Monday, August 19, 2019

VIỆT NAM TÔI ĐÂU? (Nguyễn Tường Phụng)




Nguyễn Tường Phụng
19/08/2019

Xin mượn chủ đề một ca khúc của nhạc sĩ Việt Khang để nói về tổ quốc tôi. Cách nay ¾ thế kỷ, Cộng sản dùng vũ lực cướp chính quyền từ tay Thủ tướng Trần Trọng Kim, với cái gọi là “Cách mạng tháng 8”. Kể từ thời khắc đó Việt Nam của tôi đi vào một khúc quanh lịch sử tồi tệ nhất của dân tộc.

Cộng sản Việt Nam cai trị đất nước bằng chính quyền có được do chinh phục bằng vũ lực và không có tính chính danh, bởi vì người dân không có quyền chính trị cơ bản nhất là bầu chọn ra những người cai trị mình. Ngay cả thân phận của Hồ, đồ đã mang mầm họa Cộng sản vào đất nước này, cũng không rõ ràng nhưng lại bắt cả 90 triệu dân gọi là “cha già dân tộc”. Tại sao cả dân tộc này phải gọi một ai đó bằng cha?

Hiệp định Genève 1954, những người Việt trên bàn đàm phán thực ra là “ngồi cho có tụ” còn việc quyết định là Nga Sô, là Mỹ, là Tàu… chia đôi đất nước dựa trên quyền lợi của bên thắng cuộc, còn bên thua cuộc Việt Nam tôi đâu, khi sự chia cắt không phải là nguyện vọng của dân tộc?

Việt cộng cai trị miền bắc với chế độ Cộng sản man rợ, xua hàng triệu thanh niên đội nón cối, mặc quân phục của Tàu, mang AK của Nga đi “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” để “giải phóng miền nam” mà Lê Duẩn đã từng nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Quốc”. Vậy Việt Nam tôi đâu?

Miền Nam dưới thời Đệ nhất Cộng hòa đã xây dựng một xã hội dân chủ phồn thịnh, chỉ trong vòng có mấy năm, vừa phải đối mặt với chiến thuật đánh lén bỉ ổi của người anh em (Việt cộng gọi là đánh du kích). Và Tổng thống Ngô Đình Diệm vì quá đề cao tính dân tộc khi hỏi Việt Nam tôi đâu với người Mỹ, thì đã nhận cái kết cục là biến cố 1/11/1963.

Tháng 2/1972, Tổng thống Nixon bắt tay Mao, thì coi như đã giao miền nam cho cộng sản.

Quả thật, năm 1974 Tàu cộng chiếm Hoàng sa trong khi hạm đội 7 của Mỹ nằm cách đó không xa. Cờ máu 5 sao tung bay giữa biển Đông trong tiếng reo mừng của ngôi sao thứ sáu cũng đang ào ào trên những chiếc xe tăng do Liên xô chế tạo, xuôi về nam ở phía tây Trường sơn… Việt Nam tôi đâu?

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chơi tiếp ván bài của người Mỹ mặc dù ông biết chắc sẽ thua… Và thời khắc đó đã đến, Tháng Tư Đen năm 1975, người Việt ngơ ngác chạy nạn cộng sản về khắp mọi ngã. Họ chạy lên hướng bắc đến Hongkong, Đài loan, Nam Hàn… là các trại tỵ nạn hay trong những nhà chứa, làm nô tỳ trong những nhà chồng. Họ chạy về hướng tây làm công “chui” cho Lào, Miên. Họ chạy về hướng nam trong các trại giam của Malaysia, Philippines… Họ chạy về hướng biển Đông ngửa mặt nhìn trời: Việt Nam tôi đâu? Họ chạy xuyên thế kỷ, xuyên qua nỗi sợ hãi… và chưa biết đến bao giờ mới dừng lại.

Năm 1979, Việt cộng tấn công Cộng sản Cambodia ở phía Tây Nam, Tàu cộng đánh Việt cộng ở phía bắc và máu người Việt lại tiếp tục đổ xuống trong hơn 10 năm nữa. Có vẻ lần này “ta đánh Miên, đánh Tàu là đánh cho Liên xô vì sự nghiệp quốc tế cộng sản”, nên khi Liên xô trên bờ vực tan rã, Tàu cộng chiếm Trường sa năm 1988, 64 người Việt ngã xuống, xác không trôi về dãi đất hình chữ S vì không biết Việt Nam tôi đâu.

Khi Liên xô đang trên đà sụp đổ, bỏ rơi lá bài Việt Nam cho Tàu cộng, đó cũng là lúc Việt cộng quy hàng, sát nhập đảng cướp Việt Nam vào đảng cướp Tàu bằng mật ước Thành đô. Kể từ đó vòng kim cô “16 chữ vàng và 4 tốt” đã là phương châm hành xử của Việt cộng, mọi hoạt động của Việt cộng đều phải xin chỉ thị của Tàu. Có những tên chóp bu nằm trong “Bộ Chính trị” là do Tàu sắp xếp, chúng làm việc theo ý chỉ của Tàu. Như vậy với 19 tên tướng cướp này tổ quốc của chúng ở đâu? Việt Nam ư! Dân tộc của chúng là những ai? Việt Nam ư!

Những ngày này, trong khi hàng chục chiến hạm của Tàu đang giày xéo trên bãi Tư Chính, thì Việt cộng đã làm gì? Nói gì? Hay dùng những tàu ngầm, tàu chiến mua bằng xương máu của dân ra để xịt nước chơi với đồng bọn Tàu của chúng… Việt Nam tôi đâu? Phải chăng chỉ là tên gọi của một cái gì thiêng liêng nhất đã mai một theo thời gian kể từ khi hình ảnh búa liềm nhuộm máu trên dãi đất này?

Tôi là người Việt lưu vong, nhưng dân tộc tôi đã mất nước đúng ¾ thế kỷ rồi!






No comments: