Wednesday, November 29, 2017

NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BẠO HÀNH Ở MỘT ĐẤT NƯỚC BÌNH YÊN (Kỳ Lâm - VNTB)



(VNTBSự phẫn nộ của dư luận là có lý đối với các đối tượng là chủ thể xâm hại trẻ, nhưng đi xa hơn, nhiều người đặt câu hỏi: chúng ta đang sống ở đâu? Và tại sao một đất nước được xếp hạng bình yên lại trở nên như thế này?

Hình ảnh bạo hành hàng loạt trẻ em của "cô giáo mầm non" trong thời gian gần đây tại quận 12 - Tp. Hồ Chí Minh

Tại Hà Nội, một bảo mẫu hành hạ đứa trẻ hơn một tháng tuổi.

Tại Thanh Hóa, một đôi nam nữ đã bắt cóc đứa bé 20 ngày tuổi trên tay bà nội.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, một bé trai 6 tuổi khi đi mua bánh đã bị bảo vệ tổ dân phố cắt cổ.

Cũng tại Tp. Hồ Chí Minh, môt cơ sở mầm non tư thục đã sử dụng bạo lực tràn lan đối với những đứa trẻ được gửi tại đây, thậm chí cả việc dùng dao bầu để đe dọa.

Tại Kiên Giang, một bé gái 7 tuổi nghi ngờ bị cha ruột, mẹ kế bạo hành bằng sắt nung đỏ dí vào mặt.

Những câu chuyện về các hình thức bạo hành nêu trên không phải là mới xuất hiện tại Viêt Nam, nhưng xuất hiện với tần suất dày đặc trên báo chí – truyền thông thì đây là lần đầu tiên. Trẻ em bị sát hại, hành hạ hay bắt cóc cho thấy một bầu không khí u ám trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em Việt Nam.

Sự phẫn nộ của dư luận là có lý đối với các đối tượng là chủ thể xâm hại trẻ, nhưng đi xa hơn, nhiều người đặt câu hỏi: chúng ta đang sống ở đâu? Và tại sao một đất nước được xếp hạng bình yên lại trở nên như thế này?

Khi cô giáo em, là... du côn

Người dân cũng đặt câu hỏi về sự tồn tại của 15 cơ quan bảo vệ trẻ em, nhưng khi một đứa trẻ gặp vấn đề thì không biết gọi ai.

Người dân tiếp tục tự đặt câu hỏi về khả năng và thực tâm triển khai các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em, khi mà ngay cả hệ thống điểm giữ trẻ (vốn phải được đặt dưới sự cho phép và giám sát của cơ quan chức năng) vẫn diễn ra bạo hành hằng ngày và hằng giờ. Đến mức, sau khi sự việc xảy ra, bà Phó Chủ tịch Tp. Hồ Chí Minh mới hối thúc hơn nữa việc đặt camera, mới nhấn mạnh tăng cường thanh kiểm tra, và đặt nghi vấn về hiện tượng “bảo kê” đối với cơ sở mầm non tư thục.

Những hiện tượng và các hình thức mang tính quan liêu trong hoạt động bảo vệ trẻ em đã trở thành cái gì đó mang tính đối lập về việc, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới, và là đầu tiên ở châu Á ký cam kết bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em qua Công ước Quyền trẻ em.

Dường như tồn tại một nghịch lý là Việt Nam ký kết các Điều ước quốc tế nhiều đến mức mà cơ sở luật của Nhà nước Việt Nam đã đầy như một cánh rừng rậm. Dù vậy, sự tôn trọng và thực tế hóa nó lại không có, nhất là từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền – nên bao năm qua, công tác bảo vệ mầm non quốc gia cứ luôn đặt trong tình trạng đỏ vì nạn bạo hành, xâm hại tình dục, bắt cóc, giết…

Lấy ví dụ như vụ đứa bé 7 tuổi bị cha và mẹ kế bạo hành ở Kiên Giang, dù tỉnh ra chỉ đạo giải quyết, nhưng cơ quan chức năng xã vẫn không chịu cách ly trẻ em trong diện khẩn cấp, mà phải chờ mẹ ruột của em đưa đơn yêu cầu cách ly thì mới thực hiện. Như vậy, quy trình thì đúng, nhưng cách làm chủ động – sáng tạo trong thực hiện vi phạm pháp luật hành chính lại không có. Một phần vì cơ quan chức năng không thấy sự hấp dẫn của công tác này như với công tác giải phóng mặt bằng (liên quan đất đai).

Trước đó, các trường hợp bạo hành cũng liên tiếp diễn ra tại các điểm giữ trẻ

Và một trong những chậm chạp vì thực hiện quyền trẻ em nêu trên là liên quan đến ngân sách quốc gia, khi nguồn lực này được phân bổ về các địa phương không nhanh và tốt bằng việc xây tượng hay quảng trường. Thực tế, các chương trình, dự án về chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhưng dù chương trình được phê duyệt nhưng không có nguồn ngân sách đảm bảo để thực hiện, hoặc nếu có thì phân bổ “nhỏ giọt” không tương xứng với nhu cầu. Số tỉnh chịu khó đầu tư hàng chục tỷ đồng/ năm cho công tác trẻ em chỉ ở mức 1/3 số tỉnh thành hiện có. Và kết quả, mạng lưới cộng tác viên gây ấn tượng mạnh về số lượng, thì cũng đồng thời gây sốc về khả năng liên kết, thực hiện quyền chăm sóc trẻ em yếu kém gắn với mức trợ cấp chỉ đủ mua nước lọc (50.000 VNĐ/tháng)

Một khía cạnh thứ hai là, đất nước liệu có phải là đang suy thoái đạo đức và nhân tâm trên diện rộng. Hiện tượng bức hại trẻ em nở rộ có phải là khi tính bao dung trong con người đã bị tụt giảm, và mối quan hệ xã hội chỉ đơn thuần dựa trên đơn vị tiền tệ, chuộng bạo lực?

Vai trò trách nhiệm của đảng cầm quyền đến đâu khi để xảy ra tình trạng này?

Khi APEC vừa kết thúc, báo giới Việt Nam tung hô Viêt Nam như một quốc gia bình yên, không chiến tranh, không khủng bố. Nhưng bình yên đó là bình yên về mặt chính trị (với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang dày đặc), trong khi bình yên xã hội – vốn là một hệ thức làm nên sự phát triển và nội lực quốc gia thì lại không hề được chú tâm đến.

Cái ác vì vậy diễn ra tràn lan, mức độ ngày càng tàn bạo – và “đất nước bao giờ được như thế này chưa” khi đưa nhóm trẻ bị bạo hành vào đã trở thành câu nói mang tính… miệt thị, xa rời thực tế.









No comments: