Tuesday, April 9, 2019

DI SẢN ĐÁNG LO NGẠI NHẤT CỦA TRUMP (Joseph E. Stiglitz - Project Syndicate)




Joseph E. Stiglitz  -  Project Syndicate
Phan Nguyên dịch
09/04/2019

Việc Kirstjen Nielsen bị buộc phải từ chức Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ không phải là lý do để ăn mừng. Phải, bà ta giám sát việc cưỡng bức chia tách các gia đình ở biên giới Hoa Kỳ, tai tiếng với việc nuôi các trẻ nhỏ trong lồng sắt. Nhưng sự ra đi của Nielsen ít có khả năng mang lại bất kỳ sự cải thiện nào vì Tổng thống Donald Trump muốn thay thế bà bằng một người sẽ thực hiện các chính sách chống nhập cư của ông một cách thậm chí còn tàn nhẫn hơn.

Các chính sách nhập cư của Trump đều đáng sợ ở hầu hết các khía cạnh. Nhưng chúng có thể không phải là đặc điểm tồi tệ nhất của chính quyền này. Thật vậy, tìm ra các khía cạnh xấu nhất của chính quyền Trump đã trở thành một trò chơi phổ biến ở Mỹ. Vâng, ông ta đã gọi những người nhập cư là tội phạm, kẻ hiếp dâm và súc vật. Thế còn sự xem thường phụ nữ, sự thô tục và tàn nhẫn của ông thì sao? Hay sự ủng hộ của ông đối với những kẻ mang tư tưởng da trắng thượng đẳng? Hay việc ông rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung? Và, tất nhiên, còn có cuộc chiến của Trump đối với môi trường, y tế và hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ nữa.

Tất nhiên, trò chơi đáng sợ này không bao giờ kết thúc, bởi vì những ứng cử viên mới cho danh hiệu này xuất hiện gần như hàng ngày. Trump là một nhân cách gây xáo trộn, và sau khi ông ra đi, chúng ta có thể nhìn lại cách làm sao ngay từ đầu một kẻ loạn trí và khiếm khuyết đạo đức lại có thể được bầu làm tổng thống của quốc gia quyền lực nhất thế giới như vậy?

Nhưng điều khiến tôi lo lắng nhất là việc Trump phá vỡ các thể chế cần thiết cho hoạt động của xã hội. Tất nhiên, chương trình nghị sự MAGA (Make America Great Again – Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của Trump không phải là nhằm khôi phục lại vai trò lãnh đạo về mặt đạo đức của Hoa Kỳ. Nó hiện thân và tôn vinh tính ích kỷ, lấy mình làm trung tâm. MAGA thực ra là về kinh tế học. Nhưng một câu hỏi đặt ra là: cơ sở tạo nên sự giàu có của Mỹ là gì?

Adam Smith đã cố gắng cung cấp một câu trả lời trong cuốn sách kinh điển năm 1776 của ông, cuốn The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia). Smith lưu ý rằng trong nhiều thế kỷ, mức sống bị trì trệ; sau đó, đến cuối thế kỷ 18, thu nhập bắt đầu tăng vọt. Tại sao?

Bản thân Smith là một ánh sáng hàng đầu của phong trào tri thức vĩ đại được gọi là Khai sáng Scotland (Scottish Enlightenment). Việc thách thức các thẩm quyền xưa cũ diễn ra sau Cải cách Kháng cách ở châu Âu buộc xã hội phải đặt ra các câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta biết sự thật? Làm thế nào chúng ta có thể tìm hiểu về thế giới xung quanh? Và làm thế nào chúng ta có thể và nên tổ chức xã hội của mình?

Việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này đã làm nảy sinh một nhận thức luận mới, dựa trên chủ nghĩa thực nghiệm và sự hoài nghi của khoa học, điều dần chiếm ưu thế đối với các lực lượng tôn giáo, truyền thống và mê tín. Theo thời gian, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu khác được thành lập để giúp chúng ta đánh giá sự thật và khám phá bản chất của thế giới. Phần lớn những gì chúng ta coi như điều đương nhiên ngày nay – từ điện, bóng bán dẫn và máy tính đến laser, y học hiện đại và điện thoại thông minh – đều là kết quả của sự thay đổi này, dựa trên các nghiên cứu khoa học cơ bản (phần lớn được tài trợ bởi chính phủ).

Việc các hoàng gia hoặc giáo hội không còn thẩm quyền ra lệnh cho xã hội phải được tổ chức như thế nào có nghĩa là xã hội phải tự mình tìm ra cách thức vận hành. Nhưng việc nghĩ ra các thể chế nhằm đảm bảo sự phát triển tốt đẹp của xã hội là một vấn đề phức tạp hơn so với việc khám phá ra sự thật của tự nhiên. Nói chung, người ta không thể tiến hành các thí nghiệm được kiểm soát.

Tuy nhiên, việc xem xét kỹ kinh nghiệm trong quá khứ có thể mang lại những thông tin hữu ích. Người ta phải dựa vào suy luận và diễn ngôn – phải thừa nhận rằng không có cá nhân nào có sự độc quyền chi phối hiểu biết của chúng ta về tổ chức xã hội. Từ quá trình này xuất hiện một sự đánh giá rằng các thể chế quản trị dựa trên luật pháp, quy trình đúng đắn, đối trọng và cân bằng, được hỗ trợ bởi các giá trị nền tảng như tự do cá nhân và công lý cho tất cả, sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc đưa ra quyết định tốt và công bằng. Các thể chế này có thể không hoàn hảo, nhưng chúng đã được thiết kế để sao cho các lỗ hổng nhiều khả năng nhất sẽ được phát hiện và cuối cùng là được khắc phục.

Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm, học hỏi và thích nghi đó đòi hỏi phải có cam kết đối với việc xác định sự thật. Người Mỹ thành công về kinh tế một phần quan trọng là nhờ một tập hợp phong phú các thể chế biết nói lên sự thật, khám phá sự thật và xác minh sự thật. Nằm trung tâm trong số đó là tự do ngôn luận và một giới truyền thông độc lập. Giống như tất cả mọi người, các nhà báo cũng có thể ngụy biện; nhưng, là một phần của một hệ thống đối trọng và cân bằng mạnh mẽ đối với những quan chức có quyền lực, truyền thông thường cung cấp một loại hàng hóa công thiết yếu.

Kể từ thời của Smith, người ta đã chứng minh rằng sự giàu có của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng sáng tạo và năng suất của người dân, những thứ chỉ có thể được nâng cao bằng cách nắm bắt tinh thần khám phá khoa học và đổi mới công nghệ. Và nó phụ thuộc vào sự cải thiện một cách vững chắc công tác tổ chức xã hội, chính trị và kinh tế, điều được thúc đẩy thông qua diễn ngôn của cộng đồng.

Cuộc tấn công của Trump và chính quyền của ông lên mọi trụ cột của xã hội Mỹ – và đặc biệt là sự phỉ báng hung hăng của Trump đối với các thể chế tìm kiếm sự thật của đất nước – đe dọa sự thịnh vượng liên tục cũng như khả năng vận hành như một nền dân chủ của nước Mỹ. Dường như cũng không có sự kiểm soát nào đối với nỗ lực của các công ty khổng lồ nhằm thao túng các thể chế – tòa án, cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý và các cơ quan truyền thông lớn – vốn được cho là những  thể chế giúp ngăn họ bóc lột công nhân và người tiêu dùng. Một thế giới không tưởng trước đây chỉ được nghĩ ra bởi các nhà văn khoa học viễn tưởng đang xuất hiện trước mắt chúng ta. Nó sẽ khiến chúng ta ớn lạnh khi nghĩ về việc ai sẽ là người chiến thắng trong thế giới này, và chúng ta sẽ trở thành ai hoặc cái gì, trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy.

*
Joseph E. Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001, là giáo sư tại Đại học Columbia.

Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “Trump’s Most Worrisome Legacy”, Project Syndicate, 09/04/2019.

---------------------------------

Có Thể Bạn Quan Tâm:













No comments: