Saturday, April 13, 2019

BẢN TIN NGÀY 13-4-2019 (Báo Tiếng Dân)




13/04/2019

Tin Biển Đông

BBC dẫn lời ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Philippines: ‘Chủ quyền lãnh thổ là điều không thể thương lượng’. Trong cuộc họp báo ngày 11/4/2019, ông Panelo nói: “Chúng tôi ân cần, có thể hiểu theo cách là chúng tôi nhã nhặn với họ. Nhưng trong vấn đề chủ quyền quốc gia thì đó lại là một câu chuyện khác. Chúng tôi phải xác quyết chủ quyền quốc gia”.

RFI bàn về yêu sách Biển Đông của Trung Quốc: Lời cảnh cáo cho châu Âu. Bài viết lưu ý chuyện Bắc Kinh đang tìm cách lôi kéo các nước chủ chốt của Liên hiệp châu Âu vào dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, đặc biệt là việc thu tóm các hải cảng chiến lược ở châu lục này. Trong chuyến thăm chính thức nước Ý hồi tháng 3/2019, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã đạt được nhiều thỏa thuận liên quan đến hải cảng của Ý.

Chuyên gia Yasunori Nakayama, quyền tổng GĐ Viện Nghiên Cứu Quốc tế Nhật Bản, cảnh báo khả năng Trung Quốc tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo ở Biển Đông mà đất nước này chiếm đóng và bồi đắp trái phép. Năm 1996, Bắc Kinh từng áp dụng thủ đoạn này quanh các đảo vòng ngoài, thuộc quần đảo Hoàng Sa.


Tướng Lê Đình Nhường bị bay chức vì liên quan tới đường dây đánh bạc ngàn tỉ

Trong phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/4/2019, các lãnh đạo đã thống nhất thông qua các nghị quyết miễn nhiệm chức Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh, thôi ĐBQH đối với ông Lê Đình Nhường, báo Thanh Niên đưa tin. UBTVQH quyết định như vậy vì ông Nhường đã bị kỷ luật về Đảng và có đơn xin thôi làm đại biểu vì lý do sức khỏe, cũng từ ngày 12/4.

Thiếu tướng Lê Đình Nhường. Ảnh: Hải Ninh/ VNE

Trước đó, trong kỳ họp thứ 32 của UBTVQH, diễn ra vào đầu tháng 12/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với Thiếu tướng Lê Đình Nhường, cựu Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vì đã “để một số cán bộ lãnh đạo Tổng cục và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50) tiếp tay, bao che cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet diễn ra trong thời gian dài”.


Vụ Nguyễn Hữu Linh: Chìm xuồng hay không?

VOV đặt câu hỏi: Vì sao chưa khởi tố vụ bé gái ở TP HCM bị sàm sỡ trong thang máy? Bài viết lưu ý: Vụ việc đã 10 ngày trôi qua nhưng các cơ quan chức năng ở TP HCM vẫn chưa áp dụng bất kỳ biện pháp tố tụng nào đối với ông Nguyễn Hữu Linh, lấy lý do cần làm rõ một số tình tiết. Thời gian xử lý quá lâu khiến nhiều người bất bình.

Một người dân quận Phú Nhuận bình luận: “Tại sao video hình ảnh bằng chứng cũng rõ ràng vậy mà không thể quy buộc được người đàn ông đó. Nếu mà pháp luật không mạnh tay và kịp thời thay đổi thì chúng tôi nghĩ sẽ còn nhiều vụ việc dâm ô, sàm sở quấy rối tình dục diễn ra ở những nơi công cộng”.

Trang Sao Star đưa tin: Lo vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy ‘rơi vào quên lãng’, giới trẻ lại đến nhà Nguyên Phó Viện trưởng VKS Đà Nẵng check-in. Trong khi vụ ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy quận 9 ngày càng có dấu hiệu chìm xuồng, nên nhiều thanh niên sốt ruột, đã tiếp tục tìm đến nhà ông Linh để check-in.

Trong khi nhiều người ủng hộ vụ check-in, một số tuyên truyền viên mang người nhà ông Linh ra làm lý do phản đối hành động này, bảo rằng người dân nên tin vào cơ quan chức năng. Vấn đề là trước đó đã xảy ra một vụ sàm sỡ trong thang máy, kẻ phạm tội chỉ phải đóng phạt 200 ngàn, đã làm cho người dân không còn tin vào luật pháp VN.

VietNamNet bàn về vụ dâm ô trong thang máy: Chậm khởi tố 1 ngày sự phẫn nộ càng dâng cao. LS Trần Thị Ngọc Nữ bình luận: “Những vụ việc hiếm hoi có camera ghi hình lại như vụ bé gái ở chung cư Galaxy 9 mọi người nghĩ rằng cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng bị khởi tố. Thế nhưng, gần nửa tháng trôi qua vẫn chưa có công bố gì từ phía cơ quan điều tra; chúng ta có thể thấy cơ quan chức năng đang làm việc quá chậm trễ”.

Nhà báo Nguyễn Đức đưa tin: “Vụ cựu phó VKS [Nguyễn Hữu] Linh đã có những chuyển biến tích cực từ cơ quan tố tụng. Hắn nhất định bị khởi tố. Vì vậy tôi chưa đưa ai bao che!

“Đầy tớ” của dân?

Trang Công Lý đưa tin về sai phạm ở xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng: Cần làm rõ hành vi môi giới bán “đất vịt trời” của Bí thư xã Lộc Châu. Theo đó, bà Cao Thị Thơm, Bí thư Đảng ủy xã, bị tố, lợi dụng chức vụ, môi giới bán “đất vịt trời”, chiếm đoạt hàng tỉ đồng của một hộ dân trên địa bàn.

Người mua đất cho biết: “Để hai vợ chồng tôi yên tâm, bà Thơm lấy uy tín và danh dự Bí thư Đảng ủy xã khẳng định sẽ nộp hồ sơ, đóng thuế, lấy sổ cho hai vợ chồng”. Tuy nhiên, đến khi người mua đất yêu cầu được trích lục bản đồ thửa đất, thì bà Thơm trả lời là chưa trích lục được, với lý do con đường tránh đang làm chưa xong. Sau một hồi nói vòng vo, bà Thơm thừa nhận: “Họ giao lộn thửa đất rồi”.

Trại giam Xuân Hà ở Hà Tĩnh vừa đình chỉ công tác một nữ đại úy cán bộ trại giam, theo báo Dân Sinh. Chiều 12/4, đại tá Lê Xuân Du, Giám thị trại giam xác nhận, đơn vị này vừa đình chỉ công tác đối với đại úy Trần Thị Thắm do liên quan đến vụ một phạm nhân bị bạn tù giết chết. Bà Thắm đã cam kết chịu trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân trong thời gian lao động, nên Ban giám thị trại giam không bố trí cảnh sát bảo vệ, quản lý phạm nhân.

Chuyện ở xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, Nghệ An: Chủ tịch xã mất chức do giả mạo chữ ký để “ăn chặn” tiền hỗ trợ lúa của dân, theo báo Người Đưa Tin. HĐND xã này đã bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã của ông Nguyễn Hồng Châu, vì ông này đã có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng như: Lập khống chứng từ, giả mạo chữ ký để “ăn chặn” gần 70 triệu đồng tiền hỗ trợ lúa bị bệnh của người dân vào năm 2009.


Tin Giáo dục: Sai phạm và bạo lực vẫn tiếp diễn

Diễn biến mới vụ gian lận thi THPT ở Sơn La: Điều tra việc phụ huynh có “mua điểm thi” hay không, báo Người Lao Động đưa tin. Ngày 12/4/2019, một lãnh đạo VKSND tỉnh Sơn La cho biết, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh này đang xác minh xem các cá nhân trong đường dây vụ án có trục lợi gì trong vụ việc nâng điểm thi không, đồng thời làm rõ các phụ huynh có bỏ tiền ra mua điểm thi hay không. Vị lãnh đạo này khẳng định, nếu có bằng chứng phụ huynh dùng tiền mua điểm thì sẽ bị xử lý hình sự.

Chuyện ở thị trấn Thủ Thừa, Long An: Hơn 20 học sinh THCS hút shisha trong lớp, theo báo Đất Việt. Vụ việc xảy ra tại trường THCS Thị trấn Thủ Thừa ngày 9/4/2019. Đến ngày 11/4, Ban giám hiệu nhà trường đã có buổi làm việc với phụ huynh của hơn 20 em để trao đổi thông tin và đưa ra phương án dạy dỗ. Nguồn chất này được một học sinh lớp 8 trong trường tìm hiểu trên mạng rồi đặt mua.

Bài viết lưu ý: Shisha còn có tên gọi là thuốc lào Ả Rập, có chứa nicotine. Theo báo cáo của WHO và Hiệp hội Ung thư Mỹ, lượng khói hít vào cơ thể khi hút Shisha trong vòng 1 giờ tương đương với hút từ 100 đến 200 điếu thuốc lá.

Lại thêm vụ nữ sinh bị đánh túi bụi trong lớp dưới sự hò reo của bạn bè, VietNamNet đưa tin. Đêm 11/4, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh nữ sinh P.A.T, học sinh lớp 7A3, Trường THCS Cẩm Bình bị nữ sinh N.T.N.A đánh túi bụi. A tát liên tiếp vào mặt nữ sinh T, tiếp đó giật tóc ấn xuống nền nhà rồi lên gối. Nhiều bạn cùng lớp chứng kiến nhưng không ai can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ.

Nữ sinh T được giáo viên đưa về lớp sau khi trao đổi với công an. Nguồn: VNN

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Liên Oanh cho biết, đã nhận được thông tin vụ việc, cơ quan này đã giao cho UBND TP Cẩm Phả xác minh và báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Ninh. Công an TP Cẩm Phả đã đến Trường THCS Cẩm Bình làm việc.

                  https://www.youtube.com/watch?v=AlWkzMcL-lY

Như đã thành “thông lệ”, miền Bắc có vụ bạo lực học đường thì miền Nam… hưởng ứng ngay, lần này ở An Giang: Nam sinh lớp 8 bị bạn học đánh hội đồng, theo Zing. Ngày 12/4, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ nam sinh lớp 8 Trường THCS Mỹ Thới, bị nhóm bạn đánh hội đồng.

Ông Nguyễn Hữu Tri cho biết, con trai ông là Nguyễn Hữu Thọ bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng phải đưa đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Em Thọ kể, “em bị bạn học cùng trường đánh do lỡ va chạm với một bạn nữ cùng khối 8 trong thư viện vào ngày 10/4. Nam sinh này đã xin lỗi nhưng vẫn bị hăm doạ rằng sẽ có người đánh vào trưa hôm sau”.

Em Thọ đang nằm tại bệnh viện. Nguồn: VNN


Môi trường ngày càng ô nhiễm

BBC đặt câu hỏi: Vì sao nhà hoạt động môi trường ở VN bị gắn mác ‘phản động’? Vụ một nhóm 5 bạn trẻ gồm ba nam, hai nữ đi khám phá rừng Tam Đảo “đã bị chặn đường, đánh đập và cướp tài sản khi mới bắt đầu vào rừng”, ông Tạ Mạnh Hưng, một người trong nhóm, bình luận:

“Theo như tôi hiểu, những người làm về môi trường, bảo vệ môi trường và phản đối lại những dự án có tác động nguy hại đến môi trường. Sự phản đối này một phần nào đó làm ảnh hưởng đến người đưa ra chính sách và lợi ích kinh tế. Một điểm nữa là tạo ra một sự ‘bất ổn’ nhất định nào đó mà chính Nhà nước không muốn xảy ra”.

Chuyện ở thị trấn Minh Đức, TP Hải Phòng: Hơn vạn hộ dân đòi đóng cửa xưởng sản xuất quặng AMV vì quá ô nhiễm, theo trang Gia Đình và Xã Hội. Xưởng sản xuất quặng của Công ty AMV-168 thuộc phần đất của Công ty đóng tàu Phà Rừng nằm sát 3 khu dân cư: Quyết Thành, Chiến Thắng, Bạch Đằng của thị trấn Minh Đức đang bị 12.000 dân của thị trấn này tố cáo gây ô nhiễm môi trường sống dân cư.

Một người dân cho biết: “Mỗi khi nhà xưởng hoạt động có các hạt màu vàng bay lẫn vào không khí phát tán ra môi trường gây mùi khét. Khói bụi làm cho chúng tôi khó thở, tức ngực. Thậm chí đến cả cây cối hoa màu cũng bị tàn lụi, nguồn nước bị thẩm thấu chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho chúng tôi”.

Trang Tài Nguyên và Môi Trường đưa tin: Cá ở Gia Lai chết bất thường nghi do nhà máy mì ở Kon Tum gây ra. Theo đó, người dân xã Ia O, huyện Ia Grai phản ánh, sau Tết Nguyên Đán đến nay, sông Sa Thầy đoạn gần Đồn Biên phòng 713 cũ, cách Công ty nông nghiệp Ia H’Drai khoảng 3km, có nhiều cá chết, nước bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối.
Một cán bộ địa chính xã Ia O cho biết, từ sau tết, ông đến đây đánh cá “thì phát hiện nước bị đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc, trong khi trước đó, lúc nhà máy chưa hoạt động thì không thấy tình trạng này”.


***







No comments: