Tin
trong nước
Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Dự án khí đốt lớn nhất Việt Nam ở biển Đông trên đà hoàn tất.
Một quan chức hàng đầu của ExxonMobil cho biết, dự án mỏ khí đốt Cá Voi Xanh của
VN hợp tác với tập đoàn ExxonMobil khai thác, sẽ hoàn tất vào năm 2019. Ông
Liam Mallon, Chủ tịch Công ty Phát triển ExxonMobil, nói: “Chúng tôi đã đạt
nhiều bước tiến và có những thương lượng cụ thể mà chúng tôi cần hoàn tất. Mục
tiêu là phải hoàn tất những sự thương lượng đó trước cuối năm nay, hy vọng rằng
điều đó sẽ cho phép chúng tôi bước vào ‘giai đoạn kỹ thuật đầu tiên’ của dự án”.
VOA có bài: Trung Quốc chạy thử tàu nạo vét khổng lồ. Theo nhận định
của ông Alexander Huang, giáo sư môn nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang,
Đài Loan: “Nhìn từ góc độ ngoại giao, làm như vậy không đánh đi một
thông điệp tích cực tại thời điểm này…. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc tự tin
hơn nhiều về những gì họ có thể làm, và họ sẽ không màng tới quan điểm của các
nước láng giềng, hay các bên quan tâm”.
Bắc Kinh đã bắt đầu chạy thử tàu nạo vét nước sâu lớn
nhất châu Á được đặt tên là Thiên Côn Hiệu. Chiếc tàu dài 140m có khả năng nạo
vét 6.000 mét khối đất một giờ ở độ sâu 35 mét dưới đáy biển, China Daily nói. Ảnh:
AFP
Báo Thanh Niên có bài: Philippines lo ngại tàu nạo vét Trung Quốc. Reuters
dẫn lời Bộ trưởng Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana nói với
các phóng viên ở Manila: “Sự hiện diện của tàu Thiên Côn Hiệu đang gây quan
ngại. Chúng tôi không biết nó sẽ hoạt động ở đâu. Chúng tôi đang theo dõi chuyển
động của tàu nạo vét rất lớn này”.
VOA đưa tin: Philippines nâng cấp đảo trong vùng biển tranh chấp với Trung
Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, cho biết, “một
nhà thầu đang xây dựng một đường dốc từ bờ biển lên ở trên đảo Thị Tứ, người địa
phương gọi là đảo Pag-asa, là đảo lớn nhất trong 9 đảo mà Philippines đang kiểm
soát thuộc quần đảo Trường Sa”.
Mỹ, Nhật lập liên minh tự do hàng hải: Lãnh đạo Mỹ-Nhật thúc đẩy dự án vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.
RFI đưa tin: “Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đã đạt được đồng thuận về một
chiến lược theo ba hướng: phổ biến những giá trị căn bản về dân chủ, thúc đẩy
thịnh vượng kinh tế và duy trì hòa bình và ổn định. Kế hoạch này nhằm quy tụ những
quốc gia có chung những giá trị căn bản về dân chủ và tự do mậu dịch, bao gồm cả
Ấn Độ và Úc, cũng như các quốc gia ASEAN”.
Mời đọc thêm: Chủ tịch Exxon Mobil: Dự án Cá Voi Xanh sẽ khai thác năm
2019 (Zing). – Philippines tuyên bố lo ngại về tàu nạo vét Trung Quốc (VOA). – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi về Biển Đông với Ngoại
trưởng Nhật Bản (Infonet). – Hai “sát thủ đại dương” Mỹ lượn lờ, Trung Quốc gồng mình đối
phó (Soha). – Cơ quan chức năng và ngư dân cùng… mơ hồ về ‘thẻ vàng’ của
EU (NNVN).
Quan hệ Việt – Trung
Có vẻ như tinh thần Hán hóa các phương tiện truyền
thông thân cận của đảng đang ngày càng “trăm hoa đua nở”. Hết báo Nhân Dân, đến báo QĐND… phát hành phiên bản tiếng Trung Quốc, bây
giờ đến lượt Báo điện tử CAND chạy thử nghiệm phiên bản tiếng Trung Quốc.
Còn VOV thì hợp tác với Đài Phát thanh nhân dân Quảng Tây (Trung
Quốc).
Được biết, tờ báo này ra đời dưới sự chỉ đạo của ông
Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Tờ báo “sẽ chuyển tải thông tin chính xác, tin
cậy, kịp thời đến đối tượng bạn đọc sử dụng ngôn ngữ tiếng Trung Quốc trên toàn
thế giới về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước
Cộng hòa XHCN Việt Nam; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội nổi bật trong nước
và quốc tế, đặc biệt là hoạt động của lực lượng CAND, cũng như công tác đấu
tranh phòng, chống các loại tội phạm và phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ…”
Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND
phát biểu tại buổi Lễ chạy phiên bản thử nghiệm phiên bản tiếng Trung quốc Báo
Điện tử CAND. Ảnh: Báo CAND
Báo Dân Trí đưa tin: Vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng làm cao tốc: Lãi suất cao.
Về đề nghị vay 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ
cao tốc từ Đồng Đăng, Lạng Sơn, đến cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng, giai đoạn
2017-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng lãi suất của khoản vay còn khá cao,
chưa đạt mức ưu đãi như nguồn vốn ODA. China Eximbank đã thông báo điều kiện
vay, “thời hạn vay 20 năm gồm 5 năm ân hạn, lãi suất 2,5%/năm, phí quản lý
0,25%/năm, phí cam kết 0,25% cho toàn bộ khoản vay“.
Báo Một Thế Giới có bài: Chàng trai Việt quỳ lạy tỷ phú Jack Ma gây sốc. Tại
buổi giao lưu “Đối thoại cùng Jack Ma” ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, với
sự tham gia của hơn 3.000 sinh viên Việt Nam, một nam thanh sinh viên Việt đã nức
nở nói: “We are Jack Ma. I Love Jack Ma…“, rồi đi tới gần sân khấu, chắp
tay cúi đầu rồi quỳ lạy Jack Ma.
Mời xem clip: https://www.youtube.com/watch?v=4mYqyAooCfg
TS Chu Mộng Long viết: “Cám ơn các tổ chức, đoàn
thể và trường học đã giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thanh niên. Được biết quỳ
lạy, liếm giày, liếm ghế thần tượng đang là trào lưu của giới trẻ. Năm trước
nhiều thanh niên liếm ghế sao Hồng, sao Hàn. Năm nay nhiều em khóc ngất khi thấy
nhóc Sơn Tùng MTP như dân Bắc Hàn khóc ngất khi nhìn thấy lãnh tụ Ủn vĩ đại. Nền
giáo dục nào sinh con người ấy. Chúc đầu gối và cái lưỡi người Việt ngày một
thêm dày và dẻo hơn để đi đến thành công, đến mức thế giới nhìn thấy cũng… lộn
mửa!”
Mời đọc thêm: Tỷ phú Jack Ma chia sẻ bí quyết trở thành ông chủ tốt (VOV).
– Tỷ phú Jack Ma: Khởi nghiệp cần ý tưởng, sau đó mới đến tiền (TP).
– Jack Ma: Ngoài EQ và IQ chúng ta cần thêm chỉ số tình yêu LQ (Infonet).
– Doanh nghiệp Việt học gì từ chia sẻ của Jack Ma? (DT).
– Không học được gì mới từ buổi nói chuyện của Jack Ma(LĐ).
– Jack Ma: Trong tương lai, mọi thứ có thể được gắn mác “Made
in internet” (The Leader).
Hội nghị APEC 2017
VOA đưa tin: Kremlin: Putin và Trump sẽ bàn thảo vấn đề Triều Tiên tại Việt
Nam. Phát ngôn viên điện Kemlin, Dmitry Peskov, cho biết: “Tổng
thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ bàn về vấn đề Bắc
Triều Tiên tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Việt Nam trong
tuần này”.
VOA có clip phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long về Hội nghị
APEC 2017 và chính sách của Hoa Kỳ, Trung Quốc đối với Việt Nam:
Báo Dân Trí đưa tin: Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam trong chuyến công du lịch
sử. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nói: “Đây là chuyến thăm đầu
tiên của Tổng thống Donald Trump trong năm đầu cầm quyền. Điều này thể hiện sự
quan tâm của phía Hoa Kỳ không chỉ với khu vực châu Á mà còn đối với Việt Nam”.
VOA có bài: USAID: Sau tẩy độc dioxin, đất sân bay Đà Nẵng ‘siêu sạch’.
Ông Christopher Abrams, thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ở Việt Nam,
nói: “Tôi nghĩ cả hai nước đều muốn tôn vinh thành công này vì nó thực
sự là thành công chung của hai nước. Cả hai nước đều tự hào về điều này. Chúng
tôi muốn mọi người đều biết về những gì hai cựu thù đã đạt được, cũng như cách
chúng tôi xây dựng tình hữu nghị trên nền tảng tôn trọng và tin cậy lẫn nhau,
và những sự lạc quan và các tiềm năng dành cho quan hệ đối tác của chúng ta
trong tương lai”.
BBC có bài: Hội An ‘kịp
khô ráo trước ngày đón khách APEC’. Nhà báo Trung Bảo bình luận: “Không
ai hằng năm đem một món đồ cổ ngâm vào nước lũ do xả thủy điện như hiện nay khi
món đồ cổ đó mỗi năm đem về gần 100 triệu đôla và việc làm cho hàng ngàn con
người trong vùng”.
Mời đọc thêm: Lịch trình các chuyến thăm Việt Nam của ông Donald Trump và
Tập Cận Bình (Infonet/ CafeF). – Việt Nam sẽ là điểm dừng chân lâu nhất của Tổng thống Trump ở
châu Á (VNE). – Trực thăng Marine One của Tổng thống Mỹ bay thử ở Đà Nẵng (VNN).
– Phái đoàn cấp cao đầu tiên đến Đà Nẵng dự APEC (VNN).
– An ninh Trung Quốc tiền trạm trung tâm hội nghị APEC ở Đà Nẵng (TN).
– COO của Facebook đến Hà Nội (VNE). – Điều đặc biệt trong thực đơn tiệc tối đãi khách APEC (VNN).
Hậu quả của con bão số 12
Báo VOV có bài: Bão số 12 làm 89 người chết. Theo số liệu của
cơ quan chức năng, tính đến 17h ngày 7/11, “bão số 12 đã làm 89 người chết, sập
hơn 2.000 ngôi nhà, hư hỏng trên 11.500 ngôi nhà, chìm 1.230 phương tiện, hư hại
gần 24.500 lồng bè, 36.500 ha hoa màu và làm chết khoảng 10.000 con gia súc,
gia cầm…”
Báo Dân Trí đưa tin: 95 người chết và mất tích do bão số 12. Theo số
liệu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, tính
đến 18h ngày 7/11, “bão số 12 đã làm 72 người chết, 23 người mất tích; 1.498
ngôi nhà bị thiệt hại trên 70% trở lên”.
Báo Trí thức VN có bài: Chết trong mưa lũ – những cái chết không hồi đáp.
Bài báo viết: “Nhờ khả năng điều tiết nước của rừng tự nhiên nên các vấn đề
hạn hán, lũ lụt, sạt lở sẽ không trở thành thảm họa. Nhưng con người đã tự vẽ
nên thảm họa cho chính mình khi rừng tiếp tục bị đốn hạ, chuyển đổi rừng thành
đất làm dự án, từ hợp pháp “đúng quy trình” đến trái phép, từ thủy điện, du lịch
tâm linh, khách sạn, đến biệt phủ, công viên nghĩa trang…”
Tác giả đặt câu hỏi: “Vài trăm tấn cá chết nổi,
nhân lên thì ước tính thiệt hại từ 16 đến 18 tỷ đồng. Còn vài trăm mạng người
chết mỗi năm vì rừng mất, xả lũ, sạt lở, ai đong, ai cân, ai mang xác về cho
ai?”
Báo Lao Động đưa tin: Khánh Hòa: Tìm thấy 15 thi thể trôi dạt trên biển
sau bão số 12. Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh
Hòa, Đại tá Hồ Thanh Tùng cho biết, đến 8 giờ sáng ngày 7/11, “đã có 15 thi
thể các nạn nhân bị trôi dạt trên biển được tìm thấy và chuyển về cho các gia
đình mai táng“.
Nhà
báo Đào Tuấn viết về một tình nguyện viên: “Giữa cơn bão Damrey,
Luân cùng 7 người bạn của mình quần thảo cano suốt 13h đồng hồ giữa sóng to gió
lớn giữa bão táp mưa sa để cứu người dân trôi dạt trên biển. Đó là những người
dân làm thuê trên các bè cá đã bị bỏ quên. Khi bão ập vào bè gỗ bị đánh tan từng
mảnh và họ nằm xấp hoặc ôm phuy nhựa trôi dạt chờ đợi một phép màu“. Tác giả
đặt câu hỏi với các quan chức chính quyền: “Các ông đã làm gì ngoài việc thống
kê thiệt hại? Các ông đã ở đâu khi người dân đang ôm phuy trôi dạt ngoài
biển?”
Luân (giữa), là người tình nguyện cứu nhiều nạn nhân
trong cơn bão lũ vừa qua. Ảnh: FB
Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: Vì
sao báo chí ngại nói về nỗi đau của dân tộc mình? Tác giả cho biết,
bức ảnh dưới đây là của báo Al Jazeera nói về cơn bão Damrey ở Việt Nam, rằng
đây là bức ảnh báo chí đúng nghĩa, tiếc rằng, nó không xuất hiện ở truyền thông
trong nước, mà chỉ xuất hiện ở báo chí nước ngoài.
Người dân đang oằn mình chịu lũ. Ảnh Al Jazeera
Tác giả viết: “Từ nhiều năm nay, dường như có một
mệnh lệnh bí ẩn nào đó khiến hình ảnh và tin tức về các thảm nạn ở VN rất ‘chừng
mực’, giảm nhẹ ngôn ngữ diễn đạt. Không phải báo chí VN bất tài, mà cần đặt một
câu hỏi rằng điều gì đã kìm hãm các khả năng đó chặt chẽ một cách có hệ thống.
Những bài báo nhanh và không ngại chi tiết, những phóng sự ảnh sống động không
né tránh từng có ở VN, mỗi ngày ít dần, nhạt dần. Sự dấn thân cho ý nghĩa cao
quý của nghề báo trở nên hiếm hoi. Có phải chủ trương đó để phục vụ cho một bức
tranh Việt Nam luôn bình yên và hạnh phúc?”
Tác giả Nguyễn Thiện có video clip về một đám tang của
người dân miền Trung trong lũ:
Hoan hô đồng chí “lái súng” Putin: Nga điều máy bay, hỗ trợ Việt Nam 5 triệu USD khắc phục bão.
Hãng thông tấn Tass dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, kêu gọi:
“Tổng thống Putin và nước Nga hi vọng sáng kiến nhân đạo này sẽ được tiếp nối.
Các nền kinh tế tham gia hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á –
Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam trong tuần này hãy thể hiện tinh
thần đoàn kết với nhân dân Việt bằng các hình thức và trong khả năng có thể“.
RFA có clip: Tang thương bão Damrey: https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/10155953217779571/
Báo Người Lao Động có bài: Ninh Hòa
phủ trắng khăn tang. “Những chiếc xe chở quan tài vội vã đưa về,
theo sau là những tiếng khóc rưng rức, bóng trắng của những chiếc khăn tang
liêu xiêu trên những con đường cây đổ, những ngôi nhà sụp đổ hoang tàn. Ở đây,
không một người nào không bị mất người thân trong bão“.
VTV có clip cho thấy Hội An chìm trong biển nước :
Mời đọc thêm: Thủ tướng
yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ đồng bào bão lũ (DT).
– Vì sao hậu quả bão Damrey đặc biệt nghiêm trọng? (VNE).
Vì chủ quan và vì coi mạng sống của dân không ra gì. – Các tỉnh miền Trung ‘tố’ trung ương dự báo thời tiết
sai (NV). – Lũ “đặc biệt” và những ám ảnh lịch sử — Những cái chết không đáng có và sợi dây kinh nghiệm “giá
như” vẫn chưa được thu ngắn (LĐ).
Bình
Định: Chìm tàu lịch sử ở Bình Định: Tìm thấy thêm 3 thi thể thuyền
viên (VTC). – Thảm họa chìm tàu bão số 12 ở Quy Nhơn, do đâu? (PLTP).
– Vì
sao cả trăm tàu không vào cảng trú bão ở Quy Nhơn? (TN).
Quảng
Nam: Nghìn căn nhà chìm trong lũ ở Quảng Nam nhìn từ trên cao (TP).
– Ngừng xả lũ khẩn cấp cứu được 15 người bị mắc kẹt (TT).
– NGỪNG XẢ LŨ THỦY ĐIỆN ĐỂ GIẢI CỨU 15 NGƯỜI BỊ MẮC KẸT (VTC).
– Thủ tướng lội bùn ở Hội An kiểm tra khắc phục bão (VNN).
– Bắc
Trà My tang thương trong vùng sạt lở (TT).
Khánh
Hòa: Khánh Hòa: Bão số 12 làm 37 người chết, gần 1000 căn nhà bị sập
hoàn toàn (VTC). – Tính đến cuối ngày 7-11, Khánh Hòa có 40 người chết do
bão số 12(Báo KH). – Ảnh: Khánh Hòa tan hoang sau bão số 12, người dân thức trắng
đêm dọn dẹp — Vùng quê Khánh Hòa trắng khăn tang sau bão số 12 (VTC).
– Ngư dân Khánh Hòa ‘gượng dậy’ sau bão số 12 (TTXVN).
Thừa
Thiên – Huế: TT-Huế: Lũ các sông lên trở lại, ngập lụt chia cắt khắp nơi (VNN).
– Thừa Thiên – Huế: Nguy cơ nước sông lên báo động 3 trở lại (NLĐ).
– Sâu nặng tình người nơi bị lũ cô lập ở Thừa Thiên-Huế (VOV).
– Thừa Thiên – Huế: Phó Hạt trưởng khu bảo tồn thoát chết sau
10 ngày kẹt giữa rừng sâu (DT).
Nhân
quyền ở Việt Nam
VOA đưa tin: Giới hoạt động kỳ vọng Tân đại sứ Mỹ sẽ coi trọng vấn đề nhân
quyền tại Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Cao Trào
Nhân Bản Việt Nam, phát biểu tại Virginia, Hoa Kỳ: “Ông ấy rất là sốt sắng
đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, bằng cớ là hồi ổng làm Giám đốc Vụ Á
châu, ông có mời chúng tôi vào Hội đồng An ninh Quốc gia (Mỹ) nói chuyện với họ
về vấn đề nhân quyền Việt Nam trước (chuyến) thăm Việt Nam của Tổng thống
Obama. Tôi thấy ông ấy rất là sốt sắng”.
Ông Quân cho biết thêm: “Ông Kritenbrink có ghi
nhận những ưu tư của cộng đồng Việt Nam. Ông ấy là một người mà chúng ta có thể
làm việc với ông ấy được.”
Báo Cali Today có bài: APEC 2017: Công an, An ninh Đà Nẵng tùy tiện bắt giữ người.
Một số nhà hoạt động bị sách nhiễu, câu lưu, trong ngày khai mạc Tuần lễ thượng
đỉnh (06-11/11/2017): “Công an, An ninh thành phố Đà Nẵng đã tùy tiện bắt giữ
người dân dù chỉ ngồi uống cà phê, giao lưu với bạn bè chứ không có bắt cứ hoạt
động nào khác…“. Bài viết kể về trường hợp anh Nguyễn Nhật Tín và anh Hồ
Quang Huy bị sách nhiễu, thẩm vấn, câu lưu hôm 06/11/2017 vừa qua.
Nhà hoạt động Bùi Hằng có đơn “Tố giác tội phạm”, liên quan tới vụ
việc nhân viên công lực “bắt, giữ người trái pháp luật và tội cướp tài sản” đối
với bà. Đơn ghi ngày 7/11 được gửi cho ông Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an
thành phố Hà Nội và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
Trang Nhà thờ Thái Hà có bài: Giáo phận Vinh: Giáo hạt Đông Tháp: Thư kêu gọi hiệp thông cầu
nguyện cho Giáo xứ Đông Kiều, Giáo hạt Đông Tháp. Trước việc những ngày
gần đây, giáo xứ Đông Kiều, hạt Đông Tháp thuộc xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh
Nghệ An “liên tiếp xảy ra các vụ tấn công, khủng bố tinh thần và vật chất đối
với giáo dân và linh mục quản xứ Giuse Nguyễn Ngọc Ngữ“. Các LM ở đây đã
kêu gọi hiệp thông và trừng trị những kẻ côn đồ gây rối.
Đơn tố cáo cho biết, nếu sự việc vẫn còn tiếp diễn,
thì “linh mục và giáo dân giáo hạt Đông Tháp nói riêng và toàn giáo phận nói
chung, sẽ đoàn kết, sát cánh bên nhau để biểu lộ tình hiệp thông và sẽ có những
hành động cụ thể để bảo vệ niềm tin, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và
tài sản của mình“.
Mời đọc thêm: Vì sao tòa chưa trở thành biểu tượng công lý? (PLTP).
Vì tòa chỉ nhân danh… đảng, chứ có nhân danh công lý đâu.
Về dự thảo luật an ninh mạng
Bài báo trên báo Dân Việt đã bị gỡ: Nếu Facebook, Google ra đi, sự thụt lùi sẽ ở lại! Bài
báo cho rằng: “Có lẽ dự luật an ninh mạng với yêu cầu các doanh nghiệp nước
ngoài hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt
Nam phải đặt ‘máy chủ quản lý dữ liệu’ trên lãnh thổ Việt Nam vừa thể hiện tầm
nhìn hạn chế của các cách nhà làm chính sách về quản lý công nghệ trong kỷ
nguyên số“.
Bài viết khẳng định: “Việc Facebook, Google có thể
rời khỏi Việt Nam nếu dự thảo Luật an ninh mạng được thông qua, chưa biết thiệt
hại của hãng này sẽ như thế nào, nhưng sự tụt hậu mà đất nước gánh phải do thiếu
nó sẽ là điều chúng ta phải đối mặt”.
Facebooker Lưu Trọng Văn viết: “Nếu vì áp lực phải
đặt máy chủ ở VN mà Google bỏ cuộc chơi ở VN thì chắc chắn Baidu – mạng tìm kiếm
khổng lồ và vô cùng ngoan ngoãn của Trung Quốc, sẽ nhẩy vào thay thế… Người ta
có quyền nghi ngờ ai đó đã vô tình hoặc có động cơ ủ mưu rất sâu trong việc đề
xuất dùng luật bảo vệ chế độ để đuổi khéo hai anh Tây mũi lõ Google và Facebook
để dọn bãi cho các đồng chí cùng mũi tẹt da vàng“.
Mời đọc thêm: Nếu Facebook, Google ra đi, sự thụt lùi sẽ ở lại (Blog
Lê Ngọc Sơn). – Vì sao Google chọn xây trung tâm dữ liệu tại Singapore và Đài
Loan? (iCT). Vì họ có môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thân
thiện với doanh nghiệp. – Google, Facebook chưa chính thức “vào”, sao có thể gọi là
“rút”? (LĐ).
Sổ hộ khẩu
Báo Dân Trí có bài: Bộ Công an giải thích việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, quản lý bằng
công nghệ. Vẫn sợ dân không hiểu, nên ông Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục
trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an nhấn mạnh: “Một lần nữa khẳng định
thông tin bỏ sổ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân là thông tin không đúng, không
chính xác. Quản lý hộ khẩu là quản lý con người. Ở đây là bỏ phương thức quản
lý hộ khẩu bằng giấy, để chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin thôi”.
Ông Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký,
quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết thêm: “Điểm khác
biệt lớn nhất là anh không cần phải mang cuốn sổ hộ khẩu bên mình, chỉ cần mang
thẻ căn cước hoặc mã số định danh cá nhân tới là cơ quan công an có thể trích
xuất thông tin”.
Mời đọc thêm: Không bỏ
hộ khẩu mà quản lí bằng CNTT, thuận lợi cho người dân (CAND).
– Tới năm 2020 vẫn cấp sổ hộ khẩu, chứng minh thư như cũ (DT).
– Bộ Công an nói về việc ‘bỏ hộ khẩu’ (Zing).
– Bộ Công an họp báo: Vẫn quản lý theo sổ hộ khẩu (PLTP).
– Bộ Công an: Chỉ bỏ sổ hộ khẩu giấy, quản lý bằng mã số định
danh cá nhân(MTG). – Nghị quyết
112 ‘khai tử’ những thủ tục, giấy tờ gì? (TT).
Cập nhật tin Đồng Tâm
Báo CAND có bài: Công an TP Hà Nội trả lời đại biểu Quốc hội vụ Đồng Tâm.
Tại phiên trả lời chất vấn trước QH hôm 7/11, ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc
Công an TP Hà Nội cho rằng: “khi cơ quan điều tra tiến hành bắt ông Lê Đình
Kình, gia đình ông Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng
co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân“.
Việc cụ Kình có tố giác một cán bộ công an đã đánh cụ
bị gãy chân, ông Hải cho rằng: “Thực tế trong quá trình điều tra, kiểm tra lại,
thấy người cán bộ Công an đó tuy có mặt tại hiện trường nhưng không hề tham gia
vào việc bắt giữ. Căn cứ vào kết luận thanh tra thì không có vấn đề gì về lực
lượng thi hành nhiệm vụ. Đây hoàn toàn là trong quá trình giằng co nên xảy ra
việc đáng tiếc như vậy”.
Phản bác ông Hải, ông Lê Đình Công – con trai cụ Kình cho biết khẳng
định trên báo Dân Việt: “Chúng tôi phản bác hoàn toàn ý kiến này. Rất nhiều
người dân có mặt tại hiện trường hôm đó đã chứng kiến sự việc ông T.T.T đá gãy
chân ông (cụ Lê Đình Kình – PV). Trong đơn người dân đã đứng ra làm chứng cho
việc này…”
Người mà báo Dân Việt nhắc tên T.T.T ở trên, chính là ông Trần Thanh Tùng, phó GĐ Công
an huyện Mỹ Đức, người đã “đá cụ Kình văng 2 m rồi xốc nách đưa
lên ô tô nhét giẻ vào miệng chở ra số 7 Thiền Quang thẩm vấn, sau đó
chở đến BV 108, rồi chuyển tiếp sang BV Việt Đức chữa chạy…“, Faebooker
Nguyễn Đình Ấm cho biết.
Ông Trần Thanh Tùng là người nhiều lần bị cụ Kình tố
cáo đã làm cụ trở thành người tàn phế, phải ngồi xe lăn, nhưng đến nay vẫn nhơn
nhơn ngoài vòng pháp luật. Đây cũng là nguồn cơn người dân Đồng Tâm phản ứng và
tố cáo chính quyền đã bao che, không khởi tố vụ án công an đánh người.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn có bài: Cụ Kình nói gì về phát biểu của Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Cụ Kình có chỉ ra bốn điểm bất ổn trong phát biểu của ông Hải. Trong đó cụ đặt
câu hỏi: “Nếu lực lượng chấp pháp của công an Hà Nội hoàn toàn đúng đắn và cụ
Kình gãy chân không hề liên quan tới họ thì Tướng Khương có cần phải xin lỗi cụ
Kình không? Ông Hải có dám đối chất với cụ Kình và cấp trên trực tiếp của ông
là Tướng Khương không?”
Ông Tuấn cũng cho rằng: “Một chuyện quan trọng
khác ở đây lại là vấn đề xung đột lợi ích. Làm sao có thể tin rằng kết luận của
đoàn thanh tra do Bộ Công an thành lập đủ khách quan khi điều tra một sự việc
có liên quan trực tiếp đến lực lượng công an? Và điều đáng suy nghĩ nhiều hơn
là với một sự việc như thế này thì liệu ở nước ta hiện nay, có cơ quan nào đủ độc
lập để có thể đưa ra một kết luận khách quan? Nếu câu trả lời là không, thì đơn
giản là hệ thống bị lỗi”.
Mời đọc thêm: Vụ Đồng
Tâm: “Công an Hà Nội không đánh ông Lê Đình Kình” (NLĐ). – ‘Cụ Kình Đồng
Tâm bị gãy chân là do giằng co với công an’ (TT). – PGĐ CA HN tranh luận vụ Đồng Tâm: Cụ Lê Đình Kình gãy chân do
giằng co(GT). – Đại tá Đào Thanh Hải: Công an HN không đánh gãy chân ông Lê
Đình Kình (VNN). – Phó Giám đốc
Công an Hà Nội: “Gia đình ông Kình xông vào chống lại” (GD).
– Phó Giám đốc Công an Hà Nội: Ông Lê Đình Kình bị gãy chân do giằng
co chứ không phải bị đánh (VTC). – Phó Giám
đốc CA Hà Nội: Lực lượng thi hành nhiệm vụ không đánh gãy chân ông Kình (DT).
Cách mạng tháng 10 Nga
BBC nói về quan điểm Cách Mạng Tháng 10 của
Putin: Putin không thích Cách mạng kiểu Lenin? Ông Putin
viết: “Ngày hôm nay, khi chúng ta quay lại các bài học của thế kỷ trước, tức
Cách mạng Nga 1917, chúng ta thấy những kết quả của nó mơ hồ ra sao. Những sự
kiện đó mang lại kết quả tiêu cực, và chúng ta cũng phải thừa nhận cả tích cực,
đan xen với nhau. Hãy tự hỏi: ngày xưa đó liệu có thể đi theo con đường tiến
hóa thay vì cách mạng? Liệu chúng ta lẽ ra có thể từ từ, tiệm tiến đi tới thay
vì phải trả giá là phá hủy nhà nước, và tàn nhẫn tổn thương hàng triệu sinh mạng“.
Ông Putin nhấn mạnh: “Đối với tất cả chúng
ta, đối với các thế hệ tương lai, điều rất quan trọng là phải biết và ghi nhớ
thời kỳ bi thảm này trong lịch sử nước ta, khi toàn bộ các tầng lớp, toàn bộ
các dân tộc: công nhân và nông dân, kỹ sư và thuyền trưởng, linh mục, quan chức
chính phủ, nhà khoa học và nhà văn hóa bị bức hại nghiêm trọng”.
RFI có bài: Cách mạng Tháng Mười Nga: Ảo tưởng kinh tế . Theo
báo Les Echo cho biết về một trong những “thành quả cách mạng”: “Sản xuất
công nghiệp giảm tới 80%, trong bốn năm, giá cả tăng 8000 lần. Từ năm 1928,
Stalin tiến hành tập thể hóa nông nghiệp, nhằm kiểm soát nguồn cung ứng hạt giống
vừa trưng thu phần dư thừa để đầu tư vào công nghiệp. Trong các năm 1932-1933,
hơn 5 triệu người đã chết đói”.
Facebooker Phạm Nguyên Trường tiếp tục chỉ ra sai lầm chết người và một lời hứa lèo của Karl Marx.
Theo ông, những người Cộng sản tóm lược học thuyết ‘giá trị lao động’ của Marx
bằng câu “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là bất khả thi. Bởi vì “năng lực
của con người thì có giới hạn, còn nhu cầu thì vô hạn”. Và rằng, “Lao động
phải tạo ra sản phẩm mà xã hội có nhu cầu thì mới có giá trị“.
RFI đưa tin: Nga lặng lẽ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười. Đối với
điện Kremlin, “việc kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười cần phải ‘rút ra được
những bài học từ quá khứ’. Đó là ngăn ngừa mọi cuộc xuống đường phản đối chính
quyền”.
RFI có bài: Đối với nước Nga, đó là một thế kỷ thụt lùi tương đối.
Dẫn bài báo Les Echos: “Theo giới sử gia, sau 73 năm trấn áp dưới chế độ
Xô Viết, các vụ hành quyết, đày ải, lao động khổ sai, đã giết chết từ 10 đến 20
triệu người. Sau ngoại lệ 8 năm dân chủ hỗn loạn dưới thời Boris Elsine, nước
Nga dưới thời Putin dường như quay trở lại một dạng chế độ sa hoàng: quyền lực
tập trung trong tay một người, điều chưa từng thấy kể từ khi Stalin chết vào
năm 1953”.
PGS TS Mạc Văn Trang đặt câu hỏi: Nước Nga đã đưa quá khứ vào bảo tàng, xây nền tảng mới. Còn
ta? Ông viết: “Không biết đến bao giờ chúng ta (cả các nhà lãnh
đạo lẫn dân thường, từ các nhóm, phía khác nhau), biết nhìn nhận lại lịch sử một
cách khách quan, thấu hiểu nỗi đau của dân tộc và biết xử lý nó một cách khôn
ngoan; biết xây dựng lại nền tảng mới cho sự đoàn kết, tự tôn dân tộc để phát
triển con người, phát triển đất nước một cách… bình thường!”
Còn ở ta thì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn
cho rằng: ‘Cách mạng Tháng 10 mãi ngời sáng’. Theo ông đảng
trưởng VN thì, “tư tưởng vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga về giải phóng
dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người mãi mãi ngời sáng!” Xin
lỗi độc giả, mượn câu nói của Blogger Bac Van Vuong: “Ngời sáng cái đầu b… Cứ tiếp tục thờ thần tượng đi“!
BBC có bài: Cách mạng
Tháng 10 ‘bi thảm để giúp tư bản tốt hơn’. Tác giả Trần Quốc Quân viết: “Thời
tuổi trẻ, thế hệ tôi hầu như ai cũng gối đầu lên cuốn ‘Thép đã tôi thế đấy’,
sách kinh điển của nền văn học Xô Viết để mơ giấc mơ thế giới đại đồng như
chàng Pavel Korchagin, để tin vào viễn cảnh tươi sáng mà Cách mạng Tháng Mười
Nga hứa đưa nhân loại tới thiên đường hạ giới.
Vậy mà sau khi Liên Xô tan rã, vội vã đặt chân tới
nông thôn nước Nga để trải nghiệm những thành quả 75 năm xây dựng chủ nghĩa xã
hội, tôi chỉ thấy hiện lên trước mắt những con đường đầy ổ gà, những nếp nhà gỗ
đìu hiu nép bên bìa rừng, những ánh đèn leo lét sau khung cửa sổ, những nét khắc
khổ ngơ ngác trên gương mặt người nông dân”.
Mời đọc thêm: Nga diễu hành quy mô lớn trên Quảng trưởng Đỏ (TP).
– Cách mạng Tháng Mười và sự phát triển sáng tạo quá độ lên
CNXH ở Việt Nam (CAND). – 100 năm sau Cách mạng tháng Mười, nước Nga có đang ở đêm trước
một thời kỳ hỗn loạn mới? (LK). – Nhà báo Trần Đăng Tuấn kể về cuộc chính biến tháng Tám (1991) tại Liên Xô cũ.
Tin thêm về cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ
VOA có bài của tác giả Bùi Tín: Niềm cay đắng của một nữ doanh nhân yêu nước. Vợ chồng
nhà tư sản Trịnh Văn Bô là người đã hiến tặng Nhà nước hơn 5.000 lượng vàng
trong Tuần lễ vàng năm 1945. Tác giả Bùi Tín tiết lộ chuyện gia đình bà Bô gian
nan đòi lại ngôi nhà của mình tại số 34 Hoàng Diệu: “Khi tự mình trở về nhà,
bà Bô đã dự liệu sẽ liều mình nếu như bà bị đuổi khỏi ngôi nhà thân yêu của
chính mình. Bà đã bảo con bà mang theo một can đầy xăng để liều sống chết với lẽ
phải, sống chết với nhà cửa, với con cháu ruột thịt của mình. Thế nhưng thật là
may mắn và hạnh phúc, can xăng đã không cần dùng đến“.
Ông Bùi Tín còn cho biết, ngôi nhà 34 Hoàng Diệu do
con đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp là Võ Điện Biên và vợ là con gái của đại
tướng Hoàng Văn Thái đang sống ở đó. Bản thân tác giả cũng trực tiếp gửi rất
nhiều đơn của bà Bô tới tay vợ chồng tướng Giáp, vợ chồng tướng Thái nhưng vẫn
không có kết quả gì. Phải chăng, vì đụng đến “công thần” nên cho dù các lãnh đạo
cấp cao nhất can thiệp, mà mấy chục năm qua người ta vẫn không trả nhà cho gia
đình ông bà Bô, khiến bà phải liều mình, tính kế ôm xăng, cho phương án xấu nhất?
Báo PLTP có bài: Cụ bà hiến 5.000 lượng vàng: Điều vĩ đại cuối cùng! Bài
viết có đoạn: “Sự ra đi của bà như là kết thúc một điều vĩ đại cuối cùng
chân thành nhất của lịch sử: Điều vĩ đại về niềm tin của những thường dân với
nghiệp lớn non sông!” Tiếc rằng, niềm tin của những thường dân đã bị phản bội
một cách cay đắng.
Báo Tuổi Trẻ hỏi: Có nên dựng
tượng người hiến 5.147 lượng vàng cho đất nước? Không nên để Nỗi buồn
nhân đôi của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô.
Vụ Cục phó mất cục tiền
Báo NLĐ có bài: Cục phó khai mất trộm ở Long An: Điều tra toàn bộ vụ việc! Liên
quan đến vụ việc ông Nguyễn Xuân Quang – Cục phó Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ
môi trường bị mất số tiền gần 400 triệu đồng mà Công an Long An đã khởi tố, ông Phạm Hữu Châu, Phó Giám
đốc Công an tỉnh Long An, cho biết: “Khởi tố vụ án mất trộm là căn cứ vào định
lượng giá trị chiếc laptop, còn khi điều tra công an sẽ điều tra toàn bộ vụ việc“.
Bất lực trước vấn nạn tham nhũng
Báo Tuổi Trẻ có bài: Thăm dò dân thấy ai tham nhũng thì cho nghỉ đi! Đó
là ý kiến của ông Sùng Thìn Cò, ĐBQH tỉnh Hà Giang. Ông Cò cho biết thêm: “Chúng
ta nói nhiều lắm rồi. Bản thân tôi cũng thế, khai báo về tài sản ít nhất 3 lần.
Nhưng phải công khai ở những nơi công chúng biết để người dân giám sát. Như người
ta biết ông Cò có những tài sản gì, con cái ông có những gì. Làm như hiện nay
thì người dân làm sao biết được”. Nếu đảng dám thực hiện theo đề nghị
của ông Cò thì hết cán bộ để làm sao?
Mời đọc thêm: Tướng Sùng Thìn Cò: ‘Lòng dân là tài sản lớn nhất của Nhà nước’ (VnE).
– Tham
nhũng mới chỉ xử lý được những con mèo ăn vụng, biệt phủ còn sừng sững(GD).
– Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: “Thăm dò biết ai tham nhũng thì
nên cho nghỉ đi” (VOV).
Vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu
Báo Tiền Phong có bài: Vụ dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu: ‘VKS thành phố nấn ná nhiều
tháng’. Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết: “Tôi
nói thật, vụ án dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu, Viện kiểm sát thành phố Vũng Tàu nấn
ná rất nhiều tháng không dám khởi tố, không dám phê chuẩn. Tôi phải trực tiếp
nghe và quyết định phê chuẩn khởi tố thì lúc đó mới khởi tố. Cũng báo cáo với
các đại biểu, ngày 17/11 phiên tòa sẽ được mở ra để xử tội dâm ô trẻ em đối với
đối tượng này”.
Còn Vụ xâm hại bé gái ở quận Thủ Đức, ông Trí cho biết: “Mặc
dù chúng ta chia sẻ với người mẹ rất bức xúc đối với việc xảy ra với con mình,
nhưng chứng cứ hiện nay đang có chưa chứng minh được điều đó…Tới giờ này chưa
có chứng cứ trực tiếp để xác định có truy tố được không, tức là khởi tố điều
tra tội danh đối tượng nghi vấn”.
Mời đọc thêm: Viện trưởng Tối cao nói về 3 vụ dâm ô trẻ em nổi cộm (PLTP).
Hacker Việt Nam
VOA đưa tin: Hacker Việt Nam tấn công mạng ASEAN và các nước trong khu vực.
Theo Reuters, ông Steven Adair, người sáng lập và Giám đốc Điều hành công ty an
ninh mạng Volexity, cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể nói đây là một nhóm
tấn công được đầu tư bằng những nguồn lực rất tốt, có khả năng thực hiện một số
chiến dịch tấn công đồng loạt”. – Tin tặc Việt Nam tấn công máy tính các nước ASEAN (RFA).
Tin
quốc tế
Chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ
RFI có bài về những chương trình sẽ được bàn tới
trong chuyến dừng chân kế tiếp của ông Trump: Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc để bàn về Bắc Triều Tiên, thương mại.
Theo AP, chương trình nghị sự sắp tới tại Bắc Kinh của tổng thống Mỹ chủ yếu
là “hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên, và yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh lại
cán cân thương mại hiện đang thâm hụt nặng đối với Hoa Kỳ”.
Tại cuộc họp báo chung ở Seoul với Tổng thống Nam
Hàn, Moon Jae-in, ở Seoul: TT Trump: “toàn thế giới hành động” để giải quyết khủng hoảng hạt
nhân Triều Tiên. VOA cho biết, “Tổng thống Mỹ Donald Trump nói
chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đặt ra một ‘mối
đe dọa toàn cầu, đòi hỏi cả thế giới phải hành động’.”
RFI có bài xã luận: Tổng thống Donald Trump làm thế giới mất phương hướng.
Dẫn nguồn La Croix, nhận định: “Với khẩu hiệu tôn chỉ ‘America first
– Nước Mỹ trước tiên’, một năm sau khi đắc cử tổng thống, ‘Donald Trump đã
thành công trong việc làm suy yếu mọi logic của quan hệ đối tác vô cùng cần thiết
trong một thế giới bất ổn’. Một năm, Donald Trump cũng đã cho thấy ông là một vị
tổng thống với ‘nguyên tắc hoài nghi’.”
Mời đọc thêm: Ông Trump tới
Seoul, chú trọng chuyện Bình Nhưỡng (BBC). – Tổng thống Trump đến Hàn Quốc với cam kết giải quyết hồ sơ Bắc
Triều Tiên (RFI). – Hoa Kỳ cảnh báo sức mạnh quân sự với Bắc Hàn (RFA).
– Giới
trẻ Hàn Quốc nghĩ gì về Trump và Kim Jong-un? (BBC).
Tin nước Mỹ
Liên quan tới việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ: Thêm một cựu cố vấn của Trump thừa nhận có liên lạc với Nga.
RFI dẫn nguồn từ AFP, cho biết, “ông Carter Page, cựu lãnh đạo ngân
hàng và là chuyên gia về Nga, tuần trước đã khai trước Ủy ban Tình báo Hạ Viện
là đã có một cuộc tiếp xúc ‘ngắn ngủi’với phó thủ tướng Nga là ông Arkadi
Dvorkovitch, trong một chuyến đi Matxcơva tháng 7/2016 vì ‘việc riêng’. Ông
Page cũng cho biết hồi tháng 5/2016 có đề nghị ông Trump đến Nga để gặp các
quan chức và đọc một bài diễn văn”.
VOA có bài: Tay súng tấn công nhà thờ Texas dường như có động cơ là cãi cọ
gia đình. Ông Freeman Martin, giám đốc sở an toàn công cộng cho biết, “Đây
là một tội ác phi nghĩa, nhưng chúng tôi có thể nói với các bạn rằng có một tình
huống đang diễn ra trong gia đình này”. Được biết, tay súng, Devin
Kelley đã gửi những tin nhắn đe dọa tới mẹ vợ trước khi thực hiện vụ tấn công.
VOA có bài: Tay súng Texas là ai và có liên hệ với quân đội như thế nào? Tay
súng, Devin Kelley, 26 tuổi, hạ sát 26 người và làm bị thương ít nhất 20 người
trong một thánh lễ tại Nhà thờ Baptist thứ nhất ở Sutherland Springs, “từng
phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 5 năm 2014.
Kelley đã bị đưa ra tòa án binh vào năm 2012 vì cáo buộc hành hung và hành hung
nghiêm trọng người vợ đầu và đứa con nhỏ của anh ta. Anh ta bị buộc giải ngũ vì
hạnh kiểm tồi, bị giam giữ 12 tháng và bị hạ cấp bậc”.
BBC cho biết, Hồ sơ
Thiên đường: Apple đóng thuế quá ít?Hồ sơ Thiên đường cho thấy, “hai
công ty con của Apple, Apple Operations International (AOI), và Apple Sales
International (ASI), được văn phòng Appleby tại Jersey quản lý từ đầu 2015 đến
đầu 2016. Sổ sách 2017 của Apple cho biết công ty làm ra 44,7 tỉ đôla ngoài (nước)
Mỹ và chỉ trả 1,65 tỉ tiền thuế cho các nước”.
Mời đọc thêm: Paradise Papers: Apple bị tố cáo lợi dụng thiên đường thuế (RFI). – Tay súng Texas
‘từng phục vụ trong Không quân Mỹ’ (BBC). – Mỹ: Vụ xả súng ở Texas là do bất hòa trong gia đình ? (RFI).
Tình hình châu Á
Chiến dịch bài trừ “tham nhũng chính trị” tại Trung Quốc : Một cựu lãnh đạo cao cấp cảnh báo về âm mưu tiếm
quyền. RFI dẫn lời phát biểu của ông Vương Kỳ Sơn, là người từng đặc
trách chống tham nhũng ở Trung Quốc, cho biết: “Nạn tham nhũng chính trị
bao gồm việc hình thành những nhóm lợi ích vừa tìm cách chiếm quyền, vừa tổ chức
những hoạt động bên ngoài guồng máy đảng để phá vỡ sự thống nhất của đảng”.
RFA có tin: Trung Quốc giam giữ 10 người Bắc Hàn đào tỵ. Dẫn nguồn
Reuters cho biết, “nhóm 10 người, trong đó có một cháu bé 3 tuổi, khi
đang tìm đường sang Hàn Quốc thì bị Công an Trung Quốc bắt tại thành phố Thẩm
Dương, tỉnh Liêu Ninh”.
Được biết, Trung Quốc luôn lập luận rằng những người
Bắc Hàn trốn chạy khỏi đất nước của họ chỉ vì lý do kinh tế nên không được xem
như là người đi tìm qui chế tỵ nạn.
RFI cho biết: LHQ gia tăng sức ép lên Miến Điện về người Rohingya. Chủ
tịch Hội Đồng Bảo An lên tiếng đòi chính quyền Miến Điện, “bảo đảm
không sử dụng sức mạnh quân sự quá đáng trong thời gian tới tại bang Rakhine,
và đưa ra ngay những biện pháp tôn trọng nhân quyền”.
RFA có tin: Mỹ cắt viện trợ rà phá bom cho Campuchia. Reuters đưa
tin: “Hoa Kỳ sẽ cắt giảm khoản viện trợ trị giá 2 triệu đô la vào năm tới
cho cơ quan rà phá bom mìn hàng đầu của Campuchia”.
BBC có bài về một vụ án nổi tiếng: ‘Góa phụ
đen’ Nhật Bản bị tử hình vì giết người tình. Bà Chisako Kakehi, 70 tuổi,
bị cáo buộc sử dụng chất độc xyanua để sát hại 3 người đàn ông và âm mưu sát hại
một người nữa, nhằm chiếm đoạt hàng triệu tiền bảo hiểm. Thẩm phán Ayako
Nakagawa nói: “Các vụ án đều được chuẩn bị trước rất kĩ lưỡng. một cách
tinh vi và tàn nhẫn. Tôi không có cách nào khác ngoài việc đưa ra mức án cao nhất”.
Ô nhiễm không khí
RFA có bài: Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra bệnh thận mãn tính.
Nghiên cứu được công bố tại hội nghị Tổ chức Thận Hoa Kỳ năm 2017, từ ngày 31
tháng 10 đến 5 tháng 11 ở New Orleans, Louisiana, cho biết, “số người
nhiễm bệnh thận mãn tính (CKD) toàn cầu do ô nhiễm không khí đã lên đến hơn 10
triệu người mỗi năm”.
----------------------------------
Bài
Mới Nhất
08/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
07/11/2017
No comments:
Post a Comment