Ana Palacio - Project
Syndicate
Lê
Công Anh biên dịch | Lê
Hồng Hiệp hiệu đính
Posted on 23/11/2015
Khi được hỏi về sự hỗ trợ của Mỹ đối với nhà độc tài
khét tiếng ở Nicaragua, Anastasio Somoza, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt
được cho là đã công khai trả lời: “Ông ta có thể là một thằng chó đẻ, nhưng là
thằng chó đẻ của chúng ta” (He may be a son of a bitch, but he’s our son of a
bitch”). Dù Roosevelt có thực sự nói câu này hay không thì nó cũng đã phần nào
nói lên cách tiếp cận lâu đời của phương Tây đối với nhiều nơi trên thế giới,
và đó cũng là nền tảng của chính sách đối ngoại Mỹ trong suốt Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, dường như có một nhận thức thậm chí còn
đáng ngại hơn đang nổi lên gần đây khi các nhà lãnh đạo phương Tây không chỉ sẵn
lòng chấp nhận có những “thằng chó đẻ” mà còn chấp nhận gần như là bất kỳ “thằng
chó đẻ” nào có thể áp đặt được sự ổn định bất chấp cái giá như thế nào. Đó là một
lối tư duy có vẻ lôi cuốn nhưng đầy nguy hiểm.
Kinh nghiệm lý ra đã phải đẩy các nhà lãnh đạo
phương Tây hành động ngược lại. Sau tất cả những gì đã xảy ra, khi thời gian
trôi qua, chủ nghĩa bảo trợ có vẻ thực dụng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã tỏ
ra quá lỗi thời. Thực sự, trong nhiều trường hợp, điểm sơ qua như Chế độ Shah
(Vương quốc Iran), Lon Nol của Campuchia, Augusto Pinochet của Chile và Mobutu
Sese Seko của Cộng hòa Dân chủ Congo, cách tiếp cận đó đều dẫn đến tình trạng hỗn
loạn và mất an ninh lâu dài.
Tuy nhiên, bây giờ là những trường hợp thật sự tuyệt
vọng. Vì không thể kìm chế được bạo lực, sự thống khổ cũng như tình cảnh hỗn loạn
đang phủ khắp vùng Trung Đông và Bắc Phi, những vấn đề mà hậu quả đang ngày
càng được cảm nhận rõ ràng tại châu Âu, nên các nhà lãnh đạo châu Âu đang rơi
vào cái bẫy thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tất cả những gì họ muốn là có ai đó – mà
bây giờ gần như là bất kỳ ai – đủ sức củng cố sự ổn định.
Sự tuyệt vọng này có lẽ rõ nét nhất là ở Syria. Sau
nhiều năm khẳng định Tổng thống Syria Bashar al-Assad là nguyên nhân vấn đề thì
hiện tại ngày càng có nhiều chiến lược gia cũng như các nhà hoạch định chính
sách phương Tây cho rằng ông al-Assad thực sự có thể là một phần của giải pháp
hay chí ít là sự quá độ.
Tháng trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhắc đến
sự cần thiết phải bao gồm cả ông Assad trong các đàm phán về tương lai của
Syria. Tương tự, cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Anh David Cameron
hiện tại cũng thừa nhận vai trò của ông Assad trong quá trình quá độ. Thủ tướng
Tây Ban Nha Mariano Rajoy thậm chí còn cho rằng thế giới phải tính đến vai trò
của ông Assad trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Dù chịu sự chi phối của chủ nghĩa hiện thực hay là sự
nhẫn nhục thì sự thay đổi này cũng phản ảnh một khao khát rõ rệt muốn có sự ổn
định, một khao khát được củng cố đặc biệt là ở châu Âu bởi sự hiện diện của một
lỗ đen khác trong việc quản trị Libya. Khao khát tương tự cũng đã khiến phương
Tây ủng hộ chế độ Abdel Fattah al-Sisi ở Ai Cập và chỉ gây áp lực đòi cải tổ rất
nhỏ mặc cho nguồn gốc không minh bạch cũng như sự đàn áp vẫn tiếp diễn của chế
độ này.
Khi đương đầu với tình trạng hỗn loạn, việc nôn nóng
bảo vệ sự ổn định bằng bất cứ phương pháp cần thiết nào là dễ hiểu. Nhưng điều
đó sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường. Và trong thực tế, điều đó dựa trên việc đề
cao cặp đôi khái niệm chế độ chuyên quyền gắn với sự ổn định.
Tất nhiên, những nhân vật chuyên quyền như Tổng thống
Nga Vladimir Putin rất quan tâm đến việc đề cao cặp khái niệm này. Như nhà phân
tích chính trị người Bulgaria Ivan Krastev đã lưu ý gần đây, Putin – một đồng
minh lâu năm của Assad – đang làm hết sức có thể để thúc đẩy quan điểm rằng những
nỗ lực ủng hộ quản trị tốt (good governance) của phương Tây chỉ gây ra sự không
ổn định. Trong một bài phát biểu gần đây trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng
thống Putin đã tuyên bố: Thay vì mang lại những cải cách, sự can thiệp thô bạo
của nước ngoài đã dẫn tới tình trạng bạo lực, đói nghèo và thảm họa xã hội.
Theo logic, một chính quyền vững mạnh do ông Assad điều hành sẽ có tác dụng ngược
lại, và đây là quan điểm mà Nga đang cố chứng minh trong vấn đề Syria.
Tuy nhiên, dù quan điểm này có thu hút như thế nào
cũng như phương Tây có cảm thất mệt mỏi ra sao thì thực tế – đã được chứng minh
rõ ràng trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng như hậu kỳ đẫm máu sau đó – là
sự chuyên chế chưa bao giờ thật sự ổn định, đặc biệt là trong dài hạn. Khát vọng
muốn có nhân phẩm cũng như sự tôn trọng, những nền tảng của quản trị tốt, không
thể bị bỏ quên, đặc biệt là khi con người có được khả năng tiếp cận thông tin
cao chưa từng thấy thông qua Internet cũng như công nghệ di động.
Vì vậy quản trị tốt là chìa khóa cho sự ổn định lâu
dài. Nhưng, giống như sự ổn định, quản trị tốt không thể xuất phát từ bên ngoài
mà thay vào đó nó phải phát triển một cách hữu cơ, được hỗ trợ bởi những gốc rễ
vững chắc của xã hội.
Điều này không có nghĩa là các chính quyền phương
Tây không thể làm được gì. Ngược lại, bằng cách hỗ trợ việc nuôi dưỡng một xã hội
dân sự vững mạnh ở cấp độ địa phương và quốc gia, các lực lượng bên ngoài có thể
đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng vững mạnh cho quản
trị tốt trong các quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
Nhóm Bộ tứ Đối thoại Quốc gia của Tunisia, nhóm bốn
tổ chức xã hội dân sự được trao giải Nobel Hòa bình năm nay vì những đóng góp
“quyết định” của họ cho nền dân chủ từ sau cuộc cách mạng 2011 ở quốc gia này,
đã chứng tỏ rằng một xã hội dân sự vững mạnh có thể hoạt động hiệu quả đến thế
nào trong việc củng cố sự ổn định. Để tạo ra một sự khác biệt thật sự trong việc
ổn định hóa những khu vực bất ổn nhất hiện nay, cộng đồng quốc tế nên coi
Tunisia như một hình mẫu (và duy trì cam kết đảm bảo rằng quốc gia này vẫn tiếp
tục trên con đường tiến đến nền dân chủ ổn định) hơn là mắc bẫy trước những câu
chuyện mang tính cảnh báo của Putin về Syria và Lybia.
Thật không may, các nhà lãnh đạo phương Tây đã thường
xuyên cho thấy rằng họ thiếu sự kiên nhẫn cũng như sự nỗ lực cần thiết để can dự
một cách nhất quán và khiêm nhường với cộng đồng tại các quốc gia gặp khủng hoảng,
hoặc để đưa ra sự hỗ trợ quản trị đáng tin cậy, dần gia tăng và lâu dài cần thiết
nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của các quốc gia đó. Với sự quan tâm ngắn hạn cũng như
ý thức về tầm quan trọng của bản thân ngày càng lớn, các nhà lãnh đạo phương
Tây ưu tiên lựa chọn là đơn giản dựng lên một bạo chúa để đối phó với tình trạng
hỗn loạn. Vì lợi ích của tất cả mọi người, họ cần phải vượt qua chính bản thân
mình.
---------------
Ana Palacio, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, cựu
Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, là một thành viên của Hội đồng Nhà
nước Tây Ban Nha, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, và là thành
viên của Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về
Hoa Kỳ.
Nguồn: Ana Palacio, “The
Despotic Temptation,” Project Syndicate, 28/10/2015.
Copyright: Project Syndicate 2015
No comments:
Post a Comment