Hà Giang/Người Việt
Saturday, November 26, 2011 6:54:50 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=140753&z=3
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=140753&z=3
WESTMINSTER (NV) - Trong vụ án giữa ký giả Triều Giang Nancy Bùi và ông Ðỗ Văn Phúc, người chủ tọa bồi thẩm đoàn trả lời phỏng vấn báo Người Việt có so sánh nạn chụp mũ trong cộng đồng với thời đại McCarthy trong lịch sử Mỹ thế kỷ trước.
Thời đại McCarthy là tên gọi thời thập niên 1950, khi Thượng Nghị Sĩ Joe McCarthy thúc đẩy một loạt các cuộc điều trần tại Quốc Hội, tố cáo người này người kia là cộng sản, là tay sai Liên Xô, làm cả nước Mỹ nóng lên với cơn sốt chống cộng, chỉ để dẫn tới nhiều người bị chụp mũ và cũng nhiều người khác chán nản bỏ nước Mỹ mà đi.
Bà Susan Toalson chủ tọa bồi thẩm đoàn trong vụ kiện “Bùi v. Ðỗ” không phải là người đầu tiên so sánh chuyện vu khống người khác là cộng sản trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt với thời đại McCarthy của Mỹ. Nhiều người khác cũng từng liên tưởng giống như vậy.
Trong bài “Vietnamese Americans take action against red-baiting”, đăng trên tờ Los Angeles Times ngày 6 tháng 4 năm 2009, nói về những vụ chụp mũ trong cộng đồng như vụ Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh kiện ông Cao Sinh Cường, vụ nhật báo Người Việt kiện 3 người biểu tình, vụ hai vị dân cử Janet Nguyễn và Trần Thái Văn tố cáo nhau là cộng sản, báo này viết:
“Ðối với những người không quen với sinh hoạt chính trị của người Việt Nam tại những ốc đảo như Little Sàigòn, mức độ tố cáo nhau là cộng sản và không khí đầy nghi ngờ có vẻ giống như một khúc phim thời sự từ thời McCarthy.”
Trong khi đó, trong bài “McCarthyism in San Jose” đăng ngày 4 tháng 6 năm 2010, ký giả Andrew Lam của New America Media, viết về việc chụp mũ nhau là cộng sản ở San Jose, mở đầu bằng câu:
“Với những người sinh sống và làm việc trong cộng đồng người Việt tại San Jose, thời đại McCarthy chưa bao giờ chấm dứt.”
Với nhan nhản những vụ kiện nổi tiếng liên quan đến việc chụp mũ cộng sản trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, có lẽ ví von rằng ở một số nơi, cộng đồng chúng ta còn đang sống trong thời McCarthy không phải là điều quá đáng.
Nhiều vụ án tương tự
Chỉ vài ngày trước khi vụ kiện “Bui vs. Do” vừa ngã ngũ ở Texas, một vụ kiện tương tự khác cũng vừa kết thúc.
- Ngày 21 tháng 10 mới đây, tòa án Virgina tại quận hạt Montgomery County phán quyết nhóm bà Ngô Thị Hiền, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, và ông Ngô Ngọc Hùng, đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại, phải bồi thường $1 triệu đô la cho ông Hoài Thanh, cựu chủ nhiệm tuần báo Ðại Chúng tại Maryland. Phán quyết này dựa trên chứng cớ cho rằng nhóm bà Ngô Thị Hiền đã dùng hệ thống truyền thông của mình chụp mũ ông Hoài Thanh là cộng sản.
- Tháng 4 năm 2009, tại Tòa Thượng Thẩm Washington, ở quận Thurston, tiểu bang Washington, bồi thẩm đoàn buộc tội và phán quyết năm cá nhân trong Ủy Ban Chống Cờ Việt Cộng phải liên đới bồi thường $225,000 cho ông Tân Thục Ðức, 65 tuổi, cựu trung úy QLVNCH, vì đã chụp mũ ông là “cộng sản”.
- Trước đó nữa, trong phiên tòa kết thúc ngày 22 tháng 3 năm 2006, tại Saint Paul, Minnesota, tòa tuyên bố ông Tuấn Phạm, một cựu quân nhân QLVNCH và chủ nhân ngôi chợ Capital Market, thắng kiện, và được bồi thường $693,000 thiệt hại, vì một số người Việt ở đây đã chụp mũ ông là cộng sản, gây nhiều tổn thất tinh thần và kinh tế cho ông và gia đình.
- Và vào đầu tháng 9 năm 2003, bồi thẩm đoàn thuộc tòa án Quận Denver, tiểu bang Colorado kết tội ban quản trị chùa Như Lai tại Colorado là đã mạ lỵ, phỉ báng và vu khống hai chị em Hồ Thị Thu và Hồ Thị Thi là cộng sản sau khi họ tố cáo một nhà sư ở chùa này có hành có hành vi tình dục bất chánh. Hai chị em nhà họ Hồ được tòa xử thắng $4.8 triệu.
Chụp mũ đụng độ luật pháp
Còn sống trong thời McCarthy hay không, theo cái nhìn của nhiều người, trong một vụ kiện vu khống, mạ lỵ, phỉ báng, chẳng ai là kẻ thắng.
Và việc mạ lỵ, phỉ báng người khác vô tội vạ, là hành vi không được luật pháp Mỹ chấp thuận.
Bà Toalson, chủ tọa của bồi thẩm đoàn giải thích lý do bà và 11 người còn lại trong bồi thẩm đoàn đã quyết định phạt bị cáo Ðỗ Văn Phúc khoản bồi thường 1.1 triệu đô la “để làm gương”:
“Chúng tôi muốn gióng lên một lời cảnh báo là mạ lỵ, phỉ báng người khác là hành vi không thể chấp nhận được, và những tổn hại ông Ðỗ đã gây ra cho bà Bùi rất có ác ý, và trái với đạo đức một cách nghiêm trọng.”
Nhà văn Trùng Dương, trong email viết về kết quả vụ kiện Nancy Bùi, phổ biến rộng rãi viết:
“Tuy kết quả vụ kiện là một thắng lợi cho Triều Giang và cả những người đã từng bị chụp mũ là thân cộng, song cũng là một kinh nghiệm đáng buồn cho chúng ta ở chỗ lẽ ra ta nên dùng những công sức ấy để xây dựng một cộng đồng lành mạnh đặng tiếp sức với cuộc đấu tranh cho dân chủ tự do (cho Việt Nam)... Thay vì thế, nhiều nơi trong cộng đồng chúng ta đang xảy ra cảnh ‘quân mình đánh quân ta’ rất đáng tiếc. Mong đây là một ‘wake-up call’ cho tất cả chúng ta, những người còn quan tâm tới Việt Nam.”
Bà Khúc Minh Thơ, nhân chứng của vụ kiện, phát biểu:
“Bản án nặng nề dành cho bị cáo là chiến thắng của sự thật, của công lý và của cộng đồng chúng ta. Ðồng thời là một cảnh cáo cho những người dùng chiêu bài ‘chống cộng’ để vu cáo, phỉ báng người lương thiện chỉ do lòng đố kỵ hay tư thù, và coi thường luật pháp, gây xáo trộn và chia rẽ cộng đồng, làm nản lòng những người có thiện chí và khả năng muốn dấn thân đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng. Vụ này sẽ là một án lệ quan trọng tạo dễ dàng cho những người bị vu cáo và phỉ báng đưa những kẻ vô lương tâm ra tòa.”
Cực đoan do đau xót
Có thể nào giải thích được tâm lý của những ai cố tình làm một điều mà tất cả mọi người trong cuộc đều bị tổn hại?
Sau khi bài viết “Từ tố cáo cộng sản đến phán quyết $1.9 triệu” được đăng trên nhật báo Người Việt, một độc giả xin được giấu tên, đã viết cho tác giả bài viết này những lời phân tích hết sức nhân bản:
“Trừ trường hợp những ai cố tình chụp mũ để hại thanh danh người khác vì ganh ghét, tị hiềm hay trả thù, có thể hiểu được là với những nạn nhân đã từng chịu nhiều đau khổ dưới tay của CSVN, với họ, bất cứ một ai không bầy tỏ một lập trường chống cộng dứt khoát, thậm chí cực đoan như họ, đều là những người chao đảo, cần phải khai trừ ra khỏi cộng đồng. Ở một mặt nào đó, có thể xem những người có hành động chụp mũ, là có bệnh.”
Mặt khác, độc giả nói trên viết: “Ðối với những nạn nhân bị chụp mũ, mạ lỵ, phỉ báng, thì không số tiền nào có thể đền bù cho những thống khổ mà họ đã phải trải qua.”
Một độc giả khác gửi email cho tác giả, vỏn vẹn chỉ một dòng chữ:
“Ðó là lý do tại sao người trẻ chúng tôi ngày càng xa lánh những sinh hoạt của cộng đồng.”
Mất mát sự tham gia và đóng góp của những người trẻ có lòng, còn quan tâm đến cộng đồng, đất nước, có lẽ là một tổn hại không thể nào tính được bằng tiền, và cũng là thiệt hại lớn nhất.
Ngay cả ông Ðỗ Văn Phúc, trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt là bản thân ông và những người đấu tranh cho một nền dân chủ cho Việt Nam nên rút tỉa kinh nghiệm gì trong vụ kiện vừa qua, và những vụ kiện tương tự cũng trả lời:
“Người Việt Quốc Gia không chống nhau, không tàn hại người cùng chiến tuyến. Nên dành sức chống Việt Cộng và Việt gian.”
Ðó là lý thuyết, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, có nhiều người bị mang nhãn hiệu “Việt Cộng và Việt gian” chỉ vì do một người nào đó chụp lên vô cớ.
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com
--------------------------
Vụ án Ký giả Triều Giang kiện ông Ðỗ Văn Phúc
Phong Trần ghi - Lời giới thiệu của nhà văn Trùng Dương
Một bài học chống cộng vô giá : Cựu lính VNCH bị phạt $1,9 triệu đô la
“Vô ơn bạc nghĩa” - Huy Phương
.
.
.
No comments:
Post a Comment