Monday, April 15, 2019

TỪ CHUYỆN ÔNG TRỌNG BỊ ĐỘT QUỴ (Trung Điền - Việt Tân)




Trung Điền    
15/04/2019

Đảng CSVN đã có quá nhiều kinh nghiệm về những nhân sự bất khiển dụng do phát bệnh bất ngờ sau khi đưa ra nắm giữ những trách vụ trong Bộ chính trị. Dù bị đột quỵ – nhẹ hay nặng – viễn cảnh cho thấy là ông Trọng khó có thể giữ những trách vụ quá cao ở trong đảng và nhà nước như hiện nay. Biết đâu, sự đột quỵ này của ông Trọng sẽ là tiếng chuông cảnh báo “đêm trước của cuộc cách mạng Việt Nam.”

Mặc dù nhà cầm quyền CSVN chưa chính thức lên tiếng về việc ông Nguyễn Phú Trọng bị “đột quỵ” khi đang đi công cán tại Kiên Giang vào chiều ngày 14 tháng 4 ngay sau khi họp với cán bộ đảng ủy Tỉnh Kiên Giang, nhưng thông tin và những lời bình luận đã tràn ngập trên cộng đồng mạng.

Trong thời đại mạng hiện nay, những loại tin nóng như vụ ông Trọng bị đột quỵ, đi rất nhanh và rất xa vì thu hút sự quan tâm và chia xẻ của công dân mạng. Trước áp lực quan tâm của số đông, tại những quốc gia dân chủ, đại diện phía chính quyền thường lên tiếng ngay để trấn an dư luận; nhưng tại Việt Nam, tin tức liên quan đến sức khoẻ lãnh đạo thuộc dạng “bí mật” quốc gia, nên thông tin chính thức việc ông Trọng bị đột quỵ sẽ không bao giờ có.

Sự kiện ông Trọng bị đột quỵ và xảy ra tại Kiên Giang, một tỉnh cực Nam, nơi ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng làm bí thư đã dấy lên nhiều đồn đoán, khi mà phe ông Dũng và ông phe Trọng đang đối đầu nhau trong trận chiến “đốt lò chống tham nhũng” của ông Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi có tin ông Trọng bị đột quỵ, báo lề đảng đã đồng loạt đăng tải những hình ảnh và các chi tiết liên quan đến chuyến công cán của ông Trọng tại Kiên Giang, không hề nhắc gì đến câu chuyện ông bị đưa vào nhà thương cấp cứu.

Ông Nguyễn Phú Trọng đến Kiên Giang vào chiều ngày 13 tháng 4, tại đây ông được đưa đi thăm Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang để quan sát dây chuyền sản xuất gỗ công nghiệp, Công ty cổ phần Trung Sơn về nuôi tôm công nghiệp xuất khẩu và sau đó dự tiệc khoản đãi của Tỉnh ủy. Sáng ngày 14 tháng 4, ông Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang và nghe báo cáo của ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Phát biểu trong buổi làm việc, ông Trọng đánh giá rằng sự phát triển của Kiên Giang ví như một Việt Nam thu nhỏ.

Ngay sau cuộc họp, ông Trọng bị choáng váng và nhức đầu nên được đưa đến bệnh viện Tỉnh để khám nghiệm. Ngay sau đó, ông Trọng được đưa thẳng đến Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn bằng trực thăng.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng ở tuổi 75 đảm nhận hai trách vụ quan trọng là Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nước khiến ông chịu rất nhiều áp lực của công việc. Trong mấy năm qua, ngoài một vài chuyến công du đi ngoại quốc, ông Trọng xuất hiện tại nhiều cuộc họp ở Hà Nội và thỉnh thoảng đi công tác một vài tỉnh ở phía Bắc còn phía Nam thì mới chỉ đến Đà Nẵng mà thôi.

Chuyến công cán của ông Nguyễn Phú Trọng tại Tỉnh Kiên Giang trong hai ngày 13 và 14 tháng 4 vừa qua không những đây là lần đầu tiên ông đến đất Kiên Giang từ khi nhận chức Tổng Bí Thư vào năm 2011, mà cũng là chuyến công cán đầu tiên ở vùng đất phía Nam từ năm 2016 sau khi đánh bại ông Nguyễn Tấn Dũng trong Đại Hội 12 vào tháng 1 năm 2016.

Sau những thành công trấn áp các phe nhóm qua chiến dịch đốt lò, ông Nguyễn Phú Trọng đã trở thành nhân vật có quyền lực nhất ở trong đảng và nắm chặt hai bộ máy công an (Ủy viên thường trực Đảng bộ công an) và bộ máy quân đội (Bí thư đảng ủy quân đội).

Ông Nguyễn Phú Trọng hiện được mô tả là Tổng bí thư có nhiều quyền lực nhất trong lịch sử đảng CSVN. Vì thế mà nhiều phần, ông Trọng sẽ được “tân trung ương đảng” do ông Trọng sắp xếp và tiến cử vào trong đại hội 13 (2021-2026) tới đây, tiếp tục giữ ông Trọng ở lại vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước cho 5 năm tới.

Nói cách khác, ông Trọng không cần phải thay đổi nội quy đảng hay hiến pháp như Tập Cận Bình đã làm mà âm thầm thay máu hàng loạt cán bộ của những phe nhóm khác, để đưa nhân sự của phe ông Trọng vào trong Trung ương khóa 13.

Năm nhân sự được coi là những cận thần, giúp xây dựng đế chế Nguyễn Phú Trọng gồm Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban bí thư), Phạm Minh Chính (Cựu thứ trưởng công an, hiện là Trưởng Ban Tổ Chức Trung ương đảng phụ trách về nhân sự), Võ Văn Thưởng (Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương), Phan Đình Trạc (Trưởng Ban Nội Chính Trung Uơng), và Trần Cẩm Tú (Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng).

Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ – dù nặng hay nhẹ – sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề nhân sự và phân bố lại quyền lực trong nội bộ đảng CSVN trong kỳ đại hội 13. Nhiều phần là ông Trọng sẽ cố cầm cự để tiếp tục giữ vai trò Tổng bí thư và Chủ tịch nước cho đến tháng 1 năm 2021 nhằm tránh những xáo trộn nội bộ, nhất là ảnh hưởng vào tiến trình “thay máu” 600 cán bộ chiến lược mà phe ông Trọng đang chủ trương.

Nhưng đến đại hội 13, các vị trí tứ trụ (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) sẽ phải thay đổi. Nhiều phần các ông Trọng, Phúc và bà Ngân sẽ ra đi sau tháng 1/2021.

Trong những thành viên Bộ chính trị hiện nay, cũng sẽ ra đi sau tháng 1/2021 là ông Nguyễn Thiện Nhân, Đinh Thế Huynh, Trương Hòa Bình, Tô Lâm, Ngô Xuân Lịch, bà Trương Thị Mai và bà Tòng Thị Phóng.

Những nhân sự có nhiều tiềm năng trụ lại ở Đại hội 13 gồm các ông Phạm Bình Minh, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải.

Riêng ông Trần Quốc Vượng sinh năm 1953, là tuổi phải về hưu khi đến tháng 1/2021 nhưng có thể được ông Trọng yêu cầu giữ lại trong Trung ương và Bộ chính trị khóa 13, để đảm nhận trách vụ Tổng bí thư. Lý do là trong hàng ngũ nhân sự ở lại Bộ chính trị của khóa 13, ông Trần Quốc Vượng là nhân vật có nhiều ảnh hưởng ở trong đảng sau ông Trọng và là nhân vật bảo thủ, thân Trung Quốc.

Nếu ghế Tổng bí thư rơi vào tay ông Trần Quốc Vượng thì các chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội sẽ sắp xếp cho các ông Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình hay là ông Phạm Minh Chính. Ông Hoàng Trung Hải sẽ tiếp tục trụ ở ghế Bí thư Thành phố Hà Nội, trong khi ông Võ Văn Thưởng sẽ rời Ban Tuyên Giáo về nắm Bí Thư Thành Ủy HCM thay cho ông Nguyễn Thiện Nhân về hưu.

Đảng CSVN đã có quá nhiều kinh nghiệm về những nhân sự bất khiển dụng do phát bệnh bất ngờ sau khi đưa ra nắm giữ những trách vụ trong Bộ chính trị. Dù bị đột quỵ – nhẹ hay nặng – viễn cảnh cho thấy là ông Trọng khó có thể giữ những trách vụ quá cao ở trong đảng và nhà nước như hiện nay. Biết đâu, sự đột quỵ này của ông Trọng sẽ là tiếng chuông cảnh báo “đêm trước của cuộc cách mạng Việt Nam.”

-----------------------

Phạm Nhật Bình
14/04/2019

Từ ngày dựng lò chống tham nhũng đốt được một vài khúc củi tượng trưng, ông Nguyễn Phú Trọng mải mê trong những lời tán tụng của các cận thần, nghĩ rằng mình thực sự là một bậc minh quân được trời sai xuống để cứu nhân độ thế.

Hôm 10 tháng Tư vừa qua trong cuộc tiếp xúc với Mặt Trận Tổ Quốc, sau khi tự hào một cách lố bịch “chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay”, ông Trọng bỗng đổi giọng. Ông đau buồn bày tỏ rằng “cảm thấy rất xót ruột” trước quá nhiều tiêu cực trong xã hội khiến đạo đức xuống cấp. Ông Trọng cho rằng càng áp dụng kinh tế thị trường, người ta càng cần giữ gìn văn hoá vì đó là bản chất của chủ nghĩa xã hội. Hiểu theo ý của Tổng Bí Thư, chủ nghĩa xã hội tốt đẹp đang ngày càng tha hoá, vô đạo đức là do áp dụng kinh tế thị trường và do người dân không biết giữ gìn văn hoá!

Tự dưng ông Trọng đổi từ họ Nguyễn sang họ Đổ. Những gì gọi là tiêu cực diễn ra trong xã hội hay những vấn đề nảy sinh nêu ra trên mạng hiện nay đâu phải do kinh tế thị trường hay do mạng xã hội. Thủ phạm chính của những tiêu cực ấy là do cái thể chế đầu voi đuôi chuột mang danh “xã hội chủ nghĩa” tạo ra.

Người ta có thể kể ra những câu chuyện gần đây nhất để thấy bản chất xã hội chủ nghĩa của ông Trọng tốt đẹp đến mức nào. Một viện phó Viện Kiểm Sát cấp thành phố biến thành một kẻ sách nhiễu tình dục trong thang máy, đến nay vẫn bình chân như vại. Anh này đã ở trong ngành luật pháp của chế độ nhưng tỏ ra vô pháp luật hơn ai hết. Thế nhưng luật pháp xã hội chủ nghĩa vẫn như đang loay hoay trong một cái rọ của vô vàn luật rừng.

Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất xảy ra trong giới cán bộ nhà nước có chức có quyền. Ngoài cựu viện phó, người ta còn phải nhớ tới một cựu giám đốc ngân hàng nhà nước ở Vũng Tàu trong tội trạng tương tự. Đảng của ông Trọng đã rèn luyện đạo đức cán bộ như thế nào mà để xảy ra những chuyện suy đồi đến thế? Ông Trọng là tổng bí thư nên phải là người biết rõ hơn ai hết.

Hay như trong lãnh vực giáo dục, nơi mà đảng nói là môi trường đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa. Các nhà cầm đầu ngành này, bên ngoài thì trang bị đầy những lý thuyết cao xa, nhưng bên trong thì nát bét. Tai tiếng đủ loại diễn ra trong ngành giáo dục không khác như cảnh chợ chiều.

Mặc dù đa số thầy cô giáo còn giữ được nề nếp của đạo làm thầy, nhưng vẫn có không ít con sâu trong ngành làm rầu nồi canh. Như sửa điểm thi, làm trò vô đạo đức với học trò. Cảnh nữ sinh trung học ẩu đả nhau, xé quần áo nhau trong sân trường là một hiện tượng đau lòng gần như bất trị. Mặc dầu cảnh cấu xé nhau không diễn ra hàng ngày nhưng không phải là hiếm. Chắc tổng bí thư cũng phải được nghe báo cáo hàng ngày về những con người mới của chế độ đang được đào tạo trong bạo lực.

Riêng sự tha hoá trong giới cán bộ cầm quyền ngày nay không còn là chuyện phải giấu giếm mà vẫn được nhắc đi nhắc lại trong các nghị quyết của hội nghị trung ương. Nhưng làm trong sạch bộ máy đảng tưởng chừng như một chuyện đùa vì các bộ phận của bộ máy ấy càng ngày càng gắn kết nhau chặt chẽ để đục khoét đất nước không nương tay.

Thử hỏi có thế lực nào, xã hội nào có thể khiến cán bộ cộng sản suy đồi ngoài chính cơ chế lạc hậu mà đảng cố tình duy trì? Những tội phạm như Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Nguyễn Xuân Anh, Vũ “Nhôm” ngày nay đảng không thể dùng câu “tàn dư Mỹ Ngụy để lại” hay do kinh tế thị trường làm cho họ suy thoái đạo đức của người lãnh đạo mà phải nói do từ đảng đào tạo, huấn luyện họ từ chiếc lò cộng sản dối trá.

Ông Trọng làm đến tổng bí thư và chủ tịch nước quyền uy tột bậc mà lâu nay tỏ ra không biết rõ nguyên nhân vì sao xã hội xuống cấp trầm trọng như thế. Nay ông ta lại tỏ ra sốt ruột và đổ thừa cho xã hội, cho văn hoá là một cách chối bỏ trách nhiệm của người cầm quyền…

Sự vô trách nhiệm ấy càng cho thấy mặc dù Đảng Cộng Sản cầm quyền một mình một chợ suốt thời gian dài nhưng những lãnh đạo của nó tỏ ra ngu dốt và vô liêm sỉ một cách đáng ngạc nhiên.

Mặt khác khi ông Trọng và Đảng CSVN cố bám vào kinh tế “quốc doanh là chủ đạo”, bóp méo cơ chế để thủ lợi riêng thì đó chính là nguyên nhân gây ra những hỗn loạn của tài chánh và xã hội. Không ai quên những đại công ty, những dự án nghìn tỷ con đẻ của kinh tế quốc doanh đã ngốn hàng trăm tỷ đô-la vay mượn nước ngoài để cuối cùng thua lỗ phá sản hay trở thành đống sắt vụn chờ đấu giá. Gánh nợ công chẳng những không giảm mà ngày càng tăng cao, thế nhưng chính phủ năm nào cũng có kế hoạch vay nợ cao hơn năm trước để chi tiêu.

Đảng Cộng Sản cũng đã có hàng loạt quy định cán bộ phải nêu gương đạo đức, chống chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp… nhưng cán bộ của đảng coi đó như những tờ giấy lộn thì ông Trọng còn đổ thừa cho ai.

Tổng Bí Thư Trọng ngồi trên cao chót vót, chưa hề nghe ông ta nói về chủ quyền đất nước hay những đề tài thiết yếu về dân chủ, nhân quyền dù chỉ với lời hứa suông. Nay ông bỗng than thở “xót ruột khi đạo đức xuống cấp” nhưng không biết tại sao và cũng không đưa ra được cách ngăn ngừa hay giải quyết. Rõ ràng sự vô trách nhiệm của tổng bí thư cũng là nguồn gốc của tình trạng xã hội hỗn loạn hết thuốc chữa hiện nay.

Phạm Nhật Bình





No comments: