Friday, November 4, 2022

1/11/1963 - 1/11/2022 : HỒI TƯỞNG MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ (Trần Quốc Việt và nhiều tác giả)

 




1/11/1963 – 1/11/2022 : Hồi tưởng một nhân vật lịch sử

Trần Quốc Việt và nhiều tác giả

 

Việt Nam Tự Do : Phép lạ hiện đại 

John W O’Daniel, Trần Quốc Việt dịch 

 

Tháng Ba 1959

 

Vào ngày 3 tháng Sáu, 1958, trong cuộc viếng thăm 30 ngày miền Nam Việt Nam Tự Do, tôi đi đến thị xã Bạc Liêu cách Sài Gòn 160 cây số về hướng đông nam. Cùng với các viên chức viện trợ người Mỹ và người Việt, tôi chứng kiến cuộc chuyển giao khoảng 240.000 mẫu Anh đất từ những đại điền chủ sang những tá điền, khởi đầu chương trình cải cách điền địa. Chính phủ Việt Nam mua đất của những đại điền chủ rồi bán lại mỗi lô khoảng bảy mẫu Anh cho những nông dân nhỏ.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52469018743_3b209eed9f.jpg

Tổng thống Ngô Đình Diệm họp với ban tham mưu quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ảnh tư liệu

 

Viện trợ Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho chương trình có ảnh hướng lớn lao này trở thành hiện thực. Người Việt nghiên cứu kế hoạch cải cách điền địa cùng với các chuyên viên của chúng ta và sự ủng hộ tài chánh của chúng ta.

 

Chương trình này cuối cùng sẽ tạo ra sinh kế đủ sống cho ba triệu người Việt dựa trên tư hữu ruộng đất, và cho họ hưởng lợi ích thật sự trong tương lai và trong nền độc lập của quốc gia họ.

 

Đây chỉ là một phần của phép lạ hiện đại đang diễn ra ở Đông Nam Á, tại Việt Nam Cộng Hòa, tiền đồn của Thế giới Tự do trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh toàn thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc cộng sản.

 

Quốc gia can trường này, ngay lúc giành độc lập vào 1954 sau cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, đã phải đối mặt với có lẽ là những trở ngại đáng sợ nhất mà một quốc gia mới độc lập từng đương đầu. Những trở ngại này là những vật cản đường cực kỳ lớn mà người Việt Tự do phải vượt qua để vẫn tồn tại :

 

1. Sự tàn phá của cuộc chiến tranh tám năm giữa thực dân Pháp và Việt Minh do cộng sản lãnh đạo.

 

2. Chế độ thực dân và trước kia chế độ phong kiến Phương Đông truyền thống đã áp đặt tình trạng cô lập bắt buộc với những lợi ích của khoa học và kỹ thuật hiện đại.

 

3. Khu vực cộng sản ở miền Bắc công khai đe dọa xâm lăng, kết hợp với tất cả những kỹ thuật lật đổ và phá hoại mà đặc trưng cho mối đe dọa cộng sản từ bên trong đối với bất kỳ quốc gia mới nào.

 

4. Dòng người gần một triệu người Việt tỵ nạn ở miền Bắc chạy trốn vào Việt Nam Tự do sau Hội nghị Geneva vào 1954. Với dân số 11 triệu người ở miền Nam, điều này giống như Hoa Kỳ nhận vào cả toàn bộ dân số Canada trong vòng chưa đầy một năm.

 

5. Cuộc phiến loạn vũ trang của các giáo phái chính trị được thiết lập dưới chế độ thực dân Pháp và lực lượng quân đội của họ đã gia nhập cuộc đấu tranh chống cộng sản nhưng về sau, qua giấc mơ của đế quốc, đã tiến hành cuộc nội chiến chống lại chính quyền mới.

 

6. Mối đe dọa kinh tế suy sụp do hậu quả chiến tranh ; thiếu kỹ nghệ (hầu như tất cả các nhà máy và hầm mỏ của Việt Nam đều ở miền Bắc cộng sản) ; thiếu nghiêm trọng các nhà chuyên môn, nhà quản lý và thương gia ; và sự rút vốn nhanh chóng của người Pháp.

 

7. Tinh thần chủ bại hiện diện khắp nơi trong Thế giới Tự Do : hầu như tất cả các "chuyên gia" đều tiên đoán sự diệt vong mau chóng của Chính phủ Việt Nam Tự Do, mà vào lúc đầu, chỉ có thể trông chờ vào sự ủng hộ nhỏ nhoi của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên Việt Nam Tự Do vẫn tồn tại và thịnh vượng. Vì sao phép lạ này đã có thể xảy ra ? Là người đã quan sát trực tiếp và kỹ càng trong thời gian khai sinh và phát triển của Việt Nam Tự Do, tôi biết rõ ràng những nhân tố đã chứng tỏ là những nhân tố quyết định.

Những nhân tố này là :

 

1. Lòng can đảm, sức mạnh và sức sống của nhân dân Việt Nam. Vì họ đã chịu đựng bao hậu quả tai hại của chính sách khủng bố của cộng sản và bất công của thực dân, nên tình yêu tự do mãnh liệt của họ sống mãi và đấy ý nghĩa. Họ đã hy sinh rất nhiều mới giành được tự do ; họ sẵn sàng cứu tự do khỏi ách chuyên chế của Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh.

 

2. Quan trọng nhất đối với sự sinh tồn của Việt Nam Tự Do là sự lãnh đạo khôn khéo, quả quyết và nhìn xa trông rộng của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thật là vô cùng may mắn cho Việt Nam và cho toàn thể Thế giới Tự do là trong thời khắc nguy cấp nhất Việt Nam Tự do đã sản sinh ra nhà lãnh đạo rất năng động. Tổng thống Ngô Đình Diệm từ lâu đã nổi tiếng trong dân chúng là người quên mình vì tự do. Ngay từ năm 1932 ông đã từ bỏ chức vụ cao trong chính quyền vì nhà cầm quyền thực dân từ chối cho phép ông đưa ra những cải cách rất cần thiết cho nhân dân ông. Ông cũng đã cự tuyệt một cách khinh bỉ những lời đề nghị của quân đội chiếm đóng Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế chiến. Nhưng ông cũng nổi tiếng không kém là cương quyết chống lại cộng sản mà đã giam cầm ông và giết anh ông. Tuy nhiên Tổng thống Ngô Đình Diệm và nhân dân Việt Nam Tự do tự mình không thể nào tồn tại nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ và hào phóng của Chính phủ Hoa Kỳ và nhân dân Mỹ.

Khi Ngô Đình Diệm về Việt Nam vào năm 1954, nước ông gần như là vô chính phủ. Mặc dù ông là người yêu nước liêm khiết rất nổi tiếng, nhưng nhân vật lãnh đạo cộng sản đầy mờ ám, Hồ Chí Minh, đang hiện ra to lớn hơn nhiều trên chính trường Việt Nam.

 

Hơn nữa, Ngô Đình Diệm không phải là người có sức lôi cuốn lớn đối với đám đông. Do bản tính và ý thích, ông không bao giờ có thể dùng công cụ của những kẻ mị dân. Cho đến ngày nay, những bài diễn văn của ông có vẻ thuyết trình hơn là diễn thuyết. Ngô Đình Diệm nghiêm khắc dạy nhân dân ông hãy làm việc cần cù hơn và nhắc cho họ nhớ về thực tại ở đây-và-bây giờ, chứ không phải về viễn cảnh tươi đẹp của thiên đường không tưởng.

 

Hơn bất kỳ người nào khác mà tôi đã từng gặp, Tổng thống Ngô Đình Diệm biết nhân dân ông và quốc gia ông. Hầu như trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình, ông đã đi khắp nơi từ thung lũng rất nhỏ đến núi cao và cao nguyên mênh mông. Ông thậm chí trò chuyện với bộ tộc miền núi bán khai bằng tiếng của họ.

 

Trong chuyến thăm viếng Việt Nam gần đây nhất của tôi, một người Mỹ kể cho tôi nghe chuyện một kỹ sư Mỹ trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm xem xét đồ án tổng quát cho hệ thống dẫn thủy nhập điền tại một vùng hẻo lánh của Việt Nam. Các chuyên gia có tài năng đã mất nhiều tháng trời để thực hiện các địa đồ này. Tổng thống nhìn chăm chú các địa đồ, ngẫm nghĩ một lát, rồi chỉ vào bàn đồ, nói : "Ông sẽ phải chuyển hồ chứa nước từ thung lũng này đến thung lũng đó vì chưa từng bao giờ có mưa ở thung lũng đầu tiên".

 

"Nhưng, thưa Tổng thống" viên kỹ sư nói, "xây hồ chứa nước ở thung lũng đầu tiên sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc, mà cũng chỉ cách nơi Tổng thống gợi ý có vài cây số. Làm sao Tổng thống có thể biết chỗ ấy không có mưa ?"

 

"Tôi đã đến đấy", Tổng thống nói và trong mắt ông hơi ánh lên vẻ thích thú. "Còn ông đến chưa ?"

 

"Chưa", viên kỹ sư đáp. "Các địa đồ của chúng tôi được vẽ từ các bản đồ không ảnh".

 

"Vậy bây giờ hãy đi đến đấy", Tổng thống nói xong liền quay trở lại làm việc.

 

Và người bạn Mỹ bảo tôi, "Ông biết không, Tổng thống hoàn toàn đúng. Khi kỹ sư ta đến đấy ông ấy mới phát hiện ra rằng thung lũng ấy đã không có mưa trong nhiều đời".

 

Nói không ngoa đây là một con người phi thường. Và phải cần người phi thường để đối phó với những thử thách đặt ra trong năm độc lập đầu tiên của Việt Nam.

 

Ngô Đình Diệm đã đấu tranh một cách can đảm ngoan cường chống lại các giáo phái đánh thuê lần lượt từng giáo phái một và đến đầu năm 1956 quyền lực của họ bị đập tan. Nơi nào cần ngoại giao và mưu chước thì Ngô Đình Diệm dùng đến những cách thức này. Nhưng khi chọn lựa duy nhất là lực lượng vũ trang, ông không ngần ngại thử thách lòng tin của ông vào quân đội quốc gia mới của Việt Nam bằng cách dàn trận đánh nhau với quân đội của các giáo phái.

 

Sau những thắng lợi quan trọng đầu tiên của Ngô Đình Diệm chống lại các giáo phái, Hoa Kỳ đồng ý viện trợ cho ông trực tiếp thay vì thông qua Pháp. Vào tháng Hai, 1955, Nhóm Cố vấn Trợ giúp Quân sự Hoa Kỳ, mà tôi vinh hạnh chỉ huy, bắt đầu giúp đào tạo Quân đội Việt Nam. Đến cuối năm ấy viện trợ Mỹ ủng hộ Việt Nam Tự do trên phạm vi lớn, chủ yếu để xây dựng quân đội hùng mạnh và tái định cư người tỵ nạn.

 

Vào tháng Sáu năm này, 1958, tôi thấy những tân binh luyện tập thiện xạ. Họ tài giỏi không thua kém bất kỳ ai tôi từng thấy ở bất kỳ đâu. Việt Nam hiện nay có mười sư đoàn bộ binh được huấn luyện kỹ, hầu hết họ đều đã qua thử thách chiến đấu.

 

Nhưng Ngô Đình Diệm không dừng lại ở đấy. Để chứng tỏ sự tận tâm của ông với độc lập và tự do, Ngô Đình Diệm kêu gọi trưng cầu dân ý toàn quốc vào ngày 23 tháng Mười. 1955 để chọn Quốc Trưởng. Trong cuộc bầu cử tự do phổ thông lần đầu tiên ở Việt Nam, Ngô Đình Diệm đánh bại Hoàng đế Bảo Đại với số phiếu hơn 98 phần trăm. Ba ngày sau ông tuyên bố Việt Nam là nước cộng hòa và trở thành vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam.

 

Vào tháng Ba, 1956, cuộc tổng tuyển cử được tổ chức để chọn các dân biểu cho Quốc Hội để thảo ra hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, mà được công bố vào tháng Mười sau đấy. Hiên pháp này chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hiến pháp Hoa Kỳ.

 

"Hạn chót" Geneva nổi tiếng sẽ diễn ra vào tháng Bảy, 1956. Hai năm trước, ở cuộc đàm phán Geneva, bất chấp sự phản đối đáng lưu tâm của phái đoàn Việt Nam Tự Do và Hoa Kỳ, những người tham dự hội nghị đã đề nghị hai miền Nam Bắc Việt Nam đàm phán về một hiệp định thống nhất hai miền qua cuộc tổng tuyển cử. Họ đề nghị bầu cử diễn ra vào tháng Bảy, 1956. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, người Việt Tự do từ chối tham gia cho đến khi nào có thể thực hiện bầu cử thật sự tự do ở miền Bắc mà có dân số lớn hơn miền Nam.

 

Khi Tổng thống Ngô Đình Diệm củng cố sức mạnh, ông càng ngày càng được dân chúng mến mộ. Đến 1956, cộng sản với mối đe dọa quân sự của một quân đội lớn gấp mấy lần lực lượng 150.000 người của Việt Nam Tự Do bắt đầu tấn công Việt Nam Tự Do trên mặt trận ngoại giao bằng những cuộc đả kích nặng nề Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng dần dần Thế giới Tự Do chuyển sang ủng hộ Tổng thống Ngô Đình Diệm, và công nhận ông. Ngay cả Ấn Độ và Miến Điện trung lập cũng bắt đầu quan hệ thân hữu với Việt Nam Tự Do.

 

Rồi cộng sản phát động cuộc tấn công lớn về kinh tế kết hợp với những chiến dịch tuyên truyền và khủng bố tàn bạo. Số vốn khổng lồ của Nga và Trung Cộng đã đổ vào Bắc Việt (nhiều ước tính là lên tới hai tỷ đô la) để biến miền Bắc thành "tủ kính trưng bày chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á". Cùng với chiến dịch đàn áp và bây giờ tập thể hóa, họ đang xây dựng khu kỹ nghệ liên hợp ở Bắc Việt mà tất yếu khiến hầu hết mọi người Châu Á khâm phục.

 

Ngược lại, Tổng thống Ngô Đình Diệm và người Việt Tự do đã đặt cược chính quyền họ vào sáng kiến cá nhân. Chính tự do kinh doanh được hiến pháp Việt Nam bảo đảm. Vào tháng Ba 1957, Tổng thống đã làm một việc chưa từng có trong lịch sử cho Châu Á khi tuyên bố chính sách mới nhằm khuyến khích cả kinh doanh cá nhân và tư bản ngoại quốc ở Việt Nam Cộng Hòa. Trong vòng một năm rất nhiều kế hoạch đầu tư ngoại quốc cá nhân đã được Chính phủ chấp thuận với vốn từ Nhật, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc, Hoa Kỳ và nguồn vốn từ cá ngân và chính phủ Việt Nam.

 

Như chính Tổng thống Ngô Đình Diệm là người đầu tiên thừa nhận, phương pháp này tự nhiên chậm hơn những phương pháp của cộng sản dựa trên vũ lực và kiểm soát nhà nước. Nhưng đấy là sự chọn lựa có ý thức và khó khăn có lợi cho tự do hơn nhưng thiệt thòi, ít ra trong thương lai gần, cho sản xuất lớn. Nhưng Việt Nam Tự Do đang trong cuộc đua với địch thủ cộng sản cho nên họ không thể nào bị bỏ rơi quá xa ở phía sau. Hơn nữa Bắc Việt lại được ưu đãi hơn rất nhiều với quặng mỏ và nguyên liệu mà kỹ nghệ hóa có thể dựa vào. Miền Nam chủ yếu là nông nghiệp nhưng được may mắn là có nhiều ruộng đất và mưa cho nên đói kém không phải là vấn đề quan trọng.

 

Những tiến bộ Việt Nam Tự Do đã đạt được trong hai năm qua thật là phi thường. Hầu hết tất cả mọi người tỵ nạn từ miền Bắc đều có công việc sản xuất ổn định, hầu hết ở những vùng đất mới khai hoang ở miền trung. Viện trợ Mỹ đã góp phần đạt được điều này trong vòng chưa đầy hai năm.

 

Một lần nữa cũng với sự giúp đỡ của viện trợ Mỹ, hàng chục ngàn người Việt khác từ những vùng quá đông đúc đang được tái định cư ở Cao nguyên dọc theo biên giới Cao Miên. Tổng thống Ngô Đình Diệm, lại không nghe theo lời khuyên của các cố vấn thân cận, nhấn mạnh rằng công việc tái định cư này là một nhiệm vụ phi thường. Điều này tựa như thể toàn bộ phong trào khai khẩn của Mỹ đến định cư ở những vùng miền Tây của chúng ta đã bị rút xuống chỉ còn trong hai hay ba năm. Xe ủi đất và máy kéo do ICA cung cấp đang san bằng những khu vực rừng rậm rậm rạp và, ngay khi đất vừa vỡ hoang xong thì máy bay liền chở các gia đình đến. Khoảng 40.000 người đã được tái định cư trong những khu vực này trong năm đầu tiên. Hy vọng đến cuối năm thứ hai sẽ có 50.000 người khác đến.

Những nỗ lực cải cách điền địa đang được ủng hộ bởi những đề án của chính quyền nhằm cải thiện những phương pháp làm nông nghiệp, chăn nuôi và ngư nghiệp ; bởi sự du nhập những phương tiện tiếp thị và tín dụng ; bởi các chương trình về y tế, xóa mù chữ, và các dịch vụ xã hội khác. Hoàn cảnh của nhân dân Việt Nam với hơn 80 phần trăm sống bằng nghề nông, đang thăng tiến ngoạn mục về mọi phương diện-mà chính mắt tôi đã nhìn thấy "trước và sau".

 

Vì nhiều lý do khác nhau sự phát triển trong lĩnh vực kỹ nghệ lại không nhanh chóng bằng. Trước tiên, bản thân người Việt hầu như không có vốn và kỹ năng quản lý cần thiết cho những công ty thương mại như thế. Họ cũng không có truyền thống đầu tư lâu dài. Thứ hai, có thể hiểu là họ do dự về sự đầu tư của Pháp, nguồn vốn khả thi nhất. Tuy nhiên sự đột phá đã diễn ra vào mùa đông qua.

 

Thứ ba, Chính phủ chúng ta đã không có điều khoản về giúp đỡ đầu tư lâu dài và đòi hỏi tất cả các công ty kỹ nghệ phải là tư nhân, cho dù không có nguồn vốn nào khác có sẵn. Rồi Quốc hội cũng đặt ra nhiều hạn chế về chương trình viện trợ đến nỗi những người ở thực địa thiếu sự linh hoạt để hoạt động nhanh hơn thường lệ. Những điều luật của Quốc hội thường yêu cầu những thủ tục và tiêu chuẩn mà không thực tế đối với quốc gia mới xuất hiện như Việt Nam Tự Do. Và những quan tâm thuần túy về kinh tế thắng thế.

 

Cuối cùng, tư bản tư nhân Mỹ đã không thật sự vội vàng đổ xô đến Việt Nam với túi tiền căng phồng. Dù sao, người Việt Nam vẫn hy vọng thu hút tư bản từ Hoa Kỳ, và họ coi công dân Mỹ là bạn hữu chứ không phải là kẻ bóc lột. Thật vậy, vào tháng Mười Một vừa qua, người Việt đã ký một loạt hiệp ước với Hoa Kỳ để bảo đảm tất cả đầu tư của tư nhân Mỹ không bị sung công và quốc hữu hóa, rủi ro chiến tranh và phong tỏa tiền tệ.

 

Một nguy cơ nghiêm trọng đối với sự phát triển vũng vàng ở Việt Nam là sự gia tăng khủng bố và cướp bóc gần đây ở những khu vực ngoại ô. Rõ ràng cộng sản đứng đằng sau những biến cố này và các gián điệp cộng sản từ Bắc Việt, Lào và Cao Miên đang xâm nhập qua biên giới để cung cấp tiền bạc và vũ khí cho những nhóm cướp và một vài người bất đồng chính kiến. Cộng sản thậm chí xúc tiến một chiến dịch nhằm tái nhóm các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo trên cơ sở quân sự thuần túy. Việc cộng sản đã từ bỏ những phương thức thuần túy chính trị để chọn khủng bố và phá hoại chứng tỏ rõ ràng sự thành công và ổn định của chế độ Ngô Đình Diệm.

 

Một vài các quan sát viên ngoại quốc (nhiều người có mục đích giấu kín) đã chỉ trích chính quyền Ngô Đình Diệm là không tiến bộ đủ nhanh trong lĩnh vực các quyền tự do dân sự. Sự chỉ trích này chứng tỏ một sự ngây thơ về chính trị đáng kinh ngạc khi ta nhận thức rằng Việt Nam hầu như không có truyền thống về các thể chế dân chủ và rằng cách đây bốn năm chẳng một ai tiên đoán quốc gia này sẽ còn tồn tại. Và như Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ ra, " Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh. Cộng sản đã thề tiêu diệt chúng ta và chúng đang tập trung trên biên giới chúng ta. " Tạm thời, Tổng thống Ngô Đình Diệm không thể nào đánh liều với những người bất đồng chính kiến những người mà chứng tỏ rằng quyền lợi duy nhất của họ là quyền lực cá nhân và ai trả giá cao nhất thì có thể mua được lòng trung thành của họ.

 

Nhưng trên hết, trong cuộc đấu tranh toàn lực chống lại mối đe dọa cộng sản này, chúng ta nợ bản thân, con cháu và nhân loại cho nên chúng ta phải chiến đấu cho đến khi thắng trận. Việt Nam Tự Do, bất chấp bao khó khăn tưởng chừng như không thể nào vượt qua được, đang làm tròn vai trò của mình là một đồng minh khí phách và là thành trì của Thế giới Tự Do ở Đông Nam Á.

 

John W. O’Daniel

Nguyên tác : "Free Vietnam – Modern Miracle", The American Mercury, tháng 3/1959, pp. 146-152

Trần Quốc Việt dịch

 

Cựu Trung tướng quân đội Mỹ John W. O'Daniel là Chủ tịch hội American Friends of Vietnam. Ông từng là Tùy viên Quân sự ở Mạc Tư Khoa (1948-1950) ; Chỉ huy Quân đoàn Một ở Triều Tiên ; Chỉ huy Quân đội Thái Bình Dương (1952-1954) ; và Chỉ huy Nhóm Cố vấn Quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam (1954-1955). Ông góp phần quan trọng xây dựng nên Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

 

 

                                          ***********************

 

 

"Nhân dân không còn cam phận"

Ngô Đình Diệm, Trần Quốc Việt dịch 

 

Lời người dịch : Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm sang thăm Hoa Kỳ vào ngày 7/5/1957. Ông được tiếp đón trọng thể và đầy đủ danh dự dành cho bậc thượng khách của chính phủ Hoa Kỳ. Thành công của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam Cộng Hòa còn non trẻ, đặc biệt trong việc tái định cư thành công hơn 800 ngàn người tỵ nạn từ miền Bắc, đều được các báo uy tín hàng đầu của Mỹ coi là "phép lạ". Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower đã đích thân ra đón ông tại phi trường, và vợ chồng Tổng thống Eisenhower đã dự tiệc chiêu đãi được tổ chức tại tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Washington.

Trong thời gian thăm viếng Hoa Kỳ, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã có vinh dự phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bài diễn văn của ông "tuy ngắn nhưng đầy xúc động" đã nhận được nhiều tràng pháo tay hoan hô của các vị dân biểu Mỹ.

Bài diễn văn đã được đăng toàn văn trên tờ báo New York Times vào ngày hôm sau. Toàn bộ tựa đề và các tiêu đề là của tờ báo này. Những phần trong ngoặc là từ biên bản của Quốc hội Hoa Kỳ. Và người dịch chân thành cảm ơn Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã gởi cho biên bản về bài diễn văn của Tổng thống Ngô Đình Diệm. (TQV)

 

                                                                  ****

 

https://live.staticflickr.com/65535/52469018728_8198cbc1e3.jpg

Tổng thống Ngô Đình Diệm được Tổng thống Dwight Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles (thứ 2 từ trái sang) đón tại sân bay quốc gia Washington. Ảnh chụp : tháng 5 năm 1957

 

Thật là một vinh dự hiếm có cho tôi khi hôm nay có cơ hội phát biểu với quý vị. Phát biểu với quý vị trong tòa nhà Quốc hội này, nơi đã hun đúc nên số phận của một trong những quốc gia lớn trên thế giới.

 

Tôi tự hào mang đến quý vị dân biểu lỗi lạc của nước Cộng hòa Hoa Kỳ cao quý những lời chúc huynh đệ tốt đẹp nhất từ nhân dân Việt Nam. Tôi cũng mang đến đây sự bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của nhân dân Hoa Kỳ. Nhân dân chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng rất lớn lẫn ý nghĩa sâu sắc của sự trợ giúp này.

 

Kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh vừa qua, khi Châu Á phá tung xiềng xích, lương tâm của thế giới cuối cùng đã bừng tỉnh trước sự phát triển sâu sắc và tất yếu- sự ra đời của Châu Á độc lập. Từ đấy, nhận thức này đã đưa đến sự lên án bằng những lời lẽ cụ thể nhất chế độ bóc lột cũ mà, trong quá khứ, đã chi phối quan hệ giữa Đông và Tây.

 

Hiện nay thay thế vào đấy là những nỗ lực bền bỉ nhằm xác lập phương thức hợp tác quốc tế mới, thích hợp hơn với những nhu cầu thực sự của thế giới và với triết lý mới của Châu Á.

Chính cuộc chiến đấu giành độc lập, chính ý thức càng ngày càng sâu sắc của các dân tộc thuộc địa rằng nguồn gốc của sự nghèo khổ của họ là sự cản trở một cách có hệ thống sự phát triễn kỹ thuật, cùng với tinh thần dân tộc và xã hội ngày càng cao, tất cả đã kết hợp lại để tạo ra sự thay đổi toàn diện sâu sắc trong tâm trạng Châu Á và tất cả điều này đã cho dân chúng Châu Á sự năng động không thể nào cưỡng lại được.

 

Nhân dân không còn cam phận

 

Nhân dân Châu Á - vốn đã tủi nhục từ lâu trong nguyện vọng dân tộc của mình, nhân phẩm của họ đã bị tổn thương - giờ đây không còn cam phận và thụ động như trong quá khứ. Hiện giờ họ háo hức bồn chồn. Họ khao khát giảm bớt sự lạc hậu quá lớn về kỹ thuật. Họ đòi hỏi mạnh mẽ sự phát triễn kinh tế cấp bách và nhanh chóng, nền tảng tốt đẹp duy nhất cho sự độc lập chính trị dân chủ.

 

Các nhà lãnh đạo Châu Á - dù ý thức hệ của họ là gì chăng nữa- tất cả đều đối mặt với sự cấp bách bi kịch của những vấn đề xã hội và kinh tế. Dưới áp lực mạnh mẽ của nhân dân mình, họ buộc lòng chấp nhận kế hoạch kinh tế. Kế hoạch như thế nhất định gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng.

 

Chính vì lý do này chủ đề chính của các cuộc tranh luận chính trị trong nước ở các quốc gia Châu Á đều tập trung vào mức độ kế hoạch cần thiết, phương pháp cần phải có để tạo ra những kết quả thực tế cấp bách.

 

Phải chăng mọi thứ nên được kế hoạch ? Hay sự kế hoạch chỉ nên giới hạn vào các khu vực thiết yếu ? Phải chăng nên chấp nhận những phương pháp dân chủ hay những phương pháp toàn trị tàn bạo ?

 

Chính trong cuộc tranh luận này-ở tại nhiều nước không may bị ảnh hưởng bởi những lời hứa hẹn giả dối nhưng quyến rũ của chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa cộng sản-những nỗ lực đang nhằm gìn giữ nền dân chủ tự do qua viện trợ từ các nước công nghiệp Tây phương đóng vai trò rất quan trọng. Vì danh dự của con người, Hoa Kỳ đã đóng góp quan trọng nhất vào mục đích này.

 

Kính thưa quý vị trong Quốc hội, qua những điểm chính và khái quát chung, những điều này là những vấn đề các nước Châu Á đang đối mặt. Những điều này là những mục tiêu phải đạt được và là những phương cách phải được đề xuất. Những điều này cũng là những áp lực và cám dỗ trong nước mà các nhà lãnh đạo Châu Á đối mặt.

 

Khu vực nhạy cảm

 

Ở lục địa Châu Á rộng lớn, Việt Nam nhận thức mình ở khu vực nhạy cảm nhất. Mặc dù Việt Nam đối mặt với những vấn đề chung của các nước Châu Á khác, nhưng do vị trí địa lý chính trị nhạy cảm của mình những vấn đề của Việt Nam nghiêm trọng hơn rất nhiều.

 

Nằm ở một trong những điểm tiếp cận chiến lược những nguyên liệu quan trọng của Đông Nam Á-sở hữu những nguyên liệu này mang tính chất rất quyết định- bị cản trở phát triễn bởi một trăm năm đô hộ nước ngoài, bị cạn kiệt bởi mười lăm năm chiến tranh và tàn phá, nửa miền bắc của lãnh thổ Việt Nam lại rơi vào tay Cộng sản, Việt Nam tự do hiện ở trong hoàn cảnh bị đe dọa và nghiêm trọng hơn các nước Châu Á khác.

 

Bằng sự hy sinh to lớn của con người và nhờ vào viện trợ từ nhân dân Mỹ hào phóng, trong thời gian kỷ lục, Việt Nam tự do đã khắc phục thành công những hỗn loạn do chiến tranh và hiệp định Geneva tạo ra. Sự kiến thiết và ổn định quốc gia mà đã đạt được ấy đã giúp hội nhập hơn 860.000 người tỵ nạn vào nền kinh tế của 11 triệu người khác ở Việt Nam tự do và đã giúp thông qua những cải cách chính trị và kinh tế quan trọng.

 

Tuy nhiên, vào lúc tất cả Châu Á đang chuyển từ nền văn minh này sang nền văn minh khác, vào thời điểm khi tất cả các vấn đề quan trọng đều nảy sinh cùng một lúc đối với các nhà lãnh đạo và đều dường như đòi hỏi giải quyết cấp bách, vào lúc khi tất cả đều phải được thực hiện trong bầu không khí căng thẳng cách mạng ngày càng cao, hơn các quốc gia khác, Việt Nam càng thấy cần thiết phải thông qua một số nguyên tắc, đường lối chỉ đạo hành động nào đấy, không chỉ để bảo vệ mình khỏi những cám dỗ toàn trị mà còn, trước hết, để giúp cho mình đạt được độc lập thay vì hỗn loạn, để bảo vệ hòa bình mà không hy sinh độc lập, để đạt được tiến bộ kinh tế mà không hy sinh các quyền tự do của con người.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52467971832_18de6aaca8.jpg

Diễn văn Tổng thống Ngô Đình Diệm đọc trước Quốc hội Hoa Kỳ ngày 9/5/1957 – New York Times, 10/05/1957

 

Trích dẫn học thuyết năm 1956

 

Chính vì những lý do này - dựa vào các cội nguồn văn hóa Châu Á, và trong truyền thống dân chủ Việt Nam của chúng tôi - tôi đã có danh dự định rõ học thuyết này trong thông điệp đọc trước Quốc hội Lập hiến vào ngày 17 tháng 4 năm 1956. Tôi xin mạn phép trích dẫn từ thông điệp ấy những đoạn ý nghĩa nhất, vì chúng tạo thành nền tảng của hiến pháp chúng tôi.

 

Tôi trích :

"Trong hoàn cảnh những lực lượng trấn áp vật chất và chính trị quá mạnh thường xuyên đe dọa chúng ta, chúng ta cảm thấy, hơn các dân tộc khác, nhu cầu rất quan trọng đặt cuộc sống chính trị của chúng ta trên một nền tảng vững chắc và thúc đẩy một cách rất chính xác những bước kế tiếp trong hành động của mình theo những đường lối mà sẽ chắc chắn tạo ra mức độ tiến bộ dân chủ lớn nhất.

(Vỗ tay)

 

"Điều này chỉ có thể là duy linh, đường lối ấy con người theo đuổi trong hiện thực mật thiết của họ cũng như trong cuộc sống cộng đồng của họ, trong nghề nghiệp của họ cũng như trong sự theo đuổi tự do sự hoàn thiện trí tuệ, đạo đức, và tinh thần.

"Vì thế, chúng ta khẳng định niềm tin của mình vào giá trị tuyệt đối của con người-nhân phẩm của họ có trước xã hội và số phận của họ lớn hơn thời gian.

(Vỗ tay)

 

"Chúng ta khẳng định mục đích chính đáng duy nhất của nhà nước là bảo vệ quyền tồn tại, quyền phát triễn tự do cuộc sống trí tuệ, đạo đức và tinh thần căn bản của con người.

"Chúng ta khẳng định dân chủ không phải là hạnh phúc vật chất cũng không phải là quyền lực tối cao của thành viên. Dân chủ về cơ bản là một nỗ lực trường tồn nhằm tìm ra những phương tiện chính trị đúng để đảm bào cho tất cả mọi công dân quyền phát triễn tự do và quyền sáng kiến, trách nhiệm, và cuộc sống tinh thần cao nhất".

(Vỗ tay)

 

Chủ đề phát triển

 

Chúng tôi tin chắc rằng với những nguyên tắc chỉ đạo này như là chủ đề trọng tâm cho sự phát triển các thể chế chính trị của mình, Việt Nam sẽ có thể tạo ra chế độ chính trị và kinh tế mà không phải là một hệ thống đóng kín nhưng là hệ thống mở, càng ngày càng mở rộng cho đến khi nào hệ thống đạt đến các phương diện tự do của con người.

 

Việt Nam Cộng Hòa, nền cộng hòa non trẻ nhất ở Châu Á, chẳng bao lâu nữa sẽ tròn hai tuổi. Nền cộng hòa của chúng tôi sinh ra từ trong vô vàn đau khổ. Nền cộng hòa ấy đang can đảm đương đầu với cuộc cạnh tranh kinh tế với những người cộng sản, cho dù hoàn cảnh khó khăn và nghiêm trọng, mà mỗi ngày lại càng trở nên phức tạp hơn.

 

Việt Nam, tuy nhiên, có lý do chính đáng để tin tưởng và hy vọng. Nhân dân Việt Nam thông minh, tháo vát và can đảm. Họ cũng có thêm được sức mạnh nhờ sự giúp đỡ vật chất và tinh thần họ nhận được từ thế giới tự do, đặc biệt sự giúp đỡ từ nhân dân Mỹ.

 

Trong hoàn cảnh căng thẳng quốc tế và áp lực cộng sản ở Đông Nam Á ngày càng gia tăng tôi không thể nào lập lại biết bao nhiêu lần cho đủ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam trước sự giúp đỡ của Mỹ và nhân dân Việt Nam ý thức rất cao về tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc, và số lượng của sự giúp đỡ này.

 

Quả thực, chưa bao giờ lúc nào trong lịch sử những cuộc xung đột phát sinh giữa các dân tộc lại quan hệ cấp bách như thế đến nền văn minh như những cuộc xung đột ngày nay.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52468470851_afe6c56ba2.jpg

Thủ tướng Ngô Đình Diệm tiếp phái đoàn cố vấn Mỹ năm 1955

 

Sự đóng góp kịp thời của Hoa Kỳ 

 

Chính qua những đóng góp kịp thời và đầy đủ cho sự kiến thiết cuộc sống kinh tế và kỹ thuật của chúng tôi-nhờ đấy tạo ra mức sống cao hơn-thế giới tự do, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, đang khẳng định sự thành công của hệ thống hợp tác quốc tế mới.

 

Hành động này đã góp phần bảo vệ Đông Nam Á và ngăn cản những nguyên liệu trong vùng này không rơi vào tay Cộng sản.

 

Mặc dù nền kinh tế chúng tôi bị thiệt hại nặng nề do chiến tranh, tàn phá, và chủ nghĩa thực dân, nhưng bây giờ nhân dân Việt Nam đang tăng gia đóng góp vào quốc gia mình. Cách đây vài tháng Quốc hội Lập hiến đã bỏ phiếu thông qua nhiều thuế mới và cao hơn nhằm mang lại thu nhập cần thiết cho ngân sách quốc gia. Mới đây sắc lịnh quân dịch quốc gia đã được ban hành và cách đây hai tháng chúng tôi đã đưa ra bản tuyên bố toàn diện về chính sách nhằm mục đích khích lệ đầu tư tư nhân từ nước ngoài.

 

Chính trên bình diện đạo đức cao cả này chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ rộng rãi và quên mình mà chúng tôi đã nhận được từ nhân dân Hoa Kỳ. Chính trên cũng bình diện này quyền lợi của Việt Nam hoàn toàn giống với quyền lợi của nhân dân thế giới tự do.

(Vỗ tay)

 

Chính trên bình diện này cuộc chiến đấu của các bạn và cuộc chiến đấu của chúng tôi đều chỉ là một và giống nhau. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản.

(Vỗ tay)

 

Chính trong niềm xác tín này và chính trong sự ghi nhớ sâu sắc và không bao giờ phai nhạt trong lòng về việc nhân dân và chính phủ Hoa Kỳ đã theo dõi những nỗ lực của chúng tôi với tất cả sự thấu hiểu cảm thông chí tình tôi xin kết thúc, và lần nữa tôi cảm ơn Tổng thống, Chủ tịch Hạ Viện và quý vị trong Quốc hội về vinh dự đã dành cho tôi và cảm ơn quý vị đã ân cần lắng nghe.

(Mọi người đứng lên vỗ tay)

 

Ngô Đình Diệm

 

Nguyên tác : "The Text of President Diem's Address to Congress ; People No Longer Resigned" ; New York Times, 10/5/1957

Trần Quốc Việt dịch

 

Tham khảo :

1. Tạp chí New York Times, ngày 10 tháng 5, 1957. Tựa đề do New York Times đặt

2. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ- HeinOnline -103 Congressional Record 6699 1957 & 103 Congressional Record 6700 1957

 

                                   **********************

 

 

Những lời phát biểu của Tổng thống Ngô Đình Diệm 

Trần Quốc Việt sưu tầm

 

Nhân dịp năm mươi chín năm ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu bị sát hại trong cuộc đảo chính đẫm máu vào ngày 2/11/1963, chúng tôi sưu tầm và trích dịch một số lời phát biểu sau của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52468934265_0bfa0202c8.jpg

Gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm - Ảnh minh họa

 

Phát biểu tại National Press Club ở Washington, Hoa Kỳ với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thích chủ nghĩa trung lập, tức phong trào không liên kết, Tổng thống Ngô Đình Diệm nói :

"Vì cộng sản không trung lập, chúng ta không thể trung lập".

New York Times, ngày 11/5/1957

 

 

Tổng thống Ngô Đình Diệm phát biểu nhân dịp kỷ niệm 7 năm ngày cầm quyền tại Sài Gòn :

"Liệu ta có thể vẫn còn trung lập khi đối diện với sự quyết tâm hủy diệt có hệ thống này ? Ta phải cương quyết bác bỏ và chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản cuồng tín hiếu chiến, kẻ thù của nhân loại, thay vì để cho mình bị tê liệt bởi sự tuyên truyền dối trá của cộng sản".

New York Times, ngày 8/7/1961

 

Tổng thống Ngô Đình Diệm :

"Mục đích duy nhất của tôi là nước Việt Nam độc lập thật sự".

New York Times, ngày 12/5/1957

 

Tổng thống Ngô Đình Diệm phát biểu tại Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Viễn Đông-Hoa Kỳ ở Detroit về chương trình cải cách ruộng đất qua đó ruộng đất được cấp cho những nông dân không có ruộng :

"Qua chương trình này, chúng tôi đáp lại những lời tuyên bố dối trá của cộng sản về cải cách ruộng đất. Chúng tôi cấp ruộng đất cho nông dân và chúng tôi thực hiện được điều này mà không cần đến những cách thức cưỡng chế và tịch thu vô nhân đạo".

Harrison E. Salisbury, New York Times, ngày 15/5/1957

 

Tổng thống Ngô Đình Diệm phát biểu tại Sài Gòn vào ngày 29/3/1957 nhân dịp đón tiếp các đoàn đại biểu tham dự Đại hội lần thứ ba của Liên Minh Các Nhân Dân Chống Cộng Châu Á :

"Đối diện với nỗ lực phá hoại của cộng sản, chúng ta phải tuyên bố rằng những quy luật chi phối sự tiến bộ của nhân loại không chỉ mang tính chất kinh tế, rằng sự tiến bộ như thế cũng và trên hết được chi phối bởi những quy luật về đạo đức.

Chúng ta hãy dùng tình thương để chống lại sự căm thù mà cộng sản rao giảng. Lịch sử dạy chúng ta rằng sớm hay muộn cuối cùng chính sẽ thắng tà, sự thật sẽ thắng dối trá, tình thương sẽ thắng hận thù".

Wilson Center Digital Archive

 

Tổng thống Ngô Đình Diệm phát biểu nhân dịp khánh thành Đập Đồng Cam ở Tuy Hòa vào ngày 17/9/1955 :

"Chúng ta hiện nay đang tiếp tục cuộc chiến đấu lớn lao để hoàn thiện nền độc lập của quốc gia chúng ta và để đảm bảo tự do của nhân dân chúng ta. Cuộc đời của chúng ta, tự do của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta và cuộc đời, tự do, và hạnh phúc của con cháu chúng ta đều phụ thuộc vào cuộc chiến đấu này. Nếu Việt Minh thắng trong cuộc đấu tranh này, quốc gia thân yêu của chúng ta sẽ biến mất và nước chúng ta sẽ chỉ được đề cập đến như là một tỉnh phía nam của Trung Cộng. Hơn nữa nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi sống dưới ách độc tài do Mạc Tư Khoa tạo ra và sẽ bị tước mất tôn giáo, tổ quốc và gia đình".

Major Policy Speeches by President Ngo Dinh Diem, Vietnam Center and Archive.

 

                                      

Phụ lục :

 

1. Cộng sản vui mừng trước cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm

"Nhà báo Úc Wilfred Burchett kể rằng những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam chào đón cuộc đảo chánh như "món quà". "Người Mỹ đã làm chuyện mà chúng tôi đã không thể nào làm được trong chín năm trời, đó là loại bỏ Diệm".

Mark Moyar, JFK and the Seeds of Disaster in Vietnam, The Wall Street Journal, 11/01/ 2013

 

2. Lời cảm ơn của Đạt Lai Lạt Ma về sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với sáu chục ngàn người Tây Tạng vượt núi Himalaya sang tị nạn ở Ấn Độ vào năm 1959 sau khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng

 

"Các tổ chức cứu trợ thiện nguyện ở nhiều nước đã giúp đỡ tiền bạc, hay thực phẩm, áo quần, hay thuốc men. Chính phủ các nước Anh, Mỹ, Úc, và Tân Tây Lan đã gởi quà để giúp chúng tôi giáo dục trẻ em, và chính phủ Nam Việt Nam đã gởi cho chúng tôi gạo. Chúng tôi rất cảm ơn tất cả những tấm lòng nhân ái này".

 

"My Land and My People", Memoirs of the Dalai Lama of Tibet, Potala Corporation, New York 1962, trang 225.

Ngô Đình Diệm

 

 

Trần Quốc Việt sưu tầm và dịch

 

                                            ***********************

 

 

Không có thử nghiệm - Chỉ có sống hay chết

Charles W. Wiley, Ngô Đình Diệm, Trần Quốc Việt dịch

 

Lời người dịch : Ngày 19/6/1962 ông Charles W. Wiley, đại diện tạp chí Mỹ National Review, đã có cuộc phỏng vấn riêng với Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm trong ba giờ. Vì lý do nào đấy bài phỏng vấn này không được phép đăng báo. Sau khi Tổng thống bị sát hại cùng với bào đệ Ngô Đình Nhu vào ngày 2/11/1963, tạp chí National Review quyết định đăng lại trích đoạn sau của cuộc phỏng vấn. (TQV)

 

https://live.staticflickr.com/65535/52469018688_122392d68f_m.jpg

Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm bị ám sát ngày 1/11/1963

 

Wiley : Thưa Tổng thống Diệm, ông có thể ngăn chặn cộng sản ở Việt Nam ?

Ngô Đình Diệm : Chúng tôi có thể làm được và sẽ làm được. Cuộc đấu tranh tuy lâu dài và gian khổ, nhưng thời kỳ nguy hiểm nhất đã qua. Về mức độ nào đấy, vấn đề của chúng tôi ở đây chỉ là một phần của bức tranh rộng lớn hơn. Cộng sản-kẻ thù chung của chúng ta-suy nghĩ theo chiến lược toàn cầu. Và điều này cũng hợp lý. Thế giới Tự do mất hết nước này đến nước khác do quyền lợi xung đột và do không nhận ra cuộc đấu tranh toàn cục này. Khi cộng sản chiếm Cuba, tình hình của chúng tôi ở đây càng trở nên khó khăn hơn. Nếu họ xâm chiếm một nước ở Đông Nam Á thì Berlin lại yếu hơn.

 

Wiley : Cho phép tôi nói thật : đã có nhiều tố cáo cho rằng cộng sản có lợi từ những khuyết điểm trong chính quyền ông-tố cáo có hối lộ...

Ngô Đình Diệm : Ông Wiley, đúng là có những vụ hối lộ trong chính quyền. Nhưng những người này đã bị trừng phạt. Và còn bị trừng phạt nặng hơn ở các nước khác ở Châu Á. Chúng tôi phạm sai lầm-chúng tôi là con người. Nhưng những người hay chỉ trích chúng tôi không những chỉ ra những sai lầm nhỏ nhặt nhất của chúng tôi, mà họ còn bịa đặt ra những sai lầm khác. Tôi bị lăng nhục với tư cách cá nhân và nguyên thủ quốc gia ; người thân trong gia đình tôi bị bêu xấu. Còn cộng sản lại cố tìm kiếm từng mẩu bình luận bất lợi của người Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên một đồng minh của các ông bị đối xử như thế này. Khi số phận của Trung Hoa lục địa lâm nguy, những câu chuyện giống như vậy về Tổng thống Tưởng Giới Thạch được truyền nhau trong thành phần nào đó của báo chí. Đôi khi tưởng đâu Hoa Kỳ có mặc cảm tự tử.

Những nhà báo các ông là "những người tiến bộ" và họ dùng chiêu trò là họ chỉ trích vì chính quyền chống cộng không đủ hiệu quả. Cách dễ dàng đo lường hiệu quả của chính quyền : cộng sản có tấn công chính quyền không ? Và họ càng tấn công thì chính quyền càng hiệu quả.

 

Wiley : Ông dùng từ " những người tiến bộ" hàm nghĩa gì ?

Ngô Đình Diệm : "Những người tiến bộ" kết án tư bản coi trọng vật chất, nhưng không nhận ra chủ nghĩa duy vật của cộng sản. Họ làm bộ không biết bản chất vô thần của cộng sản, mà thích coi cộng sản trong thế kỷ hai mươi giống như công giáo vào thế kỷ thứ nhất. Những người này không muốn sống dưới chế độ cộng sản-nhưng họ mơ tưởng về cộng sản từ xa.

Một loại người tiến bộ khác là người giàu mang mặc cảm tội lỗi do thừa kế. Họ sẽ làm hay hơn bằng cách cho tiền người nghèo, nhưng thích sống bình an và tiện nghi trong khi sám hối tội lỗi của mình bằng cách thân cộng.

 

Wiley : Thưa Tổng thống, những người chỉ trích ông nói cộng sản có thể tổ chức quân đội du kích đông đảo ở đây tại Việt Nam, vì nhân dân đã không còn ủng hộ ông.

Ngô Đình Diệm : Điều này không đúng. Cộng sản kiểm soát phần lớn quốc gia khi người Nhật ra đi vào năm 1945, và rồi họ xây dựng sức mạnh trong chín năm tới trong khi người Pháp chỉ kiểm soát những trung tâm và quốc lộ chính. Người dân phải hợp tác với cộng sản, và cộng sản tuyển mộ lính từ dân chúng địa phương ở cả bắc lẫn nam. Những cán bộ này không bao giờ rút lui, và sẵn sàng chiến đấu khi nhận lệnh. Chính quyền tôi gánh vác quốc gia mà đã hoàn toàn bị cộng sản sắp đặt sẵn các tổ chức-với quân đội bên trong biên giới của chúng tôi. Đây là di sản của tôi. Nhân dân rốt cuộc ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa vì những tiến bộ và sự tôn trọng cá nhân. Cộng sản mất chứ không đạt được sức mạnh, cho nên chính vì sự thành công của chúng tôi mà họ đã bắt đầu mở ra cuộc chiến tranh tổng lực vào tháng Hai 1960.

 

Wiley Ông dường như rất giận những người chỉ trích ông. Ông có nghĩ tất cả họ đều là cộng sản hay thân cộng ?

Ngô Đình Diệm : Không, không. Kẻ thù rất quỷ quyệt. Khi họ muốn thực hiện chính sách, họ mượn tay những người ở Thế giới Tự do đẩy mạnh nó.

 

Wiley : Còn những lời góp ý từ những người không cộng sản về cách cải thiện tình hình ở đây thì sao ? Họ tố cáo ông bỏ qua nhiều góp ý hay.

Ngô Đình Diệm : Ở Hoa Kỳ nhiều người nói về những vấn đề ở ngoại quốc mà không có sự hiểu biết đúng đắn để hiểu chúng. Nước ông rất giàu và có rất nhiều người tài được đào tạo rất tốt. Các ông có thể tiến hành những thử nghiệm táo bạo-và nếu chúng thất bại thì thay thế những người đứng đầu và sửa những thiệt hại. Những nước nhỏ không có những người thay thế cũng như không có ngân quỹ dự trữ. Các ông không thể đưa những phương pháp Mỹ vào Việt Nam là nước vừa kém phát triển lại vừa phải đối diện với nguy cơ trước mắt. Ở đây không có thử nghiệm-chỉ có sống hay chết. Một sai lầm lớn là tất cả mọi thứ đều không còn.

 

Charles W. Wiley

 

Nguyên tác : "Diem from the Grave"National Review, 19/11/1963, trang 426. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

 

 

                                        ***********************

 

Ngọc nát còn hơn ngói lành

Thomas A. Lane, Trần Quốc Việt dịch 

 

Tướng Tôn Thất Đính mở cuộc tấn công vào Dinh Gia Long vào ngày 1 tháng 11, 1963. Tổng thống Diệm gọi Đại sứ Lodge để hỏi chính sách Hoa Kỳ về cuộc phản loạn này. Lodge đáp, "Tôi muốn đưa ông rời khỏi nước an toàn".

 

https://live.staticflickr.com/65535/52468470926_c0ab1f4ce0.jpg

Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu

 

Lực lượng tấn công hẹn cho Tổng thống đến 8 giờ sáng mai phải đầu hàng. Trong đêm ấy ông Diệm và ông Nhu thoát ra khỏi dinh đến nhà một người bạn ở Chợ Lớn. Họ nhận được nhiều đề nghị tỵ nạn từ nhiều đại sứ sẵn sàng giúp đỡ, nhưng anh em nhà họ Ngô không phải là hạng người trốn tránh đồng bào mình ở trong tòa đại sứ ngoại quốc.

 

Vào sáng hôm sau họ đến nhà thờ Cha Tam tham dự thánh lễ. Hôm ấy là ngày Lễ Các Đẳng Linh hồn, ngày mà người Công giáo dành ra để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Họ cầu nguyện.

 

Họ báo cho Hội đồng Quân nhân biết nơi họ đang ở. Những chiếc xe quân đội đến đưa họ về bộ Tổng tham mưu. Họ bị còng tay và bị đẩy lên xe. Trên đường đến bộ Tổng tham mưu, họ bị Đại úy Nguyễn Văn Nhung hạ sát. Nhung là sĩ quan tùy viên của Tướng Dương Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Quân nhân – mà mới vào ngày hôm trước đó thôi còn là cố vấn quân sự cho Tổng thống Diệm.

 

Tướng Minh khôn hay hèn ? Phải chăng ông không có can đảm đối diện với người mà đã ban vinh dự cho ông nhưng cũng là người mà ông đã phản bội. Hay ông biết rằng chừng nào ông Diệm còn sống thì nhân dân sẽ không chấp nhận bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác. Tướng Minh về sau nói với Marguerite Higgins : "Diệm không thể nào được phép sống vì những người chất phác, cả tin ở vùng quê, đặc biệt người Công giáo và người tỵ nạn hết sức kính mến ông ta".

 

Trần Văn Hương, cựu Đô trưởng Sài Gòn và Thủ tướng (1964-1965) nói về cuộc đảo chánh :

"Những kẻ sợ hãi nhất chính là những tướng lãnh cao nhất quyết định giết Tổng thống Diệm và bào đệ ông. Những tướng lãnh này biết rất rõ rằng họ không có tài, cũng chẳng có đức, chẳng có sự ủng hộ nào cả của dân chúng, cho nên họ không thể nào ngăn cản nổi sự trở lại ngoạn mục của Tổng thống và ông Nhu nếu như hai người còn sống".

 

Bi kịch sâu sắc của sự phản bội này được thể hiện rất rõ ang qua tư cách của những người tham dự. Về những phẩm chất căn bản của con người như tài năng, đạo đức, chính trực và sáng suốt thì Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu cao hơn rất nhiều những người đề ra chính sách của chính quyền Kennedy mà đã tiêu diệt họ. Chính sách Mỹ phản ánh không những sự yếu kém về đạo đức và thiếu nhất quán mà còn những nhận thức hoàn toàn sai lầm về những vấn đề sinh tử. Đây là bi kịch lâu đời về quyền lực giết chết đức độ.

 

Ngô Đình Diệm là một trong những người đích thực vĩ đại của Thế kỷ Hai mươi. Về sự sáng suốt, về cốt cách đạo đức, về thành tựu lớn lao vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể nào vượt qua được, về tài năng lãnh đạo và lòng yêu nước của ông thì hết thảy đều thuộc tầng cao nhất. So ra, tài năng của những người Mỹ đề ra chính sách của cả hai ngành Hành pháp và Lập pháp của chính quyền Mỹ là tầm thường.

 

Khi ông nhậm chức thủ tướng vào năm 1954, Ngô Đình Diệm nói với nhân dân ông : "Tôi tiến hãy theo tôi ! Tôi lui hãy giết tôi ! Tôi chết hãy trả thù cho tôi !"

 

Luật tạo hóa bất di bất dịch đã trả thù cho cái chết của ông qua một phần tư triệu thanh niên Mỹ thương vong trong độ tuổi thanh xuân. Có cái giá cho sự nhân nhượng. Nhân dân Mỹ đang trả giá cho tư cách và tài năng của giới lãnh đạo họ đã bầu lên.

 

Thomas A. Lane (cựu thiếu tướng Mỹ)

 

Nguyên tác : "America on Trial : The War for Vietnam", nhà xuất bản Arlington House, New Rochelle, New York, 1971, trang 139-141.Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

 

                                          ************************

 

Gian hùng gặp anh hùng

Time, Trần Quốc Việt dịch 

 

Trong suốt Đệ Nhị Thế Chiến và theo sau hậu quả của cuộc chiến, người Nhật, người Pháp và phe cộng sản của Hồ Chí Minh tất cả đều đánh lẫn nhau vì Đông Dương ; tất cả đều muốn đạt được sự ủng hộ của Diệm, người Quốc gia, nhưng ông từ chối tất cả bọn họ vì chẳng ai trong họ ủng hộ "nền độc lập thực sự".

 

https://live.staticflickr.com/65535/52468934200_d61015c8dd.jpg

Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh trên tuần báo Times - Ảnh minh họa

 

Vào năm 1945, quân cộng sản của Hồ đánh vào dòng họ Ngô Đình phe Quốc gia, cộng sản bất ngờ tấn công vào dinh thự của họ ở Huế và đốt cháy toàn bộ bộ sưu tập sách gồm 10.000 cuốn của Diệm. Cộng sản bắt Diệm ; họ giam cầm người anh đáng kính của ông là Ngô Đình Khôi và chôn sống anh ông. Nhưng chỉ bốn tháng sau đó Hồ Chí Minh quyết định ông cần sự ủng hộ của nhiều người quốc gia thuần túy, cho nên đưa Diệm từ trong tù đến gặp ông.

 

Hồ nói với Diệm : "Ông hãy đến ở chung với tôi trong phủ".

Diệm : Ông giết anh tôi. Ông là tội phạm".

Hồ : Tôi chẳng biết gì về anh ông... Ông buồn phiền và tức giận. Ông hãy đến ở với tôi. Chúng ta phải cùng nhau đấu tranh chống Pháp.

Diệm : Tôi không tin ông hiểu tôi là loại người như thế nào. Ông hãy nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi có phải là người sợ hãi không ?

Hồ : Không.

Diệm : Tốt. Vậy tôi đi ngay.

 

Hồ thả ông ra.

Theo Time

 

Nguyên tác : "The Beleaguered Man", Time, số 14, bộ 65, ra ngày 4/4/1955. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

 

Trần Quốc Việt dịch





No comments: