Saturday, April 13, 2019

CHÍNH PHỦ VIỆT NAM THUA KIỆN TRỊNH VĨNH BÌNH : THUA CẢ TRÊN MẶT TRẬN TRUYỀN THÔNG (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
13/04/2019

Sau một ngày im hơi lặng tiếng về vụ thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình, để cho truyền thông hải ngoại và mạng xã hội làm mưa làm gió, chiều tối hôm qua, Bộ Tư pháp ra thông cáo báo chí về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình. Phát ngôn Bộ Tư pháp nói rằng, mạng xã hội đưa tin không chính xác, nhưng không rõ thông tin nào không chính xác và cũng không thấy họ đính chính.

Ông Đỗ Đức Hiển, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Tư pháp, nói: “Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật phán quyết. Tuy nhiên, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan, gây hiểu nhầm trong dư luận“.

Có lẽ ông Hiển và Bộ Tư pháp của ông quên rằng, trong vụ kiện trước, chính quyền CSVN đã từng dụ ông Bình sang Singapore để thương lượng. Họ hứa sẽ bồi thường cho ông Bình 15 triệu Mỹ kim, trả lại tất cả các tài sản đã bị tịch thu, mời ông về Việt Nam làm ăn tiếp. Đổi lại, ông Bình phải rút đơn kiện khỏi Tòa án Trọng tài Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận này.

Ông Bình đã thực hiện đúng cam kết, rút đơn kiện và giữ bí mật thỏa thuận giữa hai bên. Thế nhưng, phía chính quyền CSVN đã hủy cam kết, không trả tài sản cho ông Bình như đã thỏa thuận ngoài tòa. Và đó là lý do xảy ra vụ kiện lần thứ hai ra Tòa án Trọng tài Quốc tế. Vụ xử cũng đã diễn ra hồi tháng 8/2017, như mọi người đã biết.

Không có thông tin chính thức về kết quả vụ xử này ngay sau phiên xử. Mọi người chỉ thấy ông Bình vui cười, hân hoan, giơ hai tay lên cao khi bước ra khỏi tòa, nên đoán là ông Bình đã thắng kiện. Ông Bình vẫn giữ im lặng, không trả lời bất kỳ báo, đài nào về kết quả phiên tòa. Mãi cho tới hôm qua, các báo đài hải ngoại đồng loạt đưa tin, ông Bình đã thắng kiện.

Ông Trịnh Vĩnh Bình giơ tay mừng chiến thắng. Photo Courtesy

LS Ngô Ngọc Trai bình luận: “Pháp luật hiện nay quy định một số vụ xử kín nhưng khi tuyên án phải công khai. Vậy chắc vụ Trịnh Vĩnh Bình kia cũng vậy, người ta chỉ yêu cầu giữ im lặng khi quá trình xét xử đang diễn ra, còn khi có phán quyết rồi thì không buộc phải giữ bí mật phán quyết. Chẳng có nhẽ thế, bác nào biết thủ tục tố tụng trọng tài quốc tế này chỉ giáo cho bà con thông não chút nào“.

RFA đặt câu hỏi về vụ án Trịnh Vĩnh Bình: Phản ứng của Bộ Tư Pháp có hợp lý? Bài viết lưu ý, sau thông cáo của Bộ Tư Pháp, ông Trịnh Vĩnh Bình vẫn khẳng định “thông tin ông chiến thắng là đúng và cũng khẳng định rằng ông không cung cấp số tiền phải bồi thường cũng như giấy tờ liên quan đến phán quyết của tòa cho bất cứ ai”. TS Hà Hoàng Hợp cho rằng, Bộ Tư Pháp đã làm việc không cần làm.

TS Lê Đăng Doanh bình luận: “Tôi thấy đấy là một sự việc rất đáng tiếc. Những người khi đó xử lý vụ việc của ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tính đến, không tôn trọng các quy định pháp luật ở trong nước, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài”.

VOA bàn về vụ Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện: ‘bài học lớn cho Việt Nam’. Chuyên gia pháp lý quốc tế Hoàng Việt nhận định: “Qua đây thấy một điều rất rõ là hệ thống nội bộ pháp luật của Việt Nam có rất nhiều vấn đề không tương thích. Quyền lực giữa trung ương và địa phương có sự mâu thuẫn. Các cơ quan địa phương thường diễn giải theo cách riêng của họ. Các doanh nhân như ông Trịnh Vĩnh Bình đã gặp rất nhiều tai ương trong khi chính quyền trung ương luôn luôn kêu gọi đầu tư và nước ngoài và Việt kiều”.

Báo Người Việt có video tường thuật vụ Chính phủ Việt Nam thua kiện doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình.

Nhà báo Mặc Lâm viết: 60 triệu đô la bị chuột gặm. Bài viết cho rằng, đó là số tiền mà chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình, bao gồm giá trị tài sản bị nhà nước tịch thu, bản thân bị giam giữ trái phép và chính phủ thất tín với người đi kiện mình. Tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí cộng với 15 triệu đô la mà Việt Nam đã trả cho ông Bình tại Singapore vào năm 2005.

Từ một “khúc ruột ngàn dặm”, tới mâu thuẫn gần 30 năm

Về chi tiết của vụ mâu thuẫn kéo dài gần 30 năm giữa ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ Việt Nam, cần đọc lại một số bài phân tích tổng hợp vào đầu tháng 9/2017, nghĩa là gần như ngay sau khi Tòa án Trọng tài Quốc tế có trụ sở tại Paris, mở phiên xét xử vụ tranh chấp: Công dân Vương quốc Hà Lan, ông Trịnh Vĩnh Bình, kiện Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, diễn ra từ ngày 21 đến 27/8/2017.

Khi đó, TC Luật Khoa có bài tổng hợp dạng Hỏi và Đáp: Vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam. Một số mốc thời gian chính của vụ việc: Sau khi về VN đầu tư, đầu thập niên 1990, ông Bình đã đầu tư vào một số dự án bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến năm 1992, ông Bình đã sở hữu hơn 2,5 triệu m2 đất và hơn 10 căn nhà.

Ngày 5/12/1996, ông Bình bị bắt giam ở Việt Nam về tội đưa hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Từ ngày 7 đến ngày 11/12/1996, ông Bình cùng năm người khác bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông bị VKS đề nghị mức án 5 năm tù. Ông Bình được tại ngoại vào ngày 25/6/1998.

Ngày 4/5/1999, tòa phúc thẩm giảm mức án của ông Bình xuống còn tổng cộng 11 năm cho cả hai tội nói trên. Tuy nhiên, ông đã tìm cách trốn thoát khỏi Việt Nam và trở về Hà Lan trước khi bản án có hiệu lực. Đến năm 2003, ông thuê hãng luật Covington Burling tiến hành thủ tục kiện chính phủ Việt Nam, dựa theo luật thương mại quốc tế, yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường hơn 100 triệu Mỹ kim cho những thiệt hại mà ông phải gánh chịu.

Kết quả vụ kiện này, như mọi người đã biết, Chính phủ CSVN đồng ý bồi thường cho ông Bình 15 triệu Mỹ kim, trả lại tất cả các tài sản đã bị tịch thu. Nhưng do bên bị đơn không thực hiện toàn bộ thỏa thuận, nên đã bị kiện tiếp lần thứ hai.

Lúc đó, trang Nghiên Cứu Quốc Tế cũng có bài tổng hợp về vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình vs. Chính phủ Việt Nam: Một số nhận định sơ bộ. Thời điểm Tòa Trọng tài Quốc tế Paris mở phiên xử đầu tiên vào cuối tháng 8/2017, GS Nguyễn Vi Khải, cố vấn của cựu Thủ tướng Phan Văn Khải từng kiến nghị vụ án Trịnh Vĩnh Bình, cho rằng khả năng thắng cuộc của ông Bình là “mong manh” nhưng thừa nhận “hệ lụy nguy hiểm” với Việt Nam.

Bài viết phân tích: “Nếu phía Việt Nam trước đây rõ ràng đã từ chối hợp tác với ông Bình để xác định tài sản sẽ được trả lại, thì Việt Nam đã vi phạm Thỏa thuận 2006, và vì vậy sẽ phải bồi thường cho ông Bình theo Luật điều chỉnh Thỏa thuận”.

Trong môi trường pháp lý có cả rừng luật nhưng chỉ dùng “luật rừng” ở Việt Nam, rất nhiều “khúc ruột ngàn dặm” đã bị cướp trắng trợn khi mang tiền về nước đầu tư như ông Trịnh Vĩnh Bình. Ông Bình thắng kiện được Chính phủ CSVN vì hai lý do quan trọng: Ông là công dân Hà Lan và ông kiện dựa trên hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hà Lan. Nhiều người khác vừa mất tiền, vừa bị dính rủi ro pháp lý, nên chỉ còn cách nhanh chân thoát khỏi mảnh đất mà họ đã từng bị dụ dỗ về nước đầu tư.
____








No comments: