Wednesday, November 30, 2011

CÚNG ĐÌNH, SINH HOẠT TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG HƯƠNG DĨ AN (Nguyên Huy/Người Việt)



Nguyên Huy/Người Việt
Saturday, November 26, 2011 4:56:05 PM

Từ 7 năm nay, từ khi Hội Ðồng Hương Dĩ An (Biên Hòa) được thành lập, năm nào cứ đến mùa lễ Tạ Ơn Thanksgiving của Hoa Kỳ là hội Dĩ An lại có cuộc họp mặt bà con để cùng nhau làm lễ Cúng Ðình cầu an khang thịnh vượng cho con dân Dĩ An, dù có xa quê hương bản quán.

Năm nay, hội cũng lại tổ chức lễ Cúng Ðình tại nhà hàng King Harbor trên đường Harbor trong thành phố Garden Grove vào buổi trưa hôm Thứ Bảy 26 tháng 11. Buổi lễ đã diễn ra khá trọng thể với chiêng trống đổ hồi khi ban tế gồm các cao niên trong hội cử hành các nghi thức cúng vọng.

Trên sân khấu là một bức hình Ðình làng Dĩ An lớn chiếm hết mặt đáy sân khấu. Một bàn thờ được đặt trước hình đình làng với những lễ vật, theo ban tổ chức là do bà con và anh chị em trong ban tổ chức mang đến cúng Thành Hoàng.

Thành Hoàng của Ðình Dĩ An, theo anh Ngụy Ðược, hội trưởng Hội Dĩ An cho biết: “Chúng tôi thuộc lớp trẻ, khi lớn lên thì vào trong quân đội VNCH nên chỉ được hiểu sơ lược do các vị trưởng thượng trao truyền lại. Thành Hoàng trong Ðình Dĩ An là một người dân Dĩ An nhưng có công giúp dân Dĩ An làm ăn xây dựng được cuộc sống no ấm, thịnh vượng nên đã được dân chúng tôn lên làm Thần Hoàng khi quá cố. Chúng tôi không được rõ tiểu sử của Ngài lắm, nhưng bà con Dĩ An ai cũng tin tưởng Thần Hoàng đã luôn phù hộ độ trì cho con dân Dĩ An làm ăn được phát đạt dù có phải xa xứ. Có nhiều bà con cho chúng tôi biết mỗi khi làm ăn bị sa sút mà làm một cái lễ tới Ðình van vái thì thường công việc được hanh thông một cách không ngờ được nên ai nấy đều có lòng tin lắm. Hồi trước năm 1975, hàng năm dân Dĩ An đều mở hội cúng Ðình vào dịp này, nên chúng tôi hàng con cháu nay ở hải ngoại cũng không thể quên được cái truyền thống tốt đẹp của ông bà mà cũng tổ chức hàng năm nhân dịp hội ngộ để lớp trẻ nối dõi được sự sinh hoạt theo truyền thống của dân Dĩ An”.

Thường những năm trước, sau buổi tế lễ bao giờ cũng có một màn Hát Bội đúng như trong lễ hội Cúng Ðình Dĩ An, nhưng năm nay vì nhiều điều kiện khó khăn như ban tổ chức cho biết, nên lễ cúng Ðình cũng tiết giảm đi phần ca cổ nhạc. Tuy nhiên, bà con Dĩ An khi đến tham dự ai nấy đều hân hoan vui mừng được gặp lại nhau sau một năm tất bật với cuộc sống.

Bà Soi Lê, một người dân gốc Dĩ An, cùng phu quân là ông Steven Groveston, từ New Jersy năm nào cũng thu xếp công việc để về tham dự. Bà cho biết: “Xa quê hương bản quán mấy chục năm rồi nên được gặp lại nhau thăm hỏi nơi xưa chốn cũ, ai thì không biết chứ riêng tôi, đó là một điều hạnh phúc không có gì mua nổi. Dĩ An chúng tôi chỉ là một quận nhỏ, trước đây thuộc tỉnh Biên Hòa, nhưng người dân Dĩ An, cho dù là dân tứ xứ đến lập nghiệp làm ăn, ai cũng quyến luyến vì xứ nghèo mà lại nằm trong khu vực đầy không khí chiến tranh nên ai nấy sống chung trong tình thương yêu thắm thiết lắm”.

Người dân Saigon, Gia Ðịnh và Biên Hòa không ai là không biết Dĩ An, một quận nhỏ nằm bên Quốc lộ I. Khi xưa Dĩ An khi xưa là một quận thuộc tỉng Gia Ðịnh, sau lại thuộc tỉnh Biên Hòa. Từ ngày cộng sản chiếm được miền Nam thì Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương Sông Bé. Nói đến Dĩ An người dân ở đây thường nhắc tới kỹ nghệ làm đầu máy xe lửa thời Pháp thuộc cho khắp các xứ Ðông Dương. Vì thế người dân tuy phần lớn sinh sống bằng nghề nông nhưng cũng sớm biết đến văn minh máy móc hơn các vùng khác. Sau này, trong chiến tranh chống CSBV xâm lăng, Dĩ An đã là một vùng đất mang nhiều không khí chiến tranh vì gần Dĩ An có căn cứ Sóng Thần của Thủy Quân Lục Chiến, có các đơn vị của Sư Ðoàn 5, sau đó là Sư Ðoàn 18. Dĩ An cũng là khu vực đóng quân của Sư Ðoàn I Không Vận Hoa Kỳ, của Ðoàn Công Binh Kiến Tạo Ðại Hàn. Chính nhờ sự có mặt của các đơn vị này nên người dân Dĩ An lúc ấy đã làm ăn rất phát đạt. Nhưng Dĩ An cũng là nơi an ninh thường bị đe dọa vì cũng là cửa ngõ cho quân CS thâm nhập từ các mật khu của CS như Bời Lời, chiến khu D Phước Bình Thành. Theo nhiều người dân Dĩ An thì chính vì không khí chiến tranh ấy mà người dân Dĩ An rất thương yêu nhau.

Với những người dân mà Dĩ An là nơi chôn nhau cắt rốn thì cái Ðình làng là nơi biểu tượng cho sự an vui thanh bình, gốc gác tổ tiên, làng xóm. Theo nhiều bô lão trong hội thì hội cúng đình hàng năm của Dĩ An rất long trọng, có thể kể vào bậc nhất trong các lễ hội của toàn vùng. Như chúng ta đã biết thì Ðình làng là trung tâm sinh hoạt, trung tâm văn hóa, xã hội cũng như tín ngưỡng của người dân nông thôn VN khắp từ Bắc vào Nam. Ðình làng thường thờ một vị anh hùng dân tộc hay một quan chức nhỏ nhưng đã có công xây dựng, giúp dân trong làng, xã được sống trong thịnh vượng, an bình. Cũng có khi đình làng lại chỉ thờ một vị ăn trộm ăn cướp nhưng lại là người có công lớn đối với dân trong làng, được toàn dân trong làng mến phục, thấm nhuần ơn đức. Lại cũng có làng tôn người đã làm một nghề đầu tiên mà sau đó toàn dân trong làng theo nghề đó mà đủ ăn đủ mặc có cuộc sống sung túc. Người đầu tiên làm nghề đó khi chết được dân làng tôn làm Thần Hoàng. Phong tục tập quán của người bình dân Việt ở khắp các vùng nông thôn từ Bắc chí Nam đã tỏ ra tinh thần rất dân chủ, bình đẳng và đạo đức. Cho dù có là tên tướng cướp, hay làm một nghề hèn mọn như đổ phân nhưng có công trạng giúp dân, hết lòng với bà con trong làng, giúp cho bà con trong cuộc sống thì khi chết đi vẫn được bà con tôn thờ, nhớ ơn mà đưa lên thành Thần Hoàng được cúng giỗ trong Ðình làng, nơi được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng ấy.

Cho đến nay, dù chế độ cộng sản có chủ tâm tiêu diệt tín ngưỡng nhưng cũng phải lui bước trước những sinh hoạt đầy nhân tính, phóng khoáng của người dân Việt.

Có lẽ ở hải ngoại chỉ duy nhất có Hội Ái Hữu Dĩ An là có truyền thống Cúng Ðình hàng năm để nhắc nhở chúng ta về một truyền thống sinh hoạt văn hóa của người Việt.

Giữ được truyền thống sinh hoạt ấy phải kể đến công lao của ông bà Ngụy Ðược và Mỹ Dung với một ban chấp hành gồm những khuôn mặt sinh hoạt thường xuyên trong cộng đồng như ông Nguyễn Văn Ức, Huỳnh Tông Kính, Dương Kiến Duyên và Kim Loan.

Quí đồng hương Dĩ An muốn liên lạc với hội có thể liên lạc (714) 914-7001, (714) 351-5817 hay (714) 469-2797.
______
Liên lạc người viết; nghuy9@yahoo.com
.
.
.

No comments: