Sunday, November 12, 2017

BẢN TIN NGÀY CHỦ NHẬT 12/11/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
VOA có bài: Tập Cận Bình: Trung Quốc sẽ bảo vệ hòa bình Biển Đông. Dẫn nguồn Tân Hoa Xã, trong buổi gặp Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với các nước ASEAN để bảo vệ hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực Biển Đông”.

Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP


Quan hệ Việt – Trung
Ối trời, trước khi sang Việt Nam, ông Tập Cận Bình đã có hẳn một bài trên báo Nhân Dân: Mở ra cục diện mới hữu nghị Trung – Việt. Mở đầu bài viết, ông Tập phủ đầu: “Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng gần gũi núi liền núi, sông liền sông, gắn bó như môi với răng. Nhân dân hai nước sống bên nhau, từ xưa đã có tình cảm tương thân, học hỏi lẫn nhau“.

Ông Tập cũng không quên nhắc lãnh đạo Việt Nam chớ quên ơn: “Nhân dân Trung Quốc cũng đã giúp đỡ vô tư cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam”. Ông Tập cũng không quên chỉ đạo VN “nắm vững tay lái của quan hệ Trung – Việt” để “cùng nhau làm phong phú và phát triển lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.

Nhà báo Trương Duy Nhất có bài: Nhìn vào thái độc của dân để thấy đâu là kẻ thù. Lấy hình ảnh Thủ tướng Canada và Thủ tướng Úc, thân thiện với người dân Việt Nam, để so sánh với thái độ “ghét ra mặt” của người dân đối với ông Tập Cận Bình: “Nếu bước khỏi xe, ‘ra đường’ thế, tôi tin Tập sẽ đụng ngay những phản ứng giận dữ từ dân chúng, thậm chí có thể hứng cà chua trứng thối“. Và rằng: “Dù an ninh có cẩn trọng bao nhiêu, tôi cũng không dám tin rằng Tập sẽ an toàn, nếu bách bộ hay ngồi quán vỉa hè như Michelle Bachelet, Justin Trudeau, Malcolm Turnbull…

Nhà báo Đào Tuấn cho biết: “Ngày 6.11, Jack Ma tới Việt Nam truyền cảm hứng. 48h sau đó, một thỏa thuận chiến lược được Alipay ký với Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS). Cái ‘chân cáo’ ban đầu là phục vụ ngót 1 triệu khách du lịch TQ đến VN“.

Báo PLTP có bài: Ông Tập Cận Bình sẽ thăm Cung hữu nghị Việt-Trung. Dự định ngày 12/11, ông Tập sẽ tham dự lễ khánh thành Cung hữu nghị Việt-Trung. Được biết, “đây là một trong những dự án hợp tác hữu nghị lớn nhất giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong những năm gần đây, được lãnh đạo Đảng, nhà nước hai bên quan tâm, thể hiện sự phát triển trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước“.


Quan hệ Việt – Mỹ
RFI có bài: Tổng thống Mỹ bắt đầu viếng thăm chính thức Việt Nam. Trích bản tin: “Trung thành với phương châm ‘Nước Mỹ là trên hết’, Donald Trump đề ra mục tiêu giảm thâm hụt trong cán cân thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam. Phía Việt Nam hiểu rõ thông điệp này và Hà Nội muốn duy trì mối quan hệ gần gũi với nước cựu thù là Mỹ để làm đối trọng với những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực”.

VOA có bài: Mục tiêu chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump. Bài báo cho biết, ông Trump qua VN để tìm kiếm “sự ủng hộ của giới lãnh đạo Việt Nam trong chiến dịch áp lực tối đa, buộc Triều Tiên trở lại lộ trình phi hạt nhân hóa“.

Phía Mỹ có thể sẽ mua đất để xây Đại sứ quán mới ở Hà Nội, rộng rãi hơn, đồng thời sẽ cấp thuyền tuần tra cho lực lượng Hải quân Việt Nam. Hai bên cũng sẽ ra thông cáo chung “tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải-hàng không, thương mại không bị cản trở ở Biển Đông và cam kết của đôi bên dùng phương thức dựa trên luật lệ để giải quyết tranh chấp hàng hải”.

Mời xem clip của VOA về phát biểu của TT Trump tại Hà Nội:

Còn phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có đoạn: “Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có một bề dày lịch sử lâu dài. Từ những năm đầu của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi – người được UNESCO tôn vinh là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới …“. Mời xem clip của VOA:

VOA đưa tin: Tổng thống Trump tôn vinh cựu binh chiến tranh Việt Nam tại Đà Nẵng. Tổng thống Trump kỷ niệm ngày lễ Cựu Chiến binh (11/11) bằng một bài phát biểu tại Đà Nẵng trước các cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Trump “ca ngợi những cựu binh này là những ‘anh hùng’ – những người đã hoàn thành nghĩa vụ cho đất nước chúng ta”.

Báo Sputnik của Nga có bài đặt câu hỏi: Vì sao ông Trump được Việt Nam yêu mến như thế? Bài viết dẫn nguồn từ báo National Interest, cho biết: “Việt Nam cho thấy rõ rằng, họ ‘muốn gác lại quá khứ để hướng tới tương lai’, đang tìm cách để cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ thông qua sự hợp tác nghiêm túc về các vấn đề ‘nhạy cảm’ vì lợi ích của cả hai nước. Chính phủ của hai nước đang cố gắng để quá khứ không cản trở tiến độ hiện tại và tương lai trong mối quan hệ song phương, để thực hiện những bước đột phá trong sự hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và quốc phòng“.


APEC 2017
BBC có bài: APEC: ‘VN là trung tâm thu hút quốc tế’. BBC quan sát sự chú ý của thế giới tới APEC, nhận định: “APEC là một diễn đàn quốc tế quan trọng, với nhiều nguyên thủ của các cường quốc tới dự như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Vladimir Putin và Việt Nam đang là trung tâm thu hút quan tâm của quốc tế…”

RFI đưa tin: Trump và Putin gặp nhau bên lề thượng đỉnh APEC. Hai nguyên thủ đã đưa ra một tuyên bố chung về Syria, trong đó đồng ý “không thể giải quyết xung đột Syria bằng quân sự, quyết tâm tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo,  và nhấn mạnh đến chủ quyền quốc gia, nền độc lập và tính toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.

BBC có bài phân tích về vai trò của Nga ở Châu Á: Putin tại Việt Nam: Sự hiện diện đa nghĩa. Tác giả kết luận: “Nga, mặc dù hiện lên như kẻ phá vỡ luật lệ nền chính trị toàn cầu, vẫn đóng một vai trò quan trọng và Việt Nam tự hào là đối tác thân thiết của Nga ở Đông Nam Á. Do đó, chuyến đi của ông Putin đến Đà Nẵng không chỉ là cách để chỉ ra sự hiện diện và mối quan tâm của Nga tới chủ nghĩa đa phương ở châu Á, mà còn là đề xuất cho một vị trí quyền lực chính trị ở khu vực châu Á Thái Bình Dương”.

Blog RFA có bài của nhà báo độc lập J.B Nguyễn Hữu Vinh: Nước Mỹ sẽ không làm thay – bài học từ APEC. Theo tác giả, không phải đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đà Nẵng, rằng “Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đưa tổ quốc mình lên trên hết…”, mà đó còn là câu “cửa miệng” từ khi ông này còn đang tranh cử Tổng thống.

Theo ông Vinh nhiều người “vẫn cứ có tư duy ỉ lại, trông chờ vào những người khác đấu tranh thay họ“. Đó chính là “tư duy nô lệ, phụ thuộc và thụ động“. Ông kết luận, “làm trong sạch xã hội Việt Nam để đất nước tồn tại và phát triển là trách nhiệm của mọi công dân, phải tự gắng sức mình nếu không muốn làm nô lệ. Không thể trông chờ vào bất cứ một ai ra tay cứu giúp dân tộc, đất nước mình, kể cả Tổng thống Mỹ.

Về ý kiến của ông Phạm Nguyễn Trường, cho rằng, bài phát biểu ở Đà Nẵng là diễn văn tuyệt vời nhất từ trước đến naycủa ông Trump, TS Phạm Quang Tuấn viết: “Ý chính có thể coi là của Trump trong bài diễn văn là Mỹ sẽ xét lại các quan hệ thương mại với các nước khác để khỏi thiệt cho Mỹ, và vấn đề Bắc Hàn. Còn tất cả các ý khác hầu như chắc chắn chỉ là do nhân viên thêm vào. Những câu nói về lịch sử VN, Hai Bà Trưng v.v… chắc chắn là không phải của Trump vì ông ta rất dốt về lịch sử thế giới (có lần Trump đã nói bậy rằng Cao Ly hồi xưa là của Tàu, khiến dân Hàn nổi giận!)“.

VOA có clip về thấy người Việt Nam “có một mối thiện cảm đặc biệt với các Tổng thống Hoa Kỳ”. Không giống như các lãnh đạo Trung Quốc, người Việt “yêu tính cởi mở, dân chủ và sòng phẳng của người Mỹ”. Người Việt chào đón Tổng thống Donald Trump


Về TPP-11
BBC đưa tin: TPP được ‘trợ thở phút chót’ ở Đà Nẵng. Cuối cùng thì 11 quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đạt được thỏa thuận TPP với cái tên mới là Hợp tác Toàn diện và Cấp tiến Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bộ trưởng Thương mại Canada đã hoan nghênh thỏa thuận mới này, trong đó có các quy định “nghiêm khắc hơn về bảo về quyền lợi người lao động và môi trường“.

Facebooker Ann Đỗ dẫn nguồn tin từ báo Canada, cho biết: “Lý do bị trì hoãn là do vài nước trong đó có Việt Nam và Malaysia đòi sửa đổi điều kiện nằm trong chương lao động sau khi Mỹ rút khỏi, trong đó TPP ban đầu yêu cầu chấm dứt lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, thông qua và duy trì luật và quy định quản lý ‘các điều kiện làm việc có thể chấp nhận’, và bảo vệ quyền thương lượng tập thể (tức công đoàn độc lập) mà Canada cảm thấy không thể kiểm sóat được”.

Dịch giả Phạm Vũ Lửa Hạ có bài: TPP và Canada. Tác giả viết: “Justin Trudeau rất giỏi tạo dựng hình ảnh, hẳn có một đội branding chuyên nghiệp đứng đằng sau. Cho nên những cảnh ngồi cà phê vỉa hè, mặc quần shorts & áo ba lỗ chạy bộ dọc kênh Nhiêu Lộc … đều có sắp đặt kỹ càng. Những chi tiết nhỏ khiến bá tánh ở VN phát rồ như đôi vớ màu sặc sỡ đều đã quá thường với dân Canada“.

Ông viết tiếp: “Mấy hôm trước Justin Trudeau đã phát biểu ngay tại VN là Canada chưa vội ký kết TPP vì còn phải cân nhắc các lợi ích cho dân Canada. Một thông điệp có vẻ bí ẩn với người ngoài, nhưng không lạ với dân Canada. Với một người chú trọng tới hình ảnh & thông điệp từ hình ảnh như Justin, thì không có chuyện vô tình lỡ một bàn mặc cả như vậy. Justin có những lo toan & toan tính riêng“.

Trang Infonet có bài: Thủ tướng Canada bất ngờ họp báo giải thích lý do vắng mặt tại đàm phán TPP. Ông Justin Trudeau cho biết: “Do cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kéo dài hơn dự kiến, do đó chúng tôi đã phải hoãn buổi đàm phán về TPP bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC. Tuy nhiên, đàm phán vẫn diễn ra và đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Đó là điều rất đáng ghi nhận”.

VOA có bài: TPP tiến tới mà không có Mỹ, được đổi tên thành CPTPP. Tin giờ chót, các quốc gia tham gia hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được đồng thuận về những yếu tố cốt lõi để tiến về phía trước. Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, Trần Tuấn Anh “loan báo, các bộ trưởng của 11 nước đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của hiệp định mới theo hướng giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên sẽ tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới”.

Blogger Phương Thơ cho rằng, Việt Nam hãy quên cái TPP kia đi, vì “TPP có hồi sinh đi thì VN cũng không đáp ứng được tiêu chí đề ra, vì thể chế của VN là không thích hợp quy tắc, như không có công đoàn độc lập, báo chí tư nhân, tự do lập hội, luật biểu tình, rồi nhân quyền, bảo vệ môi trường,…”


Đặc khu kinh tế
Báo Tiền Phong đưa tin: Quốc hội thảo luận về đặc khu hành chính – kinh tế: Đừng để cảnh “hai mẹ, hai cha”. Đại biểu Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho rằng: “Luật này phải tạo ra sự thông thoáng, mở ra cơ hội phát triển. Mà muốn đột phá, phải cho đặc khu quyền tự chủ, chứ ràng buộc nhiều thứ cả trung ương lẫn địa phương thì khó phát triển. Do đó có thể nghiên cứu để Trưởng đặc khu trực thuộc T.Ư, có toàn quyền nhằm tạo ra sự đột phá”.

ĐB Vũ Trọng Kim, tỉnh Hải Dương cho rằng, các quy định trong dự thảo đang khiến đặc khu lâm vào cảnh “hai mẹ hai cha, vừa địa phương vừa trung ương quản lý”.

Báo Trí Thức Trẻ có bài: Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Giám sát để tránh lạm quyền. Mặc dù “cam kết cải cách mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo; chính sách ưu đãi riêng biệt và trao quyền tự chủ cao“, nhưng cũng “cần thiết phải có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền“.


Hậu quả cơn bão số 12
Báo Dân Trí có bài: Vụ quà lũ lụt vào nhà cán bộ: Ăn chặn từng gói mì tôm? Chỉ có mấy gói mì tôm cứu trợ mà chính quyền thôn 4, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa cũng tính ăn chặn của dân hay sao? Theo phản ánh của bà con thôn 4 thì trước đó, “một số hộ dân trong danh sách cứu trợ được thôn gọi lên phát cho mỗi nhà 5 gói mì tôm. Sau đó thôn lại tiếp tục gọi dân ra cho thêm mỗi nhà 1 gói. Do bức xúc nên có nhà ra lấy, có nhà không“.
Ông Dương Văn Hà, Chủ tịch MTTQ xã Thiệu Dương cho biết, “việc thôn phát 5 gói sau đó phát thêm 1 gói nữa là do ban đầu họ nhầm, sau đó Mặt trận đã chỉ đạo phải bổ sung thêm cho dân. Tuy nhiên, ông Hà khẳng định 6 gói là cho 1 khẩu chứ không phải cho 1 hộ. Mỗi hộ bao nhiêu nhân khẩu thì cứ thế nhân lên. Còn thông tin phản ánh là mỗi hộ chỉ nhận được 6 gói thì ông sẽ cho kiểm tra lại”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Xót xa hành trình tìm kiếm thi thể nạn nhân trên vịnh Vân Phong. Được biết, ngoài 43 người chết ở tỉnh Khánh Hòa, cơn bão số 12 còn làm 20 người ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa mất tích. Hiện nay đã tìm được 19 thi thể, còn một người nữa lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm. Tuy nhiên, theo những chủ bè ở đây, số nạn nhân do bè bị nhấn chìm do cơn bão số 12 có thể nhiều hơn 20 người.


Nhân quyền ở Việt Nam
Mạng Lưới Nhân Quyền ra thông cáo báo chí cho biết, Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2017 sẽ được trao cho ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Mục Sư Y Yích và Hội Anh Em Dân Chủ. Được biết, buổi lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật, ngày 10-12-2017, tại Westminster Civic Center, California, đúng Ngày Quốc tế Nhân Quyền lần thứ 69, và cũng đánh dấu 20 năm hoạt động của Mạng Lưới Nhân Quyền.

Dân oan Trịnh Bá Phương có clip trao đổi với công an phường về việc chính quyền cho người ủi phá mồ mả của dân và cho người đến ngăn chặn, sách nhiễu, gây cản trở người dân, trong dịp ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam: https://www.facebook.com/trinhbaphuong.trinhba/videos/vb.100007551371198/1935530823375278/?type=2&video_source=user_video_tab
Publié par Trịnh Bá Phương

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hiền có đơn phản ánh việc ông Trịnh Hữu Anh, cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh,không cho cô nhận một kiện sách về Pháp Luân Công từ Đài Loan. Lý do “Trung Quốc không ủng hộ Pháp Luân Công” nên Sở 4T TPHCM không cho phép nhập sách. Qua đó có thể thấy, cán bộ Việt Nam mang luật Trung Quốc áp dụng với người Việt Nam.

Cách mạng tháng 10 Nga
Facebooker Phạm Nguyên Trường tiếp tục có bài chỉ ra ba sai lầm chết người và một lời hứa vô căn cứ của Karl Marx. Tác giả cho rằng: “Không cần đọc lịch sử, cũng chẳng cần đọc triết học“, cũng có thể cảm nhận được rằng: “Lịch sử nhân loại là lịch sử của quá trình vươn tới tự do, vươn tới tình trạng ngày càng tự do hơn“.

Tác giả kết luận: “Tất cả các nước từng đi theo con đường mà Marx và các đồ đệ của ông ta vẽ ra, đều phải quay trở về với chế độ dân chủ và kinh tế thị trường tự do. Nhưng, do con người trong những xã hội đó đã quen với lối sống tùy tiện, vô đạo đức, hối lộ, móc ngoặc, coi thường pháp luật, cho nên ở các quốc gia đó người ta thường thấy chế độ độc tài và nền kinh tế tư bản hoang dã cực kì vô liêm sỉ. Có thể nói, chủ nghĩa xã hội chính là con đường rất dài và đầy đau khổ để đi từ chủ nghĩa tư bản có trật tự sang chủ nghĩa tư bản hoang dã“.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh dẫn clip của các nhà khoa học cho biết, chính Stalin, chứ không phải Hitler, đã ra lệnh co các nhà khoa học phải nghiên cứu, tìm cách tạo ra những người lai, giống “nửa người, nửa vượn”:

Publié par Khanh Nguyen

Tạp chí Cộng sản lại gỡ bài, chỉ còn lưu ở webcache: Công tác tư tưởng nhìn từ sự thay đổi chế độ chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Bài viết có đoạn: “Để công tác tư tưởng có sức thuyết phục cần nhất hai yếu tố, trước hết là cán bộ, đảng viên là lãnh đạo ở các cấp phải là những người hiểu rõ tình hình, có bản lĩnh; tự giác, nêu gương trong công việc, trong phẩm chất đạo đức và trí tuệ. Đồng thời, do thực tế sẽ quyết định nhận thức của con người nên công tác tư tưởng phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh chân thực và luôn song hành cùng mọi hoạt động của đời sống xã hội; công tác tư tưởng sẽ thiếu thuyết phục nếu nó không có thực tế đủ sức minh chứng, hỗ trợ, làm nền tảng“.

Hiểm họa môi trường
Báo VN Finance có bài: Tổ hợp Formosa Hà Tĩnh: Lò cao số 2 sẽ hoạt động vào tháng 3/2018. Bài báo viết, tính đến thời điểm hiện tại, các hạng mục của Lò cao số 2 – tổ hợp Formosa Hà Tĩnh đã thực hiện đạt 99,98% khối lượng, dự kiến tháng 3/2018 sẽ đi vào hoạt động.

Được biết, tổng số lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng là 15.475 người. Trong đó có hơn 13.000 người Việt Nam và 2.150 người nước ngoài. Kể từ khi hoạt động đến nay, Công ty Formosa đã đóng 20.324 tỷ đồng thuế vào ngân sách nhà nước.

Báo PLTP có bài: Được cấp chứng nhận an toàn môi trường. Theo Tổng công ty phát điện 1, tại Trà Vinh, đơn vị này đã hoàn thành mục tiêu đưa các tổ máy nhiệt điện Duyên Hải 3 vào vận hành thương mại trong quý I/2017; dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 đã hoàn thành thủ tục và “được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường“.

Trước đó, ngày 31/10, Bộ Tài nguyên – môi trường cũng đã có quyết định xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường để nhà máy giấy Lee&Man (đặt tại huyện Châu Thành, Hậu Giang) vận hành chính thức.

Hám danh tiến sỹ
Báo Lao Động có bài: Chi 12 nghìn tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ: Dư luận lo ngại thêm tiến sĩ “dỏm”. Sau khi Bộ GDĐT công bố dự thảo: Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, các cơ sở giáo dục “có thể được chi 12.000 tỷ đồng, đào tạo 9.000 tiến sĩ”, khiến dư luận hoài nghi.

TS Lê Viết Khuyến, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: “Việc chi 12.000 tỉ đồng cho đề án đều do người dân và con em của họ sau này phải đóng thuế để trả nợ chứ không phải tiền cho không. Nếu Bộ GDĐT không thực hiện được đề án, chi tiêu đúng thì sẽ khiến xã hội mất lòng tin“.


Tin quốc tế

Châu Á
Nhằm tiếp tục gây áp lực lên Bắc Hàn: Nhật-Mỹ tập trận hải quân gần bán đảo Triều Tiên. VOA cho biết, “Nhật loan báo sẽ đưa một trong những tàu sân bay trực thăng lớn tham gia cùng ba tàu sân bay của Mỹ tập trận trong vùng biển gần bán đảo Triều Tiên”.

VOA đưa tin: Nga-Nhật nhất trí thực thi nghiêm trừng phạt với Triều Tiên. Dẫn nguồn tin Kyodo. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ sáu (10/11) cho biết “ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí thực hiện nghiêm các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên”.

VOA có bài: Tổng thống Philippines dọa ‘cấm cửa’ 2 dân biểu Mỹ. Nguyên nhân từ việc “Dân biểu James McGovern thuộc đảng Dân chủ và dân biểu đảng Randy Hultgren của Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Trump nêu bật tình hình nhân quyền ở Philippines trong chuyến thăm Manila sắp tới”.

VOA đưa tin: Biểu tình phản đối Tổng thống Trump trên khắp Philippines. Tin cho biết: “Hàng trăm người biểu tình đã đổ ra đường trên khắp Philippines hôm 9 và 10/11 và để diễu hành phản đối chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Donald Trump, và kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte kháng cự lại sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại của Philippines”.

Người biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Seoul khi ông Trump đọc diễn văn tại đây hôm 8/11. Nhiều người ở Philippines cũng đã biểu tình phản đối chuyến thăm sắp tới của ông Trump tới Manila dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Ảnh: Reuters

Tham vọng bành trướng: Trung Quốc chuẩn bị đóng tàu sân bay thứ ba. RFI dẫn nguồn báo Newsweek, cho biết, Trung Quốc sẽ có thể đóng một tàu sân bay thứ ba với hệ thống phóng phi cơ phản lực tối tân nhất trên thế giới, mà cho tới nay chỉ được sử dụng trên các tàu sân bay trang bị động cơ nguyên tử của Mỹ.


Tin nước Mỹ
RFI đưa tin: Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ: Thêm một cựu cố vấn của Trump gặp tai tiếng. Bản tin cho biết: “Theo nhiều nguồn tin thân cận với công tố viên Robert Mueller, được nhật báo The Wall Street Journal trích dẫn, giới điều tra đang tìm cách xác định mối liên hệ giữa cựu cố vấn an ninh Mỹ [Michael Flynn] với Thổ Nhĩ Kỳ trong kế hoạch giao nộp nhà đối lập Fethullah Gullen, kẻ thù không đội trời chung của tổng thống Erdogan, cho chính quyền Ankara, đổi lấy 15 triệu euro”.

Được biết, “Giáo sĩ Fethullah Gullen vẫn bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo là chủ mưu vụ đảo chính hụt hồi tháng 7/2016, cho dù từ năm 1999, ông này đã định cư tại bang Pennsylvania, Hoa Kỳ”.

RFI có bài điểm báo: «America First» của Trump làm tiêu tan quyền lực mềm Mỹ. Theo báo The Economist, “có lẽ quyền lực mềm của Mỹ là nạn nhân chính của Donald Trump. Ông Trump công khai đặt dấu hỏi về việc Mỹ phải bảo vệ các giá trị phổ quát như dân chủ và nhân quyền. Không chỉ ngưỡng mộ các nhà độc tài, tổng thống Mỹ còn ca ngợi bạo lực, như việc sát hại hàng loạt nghi can ma túy ở Philippines. Đó không phải là chiến thuật ngoại giao, mà có vẻ như xuất phát từ niềm tin”.

Người vô gia cư cần tự do hơn nhu cầu vật chất: Cư dân ‘xóm lều’ ở Fountain Valley không thích ngủ nhà. Báo Người Việt đưa tin, trong đợt giải tỏa một khu cư trú của người vô gia cư, một trong số những người dân ở đây nói: “Từ năm 17 tuổi đến giờ, tôi không thèm nhận bất cứ trợ cấp nào của chính phủ, không ‘welfare’, không ‘mediCal’. Tôi nghĩ thà ngủ lều mà lương thiện hơn rất nhiều người có nhà cao, cửa rộng”.

Châu Âu
Tiến trình rút khỏi Liên hiệp châu Âu của Anh gặp trở ngại: Brexit: Liên Hiệp Châu Âu ra « tối hậu thư » cho Anh Quốc. RFI cho biết: “Liên Hiệp Châu Âu đã gia hạn cho Anh Quốc trong hai tuần phải làm rõ những cam kết của Luân Đôn về thủ tục ra khỏi khối này, xem đây là điều kiện tiên quyết để Bruxelles chấp nhận mở các cuộc đàm phán về thương mại trong tháng tới”.

BBC có bài: Trump sẽ ‘không được chào đón’ tại Quốc hội Anh. Chủ tịch Hạ viện Anh, John Bercow, khẳng định: “Diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội không phải là một quyền tự động, đó là một vinh dự phải giành được. Quan điểm của tôi là ông ta không giành được vinh dự đó”.

------------------------------------

Bài Mới Nhất
12/11/2017
12/11/2017
12/11/2017
12/11/2017
12/11/2017
12/11/2017
11/11/2017
11/11/2017
11/11/2017
11/11/2017








No comments: