BBC Tiếng Việt
16/08/2019
Facebook
đang siết chặt quyền truy cập vào nhiều nội dung tại Việt Nam, một quan chức
chính phủ cho biết hôm thứ Năm 15/8, theo Reuters.
Mặc dù có nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu và xã
hội cởi mở hơn, Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn tiếp tục kiểm duyệt chặt truyền
thông và không nương tay với các nội dung mang tính chỉ trích, bài báo trên
Reuters hôm 16/8 bình luận.
Facebook hiện
đáp ứng 70-75% các yêu cầu của chính phủ Việt Nam, so với khoảng 30% trước đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại một cuộc
họp quốc hội tại Hà Nội.
Ông Hùng đề cập đến việc chính phủ yêu cầu Facebook
hạn chế người dùng truy cập vào một số nội dung nhất định, có nghĩa một nội
dung đăng trên một website không thể xem được ở một số quốc gia là do chúng 'vi
phạm luật pháp địa phương'.
Hồi tháng Năm, Facebook cho biết rằng họ đã tăng số
lượng nội dung bị hạn chế truy cập tại Việt Nam hơn 500% trong nửa cuối năm
2018.
Facebook không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận
của Reuters.
Việt Nam đã thắt chặt các quy định về internet trong
vài năm qua, đỉnh điểm là luật an ninh mạng có hiệu lực vào tháng Một; đồng thời
yêu cầu các công ty như Facebook mở văn phòng và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Hà Nội từng cáo buộc Facebook vi phạm luật pháp địa
phương khi cho phép các bình luận mang tính 'lật đổ' được đăng tải trên
Facebook.
YouTube của Google hiện đáp ứng 80% -85% yêu cầu của
chính phủ Việt Nam, tăng từ 60% một năm trước đó, ông Hùng nói trong cuộc họp.
Ông Hùng cũng nói rằng Việt Nam đã xây dựng một
trung tâm giám sát nội dung các trang web tin tức và các trang mạng xã hội, có
thể sàng lọc hàng triệu dữ liệu để xếp vào các hạng mục như 'tích cực' hoặc
'tiêu cực'.
"Tỷ lệ thông tin 'tiêu cực' trước đây là 30%,
nhưng sau khi chúng tôi hành động thì tỷ lệ này về cơ bản đã được giảm xuống dưới
10%," ông Hùng cho hay.
Trong một diễn biến khác, Bộ thông tin và Truyền
thông đã yêu cầu Facebook tiết lộ danh tính của người dùng, ban đầu tại Hà Nội
và Thành phố Hồ Chí Minh, theo truyền thông Việt Nam.
Chỉ các tài khoản được xác thực mới được phép phát
video trực tiếp trên Facebook, theo VnExpress.
Gần 10% trong số 128 tù nhân bất đồng chính kiến hiện
đang bị giam giữ tại Việt Nam là do đã đăng bình luận chống nhà nước trên mạng
xã hội như Facebook, một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết hồi tháng
Năm.
-----------------
RFA
15/08/2019
Các
công ty Facebook, Google đã tuân thủ tốt hơn các yêu cầu từ phía chính phủ Việt
Nam.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền
thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.
Bộ trưởng Thông tin
và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Theo ông Hùng, đấu tranh với các mạng xã hội nước
ngoài là nan giải, vì họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế,
chưa thực thi luật pháp…
Tuy nhiên, theo vị Bộ trưởng Thông tin và Truyền
thông, đối với công ty Facebook, cho đến nay tỷ lệ thực hiện yêu cầu của chính
quyền Việt Nam là từ 70-75%, tăng nhiều hơn 30% so với trước đây. Còn mức
độ hợp tác của YouTube theo ông Hùng là tuân thủ tốt hơn, khoảng 80-85% so với
60% trước đây. Apple trước đây gần như không thực hiện yêu cầu nào, thì gần đây
tỷ lệ thực hiện đã đạt 75%.
Cũng trong buổi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
khi nói đến hệ sinh thái truyền thông số của Việt Nam, cho biết: “Chúng
ta đặt vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam bởi ‘không có mạng xã hội của chính
mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, thậm chí chúng ta mua bán
đều được lưu trữ ở nước ngoài’. Hiện những thông tin mà họ thu thập được mới
dùng để quảng cáo, nhưng trong trường hợp đặc biệt dùng vào việc khác và có thể
nguy hiểm đến an ninh.”
Ông Hùng dẫn chứng, hiện nay các mạng xã hội Việt
Nam có 65 triệu thuê bao. Một năm qua, mức tăng trưởng của mạng xã hội này khoảng
30%. Với tốc độ tăng trưởng đó, có thể khoảng năm 2020 hoặc chậm nhất năm 2021,
tỷ lệ mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương với mạng xã hội nước ngoài.
Cũng tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh
Hùng cho biết tin tiêu cực trên mạng giảm xuống dưới 10%.
Ông Hùng cho biết thêm sau một năm nhận nhiệm vụ Bộ
trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm
giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các
cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát thông tin trên không gian mạng.
Vị Bộ trưởng khẳng định, khả năng xử lý tin của
trung tâm này là 100 triệu tin mỗi ngày và có thể phân loại, đánh giá được tỷ lệ
thông tin tiêu cực, tích cực. Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng
đánh giá là trên 30%, hiện nay nhờ có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản
nằm dưới 10%.
No comments:
Post a Comment