Friday, November 18, 2022

NGA GIAN XẢO, HÒA BÌNH XA RỜI TẦM TAY UKRAINE (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Nga gian xảo, hòa bình xa rời tầm tay Ukraine

Hiếu Chân/Người Việt

November 16, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nga-gian-xao-hoa-binh-xa-roi-tam-tay-ukraine/

 

Sau khi phải rút quân khỏi thành phố Kherson cuối tuần trước, chịu một thất bại nhục nhã, phía Nga đã trả đũa bằng trận mưa hỏa tiễn xuống các thành phố đông dân của Ukraine. Triển vọng chấm dứt chiến tranh vốn đã mong manh, nay lại càng xa tầm tay và nguy cơ chiến tranh lan rộng hiển hiện rõ ràng.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/11/A1-Nga-gian-xao-1536x1024.jpg

Nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ Nga tấn công bằng hỏa tiễn ở Pechers hôm 15 Tháng Mười Một ở Kiev, Ukraine, khiến hai tòa nhà dân cư bị bắn trúng. (Hình: Jeff J Mitchell/Getty Images)

 

Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga đã ào ạt diễn ra hôm Thứ Ba, 15 Tháng Mười Một, tại nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraine, nhắm vào hệ thống hạ tầng cơ sở, gây mất điện rộng lớn, làm cho người dân Ukraine thật sự khốn đốn khi mùa Đông giá lạnh đã bắt đầu. Một giới chức chính phủ Ukraine xác nhận tình hình hiện rất trầm trọng và kêu gọi người dân hãy giữ vững tinh thần.

 

Hỏa tiễn Nga rớt xuống đất Ba Lan

 

Điểm mới của cuộc tấn công hỏa tiễn hôm Thứ Ba là Nga nhắm vào những thành phố ở phía Tây và phía Bắc của Ukraine – là những khu vực tương đối không bị ảnh hưởng của cuộc chiến tranh đã kéo dài gần chín tháng. Ít nhất một tên lửa của Nga đã bắn trúng thị trấn Przewodow của Ba Lan, ngay sát biên giới Ukraine, giết chết hai người, một giới chức Ba Lan cho biết. Cuộc tấn công, dù vô tình hay có toan tính, đã có thể có ý khiêu khích một quốc gia thành viên NATO rất tích cực trong việc giúp đỡ Ukraine. Ông Mateusz Morawiecki, thủ tướng Ba Lan, đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia vào tối Thứ Ba để đối phó với vụ việc.

 

Trong video phát biểu hằng đêm vào tối Thứ Ba, ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, nói đây là cuộc tấn công lớn nhất, tàn phá nặng nề nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược ngày 24 Tháng Hai. Ông cho biết có ít nhất 85 hỏa tiễn đã được Nga bắn đi từ các chiến đấu cơ của Nga trên bầu trời tỉnh Rostov và biển Caspian – bên ngoài lãnh thổ Ukraine, để tránh hỏa lực phòng không của nước này. “Chúng ta đang sửa chữa, sẽ phục hồi mọi thứ. Chúng ta sẽ vượt qua mọi thứ,” ông Zelensky tuyên bố với người dân Ukraine. Cố vấn của Zelensky, Kirill Timoshenko sau đó cho biết chi tiết rằng Nga đã bắn hơn 90 hỏa tiễn, trong đó 70 hỏa tiễn đã bị lực lượng Ukraine bắn hạ. Timoshenko cho biết 15 cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị hư hại, khiến phần lớn đất nước không có điện.

 

Vụ tấn công hỏa tiễn của Nga không gây bất ngờ; Ukraine đã chuẩn bị đón nhận đòn trả đũa của Nga sau khi quân Nga bị buộc phải rút lui khỏi Kherson ở miền Nam, thất bại chiến trường lớn nhất trong cuộc chiến thất bại của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga.

 

Hồi cuối tuần, lực lượng Không Quân Ukraine đã cảnh báo Nga có thể sẽ tấn công đúng vào dịp hội nghị thượng đỉnh G20 họp ở Bali, Indonesia, nơi phái đoàn của Nga biết trước họ sẽ bị cô lập và ông Putin đã từ chối tham dự còn ông Zelensky sẽ trình bày kế hoạch hòa bình của Kiev. Qua điện thoại truyền hình, Tổng Thống Zelensky ngày 15 Tháng Mười Một đã đề nghị G20 ủng hộ kế hoạch 10 điểm chấm dứt chiến tranh của Kiev.

 

Không có triển vọng đàm phán hòa bình

 

Các quan chức Ukraine nhận định vụ tấn công hôm Thứ Ba, chỉ vài giờ sau khi ông Zelensky phát biểu với các nhà lãnh đạo G20 – trong đó có Tổng Thống Mỹ Joe Biden, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – có thể là phản ứng của Nga đối với kế hoạch hòa bình của ông Zelensky. Đó cũng là bằng chứng cho thấy Moscow không quan tâm đến hòa bình, dù họ khẳng định công khai trong những tuần gần đây rằng Nga sẵn sàng đàm phán để chấm dứt cuộc chiến.

 

Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của ông Zelensky, viết trên Twitter: “Nga đáp trả bài phát biểu mạnh mẽ của Zelensky tại G20 bằng một cuộc tấn công hỏa tiễn mới. Có ai nghiêm túc nghĩ rằng Kremlin thực sự muốn hòa bình không? Họ chỉ muốn thần phục.”

 

Mười điều kiện của ông Zelensky cho một giải pháp hòa bình bao gồm Nga phải rút hoàn toàn lực lượng khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, khôi phục chủ quyền lãnh thổ của Ukraine theo các đường biên giới đã được cộng đồng quốc tế công nhận, phải bồi thường chiến tranh cho Ukraine, trả tự do cho tất cả tù nhân và công dân Ukraine bị bắt đi, và chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh.

 

Yêu cầu chính của ông Zelensky là Nga phải rút quân và trả lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của Ukraine. “Nga phải rút toàn bộ quân đội và lực lượng vũ trang khỏi lãnh thổ Ukraine,” ông Zelensky nhấn mạnh. “Mỗi ngày chậm trễ có nghĩa là những cái chết mới của người Ukraine, những mối đe dọa mới đối với thế giới và sự gia tăng mất mát do sự tiếp tục gây hấn của Nga.”

 

Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov, đại diện cho ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20, nhắc lại rằng Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine về việc chấm dứt chiến tranh, nhưng đồng thời vẫn khẳng định điều kiện tiên quyết là Ukraine phải chấp nhận mất phần lãnh thổ đã bị Nga sáp nhập trái phép.

 

Ông Lavrov cho biết các đề nghị của Tổng Thống Zelensky là “không thực tế và không thỏa đáng”  và mô tả ông Zelensky là một người “bài Nga và hung hăng.” “Nếu bất kỳ ai từ chối đàm phán thì đó là Ukraine, và càng từ chối lâu thì càng khó đạt được thỏa thuận,” ông Lavrov nói với truyền thông nhà nước Nga.

 

Có một điểm mới trong phát biểu của ông Lavrov tại G20 là ông ta kêu gọi các quốc gia Tây phương “kỷ luật” (discipline) ông Zelensky – một ý kiến cho thấy Nga vẫn quan niệm một cách sai lầm rằng Ukraine chỉ là “con cờ,” được Tây phương “ủy nhiệm” để chống Nga, còn cuộc chiến tranh thực chất là cuộc đối đầu giữa Nga và Tây phương do Hoa Kỳ dẫn dắt. “Chúng tôi muốn thấy bằng chứng cụ thể rằng Tây phương thực sự quan tâm đến việc kỷ luật Zelensky và giải thích với ông ta rằng chuyện này không thể tiếp tục, không có lợi cho người dân Ukraine,” ông Lavrov nói với các phóng viên.

 

Cùng quan điểm như ông Lavrov, từ Moscow, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói “trên thực tế và theo pháp lý, Ukraine không thể và không muốn đàm phán” nên chiến tranh sẽ tiếp tục. Là người khởi sự cuộc xâm lược nhưng đến nay Nga vẫn nhiều lần tuyên bố mình là nạn nhân và khẳng định Moscow không có lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công.

 

Nguy cơ xung đột Nga-NATO

 

Với bản chất và tham vọng không thay đổi như vậy, Moscow vẫn cố chứng tỏ, mặc dù bị buộc phải rút lui nhiều lần khỏi các mục tiêu quân sự, Nga vẫn có thể gây thiệt hại cho Ukraine và các đồng minh mà cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các mục tiêu dân sự hôm Thứ Ba là bằng chứng mới nhất.

 

Sự kiện hỏa tiễn Nga rớt vào làng Przewodow của Ba Lan, cách biên giới 15 dặm, lúc 3 giờ 40 phút chiều Thứ Ba, có nguy cơ kích hoạt một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn nhiều giữa Nga và NATO dù phía Nga thì phủ nhận sự việc, cho rằng đây là một thông tin khiêu khích nhằm leo thang căng thẳng.

 

Từ khi Nga khởi sự xâm lăng Ukraine hồi Tháng Hai, đã có nhiều nỗi lo sợ xung đột sẽ tràn sang các nước NATO có chung biên giới với Ukraine như Ba Lan, Romania, Slovakia và Hungary. Là một liên minh phòng thủ đa quốc, NATO chắc chắn sẽ có phản ứng. Tổng Thống Joe Biden đã nhiều lần nói rằng, nếu tình huống đó xảy ra chính phủ Mỹ sẽ kích hoạt Điều 5 Hiệp Ước NATO, theo đó nếu một nước NATO bị tấn công thì coi như cả khối NATO bị tấn công và nước Mỹ “sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ NATO.”

 

Ông Dmytro Kuleba, bộ trưởng Ngoại Giao Ukraine, thì kêu gọi NATO họp thượng đỉnh với sự tham gia của Ukraine để thảo luận những bước đi kế tiếp. Nhưng ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, nói ông cần có thêm bằng chứng từ phía chính quyền Ba Lan.

 

Tổng Thống Zelensky thì kêu gọi: “Đây là vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào an ninh tập thể. Đây là hành động leo thang rất nghiêm trọng. Chúng ta phải ra tay.”

 

Hòa bình chẳng những càng ngày càng xa vời mà chiến tranh có thể sẽ lan rộng ngoài tầm kiểm soát. Tình hình xem ra đã rất nóng! [qd]

 

 

 


No comments: