Saturday, November 24, 2018

QUỐC ĐẢO 50.000 NGƯỜI LÃNH ĐẠO KHỐI CVF - VIỆT NAM ĐANG CHỜ GÌ? (Hoàng Mai)




Hoàng Mai
24/11/2018

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc họp thượng đỉnh của Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (CVF) –– một trong những cuộc họp quan trọng nhất trước thềm Hội nghị Biến Đổi Khí Hậu (BĐKH) của Liên Hiệp Quốc (COP24) –– lại diễn ra trực tuyến. Đúng theo cam kết làm mọi cách để hạn chế lượng khí thải carbon, bà Hilda Heine, Tổng Thống Cộng hòa Quốc đảo Marshall, Chủ Tịch CVF năm nay, bạo dạn đưa ra ý tưởng mới để “mọi người sẽ không phải bay từ nơi này qua nơi khác, góp phần hạn chế phát thải cacbon”, theo lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ.

Chỉ một hành động nhỏ, bà Heine đã cho thấy rằng, nếu dám sáng tạo và áp dụng công nghệ của thế kỷ 21, việc bảo vệ môi trường không phải là điều không thể.

Cộng hòa Quốc đảo Marshall, đất nước của bà, là một quốc đảo với số dân chỉ vào tầm 50.000 người, tức 1 phần trăm dân số của Singapore. Khơi khơi giữa lòng Thái Bình Dương, cách xa đất liền khoản 5.000 cây số, người dân Marshall sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên và ngành dịch vụ du lịch. Số tiền viện trợ từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, chiếm gần 60% tổng sản lượng GDP.

Nhỏ bé thế nhưng Marshall không ngừng ngại cất tiếng nói và đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong những cuộc thương thảo quốc tế liên quan đến vấn đề BĐKH –– một vấn đề ảnh hưởng lớn đến việc sinh tồn của người dân trên đảo. Tại cuộc họp trực tuyến của CVF, Marshall chính thức công bố Cam kết đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) trong khuôn khổ thoả thuận chung Paris, là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố cam kết của mình. Đó là ngay cả khi chính quyền Mỹ, trên danh nghĩa là quốc gia bảo trợ Marshall, đã đưa ra quyết định rút lui khỏi thoả thuận do những bất lợi cho kinh tế Mỹ.

Đến năm 2030, quốc gia nhỏ bé này vẫn quyết tâm giảm lượng khí thải nhà kính ít nhất 45% so với mức thải năm 2010, hướng tới mục tiêu không còn khí thải vào năm 2050. Marshall đồng thời cũng là một trong những quốc đảo đầu tiên công bố một chiến lược chống BĐKH cụ thể với mục tiêu hàng năm cho từng địa bàn trên lãnh thổ.

Nhìn lại Việt Nam, một trong những quốc gia mang tên thành lập CVF––hiện tại, Việt Nam chỉ mới dừng đến mức cam kết giảm nhiều nhất 25% lượng khí thải đến năm 2030. Và đây còn là một cam kết “có điều kiện”, tức phụ thuộc vào việc Việt Nam có nhận được số tiền viện trợ từ nước ngoài như yêu cầu hay không.

Đã đến lúc chính phủ Việt Nam cần có trách nhiệm hơn với đời sống người dân trên chính mảnh đất của mình. Từ người dân đô thị ngột ngạt luôn phải đeo khẩu trang ngoài đường, đến người làm nông trên ruộng bậc thang chờ ngày hạn hán trôi qua, không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của BĐKH là có thật và đang ngày một nghiêm trọng. Theo thông tin của bộ Tài Nguyên & Môi Trường (TN&MT) báo cáo cho CVF, tổng cộng 81.000 người dân phải rời bỏ nhà cửa chuyển đi nơi khác do thiên tai, lũ lụt năm 2016. Thêm vào đấy, 83 trên 100.000 người tử vong do ảnh hưởng chất thải trong không khí, và 0.2 trên 100.000 người tử vong do tác động trực tiếp của BĐKH. Dù không phải là một quốc đảo, Việt Nam với 3000 km đường bờ biển có khả năng mất đất cao do ngập lụt, với 20% diện tích TP.HCM được tiên đoán sẽ chìm dưới mặt biển trước năm cuối thế kỷ này.

Vào tháng trước, Báo Cáo Đặc Biệt của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) được chính thức công bố, với kết luận rằng thế giới còn 12 năm để hành động trước khi quá trễ. Nếu muốn đạt được mục tiêu hạn chế biến đổi nhiệt độ trung bình trong khoản 1,5 độ C, tất cả các nước cần cắt giảm lượng khí thải, hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn khí carbon vào năm 2050.

Ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có dịp tiếp bà Hilda Heine tại hội nghị GEF6 được tổ chức tại Đà Nẵng. Theo thông tin từ Bộ TN&MT, thủ tướng cam kết tham dự cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của CVF, cùng các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất nhận trách nhiệm tự hành động vì tương lai của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Hilda Heine, Tổng thống Cộng hòa Quần đảo Marshall. Ảnh: TTXVN

Vậy kết quả của cuộc trao đổi này là gì?

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang giữ kế hoạch xây thêm 16 dự án nhà máy nhiệt than BOT, nâng lượng điện sản xuất bằng than lên 50% tổng điện năng đến cuối năm 2020, theo Sơ Đồ Tổng Quy Hoạch Điện VII. Một số nhà máy như Long An-II dự định xây ngay gần khu đô thị lớn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân, gây ra các bệnh viêm đường hô hấp. Lý do đưa ra luôn là nhiệt điện than rẻ và phù hợp hơn với một quốc gia đang phát triển, trong khi sự thật Việt Nam đang phải nhập than từ Trung Quốc với giá trên đà tăng mạnh, mỗi năm lỗ hơn 1 tỷ đô la Mỹ, theo Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA).

Khi đến dự GEF tại Việt Nam, bà Heine đã đại diện khổi các quốc gia CVF đưa ra thông điệp tới nước ta: “Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập CVF, với vai trò rất quan trọng là quốc gia dẫn đầu trong các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình ở Đông Nam Á. Những gì Việt Nam nói và làm sẽ ảnh hưởng tới cả khu vực. Sự ủng hộ và đoàn kết của Việt Nam với các nước CVF rất quan trọng đối với sự thành công của khối”.

Chúng ta cần phải mạnh dạn nhận lấy trách nhiệm này. Nếu một quốc đảo với 50.000 người có thể đứng ra dẫn đầu các nước chịu ảnh hưởng BĐKH trong các cuộc đàm phán quốc tế, không có lý do gì Việt Nam lo mình “thấp cổ bé họng”, chỉ ngồi chờ viện trợ từ các nước phát triển.






No comments: