Ai cho ta tự do, ai cho ta dân chủ?
Ngày hôm
qua, 01/11/2022, đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội
và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Saigon tổ chức gặp gỡ người nhà của một số người
bất đồng chính kiến đang bị giam giữ. Cuộc gặp này được thực hiện trước buổi đối
thoại Nhân quyền Việt – Mỹ được tiến hành sau đó một ngày. Tôi là luật sư duy
nhất có mặt trong buổi trao đổi này theo lời mời của họ. Trong phần tham vấn ý kiến, khi được hỏi ý kiến góp ý của luật sư về việc
cần làm gì để cải thiện thực trạng nhân quyền, tôi góp ý một số nội dung chính
sau:
1.
Cần phải thực hiện việc đối
thoại với những người bất đồng chính kiến để tận dụng trí tuệ, tài năng của họ
để giúp ích cho quốc gia; điều này ngay từ khi xây dựng nên Nhà nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm và theo nhận xét của nhiều
người là đã làm rất tốt nhưng hiện nay người ta không làm.
2.
Cần thay đổi, tiến tới
xoá bỏ các điều luật hà khắc trong Bộ luật Hình sự hiện hành liên quan tới quyền
tự do ngôn luận của người dân vì một số điều khoản mâu thuẫn, thậm chí là trái
với quy định của Hiến pháp Việt Nam cũng như trái với các Điều ước quốc tế về
Nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia.
3.
Cần chấm dứt ngay việc
giám định tư tưởng của con người; chấm dứt ngay việc sử dụng một cơ quan không
có chuyên môn để giám định tư tưởng con người, quy chụp và quy kết hành vi có dấu
hiệu tội phạm của một con người thay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay
Toà án. Một khi chưa bãi bỏ được quy định nêu trên, cần phải triệu tập những
người giám định tới toà để làm rõ nội dung mà họ giám định và tranh luận, đối
đáp với luật sư bào chữa, tránh tình trạng trốn tránh như hiện tại. Thực tế, nội
dung này các đồng nghiệp của tôi như Ls Đặng Đình Mạnh, Lê Văn Luân… đã nhắc đi
nhắc lại nhiều lần trong các phiên toà nhưng chưa bao giờ được xem xét cả.
Trong buổi
gặp gỡ này, khi một vị hỏi tôi, liệu rằng họ có thể giúp gì được không? Tôi nói
rằng, tôi nói câu này có thể khiến quý vị không vui nhưng tôi vẫn cứ nói, tôi hỏi
ngược lại ông ấy rằng, liệu rằng các vị có giúp được thật không mà hỏi? Tôi
cũng tham dự buổi gặp gỡ tương tự với đại diện EU trước hôm đối thoại với Việt
Nam nhưng nghe chừng không có kết quả khả quan sau đó! Mọi người trong khán
phòng đều cười ồ lên. Sau đó, vị lãnh đạo cấp cao của Văn phòng Dân chủ, Nhân
quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với tôi rằng câu hỏi của ông giống
như câu hỏi mà lãnh đạo Chính phủ Hoa Kỳ đã hỏi chúng tôi và chúng tôi cũng
không có câu trả lời chính xác. Lãnh đạo nói với chúng tôi rằng đối thoại nếu
không giải quyết được gì thì đi đối thoại làm gì cho tốn kém! Tôi không đồng
tình với quan điểm đó vì cho rằng, dù không đạt được mọi thứ mình muốn nhưng đối
thoại sẽ có thể cải thiện tình hình từng bước, ngược lại, mọi thứ sẽ đi thụt
lùi… Và, đó là lý do chúng tôi đi cả đoàn đến Việt Nam – Có thể chúng tôi không
thay đổi được những điều vĩ mô nhưng các vấn đề nhỏ hơn thì có thể.
Tôi cũng
cười và chúng tôi cùng thống nhất rằng, hy vọng, nếu có cuộc gặp gỡ vào năm
sau, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn và chúng tôi sẽ có điều vui hơn để kể.
Như
vậy, những nơi mà nhiều người mơ ước, kỳ vọng như Hoa Kỳ hay các nước EU, lời
nói của họ cũng không mang quá nhiều ý nghĩa trong các cuộc đối thoại nhân quyền
đối với Việt Nam. Mỗi
bên đều giữ lập trường, quan điểm của mình và mọi thứ chủ yếu chỉ dừng lại ở
góc độ chia sẻ; sự “mặc cả” trên bàn đàm phán (nếu có, mà thực tế là có, theo
tiết lộ của một người giấu tên) chỉ được thực hiện ở một hoặc một số vấn đề nhỏ
mà các bên cùng quan tâm từ trước.
Thế
nên, việc trông đợi giúp sức từ bên ngoài để cải thiện tình hình trong nước là
một điều rất xa vời, phi thực tế, không mang nhiều ý nghĩa mà tự ta phải giúp lấy
ta mà thôi. Tự do, dân chủ
không tự nhiên mà có được, không phải chờ ai mang đến mà mỗi một chúng ta phải
tự tạo ra nó, tạo cơ hội cho những người xung quanh. Tự do, dân chủ tới từ tri
thức, từ nỗ lực của mỗi một người chúng ta chứ không thể trông chờ ai đó ban
cho…
.
No comments:
Post a Comment