Monday, August 19, 2019

HƯƠNG CẢNG, CHIẾT KÍCH TRẦM SA (Trọng Khang)





 “Chúng tôi muốn sống đúng với lương tri và phẩm chất của mình” là một câu nói không gây được ấn tượng mạnh. Thậm chí trong vài khung cảnh, câu nói ấy nghe có vẻ đại ngôn. Ai sống ở nước Việt này từ tấm bé đã hô những khẩu hiệu nghe còn mạnh hơn, một vài biến thể của nó kiểu như “khiêm tốn – thật thà – dũng cảm” hay “tôi muốn làm người lương thiện” hay “phẩm chất trong sạch”… và thường nói những câu mòn sáo như vậy trong một tư thế ưỡn ngực, thậm chí là tung nắm đấm hướng lên trên như muốn đấm vỡ mặt ông trời.

“Chúng tôi muốn sống đúng với lương tri và phẩm chất của mình”, cái câu nói bình thường ấy ít khi nào được thốt ra khi vây quanh bởi cảnh sát với dùi cui và súng bắn đạn cao su, với những người mặc thường phục đóng vai “quần chúng bức xúc”, với người công dân bầm dập, tả tơi vì bị đánh, bị chà đạp.

“Chúng tôi muốn sống đúng với lương tri và phẩm chất của mình” Hoàng Chí Phong đã nói như thế, khi anh đối diện với tù tội, sự hành hung hay tồi tệ hơn là mưu sát.

Chúng tôi muốn sống đúng với lương tri và phẩm chất của mình”, nhiều người Hương Cảng đã nói vậy khi những đôi mắt bị xuyên thủng, khi thân xác chỉ còn là những gánh nặng.

Và khi họ nói như thế, nó biến câu nói bình thường kia trở thành một khát vọng thành thực về một xã hội mà tự thân nó có thể đảm bảo không xâm phạm phẩm giá con người. Một xã hội mà ở đó, những người nhỏ tiếng, một lời thì thầm cũng được lắng nghe, trong cái cộng đồng Trung Hoa to lớn nhưng “không có cảm giác an toàn, nên âm vực của người Trung Quốc rất cao, họ cảm thấy nói lớn thì cái lý cũng lớn, chỉ cần tiếng to, giọng khỏe, cái lý nó cũng chạy sang phía mình” như Bách Dương lý giải vì sao người Trung Quốc nói to, trong “Người Trung Quốc xấu xí”.

Khi đặt bút viết tác phẩm đó, không biết Bách Dương đã chọn cho mình tâm thế gì? Một người Trung Quốc sinh ở Khai Phong, tỉnh Hồ Nam hay một công dân Đài Loan từ năm 1949?

1949. Hãy ghi nhớ mốc này. Bởi từ đây với sự góp mặt của Đài Loan có “tam quốc” Trung Hoa cùng nhau tồn tại: Đại Lục, Đài Loan và Hương Cảng, như một thế chân vạc giằng co nhau suốt từ bấy đến giờ mà Đại Lục lúc nào cũng muốn dựng “Đồng Tước đài” để “tỏa nhị Kiều”.

Trong khi cái phần Đại Lục bắt đầu bữa tiệc thịnh soạn của nó, nuốt chửng từng phần để ngày càng phình ra, Tân Cương rồi Tây Tạng, gây xung đột với Nga và Ấn, đánh xuống phương Nam và vượt biển ngấu nghiến từng đảo một. Đại Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa, dùng cái bất ổn đại tạo ra một sự ổn định về thể chế, để nhân dân còn trông mong ở một cứu tinh.

Hương Cảng trở thành trung tâm kinh tế của khu vực, một Châu Âu của chủng da vàng. Cùng với Đài Loan, họ bảo vệ chữ Hán phồn thể mà truyền thuyết bảo rằng do ông bốn mắt Thương Hiệt sáng tạo ra, họ duy trì những phong tục, họ thờ phụng Khổng, Lão lúc hồng vệ binh ở Khúc Phụ đang đổ những giọt mồ hôi cách mạng, cuốc từng nhác đất quật mộ con cháu Khổng Khâu.

Đó là thứ hiện thực Trung Hoa trong bảy mươi năm qua. Bảy mươi năm nhiều lần người ta lại lóe lên trong đầu cái câu hỏi, tại sao Đài Loan không chịu về với Trung Quốc để “thống nhất” và hôm nay nhiều người lại đặt câu hỏi tại sao Hương Cảng chấp nhận tổn thất về nhân lực, kinh tế và cả sự “bình ổn” giả tạo để được một điều rất bình thường và đối với nhiều người là mơ hồ: “Sống đúng với lương tri và phẩm chất của mình”.

Người Hương Cảng hôm nay xuống đường, chịu đối diện với nguy hiểm về tính mạng, mất công ăn việc làm, với sự bấp bênh tài chính không chỉ để đấu tranh cho một Tổ quốc. Họ đấu tranh để bảo vệ ký ức của một dân tộc Trung Hoa từng có thời là một nền văn minh lớn trên thế giới, với triết học, thơ ca, nhạc họa, với những phát minh đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại. Họ đấu tranh không chỉ để “giành” lại một vùng lãnh thổ nhỏ bé mà còn là đấu tranh cho hàng tỷ người Trung Hoa đang ở Đài Loan, Singapore, Mã Lai, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Việt Nam.

Họ đấu tranh để thế giới thấy một Trung Hoa khác, một Trung Hoa của “vô vi” của thiền tông, của Đường thi, của “Hồng Lâu Mộng”. Rằng bên cạnh những “người Trung Hoa xấu lậu” vẫn còn những người Trung Hoa tốt đẹp, những người Trung Hoa trên tuyến đầu của cuộc chiến chống lại một thứ mà thế giới gọi là “côn đồ”. Chính họ tự biến những lãnh thổ nhỏ bé của mình thành những “Trung Nguyên” còn cái phần rộng lớn cách biệt kia mới chính là “man mọi”.

Có một câu chuyện vui thế này. Trong một bài tập tiếng Anh “viết từ hoặc cụm trái nghĩa với những từ cho sẵn”, một học sinh trong ô trái nghĩa với từ “Original” đã điền “Made in China”. Từ “China” từ một nghĩa rộng đã vón lại thành “Đại Lục” thành một cái gì trái tự nhiên, không có căn nguyên, nguồn cội. Một “China” thậm chí không chấp nhận bản chất xấu xí của nó cũng như những phẩm tính ưu việt của nó.

Một “China” không bao giờ cho phép những người có tiếng nói phản biện như Bách Dương được sống trên cương thổ của nó, bốn mươi năm trước nó đuổi ông chạy ra hải đảo, bốn mươi năm sau nó vĩnh viễn cấm tác phẩm của ông được xuất hiện. Bản thân Bách Dương từng bị chính quyền Đài Loan bắt giam, sau đó được thả và thực hiện những buổi nói chuyện về thói xấu của người Trung Quốc, ông mất năm 2008 tại Đài Loan, nghĩa là kể từ khi quyết định di cư sang hải đảo này, bị chính quyền của hải đảo gây khó dễ, thậm chí giam cầm nhưng ông vẫn không từ bỏ nó, vẫn tiếp tục vạch ra những khuyết điểm của dân tộc Trung Hoa để mong hậu thế khắc phục.

Cũng như ông Hoàng Chí Phong cũng bị cầm tù và khi được thả ra anh vẫn ở lại Hương Cảng. Cả hai người, một già một trẻ đều nhận được sự kính trọng bởi người dân bản xứ. Nhà tù có thể tạm thời hạn chế các quyền công dân của họ, nhưng nó không thể cướp đi nhân phẩm của họ, nó không phá hủy bản ngã hay phẩm hạnh của họ. Họ có thể vi phạm luật pháp của chính quyền sở tại, họ chịu hình phạt theo luật pháp ấy, và chính cái luật pháp kia phải đảm bảo tư cách làm người của họ.

Đó là sự khác biệt giữa văn minh và lạc hậu.

Nếu không có những Đài Loan hay Hương Cảng, dễ chừng ta lầm lẫn về tính cách một dân tộc. Có thể gán nó cho nó là những kẻ chuyên làm hàng giả, những tên rợ càn quét các buổi buffet, hủy hoại các danh thắng.

Những người Đài Loan và Hương Cảng hôm nay đang chịu nạn cho dân tộc Trung Hoa để giữ lại cho thế hệ mai sau một mẫu hình người Hoa văn minh có thể chung sống trong một thế giới đại đồng. Thứ văn minh mà người Anh, người Pháp, người Đức, người Tây Ban Nha giương cao ngọn cờ khi họ quyết định xâm chiếm các đất nước ở châu lục khác. Những nước đế quốc châu Âu không chỉ muốn mở rộng phạm vi lãnh thổ vươn ra xa mãi, họ còn muốn mở rộng cái nền văn minh châu Âu mà họ tự hào, trong cái nền văn minh ấy, họ liên tục đề cao sự tự do, độc lập và chính những gì họ làm ở các châu lục khác chính là phép thử cho cái tư tưởng về dân chủ, tự do và độc lập ấy. Sự tan rã của hệ thông thuộc địa chính là phản đề cho thứ “gánh nặng da trắng” mà Kipling đã tôn vinh, rằng rốt cuộc thì văn minh đã chiến thắng vẻ vang, không phải là thứ văn minh bề trên, được ban phát, chịu phụ thuộc.

Tôi từng nghe một người Việt sống nhiều năm ở Đài Loan nói rằng, người Đài Loan giống như người Sài Gòn trước 1975. Tại sao là Sài Gòn trước 1975? Tôi chưa từng sống qua cái thời “trước Bảy Lăm” ấy nhưng cũng như nhiều người miền Nam, tôi quen gọi “nhà thương” trước khi sách giáo khoa dạy tôi gọi nó là “bệnh viện”, hai từ này giống mà cũng khác nhau như hai phần đời vậy. Ngày hôm nay tôi nghe nhiều người lặp đi lặp lại cụm từ “Sài Gòn xưa”, thấy những quán ăn, những tiệm café chiêu niệm cho danh từ ấy. Có gì ở cụm từ “Sài Gòn xưa”? Cứ như câu thần chú khởi đầu một truyện cổ tích “Ngày xửa, ngày xưa, ở một Sài Gòn nọ…”

Sài Gòn biến thành một huyền truyện, một ngụ ngôn về lòng tốt, sự trượng nghĩa. Những thùng trà đá miễn phí, những tiệm cơm chay hai ngàn, những hẻm “ông Tiên”. Hằng ngày trên mạng, người ta chia sẻ nhau những mẩu chuyện về lòng tốt của người Sài Gòn, sự bao dung của mảnh đất này. Trên từng quán xá, những tác phẩm nghệ thuật, trên từng bộ áo dài, đến chiếc xe máy, người ta đang muốn mình gắn vào một giá trị và cố biến hôm nay thành thời đại của tình người giữa một xã hội mỗi ngày lại nghe thêm một tin xấu, bạo hành, ấu dâm, trộm cướp, giết người. Và hình như trong vô thức, từ những bình trà đá miễn phí tự phát, chúng ta đang muốn truyền lại cho thế hệ sau, phẩm giá của chúng ta là “thế này” chứ không phải “thế kia”, để nếu không được tự do và bình đẳng, thì ít nhất vẫn còn bác ái.

Phải, không có tự do, bình đẳng thì ít nhất vẫn còn bác ái, thứ tình bác ái khiến người Việt Nam hôm nay thấy mình gần gũi với những người Hương Cảng, bỗng nhận ra thứ tiếng Quảng Đông những dì sẫm rôm rả với nhau khi mình đi qua khu Chợ Lớn, chợt nhìn vào đôi mắt của cô chủ tuần nào cũng bán hủ tiếu sa tế cho mình, nó có giống đôi mắt của những người Trung Hoa đầu tiên đặt chân lên xứ sở này, những đôi mắt có phần hoang mang của những kẻ chịu nạn, giống như người Hương Cảng ngày nay chịu nạn trên đất liền và chúng ta là những kẻ chịu nạn trên biển, cùng nhau gánh vác chung một mối hiểm họa suốt trăm năm nay, như những người nông nô Nga một trăm năm trước, tháng 10 năm 1917, ưỡn ngực bước ra khỏi thái ấp của các địa chủ Sa Hoàng để cuối đầu đi vào các hợp tác xã của nhà nước Xô Viết.

Ba mươi năm sau, tháng 10 năm 1949, người nông dân Trung Hoa trong khi giơ hai tay lên trời chào mừng nền cộng hòa thì chân quỳ xuống đất vái lạy vị tân hoàng đế, cái dáng quỳ gợi nhắc ta đến Dostoyevsky: “Không phải tôi quỳ trước cô, mà tôi quỳ trước nỗi thống khổ của loài người”.

Cũng như thế, người Hương Cảng hôm nay chịu đóng đinh câu rút để gánh lấy nạn kiếp, để cho chúng ta thấy một thực tại khác của Hương Cảng, cái thực tại mà trên bộ phim TVB chiếu ban chiều chúng ta không thấy, cái thực tại mà suốt mấy mươi năm qua chỉ trình hiện trước mắt ta qua những bộ phim TVB với dáng vẻ hiện đại, những cây ATM, tàu điện ngầm, điện thoại di động, đối với một đứa trẻ quê nhìn vào, đó là thực tại của tương lai, một tương lai mà ngày hôm nay đang bị đe dọa bởi bạo lực, bởi những hành động tội ác. Nhưng cũng trở lại với Dostoyevsky, tội ác nào sinh ra thì đến ngày cũng phải đối diện với những hình phạt.

Hồng Kông biểu tình







No comments: