04/04/2019
“Thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là hai mươi
năm trước. Thời điểm tốt tiếp theo là ngay bây giờ.”
Câu ngạn ngữ châu Phi này có lẽ là mô tả thích hợp
nhất cho tình thế hiện tại của các nhà sử học Mỹ, qua góc nhìn của nhà sử học
Jill Lepore.
***
Phần dưới đây là bài lược dịch từ bài gốc tiếng Anh
“A
new Americanism” của tác giả Jill Lepore, giáo sư sử học của Đại học
Harvard. Bài gốc được đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3-4/2019. Bài
lược dịch không nhất thiết tuân theo đúng cấu trúc của bài gốc, có thể lược bỏ
một số phần và diễn đạt lại ý của một số phần khác sao cho dễ hiểu trong tiếng
Việt.
--------------------
Francis Fukuyama không phải là một nhà sử học nhưng
là một tác giả có tiếng tăm với nhiều đầu sách thuộc dạng best-seller (bán chạy).
Trong một tiểu luận công bố vào năm 1989 với tiêu đề “Sự chấm dứt của lịch sử?”,
Fukuyama mạnh dạn tuyên bố lịch sử đã sang trang mới, nơi mà chủ nghĩa cộng sản
(communism) và chủ nghĩa phát xít (fascism) đều đã bị đánh bại, còn chủ nghĩa tự
do (liberalism) sẽ là dòng chảy chính không thể ngăn chặn. Đối thủ duy nhất còn
lại, chủ nghĩa dân tộc (nationalism), đã bị “bẻ nanh”, ông khẳng định. Thứ chủ
nghĩa dân tộc còn đang ngoi ngóp vẫy vùng ở những ngóc ngách trên thế giới chẳng
qua chỉ là những “ước muốn tiêu cực” thoát khỏi sự kiểm soát, tầm ảnh hưởng của
những nhóm người khác, chứ không có một hệ thống ý tưởng nào đáng kể.
Fukuyama không phải người duy nhất viết bố cáo cho
chủ nghĩa dân tộc sớm như vậy.
Nhà sử học Carl Degler trong bài phát biểu tại hội
thảo thường niên của Hiệp hội Sử học Hoa Kỳ vào năm 1986 đã chỉ trích những đồng
nghiệp của mình vì quá “sợ chủ nghĩa dân tộc” mà từ bỏ việc nghiên cứu về nó,
nhường lại trận địa cho những người “thiếu thông tin” và “thiếu cẩn trọng” hơn
tha hồ làm mưa làm gió.
Vì sao người ta lại hắt hủi chủ nghĩa dân tộc?
Một phần lý do đến từ chủ nghĩa phát xít (fascism),
một loại quái thai cực đoan của chủ nghĩa dân tộc, cùng hậu quả khủng khiếp của
nó trong Thế Chiến II. Người ta không muốn nhắc đến một thứ ý tưởng đã tạo ra
thảm kịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại đương đại.
Từ sự xa lánh đó, các nhà sử học, học giả, các nhà
kinh tế, các chính trị gia đều hăng hái cưỡi theo làn sóng chủ nghĩa tự do đang
lên ngôi từ thời hậu chiến. Họ tin tưởng đó là con đường duy nhất của tương
lai. Họ ngoảnh mặt với chủ nghĩa dân tộc, hi vọng nó sẽ tự sinh tự diệt.
Nhưng chủ nghĩa dân tộc chưa bao giờ chết.
Không có các nhà sử học đỡ đẻ, sự sinh sôi nảy nở của
nó được trao vào tay của những người thiếu cẩn trọng trong thông tin nhưng thừa
nhiệt tình trong việc phát tán các loại huyền thoại siêu thực, những sứ mệnh giật
gân cao cả, nhân rộng các thiên kiến hẹp hòi, kích động sự giận dữ vô lý, và
kêu gào các phản ứng bạo lực.
Không những không chết, để mặc trong tay những bà mụ
hắc ám này, chủ nghĩa dân tộc còn đe dọa nuốt chửng những giá trị mà chủ nghĩa
tự do luôn gìn giữ.
Tranh của Alphonse-Marie-Adolphe
de Neuville, vẽ năm 1887, mô tả cảnh học sinh Pháp đang học về những tỉnh
của Pháp đã bị Đức chiếm vào năm 1871. Nguồn: Wikipedia.
Nhà nước và dân tộc
Vì sao chủ nghĩa dân tộc lại có sức sống bền bỉ dẻo
dai như vậy? Đơn giản vì nhiều người cần đến nó.
Chủ nghĩa dân tộc được xem là xuất hiện cùng lúc với
khái niệm quốc gia (nation-state), nơi một nhà nước (state) điều hành quản lý một
dân tộc (nation). Chủ nghĩa dân tộc, hay ý thức tư duy đề cao dân tộc, là chất
xúc tác cần thiết để gắn kết những cá nhân trong cộng đồng, và trong nhiều trường
hợp là gắn kết các cộng đồng riêng lẻ thành một cộng đồng dân tộc, có chung hoặc
nguồn gốc chủng tộc, hoặc nguồn gốc văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, địa lý.
Các câu chuyện về nguồn gốc của dân tộc của mỗi quốc
gia đều thấm đượm màu sắc huyền thoại, hư hư thực thực, nhằm tạo nên sợi tơ kết
dính chung, liên kết các cá nhân/ cộng đồng lại với nhau.
Nhu cầu cần phải tạo ra chủ nghĩa dân tộc thể hiện
sinh động nhất ở một trong những quốc gia ngược đời nhất trong lịch sử nhân loại:
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Trong đa số trường hợp, dân tộc (nation) có trước,
nhà nước (state) xuất hiện sau, các câu chuyện nguồn gốc chung về văn hóa, ngôn
ngữ, đặc tính, ý thức của cộng đồng được tận dụng làm nguyên liệu cho món ăn chủ
nghĩa dân tộc.
Ở trường hợp của Hoa Kỳ, vào thời điểm tuyên bố độc
lập vào năm 1776, họ là tập hợp những cá nhân, cộng đồng đến từ khắp nơi trên
thế giới. Một phần lớn trong số họ có nguồn gốc từ Vương quốc Anh, nhưng khi
chính sự áp bức của “mẫu quốc” là mầm mống dẫn đến cuộc chiến và sự độc lập của
họ, việc ca ngợi “chất Anh quốc” trong cội nguồn của mình là thứ cuối cùng mà
những người Mỹ vừa giành được độc lập muốn nghĩ tới.
Một thời gian dài sau khi độc lập, hầu hết người Mỹ
vẫn xem nước mình là một liên hiệp của các bang (confederation of states) thay
vì là một quốc gia (nation-state) đúng nghĩa.
Những người vận động lập quốc ban đầu của Hoa Kỳ khi
cố gắng thuyết phục sự liên hiệp giữa các bang, cùng tạo nên và thông qua Hiến
pháp liên bang, cũng gọi mình là những người liên bang (federalists) thay vì là
những người theo chủ nghĩa dân tộc (nationalists), dù thực chất họ đang làm
chính cái việc tạo ra một dân tộc thống nhất trong một quốc gia chung, dưới một
Hiến pháp chung.
John Jay, một trong những người vận động như vậy, đã
viết trong các tiểu luận và bài báo về việc cổ vũ thành lập liên bang, rằng
“Chúa trời đã rất mãn nguyện khi trao tặng quốc gia này cho một dân tộc thống
nhất – nơi những con người có chung nguồn gốc tổ tiên, nói cùng một thứ tiếng,
thờ cùng một tôn giáo, gắn kết với cùng các nguyên tắc nhà nước, chia sẻ cùng
phong tục và tập quán.” Hoặc là ông cực kỳ lạc quan, hoặc ông đang cố tạo ra một
huyền thoại mới.
Sự lạc quan siêu thực của John Jay được minh chứng
qua lời của một chính khách liên bang khác, Noah Webster, người đã khai sinh ra
bộ từ điển nổi tiếng Webster về “Tiếng Anh của người Mỹ” (American Dictionary
of the English Language) vào năm 1828. Noah Webster thúc giục người Mỹ “phải có
đặc tính riêng biệt so với thế giới”, từ đó tiếng Anh của họ cũng phải có điểm
khác biệt với người Anh. Những biến đổi từ ngữ như “favour” thành “favor”,
“colour” thành “color”, “centre” thành “center”… đều là kết quả của việc tạo ra
“tính cách dân tộc” riêng biệt (national character) đó.
Nỗ lực quan trọng nhất để tạo nên một câu chuyện dân
tộc đồng nhất thường được ở những nhà sử học gánh vác. George Bancroft, một nhà
sử học đồng thời là chính trị gia lão luyện, đã viết nên bộ sách gồm mười tuyển
tập, được xem là tác phẩm sử học đồ sộ đầu tiên về lịch sử dân tộc Hoa Kỳ, xuất
bản từ năm 1834 đến 1874. Trong đó Bancroft đã mô tả về lịch sử dân tộc Mỹ như
sau:
“Gốc gác ngôn ngữ chúng ta đang dùng đến từ Ấn Độ;
tôn giáo của chúng ta đến từ Palestine; những giai điệu đồng ca trong nhà thờ của
chúng ta, một số xuất hiện đầu tiên ở Ý, một số khác được cất lên từ các khu vực
sa mạc ở Ả Rập, và một số lại đến từ các cư dân bờ sông Euphrates ở Tây Á; nền
nghệ thuật của chúng ta đến từ Hi Lạp; học thuyết luật pháp của chúng ta lại đến
từ những người La Mã.”
Hình ảnh dân tộc đầy màu sắc đa nguyên và đại đồng
này là một sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc tự do (liberal
nationalism), loại tư duy dân tộc thấm đẫm màu sắc của thời kỳ tự do Khai sáng
(Enlightenment) của thế kỷ 19.
Như nhà triết học và sử học Hans Kohn từng nhận xét,
chủ nghĩa dân tộc của thời kỳ này là sản phẩm của sự chuyển dịch từ ý niệm tự
do cá nhân sang tự do của tập thể, thông qua quyền tự quyết của một dân tộc.
Sự hình thành quốc gia qua đó đảm bảo quyền của mỗi
công dân được bảo đảm ngang bằng như nhau, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử
nào.
Cách người Mỹ sốt sắng tạo nên “tính cách dân tộc”
riêng của mình sau khi “lỡ” hình thành nhà nước trước minh chứng cho nhu cầu phải
có một chủ nghĩa dân tộc, hay đơn giản là một câu chuyện dân tộc chung, để gắn
kết những con người trong cùng một nhà nước.
Không có nó, nhà triết học Francis Lieber nói, “nhà
nước sẽ không thể duy trì một xã hội bền vững và liên tục để phát triển.”
Tranh minh họa Hội nghị Lập hiến Philadelphia năm
1787. Nguồn: whenintime.com
Hai câu chuyện trong cùng một dân tộc
Hoa Kỳ là một quốc gia đặc biệt, không chỉ ở lịch sử
hình thành ngược ngạo độc nhất của nó, khi nhà nước (state) được tạo ra trước
khi ý thức dân tộc (nation) được hình thành. Nhà sử học David Armitage từng nói
Hoa Kỳ không phải là một quốc gia được hình thành trên cơ sở dân tộc
(nation-state) đúng nghĩa, mà ngược lại, là một dân tộc được sinh ra sau khi
xác lập nhà nước (state-nation).
Có lẽ vì được sinh ra sau, nên dân tộc này không chỉ
có một tính cách như nhiều người đã cố gắng tạo ra ở trên. Nhiều người khác
không chia sẻ cùng câu chuyện dân tộc đó.
Những người Mỹ ở phía Nam muốn kể một câu chuyện
khác. Chính khách Stephen Douglas đã phát biểu vào năm 1858, rằng cha ông chúng
ta đã lập nên nhà nước trên cơ sở phục vụ người da trắng, “nó được những người
da trắng tạo ra, cho lợi ích và sự thịnh vượng vĩnh viễn của người da trắng”.
Vào năm 1861, khi các bang phía Nam quyết định ly
khai, lập Liên minh (Confederacy), vị phó tổng thống của Liên minh đó,
Alexander Stephens, không chấp nhận Hiến pháp của nước Mỹ khi nó được lập ra dựa
trên cơ sở mọi sắc tộc đều bình đẳng. Ông tuyên bố “chính phủ mới của chúng ta
(Liên minh) được lập ra trên cơ sở hoàn toàn ngược lại; nền tảng của nó dựa
trên sự thật vĩ đại rằng người da đen không hề bình đẳng với người da trắng, và
làm nô lệ là bản chất tự nhiên hợp lý của họ.”
Chủ nghĩa dân tộc của những người phương Nam đó, vào
thời nay, sẽ được gọi là “phi tự do” (illiberal) hoặc “phân biệt chủng tộc”
(ethnic/racist), một sự phân biệt mà nhiều người cho là thiếu khách quan vì nó
hàm ý thứ tư duy của họ là “xấu”. Là xấu hay tốt, có một điều không thể phủ nhận,
rằng họ có câu chuyện và tính cách dân tộc khác biệt so với những người khác.
Những người miền Bắc đã chiến thắng cuộc nội chiến
kéo dài 5 năm, bãi bỏ chế độ nô lệ trên toàn nước Mỹ. Nhưng cuộc chiến giữa chủ
nghĩa dân tộc tự do (liberal) và phi tự do (illiberal) chưa bao giờ chấm dứt.
Nó bùng nổ từ những tranh cãi bất tận về các Tu
chính án (Amendments – những điều khoản sửa đổi, bổ sung Hiến pháp), đặc biệt
là Tu chính án thứ 14, quy định về quyền bình đẳng của mọi công dân cũng như
quyền được công nhận công dân khi sinh ra ở nước sở tại (birthright
citizenship), và Tu chính án thứ 15, quy định về quyền được bầu cử của tất cả
công dân bất kể sắc tộc, màu da hay nguồn gốc. (Không thể không kể đến Tu chính
án thứ 13, kết quả trực tiếp của cuộc nội chiến, quy định bãi bỏ hoàn toàn chế
độ nô lệ trên khắp nước Mỹ)
Những tranh cãi kéo dài đến tận ngày nay, qua những
rào cản pháp lý được các bang (miền Nam) dựng nên để tước đi quyền bỏ phiếu của
người da màu, người thiểu số, qua những tuyên bố phản đối người nhập cư, qua những
phiên kiện tụng, và cả những đe dọa đòi thay đổi các Tu chính án.
Frederick Douglass, một nhà hoạt động xã hội xuất
thân từ nô lệ đã đấu tranh giành lấy tự do cho chính mình, khi đi khắp nước vào
năm 1869 để vận động sự ủng hộ cho các Tu chính án, đã vẽ lên hình ảnh về một
“dân tộc đại đồng” (composite nation). Ông chỉ ra thực tế về nước Mỹ, nơi tập hợp
những người châu Mỹ bản địa, người châu Phi, châu Âu, châu Á từ khắp nơi, với
hi vọng đây là “bằng chứng rõ ràng nhất về sự thành công của một dân tộc đại đồng”
trên thế giới.
Douglass muốn nước Mỹ “là nhà không chỉ của người da
đen, người da màu, người gốc Mỹ Latin, mà còn là nơi trú ngụ an toàn của người
châu Á”, và chỉ có ở quốc gia có “dân tộc đại đồng” như vậy, sự tiến bộ mới xuất
hiện. Nơi đây, tất cả mọi người “tuân thủ cùng một bộ luật, nói cùng một thứ tiếng,
ủng hộ cùng một chính phủ, có quyền tự do như nhau, cùng chia sẻ tình cảm dân tộc,
và cùng hướng đến mục đích chung.” Viễn cảnh này của Douglass đã, và cho tới
nay, có lẽ vẫn chưa thành hiện thực.
Những chính khách da trắng ở miền Nam lẫn miền Bắc,
trong nỗ lực “hòa giải và tái xây dựng”, đã cố gắng xóa bỏ đi nguồn gốc bất
công về sắc tộc, chế độ nô lệ, ra khỏi nguyên nhân của cuộc nội chiến. Thay vào
đó, đây thuần túy là cuộc xung đột về kinh tế, văn hóa, “lối sống” và “quyền tự
chủ” giữa phe ly khai miền Nam và phe liên bang miền Bắc.
Những nhà lãnh đạo đã lựa chọn, theo lời của nhà sử
học W.E.B. Du Bois, xóa nhòa sự thật xấu xí trong quá khứ để làm lành với hiện
tại.
Tranh minh hoạt cuộc đụng độ giữa phe miền Bắc và miền
Nam nước Mỹ ở Tennessee năm 1864. Nguồn: Quartz.
Các lăng kính lịch sử dân tộc
Vào năm 1884, Hiệp hội Sử học Hoa Kỳ được thành lập.
Các câu chuyện lịch sử dân tộc đơm hoa nở rộ. Người ta nói về quá trình mở rộng
bờ cõi của đất nước. Nhiều người nghiên cứu về thách thức của chủ nghĩa dân túy
(populism) và chủ nghĩa xã hội (socialism). Nhiều nhà sử học xem nước Mỹ là sản
phẩm của sự xung đột giữa “dân chủ và đặc quyền, giàu và nghèo, nông dân và
doanh nghiệp độc quyền, công nhân và các tập đoàn, và thỉnh thoảng, giữa những
người chống chế độ nô lệ và các chủ nô”. Nhiều người khác, lật lại lịch sử cuộc
nội chiến, lý giải những nguyên nhân khác nhau cho sự thất bại của phe liên
minh miền Nam. Tất cả các câu chuyện dân tộc này đều gạt qua một bên nguồn gốc
của sự bất bình đẳng sắc tộc và quá trình tồn tại dai dẳng của nó.
Sự bất bình đẳng này tưởng như đã được giải quyết với
kết quả của cuộc chiến giữa phương Bắc và phương Nam. Nhưng các thành quả của
cuộc chiến, biểu hiện qua các tu chính án, nhanh chóng bị vô số các trở lực đẩy
lùi, từ ngấm ngầm đến công khai như việc các bang giới thiệu những đạo luật kiểu
Jim Crow, phân biệt đối xử người da trắng và da màu, hay Đạo luật Loại trừ người
Trung Quốc (Chinese Exclusion Act) nhằm hạn chế dân nhập cư.
Chủ nghĩa dân tộc (nationalism), hay nói nôm na là
các câu chuyện dân tộc, từ hướng tự do (liberal) trước đó bắt đầu nhuộm màu sắc
phi tự do (illiberal).
Nó cũng là xu hướng chung ở châu Âu, với làn sóng
tham gia của số đông quần chúng vào các hoạt động chính trị (mass politics).
Tìm cách lôi kéo, ảnh hưởng đến người dân qua việc khơi gợi các vấn đề về dân tộc
là một trọng tâm xuyên suốt của những người làm chính trị.
Trước Donald Trump một thế kỷ, ông trùm báo chí vào
thời kỳ đó William Randolph Hearst đã dùng khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” để phản
đối việc Mỹ tham gia vào Thế Chiến I và sau đó là Thế Chiến II. Nước Mỹ vĩ đại
vì chúng ta luôn độc lập, đứng một mình, Hearst tuyên bố.
Trước khi Mỹ tham gia vào Thế Chiến II, thậm chí một
bộ phận người Mỹ còn công khai ủng hộ Hitler. Năm 1939, khoảng 20.000 người Mỹ,
trong đó có những người mặc trang phục Đức quốc xã, trang trí biểu tượng chữ thập
phát-xít, tham gia tuần hành phản đối người Do Thái, tuyên bố đại diện cho “dân
tộc Mỹ thật sự” (true Americanism). Hitler ở chiều ngược lại bày tỏ sự tiếc nuối
cho phe liên minh miền Nam đã thất bại trong cuộc nội chiến, rằng “một trật tự
xã hội mới tuyệt vời dựa trên chế độ nô lệ và nguyên tắc bất bình đẳng” đã
không được biến thành hiện thực. Bộ máy tuyên truyền của Đức quốc xã tích cực
tuyên truyền ở các bang miền Nam nước Mỹ, cổ động việc họ lật ngược lại các Tu
chính án 14 và 15.
Khi các tâm thái về dân tộc ngày càng trở nên xấu
xí, cực đoan, những người theo tư tưởng tự do càng lúc càng nghi ngờ cái gọi là
chủ nghĩa dân tộc tự do (liberal nationalism) liệu có bao giờ trở thành hiện thực.
Vẫn có những nhà sử học lạc quan thời kỳ này kể về lịch
sử nước Mỹ như một câu chuyện xuyên suốt đồng nhất của các giá trị tự do, và rằng
những người tự do (liberals) luôn chiếm vị thế trung tâm quan trọng trong nền
chính trị Mỹ. Họ không đả động gì nhiều đến những lực lượng bảo thủ
(conservatism) hay tôn giáo (fundamentalism).
Lại có những người như nhà sử học Degler kể lại câu
chuyện khác về nước Mỹ. Trong quyển sách xuất bản năm 1959 của mình với tựa đề
“Quá khứ của chúng ta: Những lực lượng đã định hình nước Mỹ ngày nay”, Degler đặt
các vấn đề về sắc tộc, nô lệ, sự phân biệt đối xử và phong trào nhân quyền ở vị
trí trung tâm, bên cạnh các giá trị về tự do và công bằng. Đó là quyển sách đầu
tiên của Degler, đồng thời cũng là quyển sách lịch sử cuối cùng kể lại câu chuyện
nước Mỹ qua lăng kính như vậy.
Một cuộc mít-ting của hơn 4.000 người ở Fort Wayne,
bang Indiana ngày 3/10/1941, với khẩu hiệu “Defend America First” (Bảo vệ Nước
Mỹ Trước tiên). Ảnh: NPR.
Sự biến mất của lịch sử
Sau Thế Chiến II, khi nước Mỹ dẫn đầu trong việc thiết
lập một “trật tự thế giới tự do”, nhiều người đã mạnh mẽ viết cáo phó cho hình
thái quốc gia dân tộc (nation-state). Họ nghĩ trong một thế giới liên kết tự do
mới, khái niệm dân tộc và sự tồn tại của các quốc gia sẽ càng ngày càng trở nên
lạc quẻ. Thêm vào sự chán ghét chủ nghĩa dân tộc, hay các hình thái biểu hiện của
thứ chủ nghĩa này, các học giả càng lúc càng tránh nó như tránh tà.
Cuộc chiến Việt Nam mà Mỹ tham gia lại càng khiến
nhiều người không muốn tìm hiểu hay phát ngôn về dân tộc, quốc gia, vừa khỏi trở
thành đồng lõa cho các tội ác từ chính sách ngoại giao của Mỹ, vừa đỡ bị chính
quyền trong nước soi mói để mắt đến.
Nếu chủ nghĩa dân tộc là một loại bệnh dịch, như
trong suy nghĩ của nhiều người, thì viết về nó, tìm hiểu và kể lại các câu chuyện
dân tộc, là triệu chứng bộc phát của bệnh.
Tuy vậy, vẫn có những người miễn nhiễm với thứ “bệnh”
này: những người mới xuất hiện.
Từ những năm 1960, sau các phong trào nhân quyền, phụ
nữ và người da màu bắt đầu tham gia ngày một nhiều vào mọi hoạt động chính trị
xã hội, trong đó có việc nghiên cứu và kể lại các câu chuyện lịch sử. Những câu
chuyện sinh động, mới mẻ, nhiều màu sắc của họ được kể qua những lăng kính hoàn
toàn mới, chưa từng xuất hiện trước đây.
Nhiều nhà sử học lớn tuổi chất vấn nghi ngờ vai trò
của “những hàng xóm mới” này. Nhưng vẫn có những người như Degler, sẵn sàng
dang rộng tay đón chào những làn gió mới.
Trong khi đó, nhiều đồng nghiệp cũ của Degler lại
phóng tầm mắt ra xa bên ngoài, cổ xúy cho việc tìm hiểu về một thứ lịch sử đại
đồng (cosmopolitanism), viết những cái vĩ mô thay cho việc kể về cái vi
mô.
Đến đầu thập niên 1990, khi cuộc nội chiến sắc tộc ở
Bosnia nổ ra, người ta mới tặc lưỡi “đám đông nguyên thủy đã quay trở lại”. Sự
thật là, họ chưa bao giờ rời đi. Chỉ có các nhà sử học đã luôn tự che mắt mình.
Những người ủng hộ Donald Trump giương cao khẩu hiệu
“Make America First Again” trong Đại hội Quốc gia của đảng Cộng hoà, tháng
7/2016. Ảnh: Getty Images.
Một câu chuyện lịch sử mới
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có người lạc quan
tuyên bố nước Mỹ đã chiến thắng, và mô hình thử nghiệm về nhà nước, dân tộc của
Mỹ đã hoàn chỉnh, chứng minh sự ưu việt của mình.
Sự thật là, mô hình thử nghiệm của nước Mỹ chưa bao
giờ kết thúc.
Một quốc gia được sinh ra từ cuộc nổi dậy, từ sự
tranh đấu cho những giá trị nhân quyền cơ bản, cho tự do bình đẳng, sẽ luôn
luôn phải đấu tranh chống lại sự hỗn loạn và các thế lực muốn dẹp bỏ nó. Một quốc
gia sinh ra trong muôn vàn đối nghịch sẽ luôn phải có những cuộc tranh luận bất
tận về ý nghĩa lịch sử của nó.
Điều đó không có nghĩa là lịch sử của nó vô nghĩa,
cũng không có nghĩa là bất cứ ai được phép khoanh tay đứng ngoài.
Vì một khi khoanh tay bỏ mặc, sẽ luôn có những bà mụ
hắc ám xuất hiện, Họ sẽ tung hô những phiên bản lịch sử méo mó, sẽ khóc than
giùm cho “thời khắc bi thảm của nước Mỹ”, sẽ gọi những người nhập cư là “thú vật”,
những quốc gia khác là “cứt thối”. Họ sẽ nhai lại slogan “Nước Mỹ trên hết”, sẽ
hứa hẹn “biến nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Họ sẽ gọi bản thân mình là những “người
của dân tộc”. Lịch sử của họ sẽ là những câu chuyện hư cấu. Họ sẽ nói chỉ có họ
mới yêu đất nước này. Họ sẽ sai.
Viết về lịch sử dân tộc lúc nào cũng sẽ gây ra nhiều
vấn đề khó chịu. Nhưng không viết về nó sẽ càng tạo thêm nhiều vấn đề khác, và
còn tệ hơn.
Vấn đề là viết thế nào?
Frederick Douglass vào năm 1869 cho chúng ta một góc
nhìn đáng tham khảo về hình ảnh nước Mỹ trong mắt ông,
“Một chính phủ dựa trên công lý, công nhận tất cả
quyền bình đẳng của mọi người, không tự cho mình đứng trên luật pháp, lý lẽ, tự
nhiên và ý chí của người dân; từ chối trở thành công cụ cho bất kỳ nhóm tôn
giáo nào; là thành trì hiên ngang chống lại đa số các nhà nước (áp bức) trên thế
giới, cũng như chống lại những kẻ hẹp hòi, nhỏ nhen và xấu bụng trong chính
chúng ta.”
***
(Hết phần lược dịch)
Douglass đã nói những điều này từ hơn một thế kỷ trước.
Có thể bây giờ là hơi muộn để tiếp tục những gì ông đã khởi xướng.
Nhưng như câu ngạn ngữ châu Phi, thời điểm tốt nhất
để trồng cây là hai mươi năm trước. Còn thời điểm thích hợp tiếp theo?
Ngay lúc này.
------------------------
Bài lược dịch này nằm trong chuỗi bài về chủ nghĩa
dân tộc được tạp chí Foreign Affairs đăng trong số tháng
3-4/2019.
Kỳ
trước: Hám
mũ, chụp mũ và các chủ nghĩa (03/04/2019)
No comments:
Post a Comment