Nhà thơ Inra
Sara và tâm sự, ưu tư của người Cham ở Việt
Nam
Đạo
diễn Song Chi
Gửi bài cho
BBC từ Leeds, Anh Quốc
18 tháng 11 năm 2022
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c19vnm2xrvyo
Inra Sara Phú Trạm là nhà thơ, nhà phê bình
văn học và nhà văn hóa luôn quan tâm gìn giữ văn học Cham hơn 40 năm nay.
Công việc của ông gồm phần nghiên cứu, sưu
tầm, dịch thuật, truyền bá văn học và ngôn ngữ Cham, cũng như luôn đồng hành với
những vấn đề của cộng đồng Cham trong lòng xã hội Việt Nam.
https://ichef.bbci.co.uk/news/408/cpsprodpb/e067/live/e4b47b70-667a-11ed-8fa8-015a9204e144.jpg.webp
Ông Inra Sara Phú Trạm
Trong bài phỏng vấn này, chúng tôi chấp
nhận cách gọi tên dân tộc mà ông Inra Sara đề xuất, là Cham.
Theo ông, trước đây dân tộc này được gọi là
Chiêm, Chàm, Hời. Mãi đến 1979, do ngộ nhận rằng “Chàm, Hời” có tính miệt thị,
nên được đổi thành Chăm.
Thế nhưng, ông cho biết gọi ‘Cham’ là chuẩn
nhất, vì, thứ nhất Champa lược bớt âm tiết tên cuối thành Cham, và thứ nhì,
viết bằng chữ Cham Akhar
thrah cũng được thể hiện là Cham’.
*
Song Chi: Câu
hỏi đầu tiên là về việc xác định tên gọi, một thách thức đầu tiên
để nhận diện, dẫn tới việc duy trì, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn
hóa, bản sắc Cham ở Việt Nam là như thế nào?
Nhà thơ Inra Sara: Nói đến Cham, ta cần xác định, đó là Cham nào?
Qua quá trình Nam tiến của Đại Việt, Cham bị tứ
tán khắp nơi. Và có thể kể 11 bộ phận:
Cham Hoa, khi Lý Kỳ Tông làm vua
Champa cuối thế kỉ X, Cham qua Hải Nam.
Cham Kinh: tù nhân Cham bị đưa ra
Bắc và ở lại qua các triều Lý, Trần, Lê…
Cham Hroi - Chàm Cổ: ở Phú Yên,
Khánh Hòa, khi Lê Thánh Tông chiếm Đồ Bàn.
Cham Malaysia ở
Kelantan thời Po Rome, và đi từ Cambodia sau năm 1975.
Cham Thái ở Baan Krua, Bangkok –
Thái Lan.
Cham Kur (Khmer Islam): đi nhiều
đợt khác nhau, 1692: 5.000 gia đình di cư sang Cambodia, sau đó nhiều cuộc di
cư nhỏ lẻ khác.
Cham Biruw (Chàm Mới) là
Cham theo Islam, ở An Giang, Tây Ninh.
Cham Churu ở Nam Lâm Đồng sau các
cuộc khởi nghĩa thời Minh Mạng thất bại. Cham Ywơn đang sinh sống tại hai
làng Canh Cụ ở Phan Rí - Bình Thuận.
Cham
Pangduragga: gồm ba bộ phận Cham ở Ninh Thuận và Bình Thuận.
Cham Việt: là bộ phận Cham lai Việt
có mặt suốt miền Trung.
Nhìn chung thì Cham là dân tộc gồm nhiều cộng
đồng: sự đa dạng về văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo. Thế nhưng tại sao tôi muốn nhấn
về Cham Pangdurangga? Bởi đó là vùng đất cổ của Champa, cư dân Cham hiện nay
sinh sống đông nhất, cộng đồng này còn giữ truyền thống văn hóa dân tộc từ thời
xa xưa đồng thời là cộng đồng phát triển mạnh nhất cả về văn hóa lẫn kinh tế.
Còn các cộng đồng Cham khác như “Cham Mới”
(Cham Birau) ở An Giang, Tây Ninh, Sài Gòn hay Cham Hroi ở Phú Yên, Khánh Hòa mỗi
bộ phận có nền văn hóa khác nhau.
Nếu Cham Hroi tiếp nhận văn hóa và ngôn ngữ
Bana vào cộng đồng mình, thì Cham Nam bộ tiếp nhận văn hóa Islam. Họ vẫn duy
trì, bảo tồn được ngôn ngữ, văn hóa, bản sắc của mình. Ở đây không có ý phân biệt
đối xử, tôi muốn nhấn vào 4 yếu tố: Trụ lại mảnh đất cũ, giữ truyền thống văn
hóa dân tộc từ thời xa xưa đồng thời là cộng đồng phát triển mạnh nhất cả về
văn hóa lẫn kinh tế, nhất là có nhiều công trình về văn hóa dân tộc mình.
*
Song Chi: Còn về vấn đề
ngôn ngữ, chữ viết của người Cham, có những khó khăn nào thưa anh?
Nhà thơ Inra Sara: Trước 1975, chữ Cham truyền thống ‘Akhar thrah’ cũng được dạy
trong các trường Tiểu học, nhưng cứ năm đực năm cái. Thế hệ chúng tôi nhận được
lối học đầy bất cập đó. Dẫu không bị cấm đoán, nhưng sự dạy và học không bài bản
ấy thua xa chế độ mới.
Năm 1978, Ban Biên soạn sách chữ Cham được thành
lập tại Ninh Thuận, về hành chính trực thuộc Sở Giáo dục còn chuyên môn do Bộ
quản lí và chỉ đạo. Bộ sách Tiểu học Ngữ văn Cham được soạn thảo và chỉnh sửa
nhiều lần dạy cho con em người Cham ở vùng cộng đồng Cham sinh sống, cả Ninh
Thuận và Bình Thuận - rất hiệu quả.
Nhưng rồi không hiểu nguyên cớ nào, tháng
7/2010 khi Phòng Giáo dục Dân tộc thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được thành lập,
Ban được chuyển về nơi đó, biên chế từ 13 giảm mạnh còn 5 để đến hôm nay chỉ
còn một duy nhất! Bà con kêu Ban biên soạn sách chữ Cham bị giải thể không phải
không lí do.
Cộng đồng Cham có nét đặc thù riêng, bởi khác
với nhiều dân tộc khác, Cham sở hữu chữ viết sớm và phát triển, Ban Biên soạn
sách chữ Cham tồn tại là cần thiết cho nhiều việc liên quan đến ngôn ngữ và chữ
viết, chứ không riêng việc dạy và học tiếng, chữ.
*
Song
Chi: Theo anh, chính sách của nhà nước Việt Nam hiện nay đối với
các sắc dân bản địa, cộng đồng thiểu số nói chung và người Cham nói riêng thế
nào?
Nhà thơ Inra Sara: Hồi còn làm việc tại Đại học KHXH và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh,
trong buổi gặp mặt với giám đốc Viện Đông Nam Á Thái Lan, bà nhận xét rằng
chính sách về dân tộc thiểu số của Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với Thái Lan.
Thực tế đúng như vậy, giáo sư Thawi, Việt kiều Thái cho biết, thập niên 1990 trở
về trước, cộng đồng Việt còn bị cấm nói tiếng mẹ đẻ tại Thái Lan, mãi khi Việt
Nam gia nhập khối ASEAN năm 1995, tình trạng này mới giảm bớt rồi dứt hẳn.
Ở buổi nói chuyện tại Đại học Okinawa,
Nhật Bản vào tháng 6-2019, có nhà báo hỏi “chính quyền người Việt đối xử
phân biệt hay xem thường dân tộc Cham không?” tôi trả lời nguyên văn - (các
bạn có thể xem thêm trong Bút kí “Đối thoại Fukushima, 2019”):
“Phân biệt đối xử” là các bạn dùng, chứ tôi
thì không. Tôi chỉ kế bốn sự thật.
Thuở chế độ
Việt Nam Cộng hòa, Cham có hai quận riêng tự điều hành hiệu quả (có đòi nước non chi đâu
mà sợ); có Trường Trung học Pô-Klong ‘dành riêng’ cho Cham phần nào đó tiếp nối
được truyền thống giáo dục ông bà.
Cả hai thứ,
hôm nay biến mất. Rồi Trung tâm Văn hóa
Chàm (trước 1975) dù do Cha xứ người Pháp dựng lên, đã thu hút cộng đồng Cham
thường xuyên đến với nó. Chứ Trung tâm hiện nay to đùng, xài biết bao nhiêu tiền
thuế của dân, bà con Cham đầu có ghé, bởi nó như thể một cơ sở hành chính, dân
xa lánh như chùa Bà Đanh thì không có gì lạ.
Còn Đại biểu Quốc hội của Cham ba nhiệm kì dằng dặc
hôm nay là ai? Có ai bắt gặp người đại
biểu Cham ấy xuất hiện ở các điểm nóng của cộng đồng Cham, và lên tiếng cho cộng
đồng chưa? Riêng sự vụ to như Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, bà còn trả lời báo
chí chẳng biết gì về nó nữa là. Vậy mà được đôn lên đại diện cho Cham. Ai bầu
cơ chứ?
Về việc Việt Nam chọn Ninh Thuận để xây Nhà
máy Điện hạt nhân, tôi không cho đó là phân biệt đối xử mà chỉ muốn nhấn về ba
điểm:
Đây là vùng đất Cham sống trên hai ngàn năm,
nơi chúng tôi có cả trăm điểm tôn giáo tín ngưỡng đang được thờ phụng, sẽ chịu
tác hại nặng nề nếu có sự cố hạt nhân. Mảnh đất gần nửa dân số Cham sinh sống,
chúng tôi muốn được sống yên lành trên quê hương thanh bình của ông bà mình.
Chúng tôi không ham cái lợi nhỏ để nhận về cái hại lớn, cái hại dài lâu không
biết bao giờ rửa sạch.
Như vậy chưa đủ sao?
https://ichef.bbci.co.uk/news/428/cpsprodpb/49d9/live/1ecfb4e0-667c-11ed-94b2-efbc7109d3dd.jpg.webp
Lễ hội người Cham
Song
Chi: Anh có nghĩ rằng các sắc tộc bản địa, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị
thiệt thòi về nhiều mặt so với người Kinh?
Nhà thơ Inra Sara: Ở đâu và thời nào cũng vậy, cộng đồng nhỏ, ít người luôn ở thế lép, yếu,
thiệt thòi là điều khó tránh. Thậm chí nguy cơ diệt vong hay bị đồng hóa luôn
nhãn tiền. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, đa phần văn hóa dân tộc ở Tây Nguyên
là văn hóa làng, thế nên khi không gian văn hóa này bị phá vỡ, tính cố kết của
cộng đồng vỡ theo, bản sắc bị mất, để dần tiêu tán vào cộng đồng đông dân là
người Việt.
Khía cạnh này, Cham may mắn hơn. Sinh viên dân
tộc bản địa Okinawa về Việt Nam ghé palei Cham, năm sau cũng nhóm đó khi nghe
tôi thuyết, đã ngạc nhiên rằng, sau hai thế kỉ sống xen cư và cộng cư với người
Việt, bao phen chịu áp lực đồng hóa mà một dúm Cham vẫn tồn tại. Đầy bản sắc nữa
là đằng khác. Lạ! Trong khi họ (nhiều dân tộc bản địa ở Nhật) mới đấy mà đã nhạt
nhòa. Tôi nói, đó là do “sức mạnh nội tại của tinh thần văn hóa Cham” (xem Văn
học Cham khái luận, 1994).
Cụ thể hơn, tinh thần Pangdurangga: ngang bướng,
đau khổ và kiêu hãnh hun đúc nên. Cham Pangdurangga đi bất kì đâu chưa bao giờ
để mất bản sắc: Lịch sử và Akhar thrah, Tôn giáo với Pô Yang, vân vân. Cả khi
bà con “lưu lạc” đến nửa vòng trái đất: Hoa Kỳ, cũng hệt. Bảo tồn bản sắc đã
quyết liệt, mà “cắn xé” nhau cũng dữ dội (và buồn cười) không kém. Tại sao? Có
ba yếu tố mang tính quyết định sự tồn tại của cộng đồng Cham: Họ có cùng lịch sử
dài lâu, có ngôn ngữ và chữ viết riêng, và nhất là có tôn giáo dân tộc là Tôn
giáo Ahiêr Awal.
*
Câu hỏi trong bài do Song Chi đặt theo yêu cầu
của BBC News Tiếng Việt. Phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn sẽ nhắc
lại vấn đề gây tranh cãi về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nỗ
lực bảo tồn tiếng Cham.
*
Về tác giả: Sinh
năm 1957 ở làng Chakleng - Mỹ Nghiệp, thuộc tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam, một
trong những làng Cham cổ nhất, Inra Sara (Phú Trạm) là nhà thơ, nhà phê bình
văn chương nổi tiếng người Việt gốc Cham. Sáng tác của ông luôn là sự tìm tòi kết
nối giữa hai dòng ngôn ngữ Việt-Cham, giữa việc bảo tồn bản sắc văn hóa cổ Cham
và việc cổ suý những cái mới trong văn học nghệ thuật đương đại VN và thế giới,
như Tân hình thức, Hậu hiện đại.
Xem thêm: Chủ
quyền biển VN qua văn hóa Cham
https://ichef.bbci.co.uk/news/461/cpsprodpb/381e/live/45bb2b00-667e-11ed-8fa8-015a9204e144.jpg.webp
Hình từ trang web
mang tên tác giả Inra Sara
----------------------------
TIN LIÊN QUAN
30/04: Người Chăm, người
thiểu số và Cuộc chiến VN
27 tháng 4 năm 2020
.
Người Chăm và mùa Covid-19
ở Việt Nam
20 tháng 4 năm 2020
.
20 tháng 6 năm 2018
.
Việt Nam: Cộng đồng Chăm
Bà-ni bé nhỏ đứng trước ‘nguy cơ mất tôn giáo’?
12 tháng 5 năm 2021
.
27 tháng 6 năm 2019
No comments:
Post a Comment