Wednesday, April 17, 2019

BẢN TIN NGÀY 17-4-2019 (Báo Tiếng Dân)




17/04/2019

Tin Biển Đông

VOA đưa tin: Philippines sẽ nhờ Mỹ can thiệp nếu Biển Đông bị xâm lược. Trả lời phỏng vấn của CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. nói, nước ông có thể quay nhờ Hoa Kỳ, đồng minh quân sự duy nhất của mình, can thiệp nếu xảy ra một “hành động xâm lược rõ rệt” ở Biển Đông. Ông Locsin nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ đưa ra hồi tháng 3 vừa rồi, bảo đảm Washington sẽ hỗ trợ Manila nếu có bất kỳ “cuộc tấn công vũ trang” nào nhắm vào vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Philippines nói cân nhắc hành động pháp lý chống Trung Quốc ở Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Vụ tàu TQ ngang nhiên thu hoạch nghêu khổng lồ từ bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, ông Teodoro Locsin cho biết: “Chúng tôi vừa phát hiện họ làm điều đó trong thời gian gần đây, đã gửi công hàm phản đối và sẽ xem xét hành động pháp lý”.


Cập nhật tin sức khỏe ông Trọng

Một nguồn thạo tin từ trong nước cho Tiếng Dân biết, Tổng-Chủ Trọng đã về Hà Nội chiều 15/4, sáng 16/4 đã đến cơ quan làm việc. Nguồn tin này nói rằng, bước đầu xác định cha con “đồng chí X” không làm gì mờ ám. Về sức khỏe của ông Trọng, sau cơn bệnh vừa qua, sức khỏe của ông chưa đến nỗi trầm trọng, nhưng kém hơn nhiều sau khi huyết áp lên cao đột ngột.

Facebooker Đinh Nhật Uy viết“Từ BV Chợ Rẫy ra đường Nguyễn Chí Thanh – Lý Thường Kiệt , qua ngã 4 Bảy Hiền đến bùng binh Lăng Cha Cả. Ngã 3 ngã 4 nào cũng có dày đặc công an đủ sắc phục. Đoàn xe hộ tống chở anh 2 ghế ra sân bay TSN về lại Ba Đình”.

Ảnh chụp một đoàn xe gồm một số xe cứu thương xen kẽ nhiều xe hộ tống, được CSGT và an ninh dọn đường, đang đi qua vòng xoay Lăng Cha Cả. Đoàn xe này được cho là đã đưa Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng về lại Hà Nội. Nguồn: FB Đinh Nhật Uy

Facebooker Phan Trí Đỉnh viết“Sân bay Nội bài chú ý đón máy bay Sài gòn ra hạ cánh khoảng lúc hơn 17g. Đường Võ nguyên Giáp và Võ Chí Công chú ý giữ trật tự, nhường đường cho xe ưu tiên. BV 108 chú ý đón bệnh nhân nhập khoa A11. Thế là ổn rồi”.

Sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được đưa về bệnh viện 108 Hà Nội, theo trang Thời Báo. Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã được đưa vào Khoa A11 điều trị tích cực tại bệnh viện này. “Được phép trực tiếp thăm ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có 2 người là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng và Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến”.

Các cán bộ cấp cao khác, biết tin đến thăm đều bị từ chối, không cho vào. An ninh tại khoa A11 được thắt chặt, các bác sĩ, y tá được lệnh “cất toàn bộ điện thoại và các phương tiện có thể chụp, ghi hình”.

VOA có bài: Thực hư về tình hình sức khỏe của TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng. Thông tin ông Trọng bị cơn tai biến xuất hiện từ chiều 14/4/2019, đến nay đã gần 3 ngày trôi qua, Chính phủ VN vẫn chưa có bất cứ thông báo chính thức nào trước những lời đồn đoán từ các trang mạng về người đứng đầu đất nước đã phải nhập viện khi đang đi công tác ở tỉnh Kiên Giang.

Chuyện các trang “lề đảng” thường viết bài khẳng định sức khỏe của các ông Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang… không có vấn đề gì chỉ một thời gian ngắn trước khi các lãnh đạo này từ trần, TS Nguyễn Quang A nhận định “những lời cải chính, biện bạch khi đó của báo chính thống trở thành hết sức lố bịch”.


Luật riêng cho cán bộ

Vụ dân chui qua lỗ làm việc với cán bộ, Nam Định dọa xử người quay clip, VietNamNet đưa tin. Bài viết bàn về clip quay ngày 10/4/2019, ghi lại hoạt động tiếp dân tại trụ sở UBND tỉnh Nam Định. Nhiều người dân đến liên hệ làm việc nhưng cán bộ vẫn thản nhiên sử dụng điện thoại, không treo bảng tên, bộ phận tiếp dân được chắn kính, chỉ để lại một lỗ nhỏ để dân đưa hồ sơ, nên nhiều người đã phải chui qua lỗ này.

Thái độ xem thường dân được ghi lại đầy đủ, nhưng Chánh văn phòng UBND tỉnh cho rằng người quay clip có ý vu khống. Sáng 16/4, bà Trần Thị Thu Thủy, người quay clip cho biết: “Vào thời điểm đó, tôi đến để khiếu kiện về chính sách thu phí tại trạm BOT Mỹ Lộc. Những người dân ‘chui đầu qua lỗ’ là người địa phương mà vô tình tôi gặp”.

VOV đặt câu hỏi về vụ tiếp dân qua lỗ cửa ở Nam Định: Trưởng Ban tiếp công dân TƯ nói gì? Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết, từ trước đến nay, trong các văn bản đều nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến làm việc tại cơ quan công quyền, chứ không có quy định nào về việc kê bàn ghế, vách kính ngăn.

Hình ảnh cắt từ clip “Dân chui qua lỗ để làm việc với cán bộ”. Nguồn: VOV

Báo Đất Việt dẫn lời cán bộ hành động phản cảm trong phòng karaoke: ‘Tại vui quá’. Vụ việc liên quan đến một tấm ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một người đàn ông sờ ngực nữ tiếp viên trong quán karaoke. Ông Đỗ Viết Lâm, Bí thư chi bộ ấp 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thừa nhận, ông chính là nhân vật có hành vi phản cảm trong tấm ảnh nói trên.

Ông Lâm nói: “Tôi sống vô tư lắm nên nhiều khi vui quá, chứ thật sự không có cái gì đó vượt qua tầm giới hạn”. Có thông tin ông Lâm từng làm công an tại địa phương nhưng bị kỷ luật buộc thôi việc, ông Lâm cho biết: “Tôi không làm tròn trách nhiệm, đôi khi có sự bất đồng, mâu thuẫn với lãnh đạo nên xin nghỉ”.

Vụ cán bộ có hành vi phản cảm trong phòng karaoke: Cơ quan chức năng đã thực hiện quy trình xử lý, theo báo Người Đưa Tin. Ông Hồ Thành Nhân, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Bình Châu cho biết, quy trình xử lý ông Lâm bắt đầu từ đầu tháng 4: “Chúng tôi đã yêu cầu ông Lâm viết báo cáo tường trình. Từ đó, Đảng ủy sẽ thành lập tổ công tác để xác minh và họp về hình thức xử lý với ông Lâm”.

Hình ảnh phản cảm về ông Đỗ Viết Lâm. Nguồn: NĐT


Vụ Út “trọc” và sai phạm ở Bộ Quốc phòng

VnExpress có bài: Công ty của ‘Út Trọc’ được chỉ định thầu nhiều dự án nhờ hồ sơ giả. Theo đó, Công ty Thái Sơn không đủ điều kiện về tài chính, chuyên môn nhưng vẫn được trúng thầu nhiều dự án quan trọng như Dự án khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 theo hình thức BOT kết hợp BT, Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức BOT, gói thầu số 6 của Dự án nâng cấp sân bay Pleiku, Dự án Nút giao trung tâm quận Long Biên, các gói thầu “Xây dựng cầu Cẩm Hải” thuộc dự án đường cao tốc Cẩm Hải – Vân Đồn.

Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng điều tra vi phạm tại Công ty Thái Sơn, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. TTCP đã chỉ ra hàng loạt dấu hiệu sai phạm của Công ty Thái Sơn liên quan đến chuyện giả mạo hồ sơ, chuyển nhượng đấu thầu sai quy định, trốn thuế.

Theo kết luận của TTCP, “Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng, thanh toán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch… chưa làm đúng vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước”.


Các vụ “ăn” đất

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: TP.HCM giao Đại Quang Minh tự bỏ tiền làm hạ tầng 3 lô đất ở Thủ Thiêm. Theo đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, trưởng Ban Chỉ đạo dự án đầu tư, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa chấp thuận cho Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư và tự bỏ chi phí để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại 3 lô đất 7-5, 7-9 và G-9 mà không yêu cầu thành phố hoàn trả chi phí.

Cái tên “Đại Quang Minh” thường được báo chí “lề đảng” nhắc đến từ khi sai phạm Thủ Thiêm bị phanh phui vào đầu năm 2018. Theo đó, công ty địa ốc này đã được lãnh đạo TP HCM “ưu ái” khác thường để làm các dự án trong khu đô thị Thủ Thiêm.

Ngày 8/5/2018, trang Nhà Đầu Tư bàn về dự án Khu đô thị Thủ Thiêm: Thực hư về tin đồn Đại Quang Minh được ưu ái. Bài viết lưu ý: Thời điểm 2012, “một doanh nghiệp được thành lập chỉ vỏn vẹn 2 năm chưa có kinh nghiệm thị trường bất động sản nhưng Đại Quang Minh lại được UBND TPHCM giao cho dự án Khu đô thị Thủ Thiêm khiến giới đầu tư bất động sản bất ngờ”. Chính công ty này đã được duyệt để làm 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm với giá đắt nhất hành tinh: 1000 tỉ đồng/km.

Trang Pháp Luật Plus có bài: Gần 30 năm sử dụng, bỗng dưng bị trại giam đòi đất. Theo đó, cán bộ trại giam Bến Giá, TP Trà Vinh đã bán đất cho bà Huỳnh Thị Bông từ năm 1991. Bà Bông sinh sống ổn định trên thửa đất này từ đó đến nay, nhưng bây giờ trại giam này lại bất ngờ đòi đất. Mảnh đất đang tranh chấp là tài sản duy nhất mà bà dành dụm để dưỡng già.


Tin nhân quyền

RFA có bài: Chuyến Âu du của Thủ tướng Phúc, thương mại, nhân quyền và Trịnh Xuân Thanh. Theo bài viết, mục đích chính của chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Romania và Czech là để thúc đẩy việc ký kết hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA), bởi vì Romania đang là chủ tịch luân phiên của EU từ 1/1 đến 30/6/2019.

Từ năm 2018 đến nay, hàng loạt quan chức Việt Nam đã sang châu Âu, gồm cả Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng. Trước chuyến đi lần này của ông Phúc, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đến một số nước châu Âu, trong đó có nước Pháp, nhưng chưa thấy có gì khả quan cho EVFTA, bởi vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh và các vết nhơ về vi phạm nhân quyền khác.
Nền giáo dục bất lực trước gian lận và bạo lực

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Hai điểm 0, một điểm 1 vẫn đậu Top 3 trường quân đội. Theo đó, thí sinh N.H.Q của Hòa Bình có hai môn bị điểm 0 và điểm 1. Tuy nhiên, thí sinh này vẫn đậu vào Trường Sĩ quan Lục quân 1 và thuộc Top 3 thí sinh cao điểm nhất. Lý do: Điểm của Q đã được “thổi” lên mức không tưởng, môn Toán được nâng lên 9,2, môn Lý được nâng thành 9, Hóa thành 9,25, tổng mức nâng đến 26,45 điểm, là mức nâng “kỷ lục” trong vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình.

Theo bài viết, đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp “thủ khoa”, “á khoa” được nâng sửa điểm và đã đậu vào các trường quân đội như Học viện Hậu cần, Trường Sĩ quan phòng hóa.

Thêm bằng chứng của nền giáo dục đang lao xuống vực thẳm: Còn 67 thí sinh trong diện gian lận điểm thi không biết đang học trường ĐH nào, theo báo Thanh Niên. Đã một tháng trôi qua kể từ khi Bộ GD&ĐT thừa nhận có 64 thí sinh tỉnh Hòa Bình và 44 thí sinh tỉnh Sơn La được sửa điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 nhưng không công khai danh tính các thí sinh gian lận, với lý do: “Nhiều trường ĐH không biết phải làm thế nào để xác định trường mình có thí sinh (TS) Hòa Bình, Sơn La gian lận điểm thi không!”

Báo Người Lao Động đưa tin: Thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là thí sinh Hoà Bình được nâng 14,85 điểm. Đó là nữ sinh T.P.T đến từ Hòa Bình, là thí sinh có điểm 3 môn xét tuyển cao nhất vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018 với 27,75 điểm. Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định, điểm thật của T.P.T chỉ ở mức trung bình.

T.P.T từng là thí sinh được vinh danh trong lễ khai giảng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và phát biểu trước các tân sinh viên. Khi đó, T.P.T đã rất “tự hào” kể về thành tích của mình. Giờ thí sinh này đã tự xin thôi học.

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: Bệnh ung thư giáo dục, ai chữa? Bài viết liên hệ vụ gian lận điểm thi với tình trạng suy thoái đạo đức chính trị, xã hội VN: “Điều chắc chắn là trong một khoảng thời gian khá dài đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, kỷ cương bị buông lỏng, luật dành cho dân, lệ là dành cho cán bộ khiến cho hàng loạt cán bộ công chức phạm tội”, đồng thời lưu ý khả năng gian lận kiểu này đã có từ trước.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Có bạo lực học đường, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp. Bao nhiêu lần người dân chờ đợi một phát ngôn có trách nhiệm từ ông Nhạ, thì bấy nhiêu lần họ thất vọng. Nền giáo dục CSVN vốn đã thụt lùi so với nền giáo dục thời VNCH, nhưng trong thời ông Nhạ làm Bộ trưởng GD&ĐT, giáo dục VN không những đi lùi mà còn đâm đầu xuống vực thẳm.


***






No comments: