27.01.2016
Thế là cuộc tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo
chóp bu tại Việt Nam đã kết thúc: Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Tấn
Dũng về hưu, Nguyễn Phú Trọng được lưu nhiệm để làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm
kỳ hoặc nửa nhiệm kỳ nữa với lý do là để giữ sự “ổn định” trong guồng máy lãnh
đạo đảng.
Điều này làm giới quan sát Việt Nam cũng như quốc tế
khá ngạc nhiên. Từ một, hai năm gần đây, hầu như người nào cũng tiên đoán chiếc
ghế tổng bí thư ấy sẽ lọt vào tay của Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là có thế
lực nhất trong Ban Chấp hành Trung ương đảng.
Không những ngạc nhiên, nhiều người còn luyến tiếc.
Trên các diễn đàn mạng, số lượng những người thiên vị Nguyễn Tấn Dũng nhiều hơn
hẳn những người khác. Người ta ca ngợi Nguyễn Tấn Dũng là thực tế, thực dụng, cấp
tiến, thân Mỹ và Tây phương, có tính cách mạnh mẽ, do đó, có hy vọng thay đổi
tình hình chính trị tại Việt Nam. Nhiều người còn vẽ lên một bức tranh xán lạn:
Nguyễn Tấn Dũng sẽ hợp nhất chiếc ghế tổng bí thư với chiếc ghế chủ tịch nước để
tạo nên một guồng máy lãnh đạo giống như Trung Quốc, hoặc lạc quan hơn hơn, giống
hình thức tổng thống chế ở Tây phương.
Với ý nghĩ như thế, người ta đâm ra thất vọng và hụt
hẫng khi biết người chiến thắng trong cuộc giành giật chiếc ghế tổng bí thư lại
là Nguyễn Phú Trọng.
Xin lưu ý là từ mấy năm nay trong những trận đối đầu
công khai giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng, hầu như lúc nào Nguyễn Tấn
Dũng cũng thắng. Năm 2012, trong Hội nghị thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương đảng
đã bác bỏ đề nghị kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng của Nguyễn Phú Trọng. Năm 2013, trong
Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương lại bác bỏ đề nghị đưa Nguyễn Bá
Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị của Nguyễn Phú Trọng; ngược lại, hai
người được bầu, Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân được cho là những người
thân cận với Nguyễn Tấn Dũng.
Vậy mà, hiện nay, trong cuộc tranh chấp quan trọng
và quyết định nhất đối với sự nghiệp của Nguyễn Tấn Dũng, ông lại bị Nguyễn Phú
Trọng đánh bại.
Một câu hỏi không thể không được đặt ra: Tại sao Bộ
Chính trị cũng như Ban Chấp hành Trung ương đảng lại chọn lựa Nguyễn Phú Trọng
thay vì Nguyễn Tấn Dũng?
Ai cũng biết Nguyễn Phú Trọng là người bảo thủ, giáo
điều và tuyệt đối không sắc sảo. Sự thiếu sắc sảo ấy khiến Nguyễn Phú Trọng, một
mặt, sau 5 năm nắm giữ chức vụ cao nhất trong đảng, chưa bao giờ có một chính
sách, hay thậm chí, một câu nói nào để lại ấn tượng sâu trong lòng quần chúng;
mặt khác, bị dân chúng khinh bỉ, hoặc, nhẹ nhàng hơn, coi thường, xem là “lú”.
Tính chất bảo thủ và giáo điều làm cho Nguyễn Phú Trọng, một mặt, xa rời thực tế
và mù loà trước những xu thế vận động của lịch sử thế giới; mặt khác, ít nhiều
ngả về phía Trung Quốc với cái ảo tưởng là cả hai đều có một lý tưởng chung: chủ
nghĩa cộng sản.
Chính ba đặc điểm, bảo thủ, giáo điều và thiếu sắc sảo
ấy của Nguyễn Phú Trọng làm cho dân chúng nói chung dễ có khuynh hướng ủng hộ
Nguyễn Tấn Dũng. Người ta thừa biết Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng, lợi dụng chức
quyền để đưa con cái vào guồng máy cai trị cũng như làm giàu một cách bất thường.
Tuy nhiên, người ta vẫn tin, với Nguyễn Tấn Dũng, đất nước còn có chút hy vọng
thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Với Nguyễn Phú Trọng thì không. Tuyệt đối
không.
Vậy tại sao Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương
đảng lại chọn Nguyễn Phú Trọng?
Lý do chính, theo tôi, là: Người ta sợ sự sắc sảo.
Những người thông minh sắc sảo bao giờ cũng có những phản ứng và những chính
sách bất khả đoán đối với những người tầm thường. Điều này giải thích tại sao
trong mấy kỳ đại hội đảng vừa qua, bao giờ người ta cũng bầu những người bình
bình nhàn nhạt lên chiếc ghế tổng bí thư. Hết Đỗ Mười (1991-97) đến Lê Khả
Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001-2011) và từ Đại hội XI đến nay là Nguyễn
Phú Trọng.
Tâm lý sợ sự sắc sảo ấy gắn liền với một tâm lý
khác: sợ sự thay đổi. Người ta biết chắc Nguyễn Phú Trọng không phải là một
lãnh tụ tài giỏi nhưng ít nhất dưới sự lãnh đạo của ông sẽ không có gì thay đổi
cả. Không thay đổi trong thể chế chính trị. Không thay đổi trong quan hệ với
Trung Quốc. Và, đặc biệt, quan trọng nhất, không có gì thay đổi trong bộ máy
quyền lực của đảng cũng như những quyền lợi mà các uỷ viên Ban Chấp hành Trung
ương đang có.
Tâm lý này phù hợp với một trong những mục tiêu
chính Ban Chấp hành Trung ương đảng nêu ra trong nhiệm kỳ tới: “giữ vững môi
trường hoà bình, ổn định”. Nói đến “hoà bình”, người ta chủ yếu nhắm đến quan hệ
với Trung Quốc; nói đến “ổn định”, người ta nhắm đến sinh hoạt chính trị đối nội:
không có thay đổi gì mới trong cơ chế cũng như trong cấu trúc quyền lực trong nội
bộ đảng.
Tâm lý sợ thay đổi ấy đi ngược hẳn lại xu hướng
chung của lịch sử và niềm tin chung của mọi người. Việt Nam đang là nước yếu, yếu
về cả kinh tế lẫn chính trị; điều Việt Nam cần nhất, do đó, không phải là giữ
nguyên trạng mà phải thay đổi để tiến bộ. Sự quyết định của Ban Chấp hành Trung
ương, khi coi sự “ổn định” là tiêu chí quan trọng nhất để chọn lựa người lãnh đạo
là một quyết định hoàn toàn sai lầm. Năm ngoái, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia
kinh tế tại Việt Nam, có một nhận xét rất hay về tình trạng Việt Nam hiện nay: “Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển,
nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc
biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển!”
Đất nước không chịu phát triển. Chỉ có quyền thế và
quyền lợi của giới lãnh đạo là…phát triển vượt bậc.
---------------------------
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment