27/07/2019
Sự kiện Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất HD8 quấy
nhiễu và xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh
tế Việt Nam đang làm dấy lên một làn sóng giận dữ trong dư luận. Sau hai tuần
im lặng thì chính quyền Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc và
yêu cầu Trung Quốc rút các tàu bè vi phạm ra khỏi lãnh hải Việt Nam.
Chưa bao giờ mà dư luận Việt Nam lại chất vấn Đảng cộng
sản Việt Nam gay gắt đến như vậy. Một đồng thuận chưa từng có trong mọi thành
phần dân tộc Việt Nam khắp nơi trên thế giới là yêu cầu chính quyền Việt Nam phải
có phản ứng rõ ràng và dứt khoát trước các hành động ngang ngược vi phạm chủ
quyền của Trung Quốc. Đa số ý kiến của người dân và các chuyên gia quốc tế cho
rằng việc đầu tiên và cần làm ngay tức khắc là Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc
ra tòa án quốc tế về luật biển như Philippines đã từng làm năm 2016.
Trước khi đưa ra các yêu cầu cho chính quyền Việt
Nam thì chúng ta nên bình tĩnh trả lời các câu hỏi như : Đảng cộng sản Việt Nam
có muốn đối phó với Trung Quốc không ? Nếu muốn thì họ có những công cụ nào ?
Liệu có đối phó được Trung Quốc không ? Việt Nam cần dựa vào đâu để đối phó với
Trung Quốc ?...
1. Đảng cộng sản Việt Nam có muốn đối phó với Trung Quốc
không ?
Câu trả lời là vừa có, vừa không. Không bởi vì Đảng
cộng sản Việt Nam luôn xem Trung Quốc là đồng minh ý thức hệ quan trọng nhất để
bảo vệ chế độ. Sau khi Liên Xô sụp đổ thì ban lãnh đạo Việt Nam nhanh chóng lấy
quyết định hòa hoãn với Trung Quốc. Hội nghị Thành Đô là do phía Việt Nam chủ động
và đề nghị với Trung Quốc nhằm biến quan hệ hai nước đang từ thù địch chuyển
ngay thành bạn tốt. Việt Nam cần một chỗ dựa để chế độ có thể tiếp tục tồn tại.
Trong suốt lịch sử của mình Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ là một chính đảng
độc lập mà luôn dựa vào một thế lực ngoại bang, lúc thì Liên Xô, lúc thì Trung
Quốc, lúc thì cả hai.
Chính vì nắm được điểm yếu này của Đảng cộng sản Việt
Nam nên khi có bất cứ bất đồng nào giữa hai nước là Trung Quốc đều lấy con bài
‘đại cục’ ra để đe dọa và khống chế Việt Nam. ‘Đại cục’ ở đây là việc Trung Quốc
ủng hộ và chống lưng cho Đảng cộng sản tồn tại để độc quyền cai trị Việt Nam.
‘Đại cục’ đó chỉ có giá trị với Việt Nam chứ với Trung Quốc thì nó không có giá
trị gì. Trung Quốc luôn tìm cách khống chế và o ép Việt Nam để độc chiếm Biển
Đông.
Năm 2017, Việt Nam đã phải chấp nhận hủy bỏ việc
khoan thăm dò dầu khí tại khu vực này và đền bù cho công ty Repsol, Tây Ban Nha
trước sức ép của Trung Quốc. Lần này Trung Quốc tại tiếp tục leo thang bằng
cách đem tàu thăm dò địa chất vào hoạt động sâu trong lãnh hải Việt Nam. Việt
Nam đã cử bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang Trung Quốc để đàm phán
và sau đó là Võ Văn Thưởng, cả hai đều thất bại trước thái độ cương quyết của
Trung Quốc. Không còn cách nào khác Việt Nam đành phải lên tiếng tố cáo Trung
Quốc. Báo chí Việt Nam được phép đăng tải nhiều ý kiến khác nhau với một thông
điệp mạnh mẽ và cứng rắn khác thường.
2. Đảng cộng sản Việt Nam có những công cụ nào để đối phó
với Trung Quốc ?
Có lẽ không nhiều lắm. Về mặt pháp lý, Việt Nam vẫn
chưa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế cho nên dù có nhiều chứng cứ nhưng vẫn
không lại được với Trung Quốc. Trung Quốc vừa là nước lớn vừa mua chuộc được
nhiều học giả quốc tế và tạo dựng nhiều chứng cứ giả về chủ quyền của họ trên
biển Đông. Truyền thông của Trung Quốc cũng hoạt động hiệu quả hơn Việt Nam.
Về quân sự thì Việt Nam thua xa Trung Quốc và với nạn
tham nhũng trầm trọng tại Việt Nam thì quân đội cũng không thể là ngoại lệ. Vũ
khí dù được mua sắm nhiều nhưng chất lượng có được bảo đảm hay không cũng chưa
thể biết được. Tướng lĩnh Việt Nam thì mải lo kiếm tiền hơn là chăm lo cho quốc
phòng. Việc cựu đô đốc, trung tướng, thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Văn Hiến vừa
bị kỷ luật là một ví dụ.
Về kinh tế thì chỉ trong mấy chục năm qua Trung Quốc
gần như làm chủ kinh tế Việt Nam. 90% các công trình trọng điểm của Việt Nam đều
lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Kết quả của các dự án đó như thế nào thì
người dân Việt Nam ai cũng rõ mà điển hình là công trình đường sắt Cát Linh-Hà
Đông. Kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, nhất
là nông nghiệp và thủy hải sản. Sau khi sự kiện Bãi Tư Chính xảy ra, Trung Quốc
đã đóng tất cả các đập trên thượng nguồn sông Mekong khiến vùng đồng bằng sông
Cửu Long của Việt Nam dưới hạ nguồn bị khô hạn nghiêm trọng. Trung Quốc đồng thời
đóng cửa việc buôn bán tiểu ngạch biên giới với Việt Nam khiến người nông dân
Việt Nam điêu đứng do giá cả giảm mạnh.
Người dân Việt Nam rất đồng lòng trong việc chống lại
sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc nhưng cùng với Đảng cộng sản Việt Nam thì
có lẽ là không. Rất nhiều ý kiến trên các mạng xã hội của đủ mọi thành phần dân
chúng Việt Nam đều cho rằng nếu chính quyền có kêu gọi đi biểu tình chống Trung
Quốc thì họ sẽ không tham gia và đó là việc của Đảng cộng sản Việt Nam. Thậm
chí có ý kiến cho rằng họ sẽ không làm ‘con cờ’ để Đảng cộng sản Việt Nam thích
dí vào đâu thì dí.
Dư luận thế giới rõ ràng là không chấp nhận việc
Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà của mình và tự áp đặt luật chơi của riêng
mình. Biển Đông là một tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. Tuy nhiên sự ủng
hộ của thế giới nói chung và của Mỹ nói riêng dành cho Việt Nam cũng chỉ dừng ở
mức độ ‘ngoại giao’. Trung Quốc không thể nào ngăn cản tự do hàng hải trên biển
Đông và mặt khác Việt Nam lại là đồng minh ý thức hệ của Trung Quốc nên thế giới
khó lòng mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ Việt Nam.
3. Có cách gì để Việt Nam đối phó với Trung Quốc hay
không ?
Với Đảng cộng sản thì rõ ràng là không nhưng với dân
tộc Việt Nam thì hoàn toàn có thể. Việt Nam có hai ‘công cụ’ quan trọng để bảo
vệ đất nước trước sự đe dọa của Trung Quốc. Thứ nhất là ‘lòng dân’ và thứ hai
là sự ủng hộ của các nước dân chủ trên thế giới.
Việt Nam vẫn tồn tại được bên cạnh Trung Quốc đến
ngày hôm nay là nhờ vào tinh thần độc lập của người dân Việt Nam. Việt Nam với
Trung Quốc không giống nhau và không bao giờ là một, mọi ý muốn đồng hóa hay
sát nhập Việt Nam vào Trung Quốc đều sẽ thất bại. Khi lòng dân đã thống nhất và
đồng thuận thì không thế lực nào có thể đe dọa và áp đặt được bất cứ điều gì
lên Việt Nam.
Tuy nhiên Đảng cộng sản chưa bao giờ xem người dân
Việt Nam là ‘đồng bào’ thực lòng. Họ cư xử với dân tộc Việt Nam như là một đội
quân chiếm đóng. Lòng yêu nước của người dân Việt Nam bị Đảng cộng sản lợi dụng
hết lần này đến lần khác vì vậy niềm tin của người dân đối với đảng hầu như
không còn nữa. Muốn tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong việc
đối phó với Trung Quốc thì phải là với một chế độ khác, ngoài Đảng cộng sản Việt
Nam.
Nhiều trí thức Việt Nam yêu cầu Đảng cộng sản nhanh
chóng dân chủ hóa đất nước để đối phó với Trung Quốc. Những đòi hỏi này là hoàn
toàn đúng vì ngày nào Đảng cộng sản còn trói mình trong chiếc vòng kim cô ‘đại
cục’ thì ngày đó Việt Nam vẫn không thể nào có được một chính sách rõ ràng và dứt
khoát với Trung Quốc. Tuy nhiên 100% là các đề nghị này sẽ không được lắng nghe
và thực hiện. Suốt 73 năm
Đảng cộng sản cai trị đất nước, họ luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên lợi ích
của dân tộc vì vậy mọi trông chờ vào sự thay đổi của họ đều vô ích và vô vọng.
Sự ủng hộ của dư luận quốc tế mà cụ thể là các nước
dân chủ dành cho Việt Nam hiện nay rất hạn chế và hoàn toàn mang tính ngoại
giao. Chỉ khi nào Việt Nam thật sự có dân chủ và hòa vào dòng chảy của thời đại
thì khi đó sự ủng hộ mới rõ ràng và dứt khoát. Dân chủ và độc tài như nước với
lửa nên không bao giờ Việt Nam có thể là một đồng minh đúng nghĩa và thực chất
đối với các nước dân chủ như Mỹ, Nhật, EU…
Khi Việt Nam có dân chủ và có được đồng thuận của đa
số dân chúng thì khi đó chính phủ phải tìm cách giảm thiểu và dần dần tiến tới
việc độc lập với Trung Quốc về chính trị và kinh tế. Chỉ khi đó chúng ta mới có
thể chung sống một cách hòa bình và bền vững bên cạnh Trung Quốc. Cũng chỉ khi
đó Trung Quốc mới không thể dùng kinh tế hay ‘đại cục’ ý thức hệ cộng sản để
làm con tin nhằm gây sức ép lên Việt Nam.
4. Phải làm gì bây giờ ?
Rõ ràng là đề nghị Đảng cộng sản dân chủ hóa đất nước
để đối phó với nguy cơ Trung Quốc là đúng đắn nhưng điều đó sẽ không xảy ra và
khi đó người dân Việt Nam sẽ làm gì ? Chẳng lẽ nếu đảng không lắng nghe và
không chịu dân chủ hóa đất nước thì dân tộc Việt Nam đành bó tay ? Chúng tôi
chưa thấy ai đưa ra một giải pháp nào cho trường hợp này.
Có một giải pháp rất khả thi và hoàn toàn trong tầm
tay mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) đề nghị từ lâu đó là người dân và
trí thức Việt Nam hãy lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị khác, ngoài Đảng
cộng sản với một giải pháp khác ngoài ‘giải pháp cộng sản’. Giải pháp đề nghị của
Tập Hợp đó là giải pháp "dân chủ đa nguyên".
Người dân Việt Nam nên học hỏi người dân Ukraine bằng
cách dũng cảm ‘thay máu’ hệ thống chính trị già nua và lạc hậu hiện nay bằng một
tổ chức dân chủ mới, trẻ trung đầy nhiệt huyết với một dự án chính trị trong
sáng và khả thi với một đội ngũ nhân sự chính trị có hiểu biết, bao dung và viễn
kiến.
Hãy ‘hành động’ bằng việc lên tiếng ủng hộ cho giải
pháp "dân chủ đa nguyên" của Tập Hợp. Chính quyền Việt Nam không thể
bỏ tù một người nào đó vì lên tiếng ủng hộ cho dự án chính trị của Tập Hợp. Khi
có hàng triệu người lên tiếng ủng hộ Tập Hợp thì khi đó Đảng cộng sản phải chấp
nhận ‘đối thoại’ với Tập Hợp để cùng tìm cách dân chủ hóa đất nước trong hòa
bình. Việc này trước sau cũng đến và cũng phải làm. Càng làm sớm càng tốt, càng
để lâu thì càng bất lợi cho đất nước và dân tộc. Mỗi người có trí tuệ hãy bình
tĩnh suy nghĩ xem, ngoài cách này ra còn có cách nào khác không ?
Việt
Hoàng
(27/07/2019)
-----------------------------
XEM THÊM
Thứ Tư, 07/31/2019 - 17:39 — tuankhanh
Lúc này, mọi thông tin về Bãi Tư Chính (Vanguard
Bank) đối với người Việt Nam hiện rất mơ hồ. Trên các thông tin bên ngoài dội về
thì gọi là đối đầu, còn phía Hà Nội, thì gọi là đấu tranh. Nếu dựa trên những
ngôn từ này, có thể tự lý giải rằng, Trung Quốc bằng nhiều cách như đang muốn
vào trực tiếp Bãi Tư Chính chứ không chỉ là ngăn Việt Nam thăm dò và khai thác ở
tại Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, phía tây bắc Bãi Tư Chính. Còn Việt Nam thì dùng
tàu của mình cố ngăn đường đi của Trung Quốc, và mặt khác thì nỗ lực ngoại giao
theo kiểu không muốn làm quá.
Nhưng Bắc Kinh rõ ràng không dừng lại, và bộc lộ rõ
việc muốn chiếm lấy Bãi Tư Chính. Ngày 26/7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung
Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc
đối với Bãi Tư Chính kể từ tháng Năm”, cho thấy cuộc tranh chấp có nội dung lớn
hơn: Bắc Kinh muốn hoàn thành đại nghiệp đường 9 đoạn trên biển Đông, mà Việt
Nam là kẻ gây khó trước mắt.
Trên bàn làm việc của các cơ quan tình báo quốc tế,
kịch bản về một Bãi Tư Chính còn thuộc quyền Việt Nam, và một Bãi Tư Chính vào
tay Trung Quốc ắt đã được lập ra, và cục diện thế giới cũng sẽ thay đổi, dựa
vào đó. Từ tháng 5/2019, các thông tin tình báo và chuyển động trên biển Đông
đã cung cấp cho ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của Mỹ nhận định rằng
sớm muộn gì trong năm nay, Trung Quốc sẽ mở một cuộc chiến trên biển với Việt
Nam về pháp lý, và có thể cả đụng độ nhanh. Giờ thì điều ấy đã thành sự thật.
Mỹ cũng nhận biết rõ tính toán này của Trung Quốc
nên việc tăng cường các chuyến hải hành tự do, gọi là FONOP, hay lên giọng chỉ
trích trực tiếp và mạnh mẽ Bắc Kinh là điều dễ hiểu. Tờ The National Interest,
số ra ngày 31/7, của tác giả David Axe, với bài viết có nhan đề “Phi tiễn của Mỹ
và Trung Quốc nằm chen cứng trên biển Đông, ai sẽ thắng?” (Here's How China and
America's Missiles in the South China Sea Stack Up, who wins?) đã nhận định
như vậy. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không ngần ngại phô trương việc mang các
phi tiễn chống hạm vào biển Đông, thử nghiệm hồi đầu tháng 7/2019 như một cách
ngầm cảnh báo.
Rõ ràng hơn, Bắc Kinh cũng phô trương trên tờ Hoàn Cầu
Thời Báo rằng hàng loạt các phi đạn tầm xa có tên DF-26 đã được kéo đến vùng Nội
Mông (cách vùng biển Hoàng Sa khoảng 2000 dặm), hướng vào các lộ trình tự do hải
hành của Mỹ. Hoàn Cầu Thời Báo cũng không ngần ngại tuyên bố DF-26 có tầm bắn đến
2.500 dặm, và sẽ đánh trúng bất kỳ chiến hạm nào của Mỹ trong vài giây.
Kịch bản của việc Trung Quốc muốn cướp Bãi Tư Chính
là gì? Các nhà phân tích phỏng đoán rằng sau khi tạo các bước gây căng thẳng
lên cao, các tàu cá – mà thực tế là các tàu dân quân biển sẽ được đưa ra hàng đầu
để tiến vào mục tiêu, sau đó, tạo ra một tình huống bị phía Việt Nam ngăn chận,
đánh chìm… dẫn đến cuộc gia tốc và can thiệp của hàng chục tàu cảnh sát biển vũ
trang Trung Quốc “bảo vệ tàu cá vô tội”. Bãi Tư Chính có thể có một cuộc đổ bộ
thần tốc của Trung Quốc, không khác gì trường hợp đảo Gạc Ma. Sau khi cắm cờ, Bắc
Kinh có thể ung dung đối phó với Việt Nam – một quốc gia mắc cạn với chiến sách
“ba không” của mình, tức 1/ không tham gia các liên minh quân sự. 2/ không đi
theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác. 3/ không có căn cứ quân sự của
nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam, trong cách thức “đấu tranh” của mình, đang
chuyển hướng bố cáo dần các sự việc với các quốc gia để tạo áp lực quốc tế. Gần
đây nhất, là Hà Nội đã chuyển sự kiện cho New Delhi – cũng là một cách thăm dò
phản ứng Bắc Kinh. Sau Ấn Độ, có thể sẽ có thông tin thêm, rộng hơn, phản đối
tăng cấp độ. Nhưng đó cũng là một con dao hai lưỡi vì Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tốc
độ lấn chiếm, trước khi mọi chuyện bùng phát ở tầm quốc tế hơn là giữa một vài
nước.
Có nhiều hy vọng từ đám đông bàn tán trên các trang
mạng Việt Nam, là Mỹ sẽ can thiệp cho Việt Nam. Nhưng đó là một khả năng rất thấp.
Bởi câu chuyện Bãi Tư Chính đang trở thành chuyện riêng của anh em nhà Cộng sản
– đặc biệt khi Nga vẫn phớt lờ khi công ty khai thác dầu khí Rosneft của họ bị
uy hiếp. Và quan trọng nhất, Mỹ sẽ không có tư cách gì can thiệp cho Việt Nam,
khi các cơ hội về một liên minh hợp tác quốc phòng luôn bị Hà Nội né tránh. Hãy
nhìn vào Hồng Kông, nếu có sốt ruột trước phong trào đòi dân chủ ở đó, Mỹ cũng
không thể làm gì hơn là chỉ trích.
Việt Nam cũng vậy, đặc biệt, mọi chuyện có vẻ như
thuận buồm xuôi gió cho Trung Quốc, khi người đứng đầu tối cao của đảng- nhà nước
Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng chỉ nói chuyện tham nhũng, mà không cất một tiếng
nào về an nguy quốc gia, dù gần 1 tháng bị uy hiếp và xâm lấn.
Bãi Tư Chính có thể sẽ mất như Gạc Ma. Và sau đó,
người dân Việt Nam sẽ rồi chỉ còn nghe lời tuyên bố dữ dội của một quan chức cấp
cao rằng chuyện đòi lại Hoàng Sa, Gạc Ma, Tư Chính là điều của thế hệ con cháu
phải làm.
No comments:
Post a Comment