Thứ ba, 07/11/2017 | 09:11 GMT + 7
Đêm
6/11, một người bạn ở Huế báo mưa không nhiều, chỉ có gió, nhưng nước ngập khắp
nơi. Ký ức tang thương dội về trước cảnh báo Huế có thể đạt hoặc vượt
mức lũ lịch sử năm 1999. Tại Bắc Trà My, Quảng Nam trong đêm
5/11, 9 người nữa bị vùi lấp trong vụ sập một quả đồi…
Tìm kiếm thi thể người phụ nữ ở thôn Văn Căn, thị trấn
Sịa, huyện Quảng Điền (Huế) bị mất tích do lũ cuốn trôi. Đến sáng 6/11 vẫn chưa
tìm thấy do nước lạnh, ngập sâu. (Ảnh: Fanpage Quảng Điền quê ta ơi)
Tính đến cuối ngày 5/11, tức chỉ ba ngày sau khi bão
số 12 chính thức vào biển Đông, đã có 44 người chết, 19 người mất
tích, 1.358 nhà sập đổ, 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng.
So với một ngày trước, số người chết đã tăng thêm 17
người, số người mất tích giảm 3, số nhà sập đổ tăng thêm 732 ngôi nhà, số nhà tốc
mái, hư hỏng tăng thêm 75.162 ngôi nhà. Hàng nghìn người khác trở thành vô gia
cư hay buộc phải di tản.
Trước đó chưa đầy nửa tháng – tính đến cuối ngày
16/10, đã có 75 người chết, 28 người mất tích trong đợt mưa lụt lớn, xả lũ, sạt
lở. Gia sản trôi theo 10.362 con gia súc, 301.449 con gia cầm bị chết, cuốn
trôi, chưa kể hàng nghìn hecta lúa màu mất trắng.
Một tháng trước, 6 người chết, 37 người bị
thương trong bão số 10.
Nhưng chết trong mưa lũ là những cái chết không hồi
đáp. Chiều 5/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tuyên bố: “Chúng
ta đang phải đối mặt với hiểm họa“. Hiểm họa gì? Là “hồ đầy nước, sông đầy
nước, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực“.
Vẫn theo ông Cường: “Nhiều hồ đã đầy nước, bị sự
cố sẽ là thảm họa“.
Nước đã bị coi là thảm họa. Nhưng kẻ tội đồ có thực
sự mang tên các cơn bão?
Địa hình đồi núi chiếm đến 3/4 diện tích lãnh thổ của
Việt Nam là một thể thống nhất với hệ thống sông ngòi dày đặc với mật độ trung
bình lên tới 0,6 km/km2. Theo GS.TSKH Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững
và chứng chỉ rừng (SFMI), rừng tự nhiên có đủ 3 tầng tán thì độ xói mòn đất được
coi là 0 dù trên đất dốc hay khi có mưa lớn. Khi hạn chế được dòng chảy mặt thì
không có hiện tượng xói mòn đất, cũng không tạo ra lũ ống, lũ quét. Nước thấm
qua lớp thảm mục, mùn, ngấm qua mặt đất tạo thành dòng chảy ngầm.
Điều này có nghĩa nhờ khả năng điều tiết nước của rừng
tự nhiên nên các vấn đề hạn hán, lũ lụt, sạt lở sẽ không trở thành thảm họa.
Nhưng con người đã tự vẽ nên thảm họa cho chính mình khi rừng tiếp tục bị đốn hạ,
chuyển đổi rừng thành đất làm dự án, từ hợp pháp “đúng quy trình” đến trái
phép, từ thủy điện, du lịch tâm linh, khách sạn, đến biệt phủ, công viên
nghĩa trang…
Rừng tự nhiên đang biến mất. Theo GS Lung, theo số
liệu đầu tiên về rừng tại Đông Dương được công bố bởi Tổng thanh tra Lâm nghiệp
Maurand năm 1943, Việt Nam có 14,3 triệu ha rừng tự nhiên, chưa có rừng trồng,
với độ che phủ là 43%.
Trong vòng gần nửa thế kỷ tiếp theo, rừng trồng tăng
dần song diện tích rừng tự nhiên thì suy giảm mạnh. Năm 1995, diện tích rừng tự
nhiên giảm xuống thấp nhất với hơn 8,2 triệu ha, rừng trồng tăng từ 0,092 ha
(năm 1975) lên 1,05 ha, độ che phủ rừng toàn quốc chỉ đạt 28,2%. Đến 2015, độ
che phủ tăng lên 40,8% với hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên, hơn 3,8 triệu ha rừng
trồng.
Tuy nhiên, GS Lung lưu ý với việc bổ sung khái niệm
“rừng bán tự nhiên” – rừng có nguồn gốc tự nhiên nhưng đã qua quản lý như khai
thác gỗ chọn, làm giàu rừng, tác động nhẹ ít làm thay đổi kết cấu rừng –
thì trừ các khu rừng nguyên sinh đang bảo tồn hoặc ở nơi chưa phát hiện
ra, còn lại rừng tự nhiên hiện nay đều là rừng bán tự nhiên.
Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ công bố vào tháng
4/2015 của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN-MT, cả nước có trên 2.900 hồ chứa
nước thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng
với tổng dung tích trên 65 tỷ m3. 65 tỷ m3 tương đương với lượng nước dùng
trong nông nghiệp trong vòng một năm trên toàn quốc, tương đương 7,8% tổng
lượng nước mặt trung bình năm của Việt Nam.
Tại cuộc họp chiều 5/11, Tổng cục trưởng Tổng cục
Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cảnh báo: Ở Bắc Trung Bộ, hồ chứa lớn đã đầy 70-90%, hồ
chứa nhỏ 100% đã đầy nước. Nam Trung Bộ hồ chứa cũng trong tình trạng đầy
80-100%, mực nước và lưu lượng tăng rất nhanh, vài ngày nữa 100% các hồ sẽ đầy
nước.
Cá nuôi lồng chết trắng trên sông Bồ do xả lũ, sáng
6/11. (Ảnh: Fanpage Quảng Điền quê ta ơi)
Sau đợt áp thấp nhiệt đới vừa diễn ra trong tháng 10
khiến 103 người chết và mất tích, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ
NN-PTNT viết:
“Từ những năm 1995, chúng ta đã phá bỏ diện tích
rừng lớn cho triển khai quy hoạch thủy điện’, và kinh nghiệm cho thấy ‘dù có đầu
tư tiền để tái sinh thì cũng phải 50 năm mới phục hồi, mới ngăn được dòng chảy
‘mỗi lần lũ xuống’” – Tuổi Trẻ (14/10/2017).
Trên Thanh Niên (17/10/2017), GS-TSKH
Đặng Hùng Võ cho hay ông đã gặp khá nhiều nhà đầu tư mở hội ăn uống rất lớn khi
xin được giấy phép làm dự án trên đất rừng…
Sáng 6/11, hàng trăm tấn cá nuôi lồng trên sông Bồ
(Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) chết trắng như mạng người. Không kể số lồng cá bị
cuốn trôi, số cá trong các ô lưới chết ngạt, chết vì vỡ nội tạng do áp lực nước. Người
dân cho hay so với trận lũ năm 1999, lũ năm nay về không bằng nhưng tốc độ thì
nhanh hơn rất nhiều lần. Một cách lạnh lùng thay, điều này trùng khớp với cảnh
báo về những hồ chứa đã đầy 100% của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi và
cảnh báo “chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa” của Bộ trưởng Bộ
NN-PTNT.
“Phải tính đến kịch bản xấu nhất“, ông Cường
nói. Đến lúc này, không có kịch bản nào khác ngoài việc xả lũ để tránh vỡ đập,
vỡ hồ. Kịch bản xấu nhất đã hiện hữu từ hàng thập niên trước khi 20 năm qua,
hơn 13.000 người đã chết, mất tích trong thiên tai. Con số này sẽ không dừng lại
trong 50 năm tới, khi Việt Nam có 40% nguy cơ có thể xảy ra thiên tai.
Vài trăm tấn cá chết nổi, nhân lên thì ước tính thiệt
hại từ 16 đến 18 tỷ đồng. Còn vài trăm mạng người chết mỗi năm vì rừng mất, xả
lũ, sạt lở, ai đong, ai cân, ai mang xác về cho ai?
Vĩnh
Long
----------------------------
Xem
thêm:
No comments:
Post a Comment