Tuesday, November 29, 2011

CHÓ ỈA BÀN CỜ DƠ MẶT TƯỚNG (Gocomay)



Gocomay
Đăng ngày: 15:42 28-11-2011


Tôi vốn là người lạc quan và luôn tin tưởng ở những điều thiện. Cho dù người làm việc thiện có một qúa khứ tốt xấu như thế nào.
Bởi vậy, ngay sau khi nghe được tin Thủ tướng Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội, khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Đặc biệt lời khẳng định của người đứng đầu chính phủ rằng: "Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và chính phủ là luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, việc làm của mọi người dân thực sự vì mục tiêu yêu nước, thực sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia". Khiến không ít người (trong đó có tôi) đã không ngần ngại hoan nghênh ông.

Thế mà chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sau, hàng chục người yêu nước nhiệt thành tới bờ hồ Gươm, chưa kịp (biểu tình) ủng hộ Thủ tướng... đã bị ngược đãi, bắt bớ một cách thô bạo. Với cách hành xử chả khác đám du thủ du thực, trước sự chứng kiến của nhiều người cả trong và ngoài nước.

Sự tréo ngoe giữa lời nói và việc làm của người đứng đầu chính phủ như thế, liệu có phải là tình trạng "trên bảo dưới không nghe"? Hay có kẻ tỵ hiềm, phá bĩnh nào đã cố tình bỉ mặt, làm mất uy tín của Thủ tướng trước bàn dân thiên hạ? Như có người nêu thắc mắc "Chẳng lẽ... Thủ tướng nói dối như cuội là đúng sao?".
Dù với bất cứ lý do gì thì "hành động của nhà cầm quyền hôm qua (27/11) là tiếng sét kinh hoàng đánh sập niềm tin vào Thủ tướng... và có lẽ là nhát kiếm oan nghiệt chém đứt chiếc chiếc cầu nối giữa lòng dân và chế độ" (*)
Kẻ nào sẽ thủ lợi khi khối đại đoàn kết của dân tộc ta không còn "trên dưới một lòng" nữa?

Trên mạng ABS, vào lúc 16h35′ (ngày 28/11): Độc giả Quốc Trung cho biết phản ứng mới nhất từ các báo mạng Trung Quốc trước lời tuyên bố về chủ quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội.

Bản tin video Thủ tướng Việt Nam công khai yêu cầu Trung Quốc trả lại Tây Sa: 越南总理公开要求中国归还西沙.
- Thủ tướng Việt Nam đòi Trung Quốc trả lại Tây Sa, giải phóng quân chia hai ngả bắt Việt Nam mất nước: 越南总理要中国还西沙,解放军兵分两路让越南亡国.
Việt Nam thò tay đòi lãnh thổ! Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc trả lại quần đảo Tây Sa: 越南伸手要领土了!越南总理要求中国归还西沙群岛.
Thủ tướng Việt Nam đòi trả lại Tây Sa, chẳng lẽ Trung Quốc để mặc? 越南总理叫归还西沙 中国岂能置之不理?

Như vậy, dù người lạc quan tin tưởng vào anh "bạn vàng" phương Bắc tới mức nào, cũng không thể phủ nhận được tham vọng và dã tâm thôn tính của những thế lực bành trướng bá quyền Đại Hán, trước sau vẫn không hề thay đổi. Cho dù, ngày hôm nay chúng đang ru ngủ người "anh em cùng ý thức hệ" phương Nam bằng xảo ngôn "tam tương tứ tốt" (3 tương đồng, 4 tốt)!

"Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi." - Câu nói nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng với Hồ Qúi Ly hồi cuối năm 1405 trước thềm cuộc mở mang bờ cõi của quân xâm lược nhà Minh vẫn còn đó, chả nhẽ những người đang lèo lái vận mệnh của quốc gia ở tứ trụ đỉnh cao như các ông: Trọng - Sang - Dũng - Hùng lại không biết hay không nhớ? Khi quốc gia không còn cảnh trong ấm ngoài êm "tướng sỹ một lòng phụ tử" thì hoạ đang tới cận kề... cũng chẳng phải bàn cãi nữa.

Những kẻ thủ lợi trong hố sâu ngăn cách giữa người dân yêu nước với giới cầm quyền tại nước ta không ai khác, đó chính là những kẻ đã "dùng vũ lực" đánh chiếm trái phép Hoàng Sa và Trường Sa của ta như chính Thủ tướng Dũng khẳng định. Cho nên việc làm thô lậu nhằm "đánh sập niềm tin vào Thủ tướng" như đã nói vào sáng ngày 27/11 vừa qua dù vô tình hay cố ý, người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Dũng, cũng khó có thể phủi sạch trách nhiệm được! Khi lời nói và việc làm của ông đã không đi đôi với nhau. Hay đó là sự bất lực ("lực bất tòng tâm") của vị tướng cầm quân ra trận, như dân gian từng nói: "chó iả bàn cờ dơ mặt tướng"?

Nếu chẳng phải vậy thì cần lý giải vụ "Thủ tuớng đốt lưới nhà" (*) như thế nào cho hợp nhẽ đây???

______

(*) THỦ TƯỚNG ĐỐT LƯỚI NHÀ

Chẳng giấu giếm gì, xin nói ngay tôi là người kỳ vọng vào thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông đọc diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên hồi 2006 với tuyên bố: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng, nếu tôi không chống được tham nhũng tôi xin từ chức ngay”

Nhiệm kì của thủ tướng đã hết nhưng con quái thú tham nhũng không sợ cái “kiên quyết và quyết liệt”, nó hoành hành còn dữ hơn hồi ông còn chưa nhậm chức. Có người bảo: Hình như tham nhũng nó có duyên với thủ tướng thì phải. Tôi giải thích rằng: Chủ thể tham nhũng là quan chức, những người có quyền lực trong tay. Tham nhũng ở nước ta là quốc nạn, thủ tướng một mình chống lại maphia làm sao chống ngay được. Anh bạn cười: Vấn đề chống tham nhũng cốt lõi không nằm ở chỗ nó dễ hay khó mà vấn đề chính yếu là thực tâm anh có muốn chống không đã. Ông Dũng đẻ ra cái Vinashin, chăm bẵm nó kỳ vọng sẽ là con gà đẻ trứng vàng là quả đấm thép kinh tế. Rốt cuộc con gà đó đẻ ra món nợ tám nghìn tỷ, trứng vàng đâu không thấy chỉ thấy nhân dân bị ép ăn trứng thối và quả đấm của thủ tướng quả thật đã trở thành quả đấm thép đấm vỡ mõm nền kinh tế nước nhà và kẻ bị đo ván là nhân dân lao động.

Nhưng tôi hy vọng ở thủ tướng. Với nhiệm kỳ thứ hai ông sẽ làm được cái gì đó vì còn biết trông mong vào ai? Chẳng lẽ đặt hy vọng vào ông Sinh Hùng khi năm 2008, tôi và khối kẻ cả tin trót nghe ông xui dại bán nhà mua chứng khoán để đến nỗi bây giờ tôi mất cả nhà lẫn vợ. Chẳng lẽ đặt hy vọng vào ông Đức Phát để rồi toàn thấy thất bát, vào ông Thiện Nhân để thấy nền Giáo dục thành thiện tai…

Bây giờ nên có cái nhìn thực tế để ủng hộ thủ tướng. Các nhà lãnh đạo trên đỉnh cao quyền lực của nước ta như bác Minh Triết sau những triết lý về “thức và ngủ” nay đã yên chỗ với triết lý “vui thú điền viên” rồi. Bác cựu Tổng bí thư Đức Mạnh sau quả Bô xít Tây nguyên dẫn Hoa quân nhập Việt thắng lợi nay cũng đã hạ cánh và kịp nhanh tay, mạnh chân làm cô vợ trẻ hơ hớ rồi lặn mất tăm. Vậy không hy vọng ở thủ tướng thì hỏi rằng biết hy vọng vào ai?

Tôi đã sung sướng nở mặt nở mày khi mấy hôm nay thấy thủ tướng của tôi đăng đàn Quốc hội.
Về vấn đề chủ quyền Tổ quốc ông dám khẳng định: Hoàng sa là thuộc chủ quyền của Việt nam đã bị Trung quốc dùng vũ lực xâm chiếm, điều mà mới hồi tháng 7 tháng 8 vừa rồi các bác lãnh đạo nhà nước khác coi là điều cấm kị sợ phạm đến thiên triều. Những người dân vì yêu nước dám liều mạng biểu tình nói lên cái điều “nhạy cảm” đó đã bị công an, chính quyền hốt lên xe bus và đánh đập tàn nhẫn.

Về vấn đề đối nội, Thủ tướng đề nghị Quốc hội soạn thảo luật biểu tình. Như vậy, sau những gì đã thấy ở nghị trường, nhân dân chán nản với những bà phó Doan mê man về dân chủ nghìn lần, nghị Đương “rau muống”, nghị Hồng bác sỹ sinh lý đòi luật thơ, nghị “Phước Khùng” ăn càn nói rỡ thì tôi càng củng cố niềm tin vào thủ tướng.
Bây giờ nhiều người đã có chung quan điểm với tôi, nhiều người khó tính hay bới lông tìm… kỳ nhông nay cũng phải bắt tay tôi…

Ấy vậy mà đùng một cái, ngay sau khi thủ tướng đăng đàn khẳng định quyền hiến định về quyền biểu tình thì ngay hôm sau trong đám lông đã bò ra con kỳ nhông: Sáng 27/11 giữa thủ đô Hà nội, các sắc công an chính quyền xanh lè, vàng khé tràn ngập Bờ Hồ, loa còi inh ỏi dồn bắt những trí thức ôn hòa hơn là đám lâm tặc trước sự kinh ngạc của nhiều khách Quốc tế đang thả bộ ngang đó.

Quả thật hành động của nhà cầm quyền hôm qua là tiếng sét kinh hoàng đánh sập niềm tin vào thủ tướng của tôi và có lẽ là nhát kiếm oan nghiệt chém đứt chiếc chiếc cầu nối giữa lòng dân và chế độ.

Chẳng lẽ người ta nói: Thủ tướng nói dối như cuội là đúng sao?
Tôi không muốn thế. Tôi chỉ hy vọng rằng đây chỉ là chuyện “hên sui” khi, sau những bàn thắng chính trường gần đây, hôm nay thủ tướng chỉ… không may nhỡ chân đốt lưới nhà thôi.

Mai Xuân Dũng
.
.
.

No comments: