Đăng ngày 03-04-2019
Chỉ cần vài dòng tin nhắn trên Twitter, tổng thống Mỹ
Donald Trump có thể khiến giá dầu trồi sụt trên thị trường vốn đã bấp bênh từ
vài năm nay.
Trong bài viết : “Dầu lửa: Trump thổi
thêm khả năng dễ bay hơi của thị trường” trên nhật báo Le Monde số
cuối tuần 30-31/03/2019, phóng viên Nabil Wakim cho rằng cả giới hoàng thân
vùng Vịnh, môi giới thị trường chứng khoán Luân Đôn và những ông chủ lớn đều
ngóng những dòng Tweet sáng sớm của chủ nhân Nhà Trắng.
Ngày 28/03, như thường lệ, trên phương tiện truyền
thông ưa thích của mình, tổng thống Mỹ chỉ trích Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu
lửa (Organization of the Petroleum Exporting Countries, OPEC) vì giá dầu lửa
tăng : “Điều quan trọng là OPEC cần tăng sản lượng dầu. Thị trường thế
giới mong manh, giá dầu thì lại quá cao. Cảm ơn !”
Nhận xét của tổng thống Mỹ hoàn toàn đúng vì giá dầu
tăng vùn vụt, đặc biệt từ đầu năm 2019, với mức tăng theo quý cao nhất kể từ 10
năm qua, cụ thể là tăng thêm 25% và mỗi thùng dầu hiện có giá hơn 67 đô la (khoảng 60 euro).
Nhưng thực ra, mức tăng chóng mặt trên chưa bù lại
được mức giảm hơn 30% vào cuối năm 2018. Hiện tượng tăng - giảm đột biến không
lường trước được này từng khiến ông Fatih Birol, giám đốc điều hành Cơ quan
Năng lượng Quốc tế (AIE), lo ngại khi trả lời Le Monde vào tháng 12/2018
: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn bất trắc và khả năng bốc hơi
chưa từng có trong lịch sử ngành dầu lửa”.
Giá dầu giảm vì Mỹ tham gia thị trường cung cấp
Lý do chính được tác giả bài báo nhắc đến là chưa
bao giờ thế giới lại sử dụng nhiều dầu lửa như hiện nay. Bất chấp những quan ngại
về biến đổi khí hậu, về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa hồi kết hoặc sự xuất
hiện những sáng kiến công nghệ mới, thế giới vẫn tiêu thụ 100 triệu thùng/ngày.
Thực trạng các nguồn cung cũng trở nên phức tạp hơn
và giải thích phần nào sự trồi sụt thất thường của giá dầu lửa.
Thứ nhất, phải nhắc đến sự kiện Mỹ gia nhập đội ngũ
các nhà cung cấp chất đốt vào năm 2014. Từ 5 năm nay, lượng dầu lửa từ đá phiến
do Mỹ sản xuất, đặc biệt tại bang Texas, đã làm thay đổi hoàn toàn cán cân thế
giới. Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới. Chính sự gia nhập quá nhanh và
quá mạnh của các nhà cung cấp Mỹ đã khiến thị trường dầu lửa bất ngờ sụt giá
năm 2014 : mỗi thùng dầu có giá từ 100 đô la rơi xuống chưa đầy 30 đô la.
Phải hai năm sau, các nước xuất khẩu dầu lửa thuộc
khối OPEC, do Ả Rập Xê Út đứng đầu, mới bắt đầu phản ứng trước sức tấn công bất
ngờ của Mỹ. Năm 2016, OPEC ký với Nga và 10 nước sản xuất dầu lửa khác một thoả
thuận nhằm giảm sản lượng khai thác. Kết quả là giá dầu tăng dần trở lại trong
năm 2017.
Dĩ nhiên tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng về
chiến thuật của OPEC và nhiều lần, trên Twitter, yêu cầu các nước xuất khẩu dầu
lửa ngừng cắt giảm sản lượng.
Trừng phạt Iran làm giá dầu tăng
Yếu tố thứ hai tác động đến giá dầu lửa là vào tháng
05/2018, tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời quyết
định áp dụng những biện pháp trừng phạt “khắc nghiệt nhất trong lịch sử”.
Đợt trừng phạt đầu tiên được ban hành ngày 07/08 nhắm
vào bốn lĩnh vực : ngân hàng, nhập khẩu nguyên liệu, nhập khẩu trang thiết bi
xe hơi và hàng không. Lĩnh vực dầu lửa và ngân hàng nằm trong danh sách đợt trừng
phạt thứ hai, khắt khe hơn, nhắm vào Iran có hiệu lực từ ngày 05/11. Theo đó,
các nước, các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài bị cấm tiếp tục mua bán dầu lửa
hoặc giao dịch ngân hàng với Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, nếu vi phạm sẽ bị cấm tiếp
cận hệ thống thị trường tài chính Mỹ.
Vì Iran là quốc
gia sản xuất dầu lửa lớn trên thế giới nên dĩ nhiên quyết định của chủ nhân Nhà
Trắng trừng phạt Teheran làm gia tăng nỗi lo khan hiếm dầu lửa : giá dầu lại
tăng, đạt mức hơn 80 đô la/thùng, thậm chí có nguy cơ lên thành 100 đô la/thùng
theo lo ngại của nhiều nhà phân tích.
Trước tình trạng chi phí nhiên liệu tăng nhanh sau
khi hứa trừng phạt nặng Iran, tổng thống Mỹ đã điện đàm với quốc vương Ả Rập Xê
Út vào đầu tháng 07/2018 để thảo luận về nhu cầu “duy trì sự ổn định của
thị trường dầu lửa”. Tổng
thống Trump đề nghị chính quyền Riyad tăng thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày,
thêm vào khối lượng hàng ngày là 10 triệu thùng, theo thống kê tháng 05/2018 của
OPEC.
Bề ngoài, Ả Rập Xê Út hứa tăng sản lượng theo yêu cầu
của tổng thống Mỹ dù không đề cập tới con số 2 triệu thùng được nêu lên, nhưng
đằng sau thì xoa tay hài lòng vì giá dầu tăng. Như vậy, chính quyền Ryiad vừa
có tiền chi trả cho cuộc chiến ở Yemen mà họ tham gia, vừa có kinh phí thực hiện
các dự án cải cách của thái tử Mohammed Ben Salmane.
Nhưng vụ ám sát dã man và đầy ly kỳ nhà báo đối lập
Jamal Khashoggi ngay trong lãnh sự Ả Rập Xê Út tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm
02/10/2018, mà thái tử Ben Salman bị tình nghi là chủ mưu, đã buộc Riyad phải đổi
chiến lược. Từ phủ nhận rồi dọa dùng lá bài dầu lửa để trả đũa các biện pháp trừng
phạt của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ (trừng phạt tài chính nhắm vào 17
quan chức Ả Rập Xê Út, cấm nhập cảnh đối với nhiều người dính líu tới vụ ám
sát…), chính quyền Riyad đã phải nhượng bộ.
Ngày 24/10/2018, đích thân thái tử Mohamed Ben
Salmane, người bị tình nghi giật dây vụ ám sát, đã công khai lên án một tội
ác “ghê tởm” và hứa sẽ trừng trị thích đáng thủ phạm. Nhưng
hành động mang ý nghĩa quan trọng hơn cả là quyết định mở van dầu để tiếp tục
nhận được sự ủng hộ của Mỹ.
Cùng thời điểm trên, ngày 05/11/2018, tổng thống Mỹ
lại đưa ra một quyết định đầy bất ngờ khác. Ông miễn trừ cho 8 nước nhập dầu
thô từ Iran mà không bị phạt, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Hy
Lạp, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả hai sự kiện
trên dẫn đến kết quả là đột nhiên có quá nhiều dầu cùng lúc trên thị trường.
Mùa thu 2018, giá dầu rớt xuống 30%. Tổ chức OPEC và Nga lại họp khẩn cấp vào
tháng 12/2018 và lại quyết định giảm bớt sản lượng.
Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng hiện nay của
Venezuela, một quốc gia dầu lửa khác, hiện cũng nằm trong diện bị trừng phạt của
tổng thống Trump. Đất nước tan hoang, thiết bị khai thác, sản xuất dầu lửa
không được bảo trì, Venezuela từ một nước xuất khẩu dầu lửa giờ thiếu chất đốt
và cả điện sinh hoạt. Theo báo cáo ngày 13/11/2018 của OPEC, Venezuela chỉ còn
sản xuất được 1,17 triệu thùng/ngày, giảm 39% so với năm 2017.
Tương lai khó đoán vì tổng thống Mỹ khó lường
Thị trường dầu lửa thất thường bắt đầu tác động lên
nền kinh tế của một số nước nhập khẩu, như tại Pháp mà điển hình là phong trào
Áo Vàng, bắt nguồn từ giá dầu tăng cao, đè nặng lên ngân sách của những người ở
xa các trung tâm đô thị và phải thường sử dụng ô tô.
Tương lai thị trường dẩu lửa ra sao ? Không ai dám
lao vào dự đoán. Có thể trước sức ép của tổng thống Mỹ, Ả Rập Xê Út sẽ tăng trở
lại sản lượng dầu lửa. Ngoài ra, lượng dầu lửa từ đá phiến của Mỹ cũng có thể
giúp giảm giá. Đó là còn chưa kể đến hậu quả của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, theo kết luận của tác giả bài báo, điều có vẻ chắc chắn duy nhất là
chìa khoá từ giờ nằm ở Nhà Trắng, trong tay tổng thống Donald Trump.
No comments:
Post a Comment