Sunday, January 17, 2016

NGHIÊN CỨU VỀ VIỆT NAM (Vincent Houben - Viet-Studies)





Bản dịch của Trương Hồng Quang   
Viet-Studies 17-1-2016

Nguyên văn tiếng Đức:  Inputreferat  über  Vietnamstudien

Từ khoảng mười năm nay các ngành khoa học khu vực (hay còn gọi là area studies) đang ở trong một quá trình chuyển đổi hệ hình, khoa Việt Nam học cũng là một phần của quá trình này.

Trong hệ hình cũ, từng khu vực thế giới trong nghiên cứu khu vực được nhìn nhận như một đơn vị địa lý khép kín, khu biệt rõ ràng với các khu vực khác và mang tính "độc nhất vô nhị" trong ý nghĩa của một nền văn hoá, ngôn ngữ, lịch sử v.v. độc lập. Đông Nam Á không hoàn toàn tương thích với hệ hình này: nó vốn dĩ luôn luôn là một "area at the crossroads" (giao điểm của các vùng ảnh hưởng), nằm giữa các cường quốc như Ấn Độ và Trung Quốc, và văn hoá Đông Nam Á có thể nói được tạo lập bởi các ảnh hưởng từ bên ngoài, thông qua thương mại, di dân và truyền bá văn hoá v.v.

Một khu vực không chỉ là một đơn vị địa lý, mà cũng là một lĩnh vực tri thức độc lập, được đảm nhiệm bởi các chuyên gia, với một số lượng ngày càng nhiều của các ấn phẩm chuyên sâu tại các Viện khoa học khu vực và các cơ sở nghiên cứu. Cả trên phương diện này Đông Nam Á cũng là một đối tượng đặc thù; thông qua tính đa dạng về ngôn ngữ và văn hoá của khu vực này mà ở đây, nhiều hơn so với những nơi khác, đã hình thành nên những cơ chế quốc gia riêng biệt. Trong lĩnh vực Đông Nam Á học hiện nay có ba chuyên ngành chính, đó là khoa nghiên cứu về Inđônêxia, Thái Lan và Việt Nam.

Khoa Việt Nam học là một lĩnh vực tri thức quốc tế, hình thành trên cơ sở của ba trường phái: của người Pháp (xuất phát từ thời kỳ thuộc địa), của người Mỹ (do cuộc chiến tranh Việt Nam) và của bản thân người Việt Nam. Hàm ẩn phía sau ba trường phái này là các định hướng quyền lợi khác nhau - đối với Pháp, Việt Nam là một phần của quá khứ thuộc địa không thể lãng quên; đối với người Mỹ câu hỏi luôn vẫn còn đặt ra là trong chừng mực nào việc can thiệp của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam mang tính chính đáng, trong chừng mực nào là một hành vi đế quốc chủ nghĩa; đối với Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam theo đuổi mục tiêu xây dựng tự ý thức quốc gia và biện hộ cho hệ thống xã hội chủ nghĩa. So với ba trường phái chính này, Việt Nam học ở Đức chỉ có một quy mô khiêm tốn và được phân bố rải rác trên ba địa bàn khác nhau (Berlin, Hamburg, Passau). Ở đây Berlin đóng một vai trò đặc biệt, vì ở thành phố này có một cộng đồng người Việt lớn đang sống và làm việc. Các đại diện từ thế hệ thứ hai và thứ ba của người nhập cư Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam.

Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, hệ hình cũ của các ngành khoa học khu vực đã bị phá vỡ - khả năng cơ động ngày càng gia tăng của con người, hàng hoá và tư tưởng đã khiến cho các ngành khoa học khu vực không thể tiếp tục khảo sát đối tượng của mình như những đơn vị biệt lập (theo phương thức tư duy "container"), với những phương pháp riêng (trong tinh thần của một chủ nghĩa dân tộc về phương pháp luận). Thay vào đó, ngày nay các khu vực được nhìn nhận nhiều hơn trong tương quan với các đường biên giới mở, những liên hệ xuyên quốc gia và tính năng động toàn cầu. Cả ngành Việt Nam học cũng không thể tách rời khỏi hệ hình mới này.

Vào năm 2008, khi được mời tham gia Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 tại Hà Nội, trong phần phát biểu đề dẫn, tôi đã cổ xướng cho xu hướng nghiên cứu Việt Nam trong ngữ cảnh của Đông Nam Á nhiều hơn so với mức độ có được cho đến nay. Tôi xin phép tóm tắt các ý tưởng dạo đó của mình và sẽ đi tiếp một bước. Cho tới nay các kết quả nghiên cứu Việt Nam đạt được chủ yếu mang tính hướng nội, với nỗ lực nhìn nhận sự phát triển văn hoá, ngôn ngữ, xã hội, chính trị và lịch sử Việt Nam như kết quả của những vận động nội tại và các đặc thù dân tộc tự tác. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu như người ta đảo ngược hướng nhìn và đặt câu hỏi rằng các quan hệ quốc tế cũng như những liên hệ khu vực đã kiến tạo nên nước Việt Nam ngày nay ra sao. Nhiều phần của câu trả lời đã được đưa ra ở những xuất bản phẩm trong vòng mười năm cuối:

   Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid trong công trình Viet NamBorderless Histories (2006), thông qua một loạt các nghiên cứu trường hợp, đã tìm cách phân tích về việc "bản sắc Việt Nam trong một quãng thời gian kéo dài hàng nghìn năm đã tương tác ra sao với người Hoa, người Chàm, người Khmer, người Pháp và người không quốc tịch trên bán đảo Đông Dương". Mục tiêu của cuốn sách là "vượt quá các đường biên và phát hiện các tính đa nghĩa".

   Oscar Salemink trong các công trình của mình (ví dụ năm 2008) tìm cách đưa ra một lý giải mới về quan hệ giữa người Kinh ở vùng đồng bằng và người dân tộc thiểu số ở các vùng cao nguyên, thông qua việc tìm các mối liên kết sắc tộc, nhóm cư dân và vùng địa lý thay vào việc cô lập chúng. Các quan hệ trao đổi về tôn giáo, chính trị, văn hoá và kinh tế như vậy đã kiến tạo nên những bản sắc địa phương ở Việt Nam. Xuất phát từ đó tác giả cổ xuý cho một hướng nhìn "từ cao nguyên", bổ sung thêm cho hướng nhìn "từ biển".

Việc kết hợp hai bước ngoặt mang tính giác độ này mang đến những tác động sâu sắc đối với khoa Việt Nam học. Thay vào việc xuất phát từ một hạt nhân hư cấu và được định nghĩa thông qua nền văn hoá dân tộc về một bản thể Việt Nam, vấn đề đặt ra cho nghiên cứu Việt Nam sẽ là câu hỏi trong chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam đã được hợp nhất như thế nào từ các yếu tố khác nhau thông qua một quá trình tương tác đa sắc tộc. Thứ hai, từ bỏ một cách nhìn tự ngã trung tâm và thay vào đó, tìm hướng nhìn về Việt Nam "từ ngoài vào trong" và "từ dưới lên trên". Thứ ba, từ trước đây các chuyên gia nước ngoài về Việt Nam đã bắt đầu xem xét lại các tiên đề trung tâm của nghiên cứu Việt Nam. Ở đây chúng ta đang đề cập đến diễn ngôn khoa học giữa cách nhìn nhận Việt Nam từ bên trong và từ bên ngoài.

Với những diễn tiến mới này, một loạt những điểm mấu chốt của lịch sử Việt Nam được phản ánh trong các mối tương quan hiện tại cần được đánh giá lại:

   Quan hệ tiền hiện đại giữa Trung Quốc và Việt Nam như thế nào? Miền Bắc Việt Nam trong suốt nhiều thời gian dài đã bị chi phối bởi văn hoá Trung Quốc, tiếp nhận nhiều khía cạnh của nó, nhưng đã bản địa hoá chúng để bảo tồn tính độc lập của mình. Tuy nhiên sẽ ra sao nếu người ta không nhìn nhận văn hoá như một thể thống nhất, mà như một cấu trúc hợp phần thường xuyên biến đổi? Christopher Goscha đã lưu ý đến một nền văn hoá thuộc địa Đông Dương dựa trên nền tảng hợp tác giữa người An Nam và người Pháp, tuy nhiên nền văn hoá này rốt cuộc đã không được khẳng định. Một câu hỏi khác, với một bước nhảy về thời gian, là văn hoá của người Việt hải ngoại (hay văn hoá Hàn Quốc) ảnh hưởng như thế nào đối với thanh niên ở Việt Nam ngày nay. Và để có một liên hệ thực tiễn - những khảo sát về người Việt ở Đức nói những gì với chúng ta về văn hoá của họ trong tinh thần của sự tiếp nối và đứt khúc của văn hoá Việt Nam?

   Sự mở dài tuyến tính của Việt Nam từ Bắc vào Nam (quá trình Nam tiến) đang được nhìn nhận lại trên góc độ lịch sử. Với cách đặt vấn đề này, tính chất lưỡng cực Bắc - Nam (miền Bắc là trung tâm chính trị, miền Nam có tầm quan trọng hơn về kinh tế), cần được xem xét lại. Theo Keith Taylor, trong lịch sử đã diễn ra nhiều vận động ở chiều ngược lại - vậy câu hỏi đặt ra tiếp tục ở đây là trong hiện tại thì sao. Những đường véc tơ khác giữa các đơn vị lưỡng cực - ví dụ quan hệ giữa làng và nước, giữa vùng duyên hải và nội địa - cũng xứng đáng được suy xét lại. Các kết quả nghiên cứu mới về Hội An và Tonkin ví dụ giúp chúng ta hình dung trong chừng mực nào Việt Nam là một quốc gia "hàng hải".

   Việc mở cửa ra thị trường toàn cầu đã bắt đầu từ những năm đầu 1980 với chính sách giải thể hợp tác xã nông nghiệp, chứ không phải từ thời điểm Đổi Mới. Các chuyên gia cho rằng không phải nhà nước là chủ thể thúc đẩy quá trình này, mà - theo Adam Fforde - nhà nước đã thích ứng với tồn tại thực tế, phi-quy hoạch này. Chủ nghĩa xã hội kinh tế chưa bao giờ được áp dụng một cách trọn vẹn, từ trong quá khứ đã luôn tồn tại một đối trọng mang tính khả biến giữa kế hoạch và thị trường. Qua đó, những mâu thuẫn hiện tại trong quá trình hội nhập của Việt Nam vào thị trường thế giới được cung cấp một chất lượng và chân trời diễn giải mới.

   Các chuyên gia ngoại quốc về Việt Nam cũng phát biểu về những chủ đề nhạy cảm chính trị, đánh giá lại vai trò lãnh đạo lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam hay những nhân vật anh hùng như Hồ Chí Minh. Quan hệ giữa chủ nghĩa ái quốc Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản trong kháng chiến chống thực dân, trong chiến tranh chống Mỹ như thế nào? Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tự khẳng định sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản? Đó là những câu hỏi dĩ nhiên không thể đặt ra như vậy ở Việt Nam, tuy nhiên tối thiểu từ cái nhìn từ bên ngoài lại được thảo luận một cách sống động trong giới chuyên gia Việt Nam học quốc tế.

Như các quí vị đã thấy, những bước ngoặt hệ hình trong các ngành nghiên cứu khu vực có thể đem lại những xung lực mới cho khoa Việt Nam học, bởi chúng đặt lại những nhận thức cơ bản liên quan đến Việt Nam và giúp đưa ra những kiến giải mới từ một giác độ khác. Và tôi coi đây là nhiệm vụ của nghiên cứu Việt Nam ở Đại học Humboldt: trên cơ sở của những tri thức vững chắc về ngôn ngữ, văn hoá và lịch sử Việt Nam, xây dựng những cách nhìn mới, ngõ hầu giúp hiểu Việt Nam và vai trò của nó trên thế giới một cách tốt hơn.

Chú thích:
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo Hè „Việt Nam, 40 năm sau“, Viện Khoa học Á Phi, Đại học Humboldt ở Berlin, CHLB Đức, 24. Tháng 7, 2015.
Tác giả, GS. TS. Vincent Houben, Viện trưởng lâu năm của Viện Khoa học Á Phi, Đại học Humboldt, là một chuyên gia về lịch sử Inđônêxia và Đông Nam Á.
Thư mục nghiên cứu của tác giả xem ở: https://www.iaaw.hu-berlin.de/de/southeastasia/history/publications/houben

© Bản dịch tiếng Việt: Trương Hồng Quang





No comments: