Trần Công Trục -
GDVN
31/01/16 07:00
(GDVN)
- Mỹ đang phá tan âm mưu của Trung Quốc hiện thực hóa đường lưỡi bò
thông qua đòi hỏi vô lý 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho Hoàng
Sa...
LTS: Xung quanh hành động bất ngờ của Hải quân
Mỹ phái chiến hạm tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn, Hoàng Sa
ngày 30/1, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính
phủ đã gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích
của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
The Wall Street Journal ngày 30/1 đưa tin, hôm qua
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo, cùng ngày Hải quân Hoa Kỳ đã phái
chiến hạm tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa
(thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất
hợp pháp từ 1974 đến nay).
Động thái này bất ngờ là vì lâu nay Mỹ chỉ
tiến hành các hoạt động tương tự ở khu vực quần đảo Trường Sa, nơi
tranh chấp phức tạp với 5 nước 6 bên yêu sách, trong đó Trung Quốc đang
quân sự hóa nhanh chóng khu vực này bằng việc bồi đắp, xây dựng đảo
nhân tạo bất hợp pháp, cản trở tự do hàng không hàng hải trong khu vực.
Chưa bao giờ Mỹ có hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Hoàng Sa.
Theo tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc
phòng Mỹ, hoạt động của tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG 54) di
chuyển bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa vẫn nhắm
mục tiêu thể hiện quyết tâm của Mỹ bảo vệ tự do hàng hải ở Biển
Đông.
Sự kiện này tác động, ảnh hưởng như thế nào
đối với Biển Đông? Với tư cách là một bên liên quan trực tiếp, Việt
Nam có bị tác động ảnh hưởng gì từ sự kiện này?
Hoa
Kỳ đánh đồng quan điểm của Việt Nam với Trung Quốc và Đài Loan về
tự do hàng hải ở Hoàng Sa là một sự hiểu lầm đáng tiếc
Lầu Năm Góc tuyên bố, hoạt động của tàu USS
Curtis Wilbur nhằm thách thức các nỗ lực của cả ba bên tranh chấp,
Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam muốn giới hạn các quyền hàng hải
và quyền tự do xung quanh các thực thể địa lý mà họ yêu sách chủ
quyền, bằng cách đòi nước khác phải xin phép hay thông báo trước khi
đi qua không gây hại trong phạm vi 12 hải lý lãnh hải của các thực
thể ở Biển Đông.
Đầu tiên cần phải lưu ý rằng, mục tiêu, đối
tượng mà Mỹ muốn thách thức trong các hoạt động tuần tra bên trong
phạm vi 12 hải lý một số thực thể ở Trường Sa và bây giờ là Hoàng
Sa chỉ nhằm bác bỏ các "đòi hỏi quá mức" của các bên, mà
cụ thể và điển hình nhất là Trung Quốc, đối với các vùng biển
hiệu lực của các thực thể này, chứ không đề cập đến yếu tố CHỦ
QUYỀN của các thực thể đó thuộc về quốc gia nào.
Câu hỏi đặt ra là, vậy yêu sách của Việt Nam,
Trung Quốc và Đài Loan đối với các vùng biển hiệu lực xung quanh các
thực thể ở Hoàng Sa khác nhau như thế nào? Cái nào phù hợp với Công
ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Hoa Kỳ đang cố gắng
bảo vệ? Cái nào chống lại UNCLOS? Trả lời được những câu hỏi này
sẽ tránh được những hiểu lầm đáng tiếc.
Thứ nhất, đối với Việt Nam, Luật Biển Việt
Nam năm 2012 quy định rõ trong Điều 12 - Chế độ pháp lý của lãnh hải:
2. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền
đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài
khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước
cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
3. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước
ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền,
pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là thành viên.
Còn Phần 3, Điều 21 UNCLOS về luật pháp và
các quy định của quốc gia ven biển liên quan đến đi qua vô hại trong
lãnh hải:
1. Các quốc gia ven biển có thể THÔNG QUA CÁC LUẬT
VÀ QUY ĐỊNH, phù hợp với các quy định của Công ước này và các quy định khác của
pháp luật quốc tế, liên quan đến đi qua vô hại trong lãnh hải, đối với tất cả
hay bất kỳ những điều sau đây: (....)
3. Các quốc gia ven biển có trách nhiệm cung cấp cho
công chúng tất cả các luật và quy định đó.
4. Tàu nước ngoài thực hiện quyền đi qua vô hại qua
lãnh hải phải tuân thủ tất cả các luật và quy định và các quy định quốc tế được
chấp nhận chung liên quan đến việc phòng ngừa đâm va trên biển.
Như vậy có thể thấy rõ, Luật Biển Việt Nam
không hề mâu thuẫn với UNCLOS, không hạn chế quyền đi qua vô hại của
tàu nước ngoài trong lãnh hải 12 hải lý của mình bằng việc buộc
các tàu này phải XIN PHÉP.
Về việc tàu quân sự nước ngoài thông báo
trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, điều này không những
góp phần hỗ trợ các hoạt động đi qua vô hại trong lãnh hải Việt Nam
của tàu nước ngoài được diễn ra thuận lợi và đúng luật, mặt khác
còn bảo lưu quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam như Khoản 1 Điều
21 Phần 3 UNCLOS đã nêu.
Trung Quốc thì ngược lại, họ đòi tàu nước
ngoài khi đi qua 12 hải lý lãnh hải mà họ yêu sách (vô lý, phi pháp
đối với Hoàng Sa, Trường Sa) phải XIN PHÉP nước này.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 30/1 dẫn lời bà Hoa
Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, tàu
thuyền quân sự nước ngoài muốn đi qua vô hại trong lãnh hải 12 hải lý
(mà Trung Quốc yêu sách), phải được chính phủ Trung Quốc PHÊ CHUẨN.
Rõ ràng đó là sự vi phạm trắng trợn Khoản 1
Điều 24 Phần 3 UNCLOS. Nội dung này quy định, các quốc gia ven biển
không được áp đặt các yêu cầu đối với tàu nước ngoài mà trên thực
tế nhằm từ chối hoặc làm suy yếu quyền đi qua vô hại.
Bởi vậy, thiết nghĩ Lầu Năm Góc không nên
đánh đồng Việt Nam vào một nhóm với Trung Quốc, Đài Loan trong vấn
đề quyền tự do hàng hải ở Hoàng Sa, Trường Sa để có hành động phản
đối.
Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời Việt Nam cũng là thành viên UNCLOS,
tuân thủ đầy đủ quy định của Công ước, bao gồm việc bảo đảm quyền
tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trung Quốc thì đang làm ngược
lại.
Tại
sao Mỹ lại chọn Hoàng Sa để "ra tay"?
Như đã nói ở phần trên, Hoa Kỳ chỉ thách
thức các "đòi hỏi quá đáng", yêu sách làm phương hại đến
quyền tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông chứ không đứng về bên
nào khi nói đến CHỦ QUYỀN đối với các thực thể ở Biển Đông, cụ
thể là 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trường Sa là nơi 5 nước 6 bên có yêu sách.
Quần đảo này lại án ngữ tuyến đường hàng hải huyết mạch toàn cầu
và là nơi Trung Quốc đang quân sự hóa mạnh mẽ, đe dọa nghiêm trọng tự
do hàng không hàng hải ở Biển Đông thì Mỹ can thiệp là điều dễ
hiểu.
Còn Hoàng Sa dưới góc nhìn của Mỹ là nơi
tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, không liên
quan nhiều đến hoạt động hàng không, hàng hải, tại sao Mỹ lại lựa
chọn làm đối tượng để thực hiện việc bảo vệ tự do hàng hải, hàng
không ở Biển Đông lúc này?
Cá nhân tôi cho rằng, sở dĩ Hoa Kỳ chọn đảo
Tri Tôn, Hoàng Sa để tiến hành tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải
lúc này, ngoài khả năng có thể Mỹ đã phát hiện thấy Trung Quốc đang
có động thái nào đó về mặt quân sự ở Hoàng Sa, Washington còn có
mục đích phá vỡ mưu đồ của Trung Quốc hòng hiện thực hóa đường
lưỡi bò về mặt pháp lý.
Tạm gác lại câu chuyện chủ quyền đối với 2
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chỉ riêng việc ứng dụng và giải
thích UNCLOS đối với 2 quần đảo này, Trung Quốc đã bộc lộ những mưu
đồ nguy hiểm nhằm độc chiếm Biển Đông về mặt pháp lý.
Ngày 15/6/1996, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS và
ban hành quy định về hệ thống đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh
hải, bao gồm quần đảo Hoàng Sa.
Nước này tuyên bố xác định đường cơ sở của
quần đảo Hoàng Sa bằng phương pháp vạch đường cơ sở thẳng chỉ áp
dụng cho các quốc gia quần đảo, để nối liền 28 điểm nhô ra nhất của
các đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm thuộc Hoàng Sa.
Hình minh họa đường cơ sở Trung Quốc tự vẽ ở
Hoàng Sa bằng cách "vận dụng" vô lý phương pháp xác định
đường cơ sở thẳng, áp dụng cho quốc gia quần đảo theo Điều 47 UNCLOS
do học giả Song Phan, Sydney, Úc đồ họa.
Bắc Kinh có thể đang nhăm nhe công bố đường cơ
sở lãnh hải đối với quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough với
cùng một thủ đoạn tương tự. Nếu điều này xảy ra mà không vấp phải
sự ngăn cản nào, Trung Quốc có thể hiện thực hóa đường lưỡi bò về
mặt pháp lý.
Vấn đề ở đây là, cả Hoàng Sa, Trường Sa,
Scarborough không phải quốc gia quần đảo theo Điều 47 UNCLOS, chúng không
có một đời sống kinh tế riêng, do đó không thể áp dụng quy chế xác
định đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải như các quốc gia
quần đảo.
Cả Hoàng Sa, Trường Sa hay bất kỳ thực thể
riêng biệt nào trong 2 quần đảo này và Scarborough đều không đủ điều
kiện hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo Điều 121
UNCLOS vì chúng không có đời sống kinh tế riêng.
Tuy nhiên Trung Quốc lại đang tìm cách bẻ cong
UNCLOS để đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho Hoàng Sa, Trường
Sa, Scarborough là những đối tượng họ yêu sách. Chỉ cần từ 3 điểm
này, Trung Quốc vạch bán kính 200 hải lý là gần hết Biển Đông, bằng
cách này Trung Quốc hòng hiện thực hóa đường lưỡi bò về mặt pháp
lý.
Để ngăn chặn và phá tan âm mưu này, Hoa Kỳ không
chỉ cho tàu, máy bay tuần tra ở Xu Bi, Vành Khăn của quần đảo Trường
Sa, mà nay còn bắt đầu tuần tra ở Tri Tôn, Hoàng Sa.
Tất nhiên có thể giữa các nước lớn họ có
những tính toán khác nữa, đặc biệt là khi Mỹ và Trung Quốc đang
cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt trong khu vực và trên Biển
Đông.
Trung Quốc có thể vin cớ các hoạt động này
của Hoa Kỳ để đẩy nhanh quá trình quân sự hóa ở Biển Đông. Nhưng dù
Mỹ tuần tra hay không thì Trung Quốc vẫn sẽ cứ làm tới. Bằng chứng
là 3 đường băng quân sự và 7 đảo nhân tạo khổng lồ họ mới bồi đắp
ở Trường Sa hay việc điều chiến đấu cơ ra Phú Lâm, Hoàng Sa và nối
dài đường băng quân sự...
Vấn
đề chủ quyền và UNCLOS
Qua việc Mỹ cho tàu tuần tra bên trong 12 hải
lý ở Tri Tôn, Hoàng Sa, một lần nữa chúng ta với tư cách một bên liên
quan trực tiếp có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
cần nhận thức rõ ràng, tách bạch giữa vấn đề CHỦ QUYỀN với vấn
đề áp dụng và giải thích UNCLOS ở Biển Đông.
Một số quan điểm cho rằng các hoạt động của
Hoa Kỳ ở Biển Đông nhằm "thách thức yêu sách CHỦ QUYỀN" của
Trung Quốc. Tuy nhiên điều này cần phải được hiểu chính xác là, Mỹ
đang phá tan âm mưu của Trung Quốc hiện thực hóa đường lưỡi bò thông
qua đòi hỏi vô lý 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho Hoàng Sa,
Trường Sa, Scarborough chứ không phải vấn đề CHỦ QUYỀN đối với các
thực thể ở Hoàng Sa hay Trường Sa.
Bởi nếu chúng ta nhầm lẫn điều này, vô hình
chung chúng ta đang tiếp tay, tiếp sức cho Trung Quốc trong việc tung
hỏa mù với dư luận, đánh tráo các khái niệm pháp lý để Bắc Kinh
trục lợi phi pháp.
Mặc dù chính quyền và các quan chức Mỹ rất
công khai, minh bạch và nhất quán lập trường không thiên vị bên nào
trong các bên yêu sách CHỦ QUYỀN ở Biển Đông, nhưng Mỹ kiên quyết
chống lại các "đòi hỏi quá mức", yêu sách bành trướng trong
việc áp dụng, giải thích UNCLOS gây cản trở tự do hàng không, hàng
hải ở Biển Đông.
Còn Trung Quốc thì vẫn cứ cố tình hiểu sai
và tuyên truyền sai.
Người Mỹ chưa bao giờ nói "các đảo ở
Biển Đông" thuộc về quốc gia nào như Trung Quốc đang tuyên truyền.
Họ chỉ quan tâm các thực thể này có hiệu lực pháp lý đến đâu. Không
thể đòi 12 hải lý lãnh hải cho các bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Càng
không thể đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho bất kỳ thực thể
nào ở Hoàng Sa, Trường Sa hay Scarborough.
Đó là lý do tại sao ông Mã Anh Cửu vội vã ra
đảo Ba Bình, Trường Sa lấy một ít rau trái, nước ngọt về để thanh
minh rằng đảo này có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo Điều 121
UNCLOS.
Tòa Trọng tài Thường trực PCA tới đây sẽ ra
phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng giải thích sai
UNCLOS, trong đó có nội dung các thực thể ở Trường Sa không phải là
một "Island" để hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh
tế theo Điều 121 UNCLOS.
Câu chuyện về chủ quyền chúng ta phải đấu
tranh theo một hệ thống pháp lý riêng, không phải việc áp dụng và
giải thích UNCLOS. Tách bạch rõ hai điều này, chúng ta mới có thể
đấu tranh hiệu quả trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích
hợp pháp của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh
tế, thềm lục địa hợp pháp ở Biển Đông, không bị rơi vào những cái
bẫy pháp lý đối phương đang cố tình giăng ra.
Thiết nghĩ chỉ có như vậy, chúng ta mới tận
dụng tối đa được vai trò, ảnh hưởng của các cường quốc bao gồm Hoa
Kỳ trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở
Biển Đông, ngăn chặn mọi hành vi sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng
vũ lực.
Ts
Trần Công Trục
No comments:
Post a Comment