Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 14-11-2017
Vắng
mặt tại thượng đỉnh Đông Á ở Philippines, một dấu hiệu cho thấy tổng thống
Trump chỉ chú trọng vào vế thương mại mà lơ là vế an ninh. Theo phân tích của
giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine- Hoa Kỳ, ông Trump muốn tránh làm phật
lòng Bắc Kinh.
Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình dự cuộc gặp lãnh đạo doanh
nghiệp Mỹ -Trung tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 9/11/2017.
REUTERS/Jonathan Ernst
Ngày 14/11/2017 tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kết
thúc vòng câu du châu Á trong 12 ngày, với các chặng dừng tại Nhật Bản, Hàn Quốc,
Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, dự thượng đỉnh APEC và ASEAN. Các đối tác
châu Á của Mỹ chờ đợi nhiều về những phát biểu của chủ nhân Nhà Trắng về Biển
Đông, về chính sách « xoay trục » của Mỹ dưới thời Trump và
câu hỏi được chú ý đến nhiều là liệu Mỹ có đang để chỗ trống cho Trung Quốc mở
rộng thêm ảnh hưởng với khu vực ?
Phân
tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về châu Á, Biển Đông, đại học Maine,
Hoa Kỳ :
GS
Ngô Vĩnh Long : "Tuy trong suốt chuyến đi tổng thống Donald
Trump không nói gì quá khích như nhiều người đã lo, nhưng thật ra ông ta không
có thông điệp gì rõ ràng đối với châu Á Thái Bình Dương, nói chung và Biển Đông
nói riêng. Tuy có đưa ra khẩu hiệu gọi là “Ấn Độ-Thái Bình Dương” làm như là
chính phủ ông có một chính sách rộng lớn hơn các chính sách của các đời tổng thống
trước, ông Donald Trump chẳng lý giải gì thêm một các cụ thể.
Ngược lại ông có thể đã để lại cho giới quan sát cái
cảm tưởng rằng ông đã coi trọng Trung Quốc vì tại Bắc Kinh, tổng thống Trump đã
khen Tập Cập Bình là một "nhà lãnh đạo tài ba" cũng như đã tuyên bố
là ông không những không trách Trung Quốc trong việc cạnh tranh với Mỹ nhưng
còn khâm phục là nước này giỏi trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhưng khi đến Việt Nam để dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng,
tổng thống Mỹ lại lên tiếng cảnh cáo tất cả các thành viên đến dự rằng ông sẽ
không tha thứ những nước Á châu đã “kinh niên lạm dụng mậu dịch” (nguyên văn:
chronic trade abuses) đối với Mỹ. Có người nói rằng đây là ngụ ý cho Trung Quốc.
Và có người lại cho rằng đây là để chứng tỏ với dân Mỹ trong nước là ông luôn
luôn bảo vệ quyền lợi của Mỹ trên hết theo khẩu hiệu quen thuộc là “America
First.”
Nhưng tại sao không tuyên
bố như thế trước đó trong khi đang ở Hàn Quốc hay Trung Quốc mà lại tuyên bố
trước các đại biểu của 21 nước APEC, đặc biệt là trong khi 11 nước còn lại của
hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific
Partnership) đang họp bên lề hội nghị APEC tổ chức lại hiệp định này sau khi
ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định đó ?
Rất may là 11 nước thành viên còn lại có những nước
rất quyết tâm như Nhật Bản và Việt Nam đã đóng những vai trò rất tích cực trong
việc thúc đẩy thành lập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP). Những nước muốn chứng tỏ quyết tâm của họ một thoả thuận
chung về CPTPP có ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề an ninh, đặc biệt là trong khu
vực Tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.
Hiện nay các tổ chức khu vực như APEC hay ASEAN
không phải là những nơi để có thể dễ dàng đem những vấn đề an ninh ra bàn để đi
đến những quyết định chung. Đối với APEC thì đây là một tổ chức quá rộng và có
quá nhiều lợi ích khác nhau để có thể làm việc đó.
Còn ASEAN với phương thức “đồng thuận” thì khó có thể
đi đến việc đồng thuận, đặc biệt là nếu một vài nước thành viên bị nước ngoài
làm áp lực hay bị mua chuộc. Một tổ chức như CPTPP với 11 nước thành viên có những
lợi ích chung trên bình diện kinh tế và an ninh thì có thể đàm phán và quyết định
các vấn đề dễ dàng hơn. Nhật là nước đồng minh lớn nhất và mạnh nhất trong khu
vực châu Á Thái Bình Dương. Còn Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất
trong khu vực Biển Đông. Cho nên hai nước này có vai trò nhất định trong các
lãnh vực kinh tế và an ninh đối với tất cả các nước cần có trao đổi kinh tế và
lưu thông hàng hải trong khu vực châu Á Thái Bình Dương".
Phỏng vấn
GS Ngô Vĩnh Long - TT Trump và Châu Á
14/11/2017
----------------------------
Anh Vũ – RFI
Đăng ngày 14-11-2017
Hôm
nay, tổng thống Mỹ Donald Trump rời Philippines kết thúc chuyến công du châu Á
kéo dài 12 ngày qua 5 nước. Chuyến công du quan trọng nhất từ khi ông Trump bước
vào Nhà Trắng lần này đã diễn ra êm đẹp tuy không có sự đột phá nào, không thể
hiện được gì nhiều về chính sách chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực.
Tổng thống Donald Trump phát biểu nhiều nhưng không có mấy nội dung về
chính sách châu Á của Mỹ.Reuters
Chuyến công du dài ngày lần này của ông Trump được
giới quan đặc biệt quan tâm theo dõi bởi nhiều lý do liên quan đến tính khí cá
nhân của tổng thống cũng như chiến lược ngoại giao của chính quyền Trump với một
khu vực tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế như châu Á Thái Bình Dương.
Trước khi tổng thống Mỹ lên đường, giới quan sát đã
đánh giá vòng công du châu Á này như là một phép thử cho phong cách ngoại giao
của Trump cũng như là chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực từng được chính
quyền tiền nhiệm Obama đặt vào trọng tâm của chính sách đối ngoại.
Cuối cùng thì vị tổng thống tỷ phú của Mỹ đã hoàn
thành chuyến công du dài ngày không một sơ xuất gì về lời ăn tiếng nói hay
phong cách ngoại giao. Nhưng từ ToKyo, Seoul, Bắc Kinh và Hà Nội rồi qua đến
Manila, ngoài những cái bắt tay, những lời tán dương khen ngợi nhau rất xã
giao, tổng thống Mỹ không thể hiện được sự đột phá nào ở tầm chiến lược như dư
luận mong đợi.
Qua các bài diễn văn chính thức, những cuộc tiếp tân
với lãnh đạo các nước, tổng thống Trump nhiều lần nhắc lại hai ưu tiên của
chính sách Mỹ là : Gia tăng áp lực với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên và
kêu gọi các đối tác để các doanh nghiệp Mỹ được tiếp cận tốt nhất vào thị trường
châu Á.
Các nhà phân
tích chính trị tại những nơi ông Trump qua đều nhận thấy kết quả chuyến đi 12
ngày vừa qua có phần nghèo nàn để có thể phác họa ra được một chiến lược dài hạn
của Mỹ ở khu vực.
Chuyên gia Go Myong Hyun, thuộc Viện nghiên cứu
chính trị Asan tại Seoul nhận xét với AFP rằng : « Nếu so sánh trước và
sau chuyến vòng công du châu Á của ông Trump, thực sự không có gì thay đổi »
về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn chỉ là những tuyên bố vỗ về
khẳng định lại quyết tâm bảo vệ các đồng minh, cảnh cáo Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ vẫn hy vọng sẽ buộc Trung Quốc gây sức
ép mạnh hơn với chế độ Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh « không hứa hẹn gì mới »,
chuyên gia này nói thêm. Hồ sơ Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh dường như đã bị các
hợp đồng kinh tế xếp lên trên.
Về hồ sơ thương mại, tưởng như tổng thống Mỹ sẽ phải
rất cứng rắn, nhưng tại Bắc Kinh ông Donald Trump quay ngoắt sang đổ lỗi cho
nhiều đời tổng thống tiền nhiệm đã làm cho thâm hụt cán cân buôn bán với Trung
Quốc và ông không trách cứ gì ông Tập Cận Bình.
Theo nhà nghiên cứu Thành Hiểu Hoa, thuộc Đại học
Nhân dân Bắc Kinh thì trong số hợp đồng trị giá 300 tỷ đô la được thông báo, có
rất nhiều văn kiện chỉ là thư ngỏ ý và việc ký kết cũng được cố dàn cảnh cho
hoành tráng. Không có gì thay đổi về lâu về dài cho thâm hụt thương mại của Mỹ
với Trung Quốc.
Nếu
đánh giá về tầm nhìn dài hạn cho các mối quan hệ địa chiến lược trong khu vực
trọng yếu đối với Hoa Kỳ, có thể nói chuyến công du này của ông Trump là thất vọng.
Một điểm nhấn khác trong chuyến công du châu Á của
ông Trump là Việt Nam, tham dự diễn đàn kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương
APEC. Tại đây tổng thống Mỹ cũng không thể hiện được gì hơn ngoài lập trường
tâm đắc từ khi còn tranh cử tổng thống : «Nước Mỹ trước tiên » để cố
vẽ bức tranh một nước Mỹ là nạn nhân bị các đối tác thương mại lạm dụng triền
miên. Tầm nhìn của tổng thống Mỹ về một vùng « Ấn Độ- Thái Bình Dương tự
do, rộng mở» vẫn chỉ là phác họa, « còn phải xem khái niệm này được
thể hiện cụ thể ra sao », giáo sư Yochinobu Yamamoto, giáo sư đại học
Niigata nhấn mạnh.
Còn theo ông Ryan Hass, cựu cố vấn về châu Á của ông
Barack Obama thì, chuyến đi châu Á của tổng thống Trump càng củng cố thêm cảm
nhận rằng « khu vực này đang tiến lên và tăng tốc, trong khi Hoa Kỳ lại
nhìn về phía sau ».
Chuyến công du kéo dài nhất từ khi bước vào Nhà Trắng
cách đây một năm đã đưa ông Trump qua 5 quốc gia. Về mặt nghi thức lễ tân, tổng
thống Mỹ đến nơi nào cũng được lãnh đạo các nước đón tiếp nồng hậu với những
nghi thức ngoại giao trang trọng và hoành tráng nhất. Ở đâu cũng « thảm
đỏ như chưa ai được thấy bao giờ », theo mô tả của ông Trump. Ở đâu
ông cũng không quên đánh giá ca tụng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với lãnh đạo
các nước.
Cuối cùng, có thể nói chuyến công du châu Á 12 ngày
của ông Doanld Trump là một chuyến đi thuận buồn xuôi gió từ đầu đến cuối, đâu
có gì nhiều « thách thức » như giới quan sát đã dự báo hay
trông đợi trước đó.
----------------------------
Thụy My - RFI
Đăng ngày 14-11-2017
Vòng
công du châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là đề tài tiếp tục được các
báo Pháp bàn đến. Le Figaro cho rằng « Về thương mại,
Trump đã lọt vào chiếc bẫy của chính mình tại châu Á-Thái Bình Dương ».Tác
giả Fabrice Nodé-Langlois nhận định, khi từ bỏ một số hiệp định thương mại ở
châu Á, tổng thống Mỹ đã nhận lấy rủi ro cô lập hóa nước mình trên trường quốc
tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (G) bên cạnh thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân
Phúc (T) và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại thượng đỉnh ASEAN ở
Manila, 13/11/2017.REUTERS/Jonathan Ernst
Đó là một trong những động thái chính thức đầu tiên
của tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ. Vào ngày thứ ba của nhiệm kỳ, hôm 23 tháng Giêng
năm 2017, ông Donald Trump đã sổ toẹt TPP, hiệp định tự do mậu dịch tập hợp
xung quanh Hoa Kỳ 11 quốc gia hai bên bờ Thái Bình Dương. Hiệp định này không
chỉ có ý nghĩa thương mại mà cả địa chính trị, là cột trụ trong chính sách châu
Á của Barack Obama. TPP giúp hình thành một thị trường lớn với 800 triệu người
tiêu thụ, chiếm một phần ba tổng sản phẩm nội địa thế giới, định ra những tiêu
chuẩn thương mại và đặt Trung Quốc ra ngoài lề.
Về phía ông Donald Trump thì chỉ thấy trong hiệp định
đa phương này sự hủy hoại « khủng khiếp » việc làm của người
lao động Mỹ. Đối với nhà tỉ phú New York, lãnh đạo một đất nước cũng giống như
một doanh nghiệp, phải ưu tiên cho việc thương lượng tay đôi. Sức nặng của nước
Mỹ sẽ giúp đạt được những thỏa thuận song phương có lợi hơn.
Vấn đề là lý luận này không thuận tai các đối tác.
Theo tác giả, biểu tượng mạnh mẽ là chính trong vòng công du châu Á của tổng thống
Mỹ, vào cuối tuần qua tại Việt Nam, các đối tác cũ của TPP loan báo đã thỏa thuận
được một hiệp định mới mà không có Hoa Kỳ.
Tất nhiên là vẫn còn nhiều điểm bất đồng phải vượt
qua, nhưng 11 nước của « TPP giảm nhẹ » này hy vọng vào đầu
năm tới sẽ hoàn tất, hủy bỏ được 95% hàng rào thuế quan hiện nay.
Đã hẳn là mỗi nước đều muốn tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ.
Mêhicô xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ 104 tỉ đô la, Nhật Bản 63 tỉ, Canada 55
tỉ và Việt Nam 31 tỉ đô la. Nhưng các đối tác này chẳng có mấy lợi ích nếu đóng
khung vào quan hệ song phương với Chú Sam, thay vào đó, họ muốn hình thành câu
lạc bộ 11 nước châu Á-Thái Bình Dương, với 500 triệu người tiêu dùng và chiếm
15% GDP toàn cầu.
Để tăng trưởng, các nước này cần mở rộng thị trường,
giảm mạnh hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan. Hơn nữa, trong lúc trao đổi
giữa các nước giàu và nghèo khựng lại thì trao đổi giữa các quốc gia đang phát
triển tăng lên. Việt Nam, Malaysia hay Pêru đều có lợi trong trung và dài hạn
khi tham gia một khu vực tự do mậu dịch.
Còn Trung Quốc đứng ở đâu trong trò chơi lớn này ?
Ông Barack Obama hy vọng cô lập Bắc Kinh khi thỏa thuận được TPP. Từ khi Donald
Trump từ bỏ hiệp định này, Tập Cận Bình đã ve vãn hầu hết các nước châu Á-Thái
Bình Dương. Tuy vẫn chưa khuyến dụ được tất cả tham gia hiệp định do Trung Quốc
đề xướng, nhưng ảnh hưởng Bắc Kinh đã rất lớn, chẳng hạn tại Việt Nam hay
Malaysia.
Tóm lại theo Le Figaro, khi cho rằng sẽ
xóa được thâm hụt thương mại nhờ dùng sức ép trong các thỏa thuận song phương,
Donald Trump đã gánh lấy nguy cơ tự cô lập. Cuộc chiến chính đáng của tổng thống
Mỹ để bảo vệ « nhữngngười lao động » trong kỹ nghệ quốc gia diễn
ra vào lúc công cuộc toàn cầu hóa đang thay đổi nhanh chóng.
Toàn cầu hóa trong những năm 2020 chủ yếu trong lãnh
vực kỹ thuật số. Thế nhưng các tập đoàn đại diện cho giai đoạn mới này –
Google, Amazon, Facebook, Apple và có thể kể thêm Uber hay Netflix – tất cả đều
là của Mỹ. Các đối tác mà đứng đầu là châu Âu đang chuẩn bị dựng lên những rào
cản để đối phó. Thay vì mỗi người dùng tay giữ lại phần bánh nhỏ của mình, nên
chăng bàn thảo một cách chế biến chung để làm nở phồng chiếc bánh thế giới ? Đó
là mục tiêu của chủ nghĩa đa phương hậu chiến, mà nay đã bị đưa ra khỏi chương
trình nghị sự.
Hai
Donald Trump trong vòng công du châu Á
Tương tự, Le Monde nhận xét về «
Một ông Trump với giọng điệu cô lập ở châu Á ». Bên cạnh đó trước sức
mạnh Trung Quốc, tổng thống Mỹ mong muốn làm trỗi dậy một khu vực « Ấn
Độ-Thái Bình Dương ».
Theo tờ báo, có hai ông Trump khác nhau trong vòng
công du châu Á. Nhấn mạnh sự cần thiết của việc huy động các nước trên thế giới,
Donald Trump thứ nhất không ngớt mời gọi gây áp lực lên Bắc Triều Tiên. Ngược lại,
Donald Trump thứ hai hài ra một danh sách những lạm dụng mà Hoa Kỳ là nạn nhân
trong nhiều thập niên qua. Tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, ông phản bác các hiệp
định đa phương, khẳng định « America First ».
Sự tương phản nổi rõ với đồng nhiệm Trung Quốc – mà
ông Trump đã tránh chỉ trích về thâm hụt thương mại Mỹ-Trung - khi Tập Cận Bình
phát biểu trước cùng một cử tọa. Ông Tập tiếp tục ca ngợi « hợp tác quốc
tế » và « mở cửa kinh tế ».
Le Monde cho rằng
Donald Trump có thể đánh giá được sự cô đơn của mình, khi 11 nước TPP còn lại
quyết định đi tiếp mà không có Mỹ. Họ hy vọng sẽ phê chuẩn được một hiệp định
có thể mang lại 150 tỉ đô la mỗi năm cho các thành viên. Dường như chẳng có nước
nào bị thu hút bởi các thỏa thuận song phương mà Donald Trump đề nghị thay cho
TPP. Và mỉa mai thay, chính Trung Quốc lại được hưởng lợi nhiều nhất khi Hoa Kỳ
rút khỏi hiệp định này. Le Monde dẫn lời nhà kinh tế Jayant
Menon, Ngân hàng Phát triển Á châu : « Mỹ đã đánh mất vai trò lãnh đạo
».
Tuy vậy, tại Đà Nẵng cũng như ở Tokyo hay Seoul,
Donald Trump đều nhấn mạnh về khu vực « Ấn Độ-Thái Bình Dương », tập
hợp các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á, và cả Việt Nam, Ấn Độ. Trong
tương lai, đây có thể là một chủ thuyết nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng Bắc
Kinh trong khu vực. Nhưng viễn cảnh một phiên bản khiêm tốn hơn của chủ
trương « xoay trục sang châu Á », hiện vẫn rất mù mờ.
Tại Việt Nam, nước duy nhất trong khu vực còn dám
đương đầu với người láng giềng Trung Quốc hùng mạnh, trước hành động bành trướng
của Bắc Kinh trên Biển Đông, ông Trump muốn trấn an, đề nghị dùng tài năng của
mình đứng ra « hòa giải ». Nhưng theo Le Monde,
sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ, người Việt vẫn chưa có lý do cụ thể để tin
vào sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Trước đồng nhiệm Trần Đại Quang, cũng như tại
các thủ đô châu Á vừa ghé qua, Donald Trump không hà tiện lời khen, cho rằng Việt
Nam là « một trong những phép lạ trên thế giới ». Hà Nội và
các đồng minh khác của Mỹ hiện tại có thể tự hài lòng, nhưng có lẽ vẫn không an
tâm trước tính cách bốc đồng của tổng thống Mỹ.
Hai ông Donald Trump sau đó đã bộc lộ trên Twitter.
Một mặt, tổng thống Mỹ than phiền là Kim Jong Un đã chê ông « già ». Mặt
khác, ông Trump nói thêm, « Tôi chưa bao giờ nói anh ta ‘lùn và mập’ » rồi
lại bày tỏ hy vọng một ngày nào đó có thể trở thành bạn bè.
Tiền
hậu bất nhất
La Croix trên trang
web phân tích « Những mâu thuẫn của ông Donald Trump tại châu Á ».
Tờ báo nhận xét, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng
thống Hàn Quốc Moon Jae In đã hết lòng chiều chuộng vị khách quý, từ mời chơi
gôn, cho đến việc dành cho nhà lãnh đạo thế giới vinh dự đọc diễn văn trước Quốc
Hội. Còn tại Bắc Kinh thì lại khác, Donald Trump không ngừng khen ngợi Tập Cận
Bình, trong khi ông Tập chưa một lần nào khen lại tổng thống Mỹ.
Donald Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc, «
hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là động cơ tăng trưởng toàn cầu » cần
phải chung tay giải quyết những vấn đề quốc tế. Tuyên bố này có vẻ gần gũi với
khái niệm « G2 » giữa hai đại cường, nhưng lại mâu thuẫn với ý
tưởng khu vực « Ấn Độ-Thái Bình Dương ».
La Croix cũng có nhận
xét tương tự với Le Monde và Le Figaro về sự
kiện 11 nước TPP quyết tiến tới mà không có Mỹ, và cho rằng trước thái độ chưa
rõ ràng của Hoa Kỳ tại châu Á, một số nước trong khu vực đã xích lại gần nhau để
bảo vệ lợi ích của mình trước ảnh hưởng Trung Quốc. Ngay cả những người bảo thủ
Nhật đang cầm quyền có vẻ cũng ngờ vực về tính lâu dài của liên minh an ninh với
Mỹ.
Đề nghị của Donald Trump làm trung gian hòa giải giữa
Hà Nội và Bắc Kinh về Biển Đông, theo La Croix, cũng gây thắc mắc
cho các nhà quan sát. Một số người tự hỏi, liệu nước Mỹ của ông Trump có chuẩn
bị cho một thỏa thuận với Trung Quốc, bỏ rơi quan điểm truyền thống của Hoa Kỳ
là ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực.
Quốc
phòng : Châu Âu bắt đầu tự lực cánh sinh
Về thời sự nước Pháp, Libération hôm
nay chú trọng đến việc « 65% người Pháp cảm thấy bị thiệt thòi qua các
cải cách của tổng thống Macron », thế nên ông Emmanuel Macron đã dành thời
gian để đi thăm các khu phố nghèo. Trên lãnh vực giáo dục, La Croix đặt
vấn đề « Hướng về một bằng tú tài tùy chọn ? ». Từ hôm qua, đã
bắt đầu một loạt tham vấn với mục đích cải cách cuộc thi tú tài, có thể được thực
hiện kể từ mùa thi 2021. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos quan
tâm đến tập đoàn điện lực Pháp EDF, nợ nần nhiều và ngày càng ít hiệu quả, đã
phải điều chỉnh lại mục tiêu trên thị trường chứng khoán.
Về vấn đề môi trường, Le Monde chạy
tựa trang nhất lời cảnh báo của 15.000 nhà khoa học từ 184 quốc gia: «
Sẽ là quá muộn… » và đăng nguyên văn lá thư này. Để tránh thảm họa
sinh thái, giới khoa học kêu gọi nhân loại thay đổi hẳn cách sống. Sau ba năm
chững lại, khí thải CO2 lại bắt đầu tăng từ năm 2017, chủ yếu là do Trung Quốc.
Một đề tài đáng chú ý khác là quốc phòng châu
Âu. Le Figaro nhấn mạnh « Quốc phòng châu Âu muốn
thoát khỏi cái bóng của Hoa Kỳ ». Hai mươi ba nước châu Âu hôm qua đã
cam kết hợp tác quân sự : ký hiệp ước CSP. Đây không phải là việc thành lập
quân đội châu Âu hay bỏ qua NATO, nhưng là bước đầu hướng về tự lực cánh sinh,
với các dự án sản xuất vũ khí chung, đóng góp vào ngân sách quốc phòng và trong
tương lai có thể triển khai các lực lượng chung. Trong thời buổi hạn chế về tài
chính, sự hợp lực này có thể mang lại hiệu quả.
Tờ báo cho biết thành công đã vượt quá yêu cầu. Ba
nước Ban-tích, trong đó có hai nước chung biên giới với Nga, đã nhất trí ký
vào, cũng như Rumani, Bulgari, vẫn lo ngại trước các hành động của Matxcơva tại
Hắc Hải. Ngạc nhiên thực sự đến từ Hungary và Ba Lan. Vácxava đã ký cùng với ba
thủ đô nhóm Visegrad : Budapest, Bratislava và Praha.
Trong bài xã luận, Le Figaro nhận
xét, thỏa thuận này càng ý nghĩa hơn khi được đưa ra trong dịp Paris kỷ niệm
hai năm thảm kịch khủng bố ngày 13/11/2015. Bên cạnh mối đe dọa khủng bố, cuộc
khủng hoảng Ukraina và Bắc Triều Tiên nhắc nhở rằng cú sốc giữa các cường quốc
chưa phải đã là chuyện quá khứ. Kẻ thù đang tiến gần, còn đồng minh lớn Hoa Kỳ lại lùi ra xa. Châu Âu
buộc phải tự lo lấy vận mệnh của mình, và ngay cả nước Đức nay cũng đã nhận ra
điều ấy.
No comments:
Post a Comment