Monday, April 1, 2019

THÁCH THỨC CỦA MỸ TRONG CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH MỚI VỚI TRUNG QUỐC (Minxin Pei - Project Syndicate)




Minxin Pei  -  Project Syndicate
Phan Nguyên dịch
02/04/2019

Thật tiện khi gọi cuộc ganh đua địa chính trị đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một cuộc “chiến tranh lạnh mới”. Nhưng cách mô tả đó không được phép làm che khuất một thực tế rõ ràng, dù chưa được hiểu hết, rằng cuộc ganh đua mới này sẽ khác hoàn toàn với cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Cuộc Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 20 đã khiến hai liên minh quân sự đối đầu nhau. Ngược lại, sự cạnh tranh Trung-Mỹ liên quan đến hai nền kinh tế được hội nhập chặt chẽ với nhau và với phần còn lại của thế giới. Do đó, các trận chiến quyết định nhất trong cuộc chiến tranh lạnh ngày nay sẽ diễn ra trên mặt trận kinh tế (thương mại, công nghệ và đầu tư), thay vì ở Biển Đông hay Eo biển Đài Loan chẳng hạn.

Một số nhà tư tưởng chiến lược Mỹ đã nhận ra điều này, và giờ đây lập luận rằng nếu Mỹ muốn chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh này, họ phải cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc – và thuyết phục các đồng minh của mình làm điều tương tự. Nhưng, như cuộc chiến thương mại song phương đang diễn ra cho thấy, điều này nói dễ hơn làm. Trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Mỹ sẽ dễ dàng giành chiến thắng, cuộc chiến đó đã gây ra phí tổn cao đến mức giờ đây Trump dường như đang do dự về việc leo thang, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc thậm chí tiếp tục gia tăng.

Nếu Mỹ, với động lực địa chính trị mạnh mẽ của mình, đang phải vật lộn để gánh chịu các phí tổn về mặt kinh tế thì các đồng minh của họ, hầu hết không phải đối mặt với một mối đe dọa an ninh tức thì nào từ Trung Quốc, sẽ chống lại việc phải làm điều tương tự. Sự thận trọng của họ thể hiện rõ ràng qua phản ứng đối với chiến dịch của Mỹ chống lại người khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Cho đến nay, chiến dịch đó đã bao gồm vụ bắt giữ CFO của Huawei là bà Meng Wanzhou (tại Canada) và hành động pháp lý chống lại công ty này vì vi phạm lệnh trừng phạt chống lại Iran và đánh cắp công nghệ của Mỹ. Chính quyền Trump cũng kêu gọi các đồng minh không sử dụng Huawei – công ty dẫn đầu toàn cầu về công nghệ di động thế hệ 5G – cho các mạng truyền thông vô tuyến của họ.

Họ có lý do để chống lại việc cho phép Huawei xây dựng các mạng 5G ở các nước phương Tây. Việc chính phủ Trung Quốc có quyền lực không giới hạn đối với các công ty của mình, bao gồm cả công nghệ của Huawei về mạng 5G, có thể dẫn đến những rủi ro bảo mật nghiêm trọng. Đối với các quốc gia không thể mua thiết bị đắt tiền (và xem sự thống trị của Trung Quốc chỉ là mối lo xa vời), thì những rủi ro đó có thể chấp nhận được. Nhưng đối với các đồng minh giàu có của Mỹ thì khác.

Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có Úc và New Zealand tuân theo yêu cầu của Hoa Kỳ trong việc cấm Huawei. Trong khi Canada đang xem xét tham gia cùng họ thì các nước châu Âu đã thách thức chính quyền Trump, với việc Vương quốc Anh và Đức cho thấy họ sẽ cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G. Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đã chống lại áp lực tương tự của Mỹ trong việc loại trừ Huawei.

Bất chấp các hệ lụy an ninh quốc gia, thực tế là việc cấm Huawei sẽ dẫn đến chi phí cao hơn và sự trì hoãn đáng kể. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã không tưởng thưởng hay bồi thường chút nào cho các đồng minh đang dao động của mình.

Điều này nhấn mạnh một thách thức chủ chốt mà Mỹ có thể sẽ phải đối mặt trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Mặc dù Mỹ cuối cùng có thể dẫn đầu nhưng chiến thắng đó sẽ không hề rẻ. Cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế – điều rất quan trọng để giúp Mỹ chiếm thế thượng phong – sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ không chỉ tự gánh chịu chi phí mà còn phải bồi thường cho các đồng minh về những tổn thất mà họ phải gánh chịu.

Chiến thắng cũng sẽ không đến nhanh, đặc biệt là nếu Mỹ vẫn muốn giành được các lợi ích ngắn hạn – chẳng hạn như các lời hứa của Trung Quốc về việc mua một lượng lớn đậu nành và các sản phẩm năng lượng của Mỹ – những thứ sẽ cản trở những thay đổi mang tính hệ thống có lợi cho Mỹ và các đồng minh về lâu dài. Chủ nghĩa cơ hội như vậy khiến các đồng minh nghi ngờ quyết tâm của Mỹ trong cuộc đối đầu kinh tế với Trung Quốc, làm dấy lên nỗi sợ rằng họ sẽ phải gánh chịu chi phí ngắn hạn cao mà không đạt được gì.

Chính quyền Trump đã thể hiện sự thiếu quan tâm đối với các lợi ích kinh tế của đồng minh. Các đồng minh của Hoa Kỳ mới là những người bị tổn thương chính bởi chính quyền Trump do thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép và nhôm, và bây giờ chính quyền Trump đang đe dọa sẽ tiến xa hơn, áp đặt thuế quan lên ô tô châu Âu và Nhật Bản. Trump thậm chí được cho là đang xem xét yêu cầu các đồng minh của Mỹ phải trả toàn bộ chi phí, cộng thêm 50%, cho việc đóng quân của Mỹ trên lãnh thổ họ.

Cách tiếp cận của Trump phản ánh không chỉ sự thiếu trung thành mà còn cả sự thiếu tầm nhìn để duy trì, chứ chưa nói đến việc củng cố, ảnh hưởng kinh tế của chính nước Mỹ. Hãy nhớ lại rằng gần như ngay lập tức sau khi vào Nhà Trắng, Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại tự do nhằm đặc biệt ngăn chặn sự thống trị kinh tế của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cuộc chiến tranh lạnh mới chống Trung Quốc sẽ được phân thắng bại không phải thông qua ý thức hệ hay thậm chí là vũ khí, mà thông qua việc triển khai các khuyến khích về mặt kinh tế để tiến hành một cuộc đua địa chính trị. Chiến lược giúp mang lại chiến thắng sẽ không phải là chiến lược biến lòng tham của Mỹ thành vũ khí. Bằng cách gây tổn thất lợi ích kinh tế cho các đồng minh, Mỹ đang tự làm mất đi sức mạnh của chính mình.

*
Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.

Nguồn: Minxin Pei, “The High Costs of the New Cold War”, Project Syndicate, 14/03/2019.








No comments: