Ông Tập Cận Bình là
người đầu tiên chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng tái cử TBT khóa XII
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng Sản
Việt Nam đã thành công tốt đẹp, như lời tuyên bố của tân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú
Trọng một lần nữa đã phân định rõ kẻ thắng người thua trong cuộc sắp xếp quyền
lực lần thứ 12 trong lịch sử ĐCS, và cũng đánh dấu 71 năm kể từ khi ĐCS bắt đầu
chấp chính quyền lực trong lịch sử Việt Nam. Nếu 71 năm qua là 71 năm ngự trị của
ĐCS, nó cũng là 71 năm Việt Nam chìm ngập trong chiến tranh và đói nghèo. Năm
1975 chiến tranh Nam Bắc kết thúc và quyền thống trị của ĐCS được thiết lập
trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, tính đến nay đã 41 năm. Nếu tính từ vụ chạm
súng cuối cùng về chủ quyền năm 1988 (Khi Trung Quốc nổ súng bắn đắm 3 tàu Hải
Quân, giết hại 64 thủy binh và chiếm 6 đảo đá của Việt Nam ở Trường Sa), thì đến
nay Việt Nam đã sống trong hòa bình được ngót 30 năm. Trong toàn bộ quãng thời
gian ấy, kẻ thắng duy nhất ở Việt Nam là Đảng Cộng Sản, với quyền cai trị được
họ ghi vào điều 4 hiến pháp như một quyền thiên nhiên, còn người thua là Việt
Nam khi đất nước chìm sâu vào vòng xoáy tụt hậu, tham nhũng và nghèo nàn, chủ
quyền bị đe dọa nặng trong bối cảnh các nước xung quanh bứt phá mạnh mẽ và kẻ
xâm lược là Trung Quốc thì ngày một hùng mạnh. (Tham khảo Đất
nước thay đổi, thế giới thay đổi, nhưng Đảng Cộng Sản 70 năm... bất động)
Về phương diện cá nhân, ông Nguyễn Phú Trọng đã
giành chiến thắng khi được bầu làm Tổng Bí Thư cho nhiệm kỳ liên tiếp thứ hai của
ông. Vì là kẻ chiến thắng, nên những làn gió xung quanh ông nhanh chóng đổi chiều.
Hệ thống tuyên huấn, báo chí và dư luận viên nằm dưới quyền kiểm soát và trả
lương của ĐCS nhanh chóng phủ kín ông trong một lớp hào quang. Về mặt lý thuyết,
với 4,5 tr đảng viên, đội ngũ tuyên huấn có không dưới vài triệu người. Họ rất
đông, nhưng họ đã ca ngợi ông Trọng như thế nào, và người Việt Nam có thể trông
chờ gì thêm nữa vào Đảng Cộng Sản?
“The winner take it all” - Kẻ thắng lấy đi tất cả, bao gồm cả sự thật và lịch sử. Điều trớ trêu đó khiến người Việt Nam hiện nay, dù có tỷ lệ biết đọc biết viết khá cao nhưng lại chẳng mấy am hiểu về sự thật lịch sử cận - hiện đại về chính đất nước mình trong suốt 70 năm qua. Nó bị bóp méo đáng kinh ngạc bởi một đội ngũ tuyên huấn và tuyên truyền viên đông đảo. Chỉ khoảng 10 năm gần đây, khi mạng Internet ngày một phát triển, cung cấp cho người dân một kênh thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản, các sự thật mới dần được phơi bày, hé lộ và chia sẻ rộng rãi. Người ta biết được rằng, không giống như sách giáo khoa sỉ vả triều Nguyễn là triều đại phong kiến cõng rắn cắn gà nhà, năm 1820 thời vua Minh Mạng Việt Nam từng là cường quốc dẫn đầu khu vực, sức mạnh kinh tế bằng cả Myanmar và Phillipin cộng lại và gấp rưỡi Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người ngang mức bình quân thế giới. (http://www.ggdc.net/maddison/maddison-project/abstract.htm…) Người ta biết rõ hơn là ngày nay, sau 62 năm cai trị của ĐCS ở miền Bắc (từ 1954), sau 41 năm cai trị của ĐCS trên toàn quốc (từ 1975), sau 30 năm kể từ khi vụ chạm súng cuối cùng về chủ quyền kết thúc trong thất bại (Trường Sa 1988), Việt Nam đang xếp hạng rất xa sau Philipin, Thái Lan, thu nhập chỉ còn 1/5 mức trung bình thế giới và chủ quyền thì đang bị uy hiếp nặng nề. Đảng Cộng Sản chẳng đem lại gì cho Việt Nam ngoài một nền kinh tế lún sâu trong gánh nặng nợ nần, mức độ tham nhũng thuộc hàng sừng sỏ trên thế giới (hạng 114 về chỉ số minh bạch) và một nền chính trị mà người dân không có cơ may nào được chọn ra người lãnh đạo cho mình. Thế nhưng, kẻ thắng lại đang nói rất nhiều về nền dân chủ.
Trong hào quang chiến thắng, ông Trọng tổ chức họp
báo và phát ngôn hỷ hả về khái niệm dân chủ theo kiến giải của ông ta (và cũng
là của Đảng Cộng Sản):
“Phóng
viên AFP: Xin hỏi, dưới sự tiếp tục lãnh đạo của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị,
ông có nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước giàu mạnh hơn, dân chủ hơn
không?
Câu hỏi này mang tầm chiến lược xa quá. Bạn có hỏi
dưới sự lãnh đạo của tôi, nhưng cá nhân tôi là một bộ phận của tập thể. Nguyên
tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chứ
không thể là cá nhân độc đoán chuyên quyền.
Nhưng đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân, chứ nếu
không làm hay, làm tốt có kết quả thì vơ vào thành công lao của cá nhân mình,
làm không tốt thì đổ tại tập thể và không quy được trách nhiệm cho ai. Như thế
cũng là dở.
Cái hay của chúng ta là tập thể lãnh đạo nhưng cá
nhân phụ trách, phát huy vai trò của người đứng đầu, nhưng phát huy dân chủ. Một
số nước cứ nhân danh là dân chủ, nhưng cá nhân quyết định, thế thì ai dân chủ
hơn ai?”
Và khái niệm của ông về ứng dụng bình đẳng giới kết
hợp dận chủ:
“Chưa bao giờ trong Bộ Chính trị có tới 3 nữ ủy
viên. Khóa trước có một, sau giữa kỳ bổ sung một. Lần này có thêm đồng chí
Trương Thị Mai, danh sách công khai rồi. Có đồng chí cán bộ dân tộc trong BCH
Trung ương cũng có. Tôi đi nước ngoài người ta cứ hỏi tôi về dân chủ, nhân quyền,
bình đẳng giới. Hôm trước đi Mỹ tôi đề nghị đồng chí Tòng Thị Phóng đi, và tiếp
xúc với bà con Việt kiều. Tôi bảo đấy bà con xem có oai vệ không? Đàng hoàng
ngang ngửa ra quốc tế đấy chứ. Vừa nữ, vừa dân tộc.”
Ông Trọng, người có chuyên môn chuyên ngành là tiến
sỹ Xây Dựng Đảng, có lẽ đã có phát kiến của riêng ông ta về định nghĩa dân chủ.
Nếu thế giới hiểu đơn giản “Dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, thể chế dân
chủ là thể chế cho phép người dân tham gia vào chính trị và chọn lựa lên người
đại diện cho mình để thực hiện ý chí của mình”. Quan niệm của ông Trọng thì dân
chủ chỉ là dân chủ giữa các đồng chí của ông ta trong đảng, và nó chẳng dính
dáng gì đến ý chí của người dân. Có thể hiểu tại sao Việt Nam lại tụt hậu và
chìm sâu trong đói nghèo. Làm sao có thể hy vọng vào một thể chế cai trị sẽ
hành động ưu tiên vì quyền lợi quốc gia khi người dân không có cơ hội nào để lựa
chọn những người sẽ đại diện mình? Đảng cho ông Trọng và các đồng chí của ông
ta quyền cai trị, và do đó, tất nhiên ưu tiên cao nhất của ông ta sẽ là bảo vệ
thứ đã cho ông ta điều đó, lợi ích đất nước nào có chỗ lên tiếng ở đây??? Năng
lực lý luận của ông Trọng khiến người ta buộc phải luôn nghĩ đến biệt danh người
dân đã gán cho ông ta, và không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến bài tranh luận nổi
tiếng của một nhà báo với ông Trọng ba năm về trước: https://www.facebook.com/Langlanhtu...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một ông cụ lụ khụ 72
tuổi, sẽ tiếp tục nắm quyền đến năm 77 tuổi ở vị trí đứng đầu hệ thống chính trị
Việt Nam. Ông ta đã tham gia Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực tối cao tính đến
nay là khóa thứ 5 liên tiếp. Ông ấy đã chứng minh bằng thực tế năng lực nối trội
duy nhất của mình là giáo điều và bảo thủ. Liệu có gì hy vọng ông ta sẽ là người
đem lại đổi mới trong bối cảnh Việt Nam đang đứng bên bờ vực?
Ông Trọng dựng lên bộ khung quyền lực mới với một Bộ
Chính Trị gồm 19 người, tăng thêm 3 so với khóa trước. Đội tuyên huấn ca ngợi rằng
ông ta đang làm mới bộ máy lãnh đạo, bổ sung nhân sự mới đông hơn khóa trước.
Nhưng quan sát kỹ hơn thì thấy trong số đó ông ta bổ sung thêm 4 tướng công an,
nghĩa là tăng thêm số lượng an ninh và giảm bớt số người kỹ trị dân sự. Đất nước
cần người quản lý về kinh tế còn ông ta thì tăng thêm công an. Về kinh tế, ông
Trọng chọn ông Nguyễn Xuân Phúc, một gương mặt tối như hũ nút vào vai trò thủ
tướng với ẩn ý sâu xa. Chẳng khó để hình dung ông Trọng sẽ ưu tiên điều gì. Đổi
mới hay là ổn định (kìm kẹp) chính trị?
Thứ duy nhất mà đội ngũ tuyên huấn nói có vẻ đúng về
ông Trọng là sự liêm khiết. Không ai nghe nói gì về con cái ông Trọng trong các
vụ áp phe hoặc tin đồn về tài sản. Điều đó khiến nhiều người thuộc trường phái
dân chủ cũng ít nhiều hy vọng về ông, cho rằng ông ta sẽ là người đi đầu dẹp loạn
về tham nhũng. Nhưng vấn đề là ông Trọng sẽ chống tham nhũng bằng cách nào?
Tham nhũng ở Việt Nam bắt rễ từ lỗi hệ thống về quyền lực độc tài và nạn lạm dụng
quyền lực. Không kiểm soát được quyền lực độc tài thì làm sao kiểm soát được lạm
dụng quyền lực. Vậy thì chống tham nhũng từ đâu khi lỗi hệ thống không được sửa?
Một câu chuyện quả là khôi hài cho hy vọng về một tấm gương đấu tranh tham
nhũng. Chưa nói đến việc là một tín đồ trung thành bảo vệ quyền lực độc tài của
Đảng, cứ cho là ông Trọng muốn chống tham nhũng đi, nhưng cái ý muốn đó có khác
gì húc đầu vào đá nếu không bắt đầu bằng chính việc xóa bỏ quyền lực độc tài của
Đảng và để xã hội dân sự thực hiện sứ mệnh của mình? Niềm hy vọng khôi hài và
cũng ảo tưởng giống khái niệm về chủ nghĩa xã hội vậy.
Với Đảng Cộng Sản, người Việt Nam đã trả giá nhiều
thập niên trong tụt hậu và đói nghèo. Hiện trạng ngày nay là một xã hội đội sổ
về tự do báo chí, tham nhũng ngập đầu, nợ công tăng khủng khiếp so với năng lực
trả nợ, ngân sách thâm thủng triền miên và nền kinh tế tư nhân rất yếu ớt. Có
vô số cơ hội đã trôi theo dòng nước với Đảng Cộng Sản trong những năm qua, liệu
người Việt Nam có còn cơ hội để mà hy vọng nữa không, khi chỉ 9 năm nữa thôi kỷ
nguyên dân số vàng chấm dứt, số người già trong xã hội sẽ tăng rất nhanh, và đất
nước nặng gánh với tuổi già, trong lúc chưa giàu?
Và trên biển, bảy căn cứ nổi khổng lồ của TQ đã
thành hình, công nhân TQ định cư ngày càng đông và ngày càng sâu trên khắp lãnh
thổ Việt Nam. Tàu cá và chiến hạm TQ ngày một áp sát lãnh hải Việt Nam. Không
khó để hình dung ra tương lai sẽ là gì khi quốc gia yếu ớt.
Ông Trọng có lẽ là người tốt, một người liêm khiết,
giống như rất nhiều Đảng viên cộng sản thập niên 1960. Và lịch sử thì đã chứng
minh họ dẫn đất nước tới đâu, thịnh vượng hay đói nghèo, văn minh hay lạc hậu.
P/S: Năm 2016, một ông cụ 71 tuổi khác ở Đông Nam Á là Tổng Thống
Theinsein của Myanmar, vui mừng loan báo về việc đất nước ông đã kết thúc kỷ
nguyên độc tài sau 5 thập niên đứng bên lề nền dân chủ. Ông ta vui mừng rằng đó
là thành tựu chung của toàn bộ đất nước và người dân Myanmar, và quá trình chuyển
giao quyền lực đang vô cùng thuận lợi. Chắc hẳn rằng nếu quyền lực là thứ mà
ông Theinsein muốn có thêm, ông ta dư sức nhốt bà Aun Sang Suu Kye thêm một hai
thập niên và ngồi thêm ít nhất một nhiệm kỳ tổng thống. Giống như tiền bạc, quyền
lực là một thứ gây nghiện, và nó có sức mê hoặc còn lớn hơn tiền bạc nhiều lần.
Myanmar đang chào đón vầng hừng đông mới của mình năm 2016, còn người Việt Nam?
Và một lần nữa, như một phép thử cho khát vọng vươn tới quyền làm chủ. Đề nghị những ai quan tâm hãy đọc và chia sẻ điều này:
Nhà triết học vĩ đại Plato từng nói điều này: "Một trong những sự trừng phạt cho việc
từ chối tham gia vào các vấn đề chính trị là quý vị sẽ đi tới một kết cục bị
cai trị bởi những kẻ hạ đẳng hơn mình". Điều đó thì người Việt Nam
đang thấm thía hơn ai hết, do đó anh đề nghị tất cả những ai đọc và đồng ý với
điều này, hãy ký và share đường link này đến những người khác: https://www.change.org/p/petitioning-for-international-supp…
Một lần nữa, nếu các bạn đồng ý thì hãy ký và hãy
share, chẳng có gì tội lỗi hay vi phạm luật pháp gì ở đây. Nếu bạn chưa đồng ý
và thấy quan tâm, cũng hãy share, để người khác có thể cùng thấy và góp ý cho
bài viết hoặc cho bạn. Đạt đến 100 nghìn chữ ký hay không không phải là mục
tiêu. Chúng ta chẳng cần quan tâm lắm đến ý kiến mang tính ngoại giao dù có hay
không từ một nước khác. Nhưng vấn đề là hãy quan tâm đến chuyện này, hãy chia sẻ
và nói về câu chuyện này. Nhiều người trong các bạn có sự tự do và có thể đi đến
một miền đất khác. Nhưng gia đình, bạn bè và họ hàng các bạn thì không. Họ chỉ
có duy nhất một quốc gia, một quê hương, một lựa chọn duy nhất. Họ cần có cơ hội.
Họ cần có hy vọng. Hãy cho họ điều đó.
Và nếu những phân tích bên trên khiến nhiều người
ngã lòng, các bạn hãy chú ý thực trạng này: Đất nước 92 triệu dân, chỉ có 4,5
tr đảng viên đảng cộng sản. Dân số dưới 35 tuổi chiếm đến 60%, số người dùng mạng
internet, và các mạng xã hội lên tới 34 triệu người. Trong 20 năm qua có khoảng
500 nghìn lượt du học sinh ra nước ngoài. Số người Việt và gốc Việt ở nước ngoài
lên tới 5 tr người. Anh không tin đất nước này không có tương lai, nhưng ý thức
trong mỗi người cần được thức tỉnh.
No comments:
Post a Comment