Saturday, August 3, 2019

BA MƯỜI NĂM NGÀY PHÁ TƯỜNG BERLIN, 'BỨC TƯỜNG Ô NHỤC' (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
August 3, 2019

Ngày 24 Tháng Bảy vừa qua, người Đức tổ chức tưởng niệm 30 năm ngày họ phá bức tường ngăn cách chia đôi thành phố Berlin theo hướng Đông và Tây, vốn tạo ra một Đông Berlin, nghèo nàn, đói khổ, cuộc sống tinh thần bị kềm kẹp trong cái khuôn hẹp cộng sản, giống như Bắc Việt, và Bắc Hàn.

Truyền thông gọi bức tường đó là “Bức Tường Ô Nhục.”

Đức, Việt Nam và Triều Tiên là ba quốc gia bị chia đôi sau Thế Chiến II; Việt Nam được thống nhất trước hai nước kia, thống nhất bằng máu, bằng phản bội và bằng nước mắt. Nhiều nhất là nước mắt của một triệu người vợ lính Nam Việt (VNCH).

Một tuần trước khi vĩnh viễn ra đi, anh Tô Thùy Yên khoe với tôi bốn câu thơ anh vinh danh chị Huỳnh Diệu Bích, người “vợ lính” của thiếu tá Đinh Thành Tiên, tên thật của Tô Thùy Yên.

Anh bảo tôi, “Trại cải tạo nằm trong những vùng rừng rú, đến lính cũng còn đi lạc, vậy mà bà xã tôi vẫn tìm ra tôi giữa vùng rừng núi trùng điệp đó, vẫn đem vào trại giam cho tôi lon ‘ghi gô’ thịt kho mặn.”

Chị Diệu Bích lật tập Thơ Tô Thùy Yên vừa đưa cho tôi đến trang 152, chỉ cho tôi bốn câu thơ nằm gần cuối trang, trong lúc hai anh bạn cùng đi với tôi vào thăm Tô Thùy Yên (Vũ Văn Hoa, và Đào Khanh, báo Việt Nam Mới) cũng lật tập thơ các anh được tặng ra đọc.

Chỉ đọc có bốn câu thơ thất ngôn (28 chữ) mà tôi cúi mặt xuống tập thơ cầm trên tay đến năm phút, không ngẩng mặt lên được, không muốn ai thấy mắt tôi ướt.

Tôi thấm thía thương người viết ra 28 chữ đó. Tôi cũng ngượng vì tôi và anh, hai người lính phục vụ chung trong một đơn vị, mà giặc đến, tôi bỏ chạy, không ở lại chia kiếp tù đầy với anh.

Cuối cùng tôi phân bua, “ngày đó, tôi và bốn quân nhân khác mướn một chiếc ‘tắt ráng’ bên bờ sông Tiền Giang, tìm đường đổ ra biển, trong lúc tiếng Tổng Thống Dương Văn Minh, qua máy phát thanh đang rề rề ra lệnh cho quân đội buông súng.”

Tôi muốn anh hiểu, mặc dù tôi cũng thuộc thành phần bỏ chạy, không đi tù như anh, như anh ruột tôi, như em ruột tôi, nhưng tôi cũng đã tận lực chống cự cho đến phút cuối cùng.

Đem tập thơ anh tặng về nhà tôi đọc lại bốn câu thơ anh bảo tôi đọc.

“Ta về dẫu phải đi chân đất,
Khắp thế gian này để gặp em.
Đau khổ riêng gì nơi gió cát…
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm.”

Tôi băn khoăn tự hỏi, “chẳng lẽ chị Diệu Bích đi chân không vào trại cải tạo thăm anh?” Rồi tôi hình dung những đôi giày, đôi dép đàn bà chỉ đẹp trong thành phố, nhưng không thể nào chịu đựng được một cuộc đi xuyên rừng, trên những con đường nhỏ lồi lõm, đầy rễ cây, cành cây, dài hàng chục cây số.

Tiều tụy “đi chân đất,” chị đứng chờ anh trước cổng trại giam? Và ngày được phóng thích, anh cũng thèm “đi chân đất, khắp thế gian này” để tìm chị!

Đó là chuyện ba tháng trước, chuyện nhà thơ lớn của chúng ta nằm trong căn phòng nhỏ (phòng dưỡng bệnh) tiếp 3 người bạn, bạn văn, bạn lính của anh. Nhân vật thứ năm trong phòng, chị Diệu Bích, tự thu nhỏ sự hiện diện của chị để chúng tôi thoải mái nói chuyện 45 năm cũ.

Cách chị nhún nhường, tự xóa, giữ vai trò nhỏ bên chồng, khiến chị và những người vợ lính Việt Nam trở thành vĩ đại, đóng vai trò lớn nhất trong lịch sử của cuộc thất trận 1975.

Không ai phủ nhận chị Diệu Bích và những người vợ lính là những người đau khổ nhiều nhất, khóc thầm nhiều nhất, trong cuộc thảm bại 1975 của Nam Việt.

Tôi thành khẩn xin người hải ngoại gốc Việt thực hiện ao ước “đi chân đất” của bạn tôi – anh Tô Thùy Yên- để vinh danh những người không cầm súng giữ quê hương, không bị giam giữ tù đầy, nhưng ngày ngày vẫn âm thầm, khắc khoải trong cảnh “Hè nhà, bụi chuối, thức thâu đêm.”

Yếu tố thứ nhì khiến tôi đề nghị đề cao người vợ lính trong lễ tưởng niệm 48 năm hoặc 50 năm mất nước là tôi xúc động trước cách người Đông Đức kỷ niệm lễ phá tường Berlin; ngoài những cuộc vui tưng bừng, những cuộc tiếp tân nhộn nhịp, họ tổ chức một phòng tranh, nói lên những cay cực của người Đông Đức.

Tôi thấm thía ngắm bức tranh của họa sĩ Norbert Wagenbrett được ông đặt tên là “Aufbruch (Choàng Tỉnh), vẽ hai người trẻ (một nam, một nữ) bị chôn sống, chỉ còn thấy hai khuôn mặt, bốn bàn tay, và một cố gắng ngoi lên.

Bức tranh được hoàn thành năm 1990, nửa năm sau ngày thanh niên Đông Đức phá tường Berlin.

Họa sĩ Norbert Wagenbrett, tác giả bức tranh muốn nói gì? Phút choàng tỉnh sau 44 năm bị chôn sống của người Đức chăng?

Cuộc triển lãm mang tên “Point of No Return,” (điểm không quay lại) – mô tả tình trạng của một chiếc phi cơ đã bay được 1001 cây số mà chỉ đủ nhiên liệu để bay 2,000 cây số- được tổ chức tại Museum of Fine Arts, thành phố Leipzig.

Trên 100 họa sĩ tham dự triển lãm với 300 họa phẩm; thành phần họa sĩ tham dự đa số là những người chống Cộng, nhưng cũng có những giáo sư dạy tại nhiều trường đại học Đông Đức, họ có thể thân cộng, hoặc ít nhất, họ cũng không chống cộng.

Một bức tranh khác được nhiều người để ý là tác phẩm “Large Passages” (Lối thoát rộng) của họa sĩ Doris Ziegler, một nghệ sĩ đã thành danh.

Bức tranh tôi thích, được tác giả đặt tên là vợ chồng say “Trunkenes Paar,” vẽ 2 bóng người, một nam, một nữ chếnh choáng đi dưới chân “Bức Tường Ô Nhục,” trên không là chiếc trực thăng

“Trunkenes Paar,” giấc mơ tự do của những người sống sau bức màn sắt!

Phòng Tranh “Point of No Return,” (điểm không quay lại) của Việt Nam có thể cũng chỉ là một phòng tranh, nếu chúng ta có đủ 300 bức tranh của 100 họa sĩ gốc Việt trên khắp thế giới tham dự.

Nhưng phòng tranh Việt Nam còn có thể là một tác phẩm điện ảnh dài, vinh danh nỗi buồn khổ âm thầm, và những hy sinh to lớn của người vợ lính.

Có lần, 40 năm trước, tôi đã cố gắng, một mình làm công việc “tày trời” đó với tác phẩm “Đôi Mắt Phượng” đề cao Phượng, một người vợ lính có nhan sắc, đã làm tất những gì cô có thể làm, kể cả việc ngủ với trưởng trại tù “cải tạo” để mua tự do cho chồng; cứu chồng ra khỏi trại giam rồi, cô lại làm mọi việc có thể làm để góp nhặt đủ 10 cây vàng, mua một cơ may vượt thoát cho chồng; kể cả việc cô làm điếm.

Nhưng cuối cùng tôi cũng phải công nhận tôi không đủ tài để thực hiện ước mơ lớn lao đó, và tôi đang tha thiết mong cầu có một người, hoặc một hội đoàn, một tổ chức nào đó đứng ra thực hiện việc vinh danh người vợ lính – thế hệ 1975 – thế hệ của những bà cụ, mà năm nay, trẻ nhất cũng đã trên 70.

Chúng ta có bổn phận tạo hãnh diện cho đám trẻ đang học tiểu học, và những đứa trẻ khác đã tốt nghiệp đại học, về nguồn gốc của chúng, và về nguyên nhân khiến chúng ta bỏ nước ra đi 44 năm trước. (Nguyễn Đạt Thịnh)







No comments: