https://5xublog.wordpress.com/2022/11/17/20-11-niem-vui-va-hanh-phuc/
Chú Hà Huy Khoái có lần nói nền giáo dục tốt
nhất là nền giáo dục mà ở đó mỗi học sinh có một bộ giáo trình riêng, một người
thầy riêng. Tức là một hệ thống giáo dục được may đo vừa khít cho mỗi đứa trẻ,
từ khi còn bé, đến lúc trưởng thành..
Tất nhiên nền giáo dục như vậy không tồn tại ở
quy mô đại trà mà chỉ có trong cung đình nơi các ông vua thuê thầy về dạy cho
đám hoàng tử công chúa trong nhà. Mà cũng là ở thời xưa, thời nay đến con hoàng
tử Anh hay đại gia Hoa Kỳ cũng phải đi học ở trường. (Dù là rất xịn như Eton
hay Phillips Exeter Academy nhưng vẫn là trường.) Còn nhân dân trên cả địa cầu
hầu như ai cũng sử dụng giáo dục đại trà (tiếng Việt là giáo dục phổ thông, đều
có nghĩa là giáo dục dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể tiếp cận được,
thụ hưởng được).
Giáo dục dành cho tất cả mọi người, nhờ
internet, đã tiến hóa lên một bậc nữa, giáo dục đại trà của Mỹ mà người dân VN
có thể tiếp cận được, kể cả là dân không khá giả gì lắm. Ví dụ điển hình là trường
Mỹ online của ông Anh Gấu Phạm (Minh Việt Academy). Cũng là Academy
nhưng ngược hẳn với Phillips Exeter Academy của bọn nhà giàu Hoa Kỳ giãy chết.
Hôm rồi bên Gấu mở thêm cả trường toán Mỹ
online (Minh Việt School of Math), cũng có họp phụ huynh, mình cũng cắm
tai nghe vào họp. Ông Gấu nói liền hai tiếng không nghỉ, vãi thật. Có một chi
tiết thế này.
Phụ huynh (liên quan đến phần học tiếng Anh)
luôn hỏi là học MVA của Gấu có nhiều tương tác không, nếu ít thì họ phàn nàn.
Ông Gấu có vẻ nhạy cảm với chữ “tương tác”, hơi cáu, bảo là: cái chính là các
em đi học để có kiến thức trong đầu, có kiến thức rồi thì mới đi tương tác, nói
chuyện, chứ đầu rỗng thì tương tác cái gì, hello how are you xong im à. Nếu mà
tương tác quan trọng đến thế thì mấy nhà giàu họ thuê thầy riêng về tương tác
suốt ngày thì con họ toàn là giỏi nhất thế giới à.
Nếu thuê một ông thầy hoàn hảo về dạy riêng
cho con mình, liệu con mình có giỏi được hay không. Câu hỏi này đưa ta quay lại
với một phát biểu nổi tiếng của Thầy Feynman (khác thầy Gấu, thầy
Feynman có giải Nobel vật lý).
Feynman nói rằng: “Học sinh không cần một ông
thầy hoàn hảo. Học sinh cần một người thầy happy (vui vẻ, hạnh phúc), tức là một
người thầy khiến lũ học sinh hào hứng muốn đến trường và vun đắp tình yêu học tập.”
Nhưng thế nào là một người thầy hạnh phúc. Ta
xét một ví dụ như sau. Một cô giáo trẻ, ngoại hình trung bình, chiều cao trung
bình, ở tỉnh lẻ ra thành phố. Cô dạy cho một trường công nhỏ. Lương cô xoàng,
cô không dạy thêm, và ở nhà trọ. Chiều chủ nhật cô nhắn tin cho bạn trai, ở trọ
gần đấy, rồi cả hai đi chợ về nấu bữa ăn đơn giản, có thể có một hai lon nước
ngọt hoặc bia rẻ tiền. Ăn xong bạn trai cô lên mạng tìm link xem giải Anh (xem
lậu cho đỡ tốn tiền). Rồi hai người, nhất là cô giáo trẻ, đang ở tuổi hừng hực,
họ xem hai đội quần nhau, và cũng quấn lấy nhau cuồn cuộn. Hôm sau cô giáo trẻ
đến trường, má ửng hồng, mắt rạng rỡ, tràn đầy thỏa mãn. Cô hạnh phúc!
Niềm vui và hạnh phúc của giáo viên đến từ
đâu, ta có thể không biết hết nguồn gốc (chắc chắn thu nhập chỉ là một trong
nhiều nguồn gốc của hạnh phúc). Nhưng ta có thể biết chắc một điều, đó là hạnh
phúc và niềm vui không đến từ các phong trào do nhà nước phát động.
Nhà trường, giá như, có thể bỏ hết các loại
phong trào thi đua, sinh hoạt đoàn đội đảng, tập văn nghệ chào mừng… vân vân, để
các thầy cô chỉ chuyên tâm vào giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn (và sinh hoạt cuồn
cuộn), tập tành kỹ năng đứng lớp (và đứng dựa tường)… thì nước ta sẽ có nhiều
hơn rất nhiều những thầy cô hạnh phúc.
No comments:
Post a Comment