Ngô Nhân Dụng
April 5, 2019
Sáng Thứ Sáu, 5 Tháng Tư, ngoại trưởng Mỹ nói rằng
ông tin tưởng sẽ có cuộc gặp gỡ thứ ba giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch
Bắc Hàn Kim Jong Un. Theo ông Mike Pompeo, cuộc họp thứ nhì hồi Tháng Hai, đã đạt
được tiến bộ, vì hai nhà lãnh đạo hiểu nhau sâu xa hơn.
Ngoại Trưởng Mike Pompeo còn nói vẫn tin tưởng sẽ có
cuộc gặp gỡ lần thứ ba, thì ông rất dại. Trong hình, một nhà hàng Nam Hàn ở Từ
Liêm, Hà Nội, dán poster chào đón hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng Thống Mỹ
Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un hôm 20 Tháng Hai, 2019. (Hình:
Linh Phạm/Getty Images)
Mang cả một phái đoàn chính phủ bay nửa vòng trái đất
để có dịp hiểu Kim Jong Un sâu xa hơn, ông Pompeo coi như vậy là tiến bộ. Một
điều Tổng Thống Donald Trump hiểu thêm về Chủ Tịch Kim Jong Un là, theo lời ông
Trump kể, cậu này đòi Mỹ phải bỏ hết các biện pháp cấm vận kinh tế; để đổi lại,
cậu chỉ đóng cửa một cơ sở nguyên tử.
Lỗi ở các cơ quan tình báo Mỹ! Họ đã theo dõi Bắc
Hàn từ hơn nửa thế kỷ, đã sơ suất không cho tổng thống biết các người cầm đầu Bắc
Hàn là loại người như thế nào, để ông phải tự tìm hiểu lấy.
Những ai đã đọc tin tức về Bắc Hàn trong hơn nửa thế
kỷ qua đều biết không thể tin vào lời nói của ba đời họ Kim.
Đời ông nội, Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) đã không
ngần ngại giảo hoạt và trâng tráo.
Năm 1950, Kim Il Sung đưa ra một đề nghị hai miền
Nam Bắc thành lập một quốc hội chung, sẽ khai mạc vào ngày 15 Tháng Tám, để kỷ
niệm 5 năm sau khi quân Nhật thất trận phải rút ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Lúc
đó ông 38 tuổi, cũng trẻ như cậu cháu nội bây giờ. Kim Il Sung cung cấp đầy đủ
chi tiết việc bầu cử nên làm như thế nào cho hai miền đều chấp nhận được.
Ba tuần lễ sau, quân đội Bắc Hàn ào ạt tấn công, chiếm
thủ đô miền Nam trong nháy mắt. Nếu không có quân đội Mỹ phản công, hai lần,
thì cả nước Cao Ly đã phải sống dưới chế độ Cộng Sản từ năm đó; và thế giới sẽ
không bao giờ thấy những nhãn hiệu Sam Sung hay Hyundai.
Năm 1972, Kim Il Sung lại “tấn công ngoại giao,” cho
thế giới thấy mình là con người yêu hòa bình. Ông ta mở cửa, cho các nhà báo Mỹ
và Nhật đến phỏng vấn; trò chuyện một giáo sư Đại Học Havard. Và, lần đầu tiên,
ông cho quan chức miền Bắc tiếp xúc với giới lãnh đạo miền Nam. Tổng Thống Nam
Hàn Park Chung-hee (Phác Chánh Hy) đã chuyển hướng ngoại giao, muốn hai miền
nói chuyện trực tiếp. Cuộc ve vãn kéo dài tới hai năm, đến khi mật vụ miền Bắc
tổ chức ám sát Park Chung-hee. Ông may mắn thoát chết, nhưng cũng vỡ mộng hòa hợp
hòa giải.
Trước vụ Kim Jong Un đạo diễn vụ giết anh ruột ở
Malaysia, họ Kim từng gửi “sát thủ” ra ngoại quốc thanh toán các mục tiêu. Năm
1983, một phái đoàn lãnh đạo Nam Hàn ghé qua Rangoon, thủ đô Miến Điện; họ đến viếng
đài tử sĩ. Gián điệp Bắc Hàn đã đặt bom nổ làm nhiều người thiệt mạng. Vụ mưu
sát này xảy ra sau khi Kim Il Sung nhờ Đặng Tiểu Bình ngỏ ý với Tổng Thống
Reagan muốn hai bên “họp thượng đỉnh.” Ông Reagan không mắc bẫy.
Khi Kim Nhật Thành chết năm 1994, nhiều người hy vọng
thế hệ sau, lớn lên trong hòa bình, sẽ có những thói quen khác. Nhưng các con
và cháu đã được “truyền nghề” đầy đủ, họ biết rằng cả triều đại muốn sống còn
thì phải tàn bạo và gian trá, củng cố chế độ độc tài toàn trị. Vả lại, cái máu
di truyền không thể đổi được.
Kim Jong II (Kim Chính Nhật) đã từng hứa với các vị
tổng thống Mỹ đời trước, rằng Bắc Hàn sẽ ngưng tìm cách làm bom nguyên tử. Đổi
lại, Mỹ cung cấp thực phẩm và nhiên liệu. Guồng máy quân đội và công an của chế
độ Bình Nhưỡng lại có xăng chạy xe và gạo để đem bán chợ đen. Sau đó, Kim lại
tiếp tục nghiên cứu chế tạo bom. Mỹ ngưng cung cấp, sau khi tốn cả tỷ đô la mà
chẳng nên tích sự gì.
Trước khi Kim Jong Un được chỉ định lên kế vị, Tháng
Ba, 2010, ông bố đã đề nghị Nam Hàn cùng bàn chuyện giảm bớt căng thẳng quân sự.
Cuối tháng đó, một chiến Hạm Nam Hàn bị trúng thủy lôi. Tới Tháng Mười Một,
Bình Nhưỡng lại đề nghị Nam Hàn hợp tác để mở cửa lại khu du lịch núi Kim Cương
(Kumgang) cho dân miền Nam đến chơi. Cuối tháng, lại nã đại bác lên một hòn đảo
nhỏ của miền Nam.
Kim Jong Un trông rất giống ông nội lúc còn trẻ. Và
có lẽ còn tàn ác, thông minh hơn, và giảo hoạt không kém. Cậu Un tính toán các
nước đi rất kỹ, thường bắn một mũi tên là nhắm vào hai ba con mồi. Mỗi hành động
gây hấn đều cố gây ảnh hưởng cao nhất và tao phản ứng thấp nhất.
Bị Mỹ chống vì tham vọng bom hạch tâm, mà Trung Cộng
cũng coi là một thứ gai nhọn bên sườn, Kim Jong Un cho thử bom vào những ngày lễ,
của nước Mỹ hay nước Tàu. Có lúc thử hỏa tiễn đúng lúc Donald Trump đang đãi tiệc
Tập Cận Bình!
Kim Jong Un biết rằng người lãnh đạo các nước dân chủ
thường hành động theo chương trình ngắn hạn, vì họ phải lo tái tranh cử. Trong
khi đó thì các lãnh tu độc tài có thể mưu đồ những kế hoạch trường kỳ. Ông
Trump, ông Moon quan tâm nhất đến những gì xảy ra trong một năm, trước ngày dân
bỏ phiếu. Kim Jong Un có thể chờ, hàng chục năm cũng không sao.
Kim đã dụ tổng thống Nam Hàn trước, cho lực sĩ vào
Nam dự thế vận hội, rồi tỏ ý hòa đàm. Ông tổng thống Nam Hàn thấy đây có thể là
một thành tích đem khoe trong kỳ bầu cử tới. Kim cũng đưa ra cái mồi giải giới
vũ khí nguyên tử, ký hiệp ước hòa bình, để Tổng Thống Trump thấy triển vọng một
thành công ngoại giao lớn, biết đâu còn một cái giải Nobel nữa!
Kim Jong Un được lời lớn nhờ cuộc gặp gỡ ở Singapore
năm ngoái. Un đã trả hận cho ông nội, người đã bị Tổng Thống Reagan từ chối. Từ
vai một côn đồ bị cả thế giới chửi, nhà độc tài trẻ tuổi trở thành một chính
khách lớn, được ông tổng thống Mỹ gọi là bạn và khen con người hết lòng vì nước
vì dân. Còn nước Mỹ được lợi những gì? Những lời hứa hẹn mơ hồ!
Ông Donald Trump đã đem “vốn chính trị” của mình đầu
tư vào mối giao hảo với Kim Jong Un. Ông không muốn bỏ cuộc. Nhưng mới một
tháng sau khi gặp Kim mà chẳng ích lợi gì, lại nghe các viên chức Bắc Hàn dọa sẽ
lại thử bom nguyên tử và hỏa tiễn, mà Ngoại Trưởng Mike Pompeo còn nói vẫn tin
tưởng sẽ có cuộc gặp gỡ lần thứ ba, thì ông rất dại. Lời nói đó chứng tỏ Mỹ rất
mong đạt một thỏa hiệp nào đó, dù chưa biết nó như thế nào.
Không nên để lộ quân bài của mình như thế. Trong những
cuộc mặc cả gay go, không nên tỏ cho đối thủ biết mình cần đạt kết quả sớm hơn
họ. Đối thủ sẽ đòi hỏi nhiều hơn.
Trong những ngày tới, chắc Kim Jong Un sẽ giúp chính
quyền Mỹ nuôi thêm hy vọng. Kim Jong Un biết rằng Donald Trump rất muốn tạo một
thành tích ngoại giao ngoạn mục trước kỳ bầu cử sang năm. Kim sẽ tặng Donald
Trump một món quà để tranh cử, nếu được trả giá đúng như ý muốn. Miễn sao triều
đại họ Kim vẫn muôn năm trường trị! (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment