Minh
Anh – RFI
Đăng ngày 02-04-2019
Báo
Les Echos (02/04/2019) trên mục Ý Kiến có bài nhận định sâu sắc đề tựa « Khi
Washington và Bắc Kinh lại lao vào cuộc chiến giữa các vì sao » để nói
về cuộc cạnh tranh chiến lược và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay.
Về bản chất giống như cuộc chiến giữa các vì sao mà
tổng thống Mỹ Donald Reagan tiến hành chống lại Liên Xô vào đầu những năm 1980.
Đương nhiên, chiến tranh giữa các vì sao thời Reagan tập trung vào vấn đề quân
sự, còn giờ đây, Donald Trump chú trọng đến các hồ sơ kinh tế.
Theo báo Les Echos, cần nhìn nhận dưới góc độ này để
phân tích về sự thay đổi cơ bản trong học thuyết của Washington khi tiến hành một
cuộc chiến tranh chống lại Bắc Kinh trên mọi phương diện, kinh tế, tiền tệ,
thương mại, công nghệ và quân sự.
Một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung
Quốc được mở ra, với đặc trưng là sự đối đầu giữa hai siêu cường để giành giật
quyền lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21.
Thực ra, mục đích chủ chốt của chính quyền Trump là
ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến. Do vậy, chính
sách này đôi khi được gọi là « cuộc chiến giữa các vì sao »,
có được sự đồng thuận rộng rãi tại Hoa Kỳ.
Và chính quyền Washington sử dụng mọi phương tiện để
tiến hành « cuộc chiến » này, như không cho tập đoàn viễn thông
Trung Quốc Hoa Vi tham gia các dự án quan trọng sử dụng tài chính công tại Mỹ,
vận động ngoại giao mạnh mẽ, thuyết phục các đồng minh gạt bỏ Hoa Vi ra khỏi
các thị trường Tây Âu, yêu cầu Canada bắt giám đốc tài chính, con gái nhà sáng
lập Hoa Vi để cho dẫn độ sang Mỹ, tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để cố
gắng tạo thế cân bằng về quân sự tại Biển Đông, nâng mức thuế hải quan đối với
nhiều hàng nhập khẩu, vượt ra ngoài các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
(WTO)…
Rõ ràng, cuộc chiến thực sự của Donald Trump không
phải là thương mại, mà là công nghệ. Theo xếp hạng gần đây của Tổ Chức Sở Hữu
Trí Tuệ Thế Giới, năm 2018, nhìn trong tổng thể, Hoa Kỳ và Trung Quốc có số lượng
bằng phát minh, sáng chế được đăng ký ngang nhau.
Thế nhưng, Hoa Vi của Trung Quốc là doanh nghiệp có
số lượng bằng phát minh đăng ký đứng đầu thế giới, trước cả Mitsubishi, Intel,
Qualcomm và ZTE. Điều này giải thích vì sao việc ngăn chặn Hoa Vi trở thành mối
ám ảnh của chính quyền Trump.
Có thể nói, Hoa Kỳ đã chậm phát hiện ra rằng Trung
Quốc đã tỏ ra kiên nhẫn và quyết tâm cao đến mức khác thường, trong cuộc chạy
đua giành quyền lãnh đạo này. Do vậy, cho dù Donald Trump và Tập Cận Bình có ký
được một thỏa thuận thương mại, cho phép làm giảm căng thẳng giữa hai nước
nhưng không giải quyết được thực chất của vấn đề : đó là cuộc chạy đua công nghệ
dài hơi giữa hai nước.
Trong phiên bản mới của « cuộc chiến tranh
giữa các vì sao » này, châu Âu đóng vai trò quyết định, bởi vì chính
sách và các lựa chọn công nghệ của châu Âu sẽ làm thay đổi hẳn tương quan lực
lượng, nghiêng về Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc.
Con đường khúc khủy của Tập Cận Bình tại châu Âu
Báo Le Monde trở lại với chuyến công châu Âu của chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua ngòi bút của nhà bình luận Jean-Michel Bezat
cho rằng « Con đường khúc khủy của Tập Cận Bình tại châu Âu ».
Theo nhà bình luận, trong chuyến công du Ý và Pháp vừa
qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm được hai việc thành công : Thứ nhất
là dự án mua 300 máy bay Airbus, trị giá 30 tỷ, làm cho châu Âu phấn khởi, và
thứ hai là ký với Ý một thỏa thuận, tạo điều kiện cho Trung Quốc thâm nhập vào
châu Âu, thông qua dự án « Con đường tơ lụa ».
Trước mặt tổng thống Pháp, thủ tướng Đức và chủ tịch
Ủy Ban Châu Âu, nguyên thủ Trung Quốc đã có những phát biểu ca ngợi, đề cao vai
trò của châu Âu, như « một châu Âu đoàn kết và thịnh vượng tương thích
với tầm nhìn của chúng ta về một thế giới đa cực », và « Trung
Quốc sẽ luôn luôn ủng hộ châu Âu nhất thể hóa »… Đáp lại, bộ ba Pháp-Đức-châu
Âu kêu gọi Trung Quốc « tôn trọng sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu »,
thể hiện rõ sự e ngại, dè chừng đối với Bắc Kinh.
Theo tác giả, Mỹ và phương Tây đã phải trả giá về
sai lầm khi cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), năm
2001. Vào lúc đó, tổng thống Mỹ Bill Clinton khẳng định việc kết nạp Trung Quốc
sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tôn trọng các quy định thế giới.
Còn ông Pascal Lamy, lúc đó là ủy viên châu Âu phụ
trách thương mại (và sau này là tổng giám đốc WTO) thì hồ hởi trấn an : Trung
Quốc chỉ sản xuất các mặt hàng tầm thường, còn chúng ta sản xuất các sản phẩm
có giá trị gia tăng cao. Và vừa qua, trước mặt tổng thống Pháp Emmanuel Macron,
thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Tập hãnh diện nêu ra một thực tế : Trong bốn
mươi năm, chúng tôi đã làm được những việc mà quý vị phải mất đến 3 trăm năm.
Để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, châu Âu đề ra
các tiêu chuẩn lựa chọn đầu tư ngoại quốc trong các lĩnh vực chiến lược. Trong
lúc đó, Trung Quốc không cho báo chí chính thống nói đến dự án đầy tham vọng
« Made in China 2025 » nữa, để không làm cho các đối tác châu
Âu lo sợ, nhưng không hề từ bỏ tham vọng sẽ cường quốc lãnh đạo thế giới trong
một thập niên tới, và vẫn tiếp tục dự án « Con đường tơ lụa »
hướng vào châu Âu và châu Phi.
Đương nhiên, con đường thâm nhập châu Âu của Trung
Quốc gập ghềnh, khúc khuỷu, nhưng Bắc Kinh không lùi bước. Đầu tháng Tư này,
nhân hội nghị thượng đỉnh với châu Âu, Trung Quốc sẽ lại ra sức trấn an. Cũng
trong tháng Tư này, sẽ có hội nghị thượng đỉnh 16+1 thường niên tại Dubrovnik,
Croatia.
Đó là 16 nước trước kia thuộc khối Cộng Sản và trong
đó có 11 quốc gia là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Tất cả các nước này đều
ngóng trông vào túi tiền khổng lồ của Bắc Kinh trong lúc nhiều doanh nghiệp
Trung Quốc đã cắm rễ ở phía đông và đông nam châu Âu.
Điều trớ trêu cho châu Âu là tại Dubrovnik, có dự án
xây một cây cầu dài 2,4 km, với tổng đầu tư là 420 triệu euro, trong đó châu Âu
tài trợ tới 85%. Thế nhưng, một doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc đã được lựa chọn,
trong khi đó, công ty Strabag của Áo, nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, thì bị
gạt ra bên lề và ngậm ngùi tố cáo tình trạng dumping thương mại.
Algeri : « Người rơm » Bouteflika chịu
« về vườn »
Thời sự Algeri tiếp tục chiếm lĩnh các trang báo
Pháp ngày hôm nay. Le Figaro và Les Echos lần lượt loan báo : « Bouteflika
sẽ ra đi từ đây đến cuối nhiệm kỳ » và « Bouteflika sẽ từ nhiệm ».
Trang nhất Libération trên nền ảnh một Bouteflika yếu ớt, chạy tít lớn « Trời
quang ».
« Người rơm » Bouteflika cuối cùng
cũng phải nhượng bộ làn sóng nổi dậy của người dân sau sáu tuần biểu tình rầm rộ
chưa từng có. Abdelaziz Bouteflika thông báo sẽ rời quyền lực trước ngày
28/04/2019. Nhân dịp này tờ báo tóm lược chân dung gương mặt quan trọng trong
cuộc chiến đấu tranh đòi độc lập và trở thành tổng thống Algeri từ năm 1999. Từ
một nhà ngoại giao « mê hoặc » đến một nhà lãnh đạo bị phản đối. Sáu mươi năm cầm
quyền của ông sẽ là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử Algeri.
Như để trấn làn sóng phản đối, ngày Chủ Nhật 31/03
chính quyền Alger thông báo thành lập chính phủ mới. Nhật báo Công giáo La
Croix cho rằng « Tân chính phủ Algeri chạy đua với thời gian ».
Thế nhưng, việc thông báo tân nội các không xóa tan được nỗi ngờ vực của người
dân.
Còn theo Le Monde, chính phủ mới được thành lập
nhưng không che giấu được một cuộc đọ sức đang diễn ra giữa quân đội và phe
thân cận tổng thống Bouteflika. Nhật báo đưa ra bằng chứng là lãnh đạo quân đội,
tướng Admeh Gaid Salah đã lên tiếng cảnh cáo « một số đảng chính trị có
mưu đồ xấu » là « chuẩn bị một kế hoạch nhằm làm giảm uy tín của Lực
Lượng Vũ trang Nhân dân – ALP và tìm cách tránh né những đòi hỏi chính đáng của
người dân ».
Trong khi đó, ngoài đường phố rộ lên thuyết âm mưu
phe thân tổng thống đã cho triển khai một lực lượng an ninh hùng hậu với sự
« trợ giúp của Pháp ». Mục đích là nhằm kích động « căng
thẳng các vùng tại Kabylie và miền nam đất nước ».
NATO : 70 tuổi nhưng vẫn chưa lớn
Ngày 04/04/2019 tới đây khối Liên minh quân sự Bắc Đại
Tây Dương sẽ thổi ngọn nến thứ 70. La Croix có bài nhận định « NATO trước
thử thách Donald Trump ».
Bảy mươi năm tồn tại, NATO đã nếm biết bao mùi khủng
hoảng từ vụ kênh đào Suez năm 1956 cho đến sự rạn nứt về cuộc chiến Irak 2003,
rồi việc Pháp rút ra khỏi tổ chức quân sự năm 1966, để rồi sau đó, khi cuộc chiến
tranh lạnh kết thúc, NATO lần lượt dấn thân vào các chiến dịch tại Bosnia,
Kosovo, Afghanistan và Libya.
Cú sốc bán đảo Crimée bị sáp nhập vào Nga năm 2014
như chất xúc tác đoàn kết cả khối trước mối họa Nga. NATO lần lượt tăng cường
nhiều mặt trận và phải thích hợp với xu hướng thời đại đối phó với một cuộc chiến
mới : Cuộc chiến tin học.
Giờ đây trong bối cảnh Hoa Kỳ không ngừng đe dọa rút
ra khỏi Liên minh, khối quân sự này phải có những bước chuẩn bị cho tương lai,
theo như phân tích của bà Claudia Major, chuyên gia Quỹ Khoa học và Chính trị :
« NATO phải đồng lòng chuẩn bị cho một tương
lai mà Hoa Kỳ sẽ có một vai trò chính trị và quân sự khác đi. Sự chia rẽ tại
châu Âu và xu hướng hợp tác song phương phát triển mạnh sẽ là rủi ro lớn nhất
cho khối. Phương cách tốt nhất cho châu Âu là phải duy trì mối quan hệ xuyên Đại
Tây Dương, tức phải trở thành những đồng minh có hấp lực và đáng tin cậy hơn,
cũng như là tự chủ hơn ».
No comments:
Post a Comment