November 12, 2017
WESTMINSTER,
California (NV) – Ông Nguyễn Hữu Vinh (biệt danh Anh Ba Sàm), Hội Anh Em Dân Chủ, bà Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh (biệt danh Mẹ Nấm), và Mục Sư Y Yích được Mạng Lưới Nhân Quyền
Việt Nam chọn trao giải Giải Nhân Quyền Việt Nam 2017.
Từ trái: Blogger Anh Ba Sàm, Blogger Mẹ Nấm và mục
sư Y Yích. (Hình: Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cung cấp)
Thông cáo báo chí từ Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho
biết những cá nhân và tổ chức trên được bình chọn từ danh sách 14 đơn đề cử từ
Việt Nam và hải ngoại.
Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân quyền Việt Nam
đến nay đã được trao cho 39 cá nhân và 3 tổ chức đã có những đóng góp xuất sắc,
có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại
Việt Nam. Giải Nhân Quyền Việt Nam còn là một cơ hội để người Việt ở hải ngoại
bày tỏ sự quan tâm ủng hộ với những người dấn thân vào cuộc chiến đấu không
ngơi nghỉ vì những quyền căn bản cho nhân dân Việt Nam.
Buổi lễ trao
giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức tại hội trường thành phố
Westminster, California, Hoa Kỳ vào ngày Chủ Nhật, 10 Tháng 12, 2017,
đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 69, và cũng đánh dấu 20 năm hoạt động của
Mạng Lưới Nhân Quyền.
Sơ lược về những người được chọn trao giải:
Ông
Nguyễn Hữu Vinh
Ông Nguyễn Hữu Vinh là chủ trang blog Anh Ba Sàm.
Sinh năm 1956, trú quán: Quận Đống Đa, Hà Nội.
Blog Anh Ba Sàm được thành lập từ ngày 9 Tháng Chín
năm 2007, tự gọi là cơ quan ngôn luận của “Thông Tấn Xã Vỉa Hè,” là một trang
web đăng tin nổi tiếng; với mục tiêu: “khai dân trí, đồng thời tận dụng tối đa
các tiện ích của Internet để mang tri thức đến cho mọi người”. Suốt 7 năm từ
2007-2014, Blog Ba Sàm trở thành một trong những blog có số lượng người truy cập
nhiều nhất. Bằng khẩu hiệu “Phá Vòng Nô Lệ,” blog của Anh Ba Sàm đã đem đến cho
người đọc rất nhiều kiến thức bổ ích, thú vị và làm thay đổi suy nghĩ của rất
nhiều người quan tâm. Ngoài ra ông Nguyễn Hữu Vinh còn lập các trang Dân quyền
và Việt sử ký gồm nhiều tư liệu và tham luận.
Ông Vinh bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam từ Tháng
Năm, 2014 và kêu án 5 năm tù giam hôm 23 Tháng Ba, 2016 vì tội “đã có hành vi
đăng tải các bài viết trên mạng Internet có nội dung xấu, thông tin sai lệch
làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội,
công dân, quy định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.”
Hội
Anh Em Dân Chủ
Hội Anh Em Dân Chủ Việt Nam (HAEDC – Brotherhood For
Democracy) được thành lập ngày 24 Tháng Tư, 2013 trên trang mạng xã hội
Facebook, không theo qui định của luật pháp CH XHCN VN. Do đó các hoạt động của
HAEDC không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam hiện hành.
Hội được sáng lập bởi luật sư Nguyễn Văn Đài và hơn
40 cựu tù nhân lương tâm như kỹ sư Phạm Văn Trội, mục sư Nguyễn Trung Tôn…
Do hoạt động trên một địa bàn rộng, tích cực đa dạng,
nên HAEDC được xem là tổ chức Xã hội Dân sự hàng đầu trong nước. Các thành viên
HAEDC đều có tham gia hoặc tổ chức hầu như tất cả sự kiện, hoạt động XHDS, biểu
tình dân sinh, dân oan, nhân quyền…của phong trào chung trong nước trong nhiều
năm qua.
Hiện nay, HAEDC có 12 thành viên đang bị khởi tố tạm
giam điều tra, hay đã bị truy tố xét xử có án theo Điều 79 và 88/BLHS – dù là họ
chỉ tham gia các hoạt động XHDS, vận động dân sinh, dân quyền, nhân quyền một
cách hòa bình, bất bạo động. Ngoài ra, hiện nay còn nhiều thành viên HAEDC đã
đang phải trốn tránh, đào tỵ để tránh bị truy nã, sách nhiễu.
Hội Anh Em Dân Chủ (Brotherhood For Democracy)
(Hình: Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cung cấp)
Bà
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có nickname Mẹ Nấm, sinh năm
1979 tại Khánh Hòa, Việt Nam, bắt đầu viết blog năm 2006 khi bà đến thăm một bệnh
viện và chứng kiến nhiều người nghèo trong nắng nóng, tuyệt vọng chờ đợi để điều
trị, nhưng bị phớt lờ vì họ thiếu tiền để đút lót các quan chức bệnh viện.
Mẹ Nấm đã viết 400 bài trên Facebook cá nhân và đặc
sắc nhất là tập tài liệu “Chấm dứt tình trạng công an giết hại dân thường.”
Bà Quỳnh bị bắt giữ từ Tháng 10, 2016 đến nay, và
không được gặp người thân.
Ngày 29 Tháng Sáu, 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh
Hòa xét xử, tuyên phạt Mẹ Nấm 10 năm tù giam với tội danh Tuyên truyền chống
nhà nước, mặc dù bà chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Bà được Tổng Thống phu nhân Hoa Kỳ tuyên dương là
“người phụ nữ can đảm.” Bà cũng được nhiều chính khách Hoa Kỳ và Đức quốc quan
tâm bênh vực.
Mục
Sư Y Yích
Mục sư Y Yích sinh năm 1960, trú tại làng A Luk, tỉnh
Gia Lai.
Vào năm 2007 Mục sư Y Yích bị nhà cầm quyền tỉnh Gia
Lai bắt và bị kết án tù 6 năm, chỉ vì tội cùng với người Thượng biểu tình đòi đất
và đòi tự do tôn giáo.
Năm 2011 ông ra tù và tiếp tục hoạt động cho nhân
quyền và tự do tôn giáo; ông đã tổ chức kêu gọi người dân các buôn làng kéo
nhau lên các ủy ban, huyện và tỉnh để biểu tình, yêu cầu trả lại đất đai bị
quân đội và công an tịch thu, ngoài ra còn đòi thả hết tù nhân lương tâm tôn
giáo và chính trị ở các trại giam.
Ngày 27 Tháng Chín, 2013 ông bị nhà cầm quyền tỉnh
Gia Lai bắt lần thứ hai và kết án 12 năm tù giam. (N.L)
*
VIDEO
:
------------------------------
RFA
2017-11-13
2017-11-13
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tại California đã chọn
trao giải Nhân Quyền Việt Nam 2017 cho 4 cá nhân, tổ chức có những đóng góp
tích cực cho phong trào nhân quyền của Việt Nam. Đó là Ông Nguyễn Hữu Vinh (biệt
danh Anh Ba Sàm), Hội Anh Em Dân Chủ, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (biệt danh
Mẹ Nấm), và Mục Sư Y Yích.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Mục
sư Y Yích (từ trái qua).
Courtesy of tienbo.org
Buổi lễ trao giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay sẽ được
tổ chức tại hội trường thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ vào ngày Chủ
Nhật, 10 Tháng 12, 2017, đúng Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 69, và cũng đánh
dấu 20 năm hoạt động của Mạng Lưới Nhân Quyền.
Thông cáo báo chí từ Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam
cho biết 4 cá nhân và tổ chức được trao giải năm nay được bình chọn từ danh
sách 14 đơn đề cử từ Việt Nam và hải ngoại.
Ông
Nguyễn Kim Bình, Trưởng Ban Phối Hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam
nói với RFA rằng năm nay việc chọn người trao giải diễn ra trong bối cảnh chính
quyền Việt Nam gia tăng đàn áp với các nhà hoạt động nhân quyền, trong đó đối
tượng bị đàn áp mạnh nhất là Hội Anh Em Dân Chủ:
Cho dù không có sự đàn áp đó thì lâu nay chúng tôi
cũng luôn ghi nhận sự đóng góp của Hội Anh Em Dân Chủ trong nhiều năm vừa qua,
không những trong việc vận động cho dân chủ ở Việt Nam, mà còn bảo vệ cho các
quyền lợi căn bản của người dân Việt Nam.
Hai trong 3 cá nhân còn lại là nhà báo và blogger nổi
tiếng là anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì có lẽ
quý thính giả trong và ngoài nước đều biết đến sự ảnh hưởng của họ. Đây là hai
người tiên phong thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ và giúp người dân quyền
tự do thông tin, tự do được biết những gì họ cần biết và vai trò của họ trong
việc phát triển ngành truyền thông độc lập của Việt Nam.
Một điều đặc biệt khác ông Bình chia sẻ với chúng
tôi đó là giải thưởng năm nay được trao cho Mục sư Y Yích, một người thiểu số ở
Tây Nguyên. Mục sư đang phải chịu án tù hơn 10 năm chỉ vì muốn bảo vệ cho các
tín đồ của hội thánh. Năm nay là năm đầu tiên Mạng lưới trao giải cho một nhà
tranh đấu người dân tộc thiểu số.
Bà
Lê Thị Minh Hà, vợ của ông Nguyễn Hữu Vinh, bày tỏ niềm hạnh phúc
khi biết chồng bà được chọn trao giải Nhân quyền 2017:
Dù rằng về hình thức có thể có chút gì đó “màu xanh,
đỏ hay vàng” nhưng đối với mình quan trọng nhất là cùng một mục tiêu là muốn
cho đất nước thay đổi. Do vậy, moi cử chỉ, hành động hướng tới việc đó ví dụ
như công nhận, là điều rất hạnh phúc đối với bản thân mình và gia đình và là một
niềm động viên khá lớn.
Ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt vào tháng 5/2014 và bị kết
án 5 năm tù giam vào tháng 3/2016 với cáo buộc vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự
“lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia”. Trước khi bị bắt,
ông Vinh lập trang blog Anh Ba Sàm vào năm 2007, tự gọi là cơ quan ngôn luận của
“Thông Tấn Xã Vỉa Hè”. Mục đích của trang Anh Ba Sàm được nêu rõ là khai dân
trí, đồng thời tận dụng tối đa các tiện ích của Internet để mang tri thức đến
cho mọi người. Ngoài ra ông còn lập các trang Dân quyền và Việt sử ký nhằm bảo
vệ quyền lợi chính đáng của người dân Việt Nam.
Nhà
văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ cũng bày tỏ
sự vui mừng, hãnh diện khi Hội được trao giải. Ông nói rằng giải thưởng này
hoàn toàn xứng đáng, là vì:
Hội đã tham gia vào hầu hết tất cả các hoạt động dân
sự để bảo vệ quyền lợi của những người dân bị chế độ đàn áp, như bảo vệ môi trường,
chống Formosa, kết hợp cùng bà con giáo dân tham gia những cuộc biểu tình đòi
Formosa phải đi khỏi Việt Nam để bảo vệ môi trường. Cũng như tham gia những cuộc
biểu tình chống Tập Cận Bình, biểu thị tinh thần độc lập, thúc giục nhà nước cộng
sản Việt Nam phải tự lực tự cường. Ngoài ra, hội còn tưởng niệm các chiến sĩ của
cả hai bên Việt Nam Cộng Hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hi sinh để bảo vệ
Hoàng Sa, Trường Sa.
Hội
Anh Em Dân Chủ là một trong những tổ chức bị chính phủ Hà Nội đàn
áp mạnh tay nhất trong thời gian gần đây. Từ cuối tháng 7 vừa qua đến nay, 5
thành viên của Hội đã bị bắt và nhiều cá nhân khác bị công an triệu tập liên
quan đến hoạt động của hội trong đó có Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
Hội được thành lập vào tháng 4 năm 2013 bởi luật sư
Nguyễn Văn Đài và hơn 40 tù nhân lương tâm. Tính đến hiện nay, hội có tổng cộng
12 thành viên bị bắt giữ hay truy tố theo điều 79 hoặc 88 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, nhiều thành viên khác của hội đang phải lẩn trốn trước sự tăng cường
đàn áp của chính phủ Việt Nam.
Anh
Hoàng Cường, thành viên của hội NO-U, một tổ chức xã hội dân sự
ở Hà Nội và Sài Gòn nói với RFA rằng anh ủng hộ sự quan tâm của đồng bào hải
ngoại đến những nhà tranh đấu trong nước, thể hiện qua việc trao giải Nhân quyền:
Cũng phải có sự khích lệ để mỗi con người đều phấn đấu
vì một xã hội tốt đẹp hơn. Mình chỉ mong trao giải cho chính xác và có tính
khích lệ lớn.
Ngoài ra, mình nghĩ ở hải ngoại quan tâm sao cho hiệu
quả, khôn khéo để nhà cầm quyền không dựa vào đó để trả thù cá nhân hoặc cho
các tổ chức dư luận viên bôi nhọ.
Một trong số 4 nhân vật được vinh danh là Mẹ Nấm
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Cô là người có nhiều bài viết trên mạng xã hội nhằm lên
án tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và tham gia biểu tình chống ô nhiễm
môi trường. Cô bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái và đến tháng 6 vừa qua bị tuyên 10
năm tù giam theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Cô được Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ
Melania Trump trao giải “người phụ nữ quả cảm”.
Người còn lại là Mục sư Y Yích, tỉnh Gia Lai. Ông bị
bắt vào năm 2007 và bị kết án 6 năm tù giam vì cùng người Thượng biểu tình đòi
đất và tự do tôn giáo. Sau khi mãn án tù, ông tiếp tục tham gia tích cực vào
các hoạt động vì nhân quyền, đất đai và tôn giáo cho những người dân tộc thiểu
số. Ông bị bắt lần hai vào năm 2013 và bị kết án 12 năm tù giam.
Ông Nguyễn Kim Bình cho biết qua giải thưởng Nhân
quyền năm nay, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam muốn gửi thông điệp tới tất cả các
nhà hoạt động nhân quyền rằng họ không bao giờ bị lãng quên và những đóng góp của
họ luôn được dõi theo và trân trọng.
Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân quyền Việt Nam
đến nay đã được trao cho 39 cá nhân và 3 tổ chức nhân quyền tại Việt Nam
-------------------------------
MẠNG
LƯỚI NHÂN QUYỀN VN HỌP BÁO CÔNG BỐ GIẢI NHÂN QUYỀN NĂM 2017:
https://www.youtube.com/watch?v=TuC-vhpjURo&feature=youtu.be
https://www.youtube.com/watch?v=TuC-vhpjURo&feature=youtu.be
*
YOUTUBE.COM
-----------------------------------
No comments:
Post a Comment