ đảng. Bản tiếng Hoa đã lọt ra ngoài. Đó là nguồn tư liệu để tôi viết cuốn “Armageddon Averted” – Đề phòng ngày sụp đổ.

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/10/5604fb-215x300.jpg

“Armageddon Averted”

 

Không thể cải cách kinh tế trong hệ thống độc đảng được. Bạn tưởng: bạn có thể đi đến tận cùng của cải cách kinh tế ư? Dân giàu lên. Dân sẽ độc lập với chính trị. Dân đòi mở cửa, đòi nhiều quyền tự do. Thử coi, Trung Quốc có dám làm.

 

Nếu mở cửa kinh tế thực sự nghĩa là: Cho phép đầu tư; tự do kinh tế tư nhân; hợp pháp hóa thị trường; công nhận quyền sở hữu. Tất cả những điều này là làm ngược lại với mô hình kinh tế Lenine, trái với tư tưởng chủ nghĩa Mark. Đây là một đòn chí mạng vào tính chính danh của đảng.

 

Khi họ nói đổi mới kinh tế nghĩa là chỉ mở cửa he hé thôi. Bằng chứng là những cuộc đàn áp liên miên vào khu vực kinh tế tư nhân. Họ đang tìm cách cài cắm đảng viên vào công ty tư nhân, đưa khu vực tư nhân vào quỹ đạo của đảng.

 

.

Peter Robinson hỏi: Xin hỏi thêm ông. Năm 2013, Tập Cận Bình phát biểu: “Nhiều người cho rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là ảo tưởng. Nhưng thực tế đã chứng minh học thuyết Marx – Engels là không lạc hậu. Chủ nghĩa tư bản đang đến hồi cáo chung.” Câu nói của Tập được nhiều người viện dẫn trong những năm gần đây. Tôi biết, đây chỉ là câu nói để cố bám quyền lực. Thế nhưng nắm quyền để đi đến đâu? Bởi vì chúng ta chứng kiến sự kết thúc của chế độ Soviet.

 

Stephen Kotkin trả lời: Chúng ta cho rằng: Họ là những người hoài nghi, chỉ tin vào ý thức hệ cộng sản Leninist. Không đâu! Họ lanh lợi lắm. Họ đã tự hợp hiến hóa, hợp pháp hóa chủ nghĩa cộng sản bằng những lời hùng biện dài dòng và hoa mỹ. Họ nhận ra sự sụp đổ của Liên Xô. Họ nhận ra sự thành công của thị trường toàn cầu, nhưng họ vẫn làm như cũ.

 

Mối đe dọa to nhất và nguy hiểm nhất của chủ nghĩa cộng sản là ý thức hệ cộng sản. Ý thức hệ cộng sản rất tinh khôn, có lúc đã biến thái thành chủ nghĩa ảo tưởng, và sinh ra những con người ảo tưởng. Vì ảo tưởng, nên họ tin tưởng họ sẽ thắng.

 

Họ lý luận rằng: Những sai lầm trước đây là do cá nhân lãnh đạo. Không phải lỗi của hệ thống. Không phải lỗi của ý thức hệ. Stalin có thể sai; Mao có thể mắc lỗi; nhưng ý thức hệ cộng sản thì tuyệt đối đúng. Bây giờ, họ là người đổi mới. Họ có khả năng sửa sai. Họ sẽ làm tốt hơn. Họ sẽ xây dựng thành công CNXH. Andropov và Tập ra đời trong hoàn cảnh này.

 

Tập rất ứng biến. Tập duy trì độc đảng. Tập mâu thuẫn với nhóm cải cách. Bởi vì, nếu nhóm cải cách đúng thì nguy cho Tập. Nên Tập, một tay tuyển lựa những người cùng phe cánh, còn tay kia loại bỏ và đàn áp kinh tế tư nhân.

 

Đây là một ẩn số khổng lồ: Loại bỏ, đàn áp kinh tế tư nhân là đồng nghĩa với loại bỏ tăng trưởng. Loại bỏ tăng trưởng là nguy cơ không công ăn việc làm, mất ổn định xã hội. Đây sẽ đòn chí mạng mà Tập phải trả giá cho sự “ổn định.”

 

Hãy tạm công nhận những thành tích của họ. Kinh tế tăng trưởng liên tục trong mất thập kỷ. Đưa nhiều người ra khỏi cảnh nghèo đói. Mở cửa khu vực kinh tế tư nhân. Tạo ra phép màu cho kinh tế toàn cầu v.v. Tôi có thể đi sâu, phân tích lĩnh vực này một cách chính xác rằng đảng có xứng đáng nhận những lời khen này không? Hay, thực sự là công lao của toàn xã hội. Nhưng thôi! Gác chuyện này lại. Hồn cốt của câu chuyện sẽ nằm ở phần “tái phân bổ thu nhập.”

 

Trở lại câu chuyện: Nhà nước điều khiển toàn bộ nền kinh tế. Nhà nước sở hữu mọi công ty. Nhà nước kiểm soát khu vực tư nhân. Đảng đưa người vào trong công ty tư nhân. Thế thì làm sao kinh tế tư nhân phát triển được. Nên nhớ, chỉ có khu vực kinh tế tư nhân mới đóng vai trò tăng thu nhập, tăng GDP, sáng tạo việc làm, cải thiện xã hội. Kinh tế nhà nước đóng góp rất nhỏ. Chúng ta đang chứng kiến kinh tế TQ đứng im, hoặc phát triển chậm.

 

Chúng ta cho rằng câu nói của Tập vào năm 2013 mà ông vừa trích dẫn chỉ là thứ chủ nghĩa hoài nghi ư? Không! Đó là điểm yếu nhất của Tập. Tập đang tự đào mồ chôn mình. Chẳng có kẻ thù nào to hơn, nguy hiểm hơn bằng kẻ thù ý thức hệ do chính Tập sinh ra.

 

.

Peter Robinson hỏi: Câu hỏi thứ hai. Cùng câu hỏi về Chủ tịch Tập nhưng bây giờ áp dụng cho Tổng thống Nga. Putin tin vào điều gì và ông ấy muốn gì?

 

Stephen Kotkin trả lời: Tất cả chúng ta đều muốn biết lời giải cho câu hỏi này. Peter ơi! Giá mà tôi có một cơ hội ngồi với Putin trước máy quay phim như là ông và tôi đây nhỉ. Chúng ta từng được nghe Oliver Stones phỏng vấn Putin. Putin từng có một bài phát biểu đầy sóng gió trước Hội nghị An ninh Munich, 2007. Nên chúng ta lờ mờ cảm nhận được Putin muốn gì. Putin cứ bắt chúng ta phải đoán mò. Nếu ông cho phép, tôi xin đưa ra vài giả định.

 

.

Peter Robinson: Stephen! Xin mời. Ông là người nói hay nhất về đề tài này.

 

Stephen Kotkin: Oh, ông quá khen!

 

Đế chế Áo, Hung, Ottoman lần lượt sụp đổ, không thể hồi sinh. Thế chiến I kết thúc, Đế chế Nga cùng nền quân chủ bị xóa sổ. Cách mạng Nga bùng nổ. Ai cũng cho rằng Đế quốc Nga đã bị kết liễu. Nhưng, tất cả đã lầm. Đế chế Nga sống lại, và trở lại rất sớm chỉ trong vòng một thế hệ với nền công nghiệp hùng mạnh và hệ thống quốc tế khó ai có thể lờ đi.

 

Thế chiến I kết thúc với Hiệp ước Versailles ra đời để trừng phạt Đức. Hãy nhớ: Đức thua ở mặt trận Tây Âu, nhưng thắng ở mặt trận Đông Âu. Ba Lan, Lithuania, Latvia, và Estonia tuyên bố độc lập. Hiệp ước Versailles công nhận nền độc lập của những quốc gia này. Nga không đồng ý, đòi xé bỏ Hiệp ước Versailles, ép buộc Đức phải công nhận thua ở cả hai mặt trận Đông và Tây Âu để giành lại phần đất Ukraine đang thuộc về Ba Lan. Nga một mặt chuẩn bị các phương tiện chiến tranh, mặt khác yêu cầu thay đổi nội dung Hiệp ước Versailles, đòi vẽ lại bản đồ Âu châu.

 

Đến năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Mỹ tuyên bố chiến thắng cuộc Chiến tranh lạnh. Liên hiệp Âu châu đông tiến. NATO đông tiến. Lãnh thổ Nga vào năm 1991 nhỏ hơn cả lãnh thổ Nga năm 1918. Bill Clinton đẩy NATO rộng thêm. George Bush cũng làm như vậy. Chúng ta đã thấy lãnh thổ NATO hôm nay. Có đáng ngạc nhiên không! Siêu cường Nga gây chiến, đòi vẽ lại bản đồ Âu châu.

 

Thiên hạ giả định nhiều thứ lắm: Nào là Nga gần gần gũi với Âu châu cả về địa lý và văn hoá. Nga có nền kinh tế thị trường, có sở hữu tài sản tư nhân, giới trung lưu đang phát triển. Nga dễ hội nhập với Tây Âu. Nga dễ trở thành một quốc gia dân chủ v.v. Nhưng tất cả không xảy ra. Bởi vì Nga tự khoác cho mình một khát vọng đặc biệt, một quốc gia đặc biệt, một sứ mạng đặc biệt, một nền quân sự đặc biệt, một siêu cường thiên bẩm đặc biệt.

 

Nga đòi thay đổi sự hiện hữu. Nga đục bỏ những phần lịch sử mà Nga không thích. Những gì họ đang làm hôm nay cũng giống như họ đã làm trước đây. Putin là như thế. Tất cả những gì về Putin đã được bộc lộ. Putin muốn thay đổi trật tự. Putin muốn xóa bỏ hiệp ước. Putin chỉ ký các hiệp ước theo ý riêng. Nếu không được là ra đòn. Chúng ta đã thấy trước. Nó đã xảy ra nhiều rồi. Có điều nó xảy ra dưới những chính thể khác nhau.

 

Chính quyền Putin không giống chính quyền của Stalin. Stalin thuộc vào nhóm nhỏ gồm Hitler và Mao. Putin không thuộc nhóm này. Hy vọng, Mỹ và Phương Tây có thể giải quyết vấn nạn qua con đường ngoại giao.

 

.

Peter Robinson hỏi: Chúng ta đang ở câu hỏi thứ hai. Tôi muốn hỏi thêm ông một chút về Tập Cận Bình. Ông vừa nói là có một số người thực sự tin vào chủ nghĩa cộng sản là đỉnh cao nhất của nhân loại, không phải chỉ ở TQ, mà cho toàn thế giới. Vậy Putin có tin điều này không?

 

Stephen Kotkin trả lời: Putin không phải là người cộng sản. Putin theo đuổi chủ nghĩa dân tộc. Tập thừa hưởng từ chính quyền cộng sản, nên Tập giữ chính quyền bằng cách phát động chủ nghĩa dân tộc.

 

Chính quyền Nga hiện nay là của riêng Putin. Có những bộ phận của chính quyền không hoàn toàn hợp hiến. Chúng ta không biết nó vận hành thế nào. Bởi vì, càng lên cao nó càng hẹp lại. Hẹp đến mức hẹp nhất trong lịch sử Nga. Nên chúng ta không có thông tin.

 

Còn điều này thì chúng ta đã biết. Putin rất sợ dân Nga. Chính quyền Nga rất sợ sức mạnh Mỹ. Nga sợ sức mạnh Mỹ hơn cả người Mỹ tự hào về nước Mỹ. Nga rất sợ Mỹ quảng bá và ủng hộ các nền dân chủ. Hệ thống dân chủ Phương Tây là mối đe dọa lớn cho cả Nga và Trung Quốc.

 

Chúng ta là tấm gương của một nền dân chủ; tất nhiên, chưa hoàn hảo. Hong Kong là một mối đe dọa. Taiwan là mối đe dọa. Mỹ là mối đe dọa. Mỹ không cần phải quảng bá cho nền dân chủ, nhưng vẫn là mối đe dọa. Vậy, họ đáp trả mối đe dọa này thế nào?

 

Họ đáp trả bằng cách chia rẽ đất nước, chia rẽ các đồng minh. Họ làm cho chúng ta yếu đi bằng cách chúng ta không thể nhận ra sức mạnh của chính mình. Sự thực, chúng ta có quân đội tốt hơn, có hệ thống tài chính tốt hơn, có nhiều cơ chế sửa sai, có thị trường năng động, có nền kinh tế tư nhân vững, có cơ chế sáng tạo việc làm, khắc phục khủng hoảng. Chúng ta có tất cả những thứ mà Nga và TQ không có.

 

Nhiều lúc, chúng ta quên cả những gì chúng ta đang có. Họ biết rõ, và tấn công vào điểm này. Chúng ta có đồng minh. Họ tìm cách chia rẽ đồng minh. Chúng ta có nền pháp trị. Họ bảo nền pháp trị là không công bằng, tham nhũng. Họ tuyên truyền bôi xấu. Nhưng đừng bận tâm. Không có gì để sợ. Thậm chí, tôi còn trông đợi họ làm như vậy.

 

Điều làm cho tôi hơi sợ là chính người Mỹ. Khi chúng ta gièm pha các thể chế Mỹ, gọi siêu cường Mỹ là đế quốc. Ngay lập tức những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga và TQ chộp lấy và tố cáo chúng ta đã đầu thú. Tuy vậy, chẳng có người Nga hay người Tàu nào có thể tàn phá được nước Mỹ. Chỉ có người Mỹ mới có thể làm hỏng được nước Mỹ thôi.

 

(Câu hỏi 3, 4, và 5 về chiến tranh và nước Mỹ, về lòng yêu nước và tính chuyên nghiệp, về thế hệ trẻ và nền giáo dục, về thu nhập và cơ hội trên đất Mỹ. Nền giáo dục là xương sống, là nền tảng, là sự sống còn của một quốc gia. Stephen bảo: đừng phấn đấu để đạt được sự công bằng trong thu nhập, mà phải phấn đấu để có sự công bằng trong cơ hội. Ông ước mơ nước Mỹ nên có đảng thứ ba tạm gọi là Đảng Cơ hội Mỹ. Trong bài giảng lịch sử cho sinh viên, Stephen Kotkin nói: Nếu kẻ thù bên ngoài tàn phá đất nước, đất nước sẽ được xây dựng lại. Nhưng nếu người phá từ bên trong, thì đất nước đó lụn bại.)

 

 

Peter Robinson: Tạm biệt Stephen Kotkin, tiến sỹ sử học, người yêu nước nồng nàn, và cũng là người phải đóng thuế rất cao.

 

Canada

October 30, 2022





No comments: