Nếu
bị ‘lật kèo’, Mỹ có xếp lại các quân cờ?
Hải Lê
31/10/2022
https://www.voatiengviet.com/a/neu-bi-lat-keo-my-co-xep-lai-cac-quan-co-/6811912.html
https://gdb.voanews.com/09690000-0a00-0242-c2e8-08da70a2bdc5_w1023_r1_s.jpg
Ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu phái đoàn hùng hậu, có
cả ông Võ Văn Thưởng, thăm chính thức Trung Quốc 4 ngày, từ 30 tháng 10 đến 2
tháng 11.
Liệu ông Trọng có dám ký một “mật ước” mới thời
“Tập hoàng đế” vừa đăng quang?
Tất cả những gì ông Trọng sẽ được nghe, được giới
thiệu về Trung Quốc tại Bắc Kinh phần lớn đều có thể áp dụng với Việt Nam. Có
điều là, đối với đa số “thần dân” trên đất nước “Đại Việt” ngày nay, cả ĐCSVN lẫn
ĐCSTQ không bao giờ chiếm nổi trái tim của họ.
Trợ lý
Ngoại trưởng Mỹ Kritenbrink hôm 12/10 tuyên bố, Việt Nam là “trung tâm” trong
“Chiến lược Ido-Pacific của Hoa Kỳ” (IPS). Vậy tại sao Tổng thống Biden lại
không thấy thăm Việt Nam? Và sự vắng mặt ấy có dẫn đến việc Whasington sẽ xếp lại
thứ tự các ưu tiên đối tác trong khu vực?
Về các chuyến thăm đã định nhưng ‘không diễn
ra’
Rất tiếc là kỳ Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden
sẽ không ghé Việt Nam như dự kiến, dù là bán chính thức. Giữa hai kỳ họp ASEAN
– EAS tại Campuchia từ 12 – 13/11 và G20 tại Indonesia từ 13 – 16/11, đáng
lẽ ra, ông Biden sẽ ghé thăm Hà Nội. Việt Nam đã công khai tích cực lobby từ hồi
đầu mùa hè. Thậm chí, các “cỗ máy” vận động hành lang cũng đã
chạy hết “cơ số”. Nhưng trước hôm 28/10 đã có tin, ông Biden sẽ không sang
Hà Nội đã đành, mà cũng không thấy thông tin trên báo chí về các chuyến thăm đã
hoạch định vào cuối tháng 10 của hai vị Đặc phái viên Tổng thống John Kerry và
Chủ tịch Thường trực Thượng viện Patrick Leahy.
Trước thái độ vồn vã và háo hức của TBT Nguyễn Phú Trọng đối với kết quả
của Đại hội 20 ĐCSTQ, giới quan sát cũng đã ngửi thấy “mùi khét” và băn
khoăn: “Mỹ kiên nhẫn chiến lược với Việt Nam đến bao giờ?”, thậm
chí nêu câu hỏi: “Đâu sẽ là giọt nước tràn ly?”. Mà thực sự đã
tràn ly hay chưa, thì cũng chưa thể trả lời một cách chóng vánh, vào thời buổi
không chỉ trên toàn cầu, mà ngay trong lòng Indo-Pacific, các diễn tiến không dễ
gì dự đoán, nhất là sau Đại hội 20 ĐCSTQ và trước chuyến
“triều cống” Bắc Kinh của TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng.
Chuyên cơ chở ông Trọng chưa cất cánh trực chỉ sân bay Bắc Kinh, thì những
tin tức nói trên đã rộ lên. Từ chuyện không có tin tức về hai chuyến đi Việt
Nam của hai ông Kerry và Leahy, đến lịch trình hoạt động của TT Biden được loan
báo ngày 28 tháng 10. Những “tiếng trống chầu” chưa gióng lên ở Bắc Kinh, thì một
số trục trặc trong quan hệ Việt – Mỹ đã xuất hiện. Các nhà ngoại giao chuyên
nghiệp là những người cảm nhận trực tiếp các trục trặc này. Không ngạc nhiên,
những ngày cuối tháng 10, các nhà ngoại giao Mỹ và Việt Nam còn cố gắng trong một
nỗ lực cuối cùng, ngay trên đất Việt Nam ở Mỹ (Văn phòng Đại sứ quán của Hà Nội
tại Hoa Kỳ) nhằm cứu vãn tình thế được đôi bên cho là gay cấn.
Ngày 26/10, tại ĐSQ Việt Nam ở Whashington DC, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng đã
tiếp xúc các quan chức Mỹ để bàn công việc “to lớn” của hai nước, theo bản tin
từ Đài VOA. Phía Hoa Kỳ đã dẫn lại đoạn tweet của Trợ lý Ngoại trưởng Daniel
Kritenbrink, trong đó bộc bạch rằng, ông “rất vui mừng khi được gặp lại những
người bạn tốt của tôi – Đại sứ Dũng và Đại sứ Knapper – để thảo luận về ‘các
công việc to lớn’ mà chúng tôi đang thực hiện nhằm thúc đẩy ‘Quan hệ Đối tác
Toàn diện’ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”. Về cuộc gặp này, trên Twitter của mình, Đại
sứ Dũng cũng bày tỏ “lời
cảm ơn chân thành” tới “những người bạn tốt” Daniel Kritenbrink và Marc Knapper
vì “các cuộc trao đổi thú vị và hiệu quả” (!?)
Trung Quốc kích động dư luận
Ngày 29/10, Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ (Gloal Times) đã “chạy” bài xã luận
mang tính “định hướng” cho bang giao Trung – Việt. Với đầu đề “Ý nghĩa
của mối bang giao Trung – Việt vượt ngoài tầm hiểu biết của một số quốc gia”, bài
báo lên giọng: “Chính quyền Biden đang cố gắng định hình lại môi trường chiến
lược xung quanh Trung Quốc. Nói một cách thẳng thắn, trong khi Washington nhận
ra rằng họ không thể thay đổi Trung Quốc từ bên trong, họ đã quyết định bao vây
Trung Quốc và cô lập, kiềm chế Trung Quốc về mặt ngoại giao và chiến lược. Cách
đây không lâu, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình
Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink đã có chuyến thăm tới Việt
Nam. Tại một cuộc họp báo, ông Trợ lý đảm bảo với Hà Nội rằng, Hoa Kỳ sẽ
không để Việt Nam bị cưỡng bức bởi một nước lớn. Ý định khiêu khích là rõ ràng”.
Dư luận chưa hề thấy, Hoa Kỳ có ý định cụ thể nào để “khiêu khích” mối
quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” giữa Trung Quốc và Việt Nam. Chỉ thấy,
mỗi lần có giới chức cao cấp từ Whasington sang Hà Nội – một lần như mọi lần –
Trung Quốc như “đỉa phải vôi”. Trung Quốc giãy nảy lên “xỉa xói”, giãy nảy lên
“hăm dọa” Việt Nam. Dư luận chưa quên, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba tại Hà Nội
tháng 8 năm ngoái đòi bằng được để gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trước
khi Thủ tướng chuẩn bị tiếp bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris. Và cũng vì
Trung Quốc kích động dư luận, “chọc gậy bánh xe”, trên thực tế, phía Việt Nam,
một cách đáng tiếc, đã buộc phải hạ mức độ trong việc nghênh tiếp vị quốc khách
từ một đối tác cực kỳ quan trọng, nhìn từ góc độ an ninh và phát triển Việt
Nam.
Ông Trọng chưa bắt đầu chuyến thăm mà Global Times đã có một loạt bài
liên tục, cùng một giọng điệu nhàm chán, nói về bang giao Trung – Việt. Âm hưởng
chung là vừa vuốt ve, vừa dọa dẫm. Một mặt, không hiểu bây giờ là thời nào, mà
Tuyên giao Trung Quốc vẫn dùng khái niệm “phe xã hội chủ nghĩa” để nói về tính
chất của mối bang giao Trung – Việt. Mặt khác, Trung Quốc vẫn cảnh báo, “khi
tăng cường hợp tác quân sự và an ninh với Mỹ, Việt Nam cần để mắt đến lập trường
của Trung Quốc”. Và tờ báo này không quên kích động: “Với hệ tư tưởng
khác nhau, chính phủ Việt Nam phải hết sức cảnh giác trước âm mưu ‘diễn biến
hòa bình’ của Mỹ”.
Trong khi đó, ở Việt Nam dàn báo chí nhà nước tỏ ra thận trọng và khôn
ngoan hơn. Mãi đến chiều nay, 30/10, khi chuyên cơ của ông Trọng đã hạ cánh xuống
sân bay Bắc Kinh, báo Nhân Dân và các báo lớn ở Việt Nam vẫn thiếu vắng các bài
bình luận dài hơi theo kiểu bla, bla… truyền thống, chỉ tụng ca và nêu các mặt
tích cực. Đặc biệt, không đề cập công khai các mâu thuẫn về biển đảo. Trên “giờ
vàng” của Đài truyền hình trung ương cũng chí có hai ba buổi điểm tin ngắn ngủi,
mỗi lần khoảng 5 phút, về một số mặt, chủ yếu là về quan hệ kinh tế, thương mại.
Tất nhiên, chỉ nhấn mạnh mặt được, còn tránh nói tới các tồn tại như vấn đề Việt
Nam bị nhập siêu quá khủng, hay những đợt ách tắc hàng hóa từ các cửa khẩu biên
giới.
Ngoại giao “cây tre” bị thách thức?
Truyền thông quốc tế có những phản ứng rất sớm, đa dạng, nhưng trái chiều,
về chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng. Phần lớn nêu các phân tích và
đánh giá của giới chuyên gia và học giả bên ngoài Việt Nam. Tiến sĩ Alexander
L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Mỹ)
nhận định, chuyến đi Bắc Kinh của TBT Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào thời điểm
chính sách ngoại giao “cây tre” của Việt Nam đang bị thách thức. Chuyến đi này
của ông Trọng có phần nổi bật hơn các chuyến thăm khác, vì đây là chuyến công
du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam sau khi Nga xâm
lược Ukraine – Nguyên nhân đẩy nhanh Chiến tranh Lạnh mới giữa một bên là Nga
và Trung Quốc và bên còn lại là phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Chính sách “cây tre” của Việt Nam trong thời gian dài đã ứng phó khả thi
với các các cường quốc trong suốt giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Thời ấy, các
cường quốc tập trung hợp tác hơn là cạnh tranh lẫn nhau. Áp lực chọn phe nào
chưa bao giờ mạnh đến mức phá vỡ mạng lưới quan hệ đối tác của Việt Nam. Nhưng
từ 24/2 đến nay, ngoại giao “cây tre” của Việt Nam bị tơi tả. Đặc biệt là qua bốn
lần bỏ phiếu tại Liên hợp quốc. Trung Quốc và Nga đều
gia tăng sức ép buộc Việt Nam phải đứng về phía họ. Phía Mỹ cũng đã bày
binh bố trận, cho thấy vai trò và vị trị “trung tâm” của Việt Nam. Cũng có đánh
giá, quan hệ Việt – Trung sẽ không có nhiều chuyển biến từ chuyến thăm Trung Quốc
hiện nay của TBT Trọng. Nhưng nếu ngược lại thì sao? “Mật ước Thành Đô” là một
liều thuốc độc ngấm vào bang giao song phương lâu nay. Liệu ông Trọng có dám ký
một “mật ước” mới thời “Tập hoàng đế” vừa đăng quang? Và trong trường hợp ấy,
Hoa Kỳ thấy bị “lật kèo”, liệu họ có xếp lại các quân cờ, dành sự ưu tiên cho
Indonesia hay Thái Lan?
Điều nghịch lý lớn nhất trong bang giao Trung – Việt là, TBT Nguyễn Phú
Trọng có thể mang về nước rất-rất nhiều bài học của TBT Tập Cận Bình. Từ xây dựng
Đảng đến quản trị quốc gia, từ làm thế nào để tập trung quyền bính đến trấn áp
xã hội dân sự và phong trào phản biện trong mỗi nước… Tất cả những gì ông Trọng
sẽ được nghe, được giới thiệu về Trung Quốc phần lớn đều có thể áp dụng trọn vẹn
với Việt Nam. Có điều là, đối với đa số “thần dân” trên đất “Đại Việt” ngày
nay, cả ĐCSVN lẫn ĐCSTQ không bao giờ chiếm nổi trái tim của họ. Họ khôn nguôi
căm ghét người láng giềng phương Bắc, từ trong “bộ gen” chống Phương Bắc, nhưng
để rồi họ cũng không làm được gì khác, ngoài trở thành bản sao vĩnh cửu, tuy mờ
và thu nhỏ, của chính kẻ thù truyền kiếp ấy. Đó chính là bi kịch “vĩ đại” nhất của
Việt tộc qua mọi thời đại, đặc biệt dưới thể chế độc tài.
No comments:
Post a Comment