Nam Phương/Người Việt
Friday, November 11, 2011 4:41:06 PM
LTS: Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, 46 tuổi, bị xét nhà và tịch thu máy computer, máy in, USB và một số đồ vật, tài liệu ngày 8 tháng 11, 2011. Ông và hai người con là Huỳnh Thục Vy (26 tuổi) và Huỳnh Trọng Hiếu (22 tuổi), bị gán cho là tuyên truyền chống phá chế độ. Ðây là cách qui chụp quen thuộc của nhà cầm quyền CSVN đối với những người dùng các diễn đàn Internet viết bài, phổ biến ý kiến chính trị khác với chủ trương của nhà cầm quyền Hà Nội.
Những gì được nêu trên báo Người Lao Ðộng và một số báo khác có thể là tiền đề cho một vụ bắt giam và truy tố.
Ông Tuấn từng bị bỏ tù 10 năm vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước” hồi năm 1992. Ông Tuấn và hai người con của ông là những người viết blog và viết báo mạng khá quen thuộc với những bài phản ảnh ý kiến cá nhân về các chuyện thời sự Việt Nam và thế giới.
Sau đây là cuộc phỏng vấn của báo Người Việt với ông Tuấn hôm 11 tháng 11, 2011.
Nam Phương: Chào ông Tuấn. Tôi được biết gia đình ông đang sống trong sự căng thẳng. Mới cách đây 2 ngày, ông bị xét nhà và tịch thu một số đồ đạc, đặc biệt là máy computer và USB. Tình hình gia đình ông hôm nay ra sao?
Huỳnh Ngọc Tuấn: Tình hình ngày hôm nay thì yên tĩnh. Không biết thái độ của họ tới đây sẽ như thế nào. Nhưng báo chí trong nước thì họ làm rùm beng vụ này nên tôi có cảm tưởng là họ đang chuẩn bị bắt cha con tôi.
NP: Những gì mà cha con ông để trên máy computer và USB đều là những bài đã được phổ biến quan điểm chính trị và thời sự trên Internet chứ chẳng có gì bí mật có phải không?
HNT: Trong máy computer, chỉ có một số hình ảnh của các cháu, rồi hình ảnh gia phả, hình ảnh của tôi và các bài viết mình đã công khai trên mạng rồi, và một vài cuốn sách, đâu có cái gì hơn.
NP: Ông họ Huỳnh, gia đình ông có liên hệ gì với dòng tộc cụ Huỳnh Thúc Kháng không?
HNT: Dạ không, theo sự tham khảo của tôi và dựa vào các người thân trong dòng tộc. Tên thật của tôi là Huỳnh Kim Tuấn. Gia tộc của tôi thì xuất thân từ Hải Dương rồi vô Hội An. Gia phả nói rằng gia tộc tôi và gia tộc cụ Hoàng Diệu cùng một gốc.
NP: Tôi được đọc ở trên mấy tờ báo của Việt Nam như tờ Người Lao Ðộng. Họ vu cho ông cái tội danh như từng áp đặt lên đầu một số người vận động dân chủ hóa đất nước như Cù Huy Hà Vũ, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và nhiều người khác. Có vẻ như ông đang trong hoàn cảnh nguy hiểm.
HNT: Tôi biết họ đang chuẩn bị bắt cha con tôi về cái tội đó.
NP: Bà vợ ông còn không?
HNT: Bà xã tôi mất lâu rồi. Hai mươi năm rồi. Trước khi tôi bị tù hai năm thì bà xã tôi mất.
NP: Trước kia ông làm gì?
HNT: Trước kia tôi buôn bán. Tôi có cửa hàng buôn bán. Sau khi tôi đi tù thì tôi nhượng lại cho ông anh tôi.
NP: Từ khi ông ra tù đến giờ, ông sống bằng cách nào và làm sao các con ông lớn lên, học hành ra sao?
HNT: Khi tôi đi tù về, kinh tế khó khăn. Cả nhà sống bằng gian hàng tạp hóa của hai con gái tôi. Cũng vì chuyện kiếm sống mà các con tôi không đi học đại học được. Ðáng lý ra cháu Vy ra trường ba bốn năm rồi nhưng nay cháu đang còn đi học đại học.
NP: Có bị rắc rối gì về chuyện học không?
HNT: Dạ không. Học đại học từ xa. Cứ hai tháng, người ta từ Hà Nội vào dạy thì không thấy rắc rối gì.
NP: Ông có mấy người con tất cả?
HNT: Có 3 người. Con gái lớn là Thục Vy. Con gái giữa là Huỳnh Khánh Minh thì đang học đại học Duy Tân ở Ðà Nẵng, năm cuối. Cháu Hiếu thì hồi đó họ không cho cháu thi từ lớp 9 lên lớp 10. Lý do họ nói thiếu tuổi nhưng mấy năm sau cũng không cho thi luôn. Cuối cùng, chương trình của chính phủ là bỏ thi nhưng họ lại bắt thi. Họ làm khó nên cháu phải học trễ, đúng ra giờ này có thể ra trường rồi nên bây giờ mới học năm thứ nhứt đại học từ xa.
NP: Tôi thấy những bài viết của ông, của cô Vy hay cậu Hiếu, cũng chỉ là những bài viết trình bày ý kiến bình thường, trong một xã hội bình thường, ai cũng có quyền phát biểu. Chẳng có cái gì sai quấy!
HNT: Tôi cũng thành thật nói với họ trong các buổi làm việc là quan điểm chúng tôi trình bày trong các bài viết là quan điểm cá nhân, cho nên các anh nói là sai, đó là cách nhìn của các anh. Còn đó là quan điểm cá nhân của chúng tôi. Là công dân, chúng tôi có quyền trình bày quan điểm cá nhân của mình, có khi nó ngược lại quan điểm của nhà nước. Hoặc là chúng tôi phê phán sự tha hóa của nhà cầm quyền, của chế độ. Hay chúng tôi lên án sự bất lực của chế độ. Ðó là thẩm quyền của công dân phát biểu quan điểm của mình, căn cứ trên Ðiều 69 Hiến pháp và Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Nhưng mà họ không chịu. Họ khó chịu. Họ căm ghét những bài đó rồi chụp cho cái mũ là tuyên truyền chống nhà nước rồi còn nói gây chia rẽ dân tộc. Tôi thấy buồn cười làm sao tôi chia rẽ dân tộc và cũng không hiểu nữa.
NP: Ông có bắt họ giải thích những điều họ qui chụp bố con ông không?
HNT: Họ khăng khăng giữ quan điểm của họ. Tôi nói họ vi phạm điều 69 Hiến pháp và vi phạm Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, vi phạm quyền tự do công dân của chúng tôi.
NP: Ông và các con ông đã bị họ thẩm vấn nhiều lần chưa?
HNT: Tôi đã bị họ thẩm vấn rất nhiều lần. Từ năm 2007 đến nay, cũng phải chục lần rồi. Họ cũng gửi giấy triệu tập tới các con tôi nhưng tôi không đồng ý cho các con tôi đi làm việc. Lý do tôi rất ngại vì có một số công an hung bạo lắm nên không dám để các con tôi đi. Ðiểm thứ hai là tôi không thấy có lý do chính đáng gì phải đi làm việc với công an hết. Tôi chưa cho Vy và Hiếu đi làm việc dù giấy mời rất là nhiều.
NP: Còn ông thì bị thẩm vấn nhiều lần?
HNT: Tôi bị họ mời đi thẩm vấn rất nhiều lần, mỗi lần hai, ba ngày. Những lần như vậy, tôi đối thoại với họ để họ hiểu quan điểm của tôi. Mỗi lần làm việc, họ như không muốn hiểu hoặc cố tình hiểu khác.
NP: Ông và các con khi đi ra khỏi nhà bị cản trở hay gặp rắc rối gì không?
HNT: Các cháu đi đâu thì người ta đi theo đó. Thí dụ như ngày 30-4 vừa rồi. Cháu đi thăm ông cậu ở Ban Mê Thuột. Ở được hai ngày thì họ xộc vô kiểm tra hộ khẩu, mời xuống cơ quan làm việc. Các cháu sợ quá phải bỏ về. Ngày 8 tháng 11 sau khi họ tịch thu máy và nhiều thứ, họ rút về thì tôi lên Tam Kỳ mở mail, gửi thư cho bạn bè thì họ xông vô buộc tôi phải mở hộp thư cho họ coi. Khi tôi về thì họ cho công an chận, thu xe, bắt người. Sáng nay, con tôi đi xóa hợp đồng thuê bao Internet vì máy móc đã bị công an lấy mất rồi. Người ta đòi nếu muốn xóa hợp đồng phải trả cái modem mà modem thì công an thu mất rồi.
NP: Những ngày sắp tới, liệu họ sẽ để yên cho gia đình ông sống không?
HNT: Chuyện kiếm sống có thể chúng tôi gặp khó khăn. Phải sống khắc khổ cũng không sao. Nhưng vấn đề tới đây là nay mai họ bắt mất rồi. Vấn đề mưu sinh thì chúng tôi không nghĩ tới nữa.
NP: Ông nghĩ sao nếu họ bắt cả ba bố con?
HNT: Việc họ bắt ba bố con tôi là việc làm vô cùng sai trái. Vi phạm không những quyền dân sự và chính trị theo Công Ước Quốc Tế, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà còn vi phạm cả bản Hiến pháp Việt Nam, và vi phạm cả đạo lý làm người nữa. Nhưng tôi có cảm tưởng là nhà cầm quyền hiện nay không quan tâm gì đến quyền của người dân. Họ muốn làm gì họ làm. Làm cái gì có lợi cho họ là họ làm.
NP: Những gì cha con ông viết đã diễn ra suốt từ nhiều năm qua chứ không phải mới đây để họ có biện pháp.
HNT: Có thể là họ không còn kiên nhẫn. Tôi vẫn khăng khăng với họ là tôi thể hiện quyền tự do công dân của tôi mà. Chỉ là ý kiến cá nhân thôi.
------------------------
Theo dòng thời sự :
.
.
.
No comments:
Post a Comment