Friday, August 16, 2019

TRUNG QUỐC GIẢM XẢ NƯỚC, SÔNG MEKONG TĂNG NGUY CƠ CẠN KIỆT (Người Việt Online)





Người Việt Online
August 16, 2019

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Văn Phòng Thường Trực Ủy Ban Sông Mê Kông Việt Nam cảnh báo sông Mê Kông đang “diễn biến xấu” khiến vùng hạ lưu Đồng Bằng Sông Cửu Long đối mặt với một mùa khô khắc nghiệt, xâm nhập mặn tăng, mùa lũ thấp hay thậm chí không có lũ.

Báo Thanh Niên ngày 16 Tháng Tám, 2019, dẫn tin từ Văn Phòng Thường Trực Ủy Ban Sông Mê Kông Việt Nam cho biết theo số liệu từ mạng lưới quan trắc thủy văn của Ủy Hội Sông Mê Kông Quốc Tế, Lào, Thái Lan cho thấy mực nước ở tất cả các trạm quan trắc trên dòng chính sông Mê Kông đều sụt giảm mạnh, nhất là từ giữa Tháng Sáu vừa qua.

Cụ thể, hồi Tháng Bảy, 2019, tại Chiềng Sẻn (Thái Lan), mực nước sụt giảm 2.89 mét và dòng chảy trung bình chỉ còn 70% so với nhiều năm cùng thời kỳ. Trong khi đó, tại Vientiane (Lào), mực nước và dòng chảy trung bình sụt giảm tương ứng là 4.47 mét và 75% so với dòng chảy nhiều năm cùng thời kỳ.

Riêng Việt Nam, tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc, được ví là cửa ngõ của Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi sông Mê Kông chảy vào, mực nước ở hai trạm này thường xuyên thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm từ 0.8 đến 2.3 mét.

Tương tự, dòng chảy ở Tân Châu và Châu Đốc cũng thấp hơn dòng chảy trung bình nhiều năm tới 14,000 khối/s, giảm tới 75% so với nhiều năm cùng thời kỳ Tháng Bảy tại hai trạm này.

“Sự chia cắt dòng chảy sông Mê Kông, nhất là các nước ở vùng thượng nguồn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trữ lượng nước mặt và lưu lượng dòng chảy sông đi vào vùng hạ lưu ở  Việt Nam. Điều này làm giảm hiện tượng lũ lụt vốn từng là tính chất của sông Cửu Long, làm tăng nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường và làm giảm khả năng tự làm sạch tự nhiên của nguồn nước. Do đó sẽ gia tăng áp lực cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt, gia tăng ô nhiễm, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động phát triển kinh tế, xã hội,” ông Đặng Ngọc Giao, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Hậu Giang, nhận xét.

Báo Một Thế Giới cùng ngày cho hay, khi con nước năm nay không tràn đồng, các ghe xuồng đánh bắt thủy sản đổ về các nhánh sông Tiền, sông Hậu thưa thớt hơn mọi năm. Nhiều người dân phải treo lưới, lờ, lợp, đăng, dớn… tìm kế sinh nhai khác. Một số bỏ lên Sài Gòn, Bình Dương….xin làm công nhân.

Nhiều dòng sông ở Miền Tây thiếu nước khiến cuộc sống hiện tại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. (Hình: Một Thế Giới)

Anh Võ Thiện Tính (ở huyện An Phú, tỉnh An Giang) ngồi nhìn con nước, nói với báo Một Thế Giới: “Gần hết Tháng Bảy âm lịch là nước nhảy khỏi bờ. Thằng em tôi trên Bình Dương điện thoại về hỏi, nước ở đây ngập chưa để nó xin nghỉ ở công ty về giúp. Tôi nói ‘không cần’ bởi năm nay miền Tây của mình không còn nước nổi, cá đồng không tràn về. Việc kiếm vài ký cá, tôm hằng ngày là mừng, nhưng rất khó trong hoàn cảnh con nước như hiện giờ, mùa lũ cạn, không hiểu sao giờ này không thấy cá linh, quá khó cho cuộc sống của người dân chúng tôi.”

“Nhớ Tháng Sáu những năm về trước, thu hoạch xong, chúng tôi không làm lúa vụ ba mà chuẩn bị cho xả nước ngập đồng. Năm nay, cánh đồng của chúng tôi khô cạn, cỏ dại mọc dày, chưa bao giờ tôi thấy con nước ‘mất tích’ như vậy. Mùa lũ cạn khi gặp cơ hội, phèn lại xì nhiều,” ông Dương Văn Sáu (ngụ huyện Tịnh Biên), cho biết thêm.

Theo báo Thanh Niên, tình trạng sụt giảm mạnh mực nước và dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông diễn ra ở phạm vi toàn lưu vực, kể cả ở Vân Nam (Trung Quốc). Sông Mê Kông “sẽ còn diễn biến theo chiều hướng xấu trong thời gian tới.”

Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra là do lưu vực có ít mưa, việc vận hành các hồ thủy điện, nhu cầu sử dụng nước tăng lên. Đặc biệt hồi đầu Tháng Bảy, 2019, phía Trung Quốc thông báo cho các quốc gia vùng hạ du sông Mê Kông sẽ giảm lưu lượng xả nước tới 50% lượng nước xả trung bình so với nhiều năm để “bảo dưỡng công trình Đập Cảnh Hồng.”

Trong khi đó, tại Lào hiện đã có hai công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông bắt đầu hoạt động, trong đó đập Thủy Điện Xayaburi với quy mô lớn hơn sẽ gây ra tác động đến dòng chảy vùng hạ lưu sông Mê Kông, nhất là trong giai đoạn hồ bắt đầu tích nước.

Nói về Đồng Bằng Sông Cửu Long, lâu nay người ta vẫn hình dung về một vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi, nhưng thực tế hiện nay, sau nhiều năm “oằn mình” chống chọi với cơn đại hạn lịch sử, xâm nhập mặn, sạt lở…, hàng triệu người dân ở miền sông nước này buộc phải rời bỏ quê hương để “tha phương cầu thực.” (Tr.N)







No comments: