Tuesday, November 29, 2011

PUTIN QUYẾT GIỮ NGÔI BÁU DÀI DÀI (Hoàng Trường Sa, Kiev)




Ngày thứ bảy 24.09.2011, một tấn tuồng được trình diễn trên sân khấu chính trị nước Nga: trước hơn 11 nghìn đại biểu tham dự đại hội XII của Đảng “Nước Nga Thống nhất” (Edinaya Rossya), Tổng thống đương nhiệm Liên bang Nga Dmitri Medvedev đăng đàn, long trọng đề cử Thủ tướng đương nhiệm Vladimir Putin ra ứng cử Tổng thống, và ông Putin trịnh trọng đứng lên vui vẻ nhận lời trong tiếng hoan hô như sấm dậy của các đại biểu, đồng thời ông tuyên bố nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ cử ông Medvedev làm Thủ tướng. Các đại biểu lại vỗ tay ầm ĩ.

Xin lưu ý bạn đọc là dưới thời ông Brezhnev, đại hội XXVI của Đảng cộng sản Liên Xô đông đại biểu nhất cũng chỉ có 4994 người, họp ở Cung Đại hội. Còn đại hội Đảng của ông Putin đông hơn gấp đôi, không cung điện nào chứa nổi khối người khổng lồ đó, nên phải họp trên sân vận động lớn nhất nước Nga là sân Luzhniki ở Moskva!

Thật ra, cái trò hề “kẻ tung người hứng” của cặp bài trùng này chẳng có gì mới cả, nó chỉ lặp lại màn hài kịch hồi cuối năm 2007: Đảng “Nước Nga Thống nhất” đề cử Phó Thủ tướng đương nhiệm hồi đó là ông Dmitri Medvedev ra ứng cử Tổng thống, và Tổng thống đương nhiệm sắp hết nhiệm kỳ thứ hai là ông Vladimir Putin tuyên bố nhiệt liệt ủng hộ ứng viên Medvedev, còn ông Medvedev thì cám ơn sự tín nhiệm của Tổng thống Putin, đồng thời tuyên bố nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ cử ông Putin làm Thủ tướng.

Thật không thể tưởng tượng nổi hai vị đứng đầu nhà nước này coi khinh dân Nga đến mức nào mới dám diễn đi diễn lại cái trò hề “tung hứng” kệch cỡm dường ấy trước bàn dân thiên hạ của nước Nga vĩ đại, khi dân chủ đang là xu thế chung của nhân loại ở cái thế kỷ 21 này!

Thật ra, cái “sự kiện lịch sử” vừa qua không làm cho ai có chút hiểu biết phải ngạc nhiên cả! Theo dõi kỹ những “nước bài” của ông Putin đã đi ngay từ năm 1999 (khi ông đang ở trên cương vị Thủ tướng và chuẩn bị tiếp nhận ngôi vị Tổng thống do ông Boris Yeltsin trao lại) đến nay đều nằm trong một kịch bản có tính toán kỹ càng nhằm giúp ông chiếm giữ dài dài “ngai vàng” ở nước Nga ít nhất là trong 20 năm, nếu mọi việc của ông đều được suôn sẻ và nếu đến năm 2024, điều 81 trong Hiến pháp Liên bang Nga vẫn còn tồn tại.

Xin nói thêm, điều 81 của Hiến pháp nước Nga cấm tổng thống được giữ cương vị của mình hơn hai nhiệm kỳ liên tục. Cho nên khi sắp hết nhiệm kỳ hai, Tổng thống Putin đã có “sáng kiến” đề cử ông Medvedev lên ngôi vị Tổng thống, còn chính ông thì lui về cương vị Thủ tướng. Chắc là ông khoái trí lắm khi nghĩ ra cái “tuyệt chiêu” này để luồn lách điều 81. Phần đông dân chúng đều biết ông Medvedev chỉ là người canh giữ ngôi báu trong bốn năm cho ông Putin mà thôi. Để tránh sự hiểu lầm mình là con rối trong tay ông Putin, Tổng thống Medvedev thường cố làm ra vẻ “độc lập”, thỉnh thoảng có ý kiến ít nhiều “khác biệt” với ông Putin, nhưng thực ra ông chỉ đóng đúng vai trong vở kịch đã viết sẵn mà thôi. Như vậy, rõ ràng là ông Putin có cái mộng giữ ngôi báu ở nước Nga ít nhất trong 20 năm, hơn ông Brezhnev hai năm.

Có thể nói vắn tắt những “nước bài” chính trong cái kịch bản của ông Putin để chiếm giữ dài dài ngôi báu ở nước Nga như sau .

1/ Ngay sau khi nhận chức Thủ tướng hồi tháng 08.1999, nhân có vụ nổ bom ở Moskva, ông Putin liền huy động quân đội cấp liên bang mở chiến dịch lớn chống phiến quân Chechnya, mở đầu cuộc chiến tranh ở Chechnya lần thứ hai. Việc này “gãi đúng chỗ ngứa” của số đông người dân Nga bình thường, trí óc thấp kém đang khao khát có “một bàn tay sắt” để đem lại vị thế nước Nga như dưới thời đế chế Nga hoàng. Quyết định mở chiến dịch này cũng như những lời tuyên bố hùng hổ nặng tính dân tộc chủ nghĩa nước lớn của Tổng thống đã kích động mạnh tinh thần dân tộc chủ nghĩa của dân Nga. Nhờ đó uy tín của ông Putin bắt đầu tăng vọt từ 14% lên đến gần 70% trong một thời gian ngắn. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 03.2000.
Nhưng mặt tiêu cực của điều nói trên cũng đã lộ rõ, như ông Vladimir Lukin, Ủy viên phụ trách nhân quyền của Liên bang Nga, đã tuyên bố hồi năm 2004: nhận thấy rằng dưới thời Tổng thống Putin, đầu óc sô-vanh và chủ nghĩa chủng tộc đã tăng lên mạnh. Ông Lukin làm việc trong bộ máy chính quyền mà nói như vậy là mạnh miệng lắm. Còn vị lãnh đạo Ủy ban bảo vệ tự do tín ngưỡng, linh mục Gleb Yakunin, thì buộc tội nhà cầm quyền đã dung túng và tuyên truyền cho bạo lực và lòng căm ghét đối với các dân tộc thiểu số cũng như một nhóm người nhất định. Hậu quả rõ rệt nhất của việc cổ vũ cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa của dân Nga là trong thời gian này rất nhiều tổ chức dân tộc chủ nghĩa quá khích hoặc phát xít mới đã mọc lên và ngang nhiên hoành hành. Nhiều người than phiền rằng các lực lượng an ninh của nhà nước trong một thời gian dài đã dung túng cho những phần tử này, thậm chí để cho chúng có tổ chức bán vũ trang và công nhiên dùng các biểu trưng của phát xít. Nhiều vụ giết người ngoại quốc do bọn này đã gây ra, trong số đó có vài người Việt; một số gia đình người Việt đã kiện lên tòa án, nhưng khi xét xử thì bọn giết người lại được tha!
Cuộc chiến tranh lần thứ hai ở Chechnya đã gây ra biết bao đau thương cho dân Chechnya, cũng như dân Nga, Sau nhiều năm chiến đấu, cuối cùng người Nga đã dựng lên được một bộ máy cầm quyền tay sai ở Chechnya. Năm 2007, Tổng thống Putin tuyên bố “nhờ lòng dũng cảm và sự thống nhất của nhân dân Nga, cuộc xâm lăng của khủng bố quốc tế đã bị quật lùi”. Thế là bộ máy tuyên truyền tung lên huyền thoại dường như ông Putin đã bình định được vùng Caucasia. Nhưng thật ra cho đến nay vùng này vẫn chưa yên, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, nó thay đổi hình dạng và lan rộng ra mấy nước lân cận đến tận xứ Daghestan. Những vụ khủng bố thường diễn ra ngay trên nước Nga. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ nổ bom các nhà ở tại Buinaksk, Moskva và Volgadonsk hồi tháng 09.1999 đã làm 307 người chết, trên 1700 người bị thương và vụ bắt con tin ở trường học số 1 tại Beslan hồi tháng 09.2004 làm 331 người chết! Ngay tại thủ đô Moskva cũng đã xảy ra vụ bắt con tin trong buổi biểu diễn tại sân khấu trên đường Dubrovka hồi tháng 10.2002 làm 174 người chết, vụ nổ bom trên đường phố Moskva và tại festival-rok ở Tushino hồi năm 2003 làm 20 người chết, vụ nổ bom ở metro hồi tháng 02 và tháng 08.2004 làm trên 40 người chết, v.v… Nhưng dù sao đi nữa việc phát động cuộc chiến tranh lần thứ hai ở Chechnya đã bảo đảm cho ông Putin giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc bầu tổng thống năm 2000.

2/ Bước tiếp theo là Tổng thống cố tạo nên lực lượng chính trị mạnh riêng của mình. Vừa lên nắm quyền, ông bắt tay ngay vào việc thành lập đảng chính trị làm hậu thuẫn cho ông. Lúc đầu, ông cử bộ trưởng thân tín của mình là ông Sergei Shoigu đứng ra thành lập tổ chức “Thống Nhất” (Edinstvo). Một thời gian sau, tổ chức này tìm mọi cách thu hút tổ chức “Tổ Quốc” (Otechestvo) của ông Yuri Luzhkov, thị trưởng Moskva và tổ chức “Toàn bộ nước Nga” (Vsya Rossya) của ông Mintimer Shaimiev Tổng thống Cộng hòa Tatarstan, là những tổ chức thanh thế hồi đó ở Nga (một thời họ muốn đứng ngoài tổ chức “Thống Nhất”) để hình thành nên Đảng “Nước Nga Thống nhất” vào cuối năm 2001. Từ tháng 11.2002, Đảng này do ông Boris Gryzlov, Bộ trưởng Nội vụ Nga làm chủ tịch Hội đồng tối cao của Đảng. Còn ông Putin không là thành viên, nhưng lại được suy tôn là lãnh tụ của đảng. Chuyện lạ đời này chỉ ở nước Nga mới có! Đảng của Tổng thống nhanh chóng trở thành một tổ chức lớn mạnh nhờ bám chặt vào bộ máy nhà nước bằng cách thu nạp các bộ trưởng, các tỉnh trưởng, các tổng thống các nước cộng hòa và quan chức các bộ, các tỉnh… để khuếch trương lực lượng của đảng trong mọi cơ cấu nhà nước. Các quan chức khắp cả nước đua nhau vào đảng, tỏ lòng trung thành với lãnh tụ của đảng vì họ biết đó là cách bảo đảm chắc chắn nhất để thăng quan tiến chức và giữ “ghế” lâu dài. Từ năm 2005, đảng này còn chú ý kết nạp những người lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp lớn. Dưới thời Tổng thống Putin một vài tổ chức thanh niên được thành lập, đáng kể nhất là tổ chức “Nashi” (có nghĩa: “Những người của chúng ta”), một tổ chức na ná như Đoàn Thanh niên cộng sản dưới thời xô-viết, làm trợ thủ và hậu thuẫn cho đảng cầm quyền. Tổ chức “Nashi” được Tổng thống đặc biệt chăm sóc. Ngoài ra, theo sáng kiến của ông Putin, Mặt trận nhân dân toàn Nga đã được thành lập hồi tháng 05.2011. Như vậy là ông Putin đã tạo được một chỗ dựa đông đảo, vững vàng, bảo đảm mọi chủ trương do ông đưa ra đều được thực hiện dễ dàng, và đặc biệt là bảo đảm cho Đảng “Nước Nga Thống nhất” giành được đại đa số trong Quốc hội (có tên là Duma Quốc gia), cũng như trong các cơ quan dân cử ở các địa phương.
Để cổ vũ lòng dân, trước cuộc bầu cử vào Quốc hội năm 2003, Đảng “Nước Nga Thống nhất” đưa ra cái gọi là “Tuyên ngôn Nước Nga Thống nhất” và trước cuộc bầu cử năm 2007 đưa ra “Kế hoạch Putin”. Cả hai văn bản này đều rất hoành tráng hứa hẹn những mục tiêu huy hoàng đầy khích lệ. Chỉ xin nêu một điểm thôi: …“năm 2008, mỗi gia đình, không tùy thuộc vào mức thu nhập hiện nay, đều sẽ có nhà ở khang trang của mình xứng đáng với thiên niên kỷ thứ ba” (đáng buồn thay, nay đã gần cuối năm 2011 mà điều này vẫn còn nằm trên giấy và hình như không ai còn nhớ tới nữa)! Với những mục tiêu tuyệt vời như vậy thì không ai ngạc nhiên trước thắng lợi rực rỡ của ông Putin và Đảng “Nước Nga Thống nhất” trong các cuộc bầu cử năm 2003 và 2007 cả.

3/ Bước quan trọng nữa là lợi dụng thế thượng phong của Đảng “Nước Nga Thống nhất” trong Quốc hội, Tổng thống đưa ra những quyết định nhằm xóa dần cấu trúc dân chủ và từng bước xây dựng cấu trúc quyền lực độc đoán.
Tổng thống thường tuyên bố rằng phải hồi sinh lại nước Nga thành một nhà nước hùng mạnh. Nhưng, dưới cái khẩu hiệu rất hấp dẫn đó đối với đa số dân Nga, ông khôi phục lại hệ thống cai trị tập trung quan liêu, do đó chính quyền trung ương nắm lấy tất cả, mà gạt bỏ tính tự quản của các địa phương.
Điều này những người thuộc phe cánh Tổng thống gọi là “liên bang hóa nước Nga”. Thoạt tiên, ông đặt các đại diện toàn quyền của Tổng thống cạnh các tỉnh trưởng, các tổng thống các nước cộng hòa do các cuộc phổ thông đầu phiếu bầu lên dưới thời ông Boris Yeltsin để kiểm soát họ và đề cao uy thế của quyền lực Tổng thống. Sau đó, tiến lên một bước nữa: xóa bỏ chế độ các cử tri trực tiếp bầu cử các tỉnh trưởng, thị trưởng, các tổng thống nước cộng hòa, thay bằng việc “khối đa số” trong các cơ quan dân cử các cấp đó (tức là Đảng “Nước Nga Thống nhất”) đề cử các ứng viên vào các chức vụ đó, rồi Tổng thống lựa chọn và giới thiệu để các cơ quan dân cử các cấp đó bỏ phiếu tán thành. Như vậy, các chức vụ này từ cuối năm 2004 thực tế đều do Tổng thống chỉ định, còn cử tri thì bị tước mất quyền bầu cử các tỉnh trưởng, thị trưởng, các tổng thống nước cộng hòa! Điều luật vi hiến này đã bị đảng Liên minh Hữu phái (SPS) kiện lên Tòa án Hiến pháp, nhưng… đáng buồn thay cho cử tri nước Nga, ngày 21.12.2005, Tòa án Hiến pháp đã công nhận việc làm ấy là hợp pháp! Đó là chưa nói đến nhiều hành động vi hiến khác, như áp dụng hệ thống các khu liên bang, sửa đổi nguyên tắc hình thành Hội đồng Liên bang (thượng viện), v.v…
Để xây dựng cấu trúc quyền lực độc đoán thì việc quan trọng nữa là phải gạt bỏ các đảng đối lập ra khỏi Quốc hội và các cơ quan dân cử ở địa phương, tiến lên một bước nữa là chặn đường không cho các đảng và các phong trào đối lập được đăng ký hợp pháp để ngăn cản họ ứng cử vào Quốc hội và các cơ quan dân cử ở các địa phương. Nhiều đảng đã có trước dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, nay Bộ Tư pháp dựa vào Luật mới về các đảng chính trị để không cho họ đăng ký, như Đảng Cộng sản Công nhân Nga, Đảng Cộng hòa Nga, Liên minh những người vì Giáo dục và Khoa học… Riêng Đảng Bolchevich Dân tộc chủ nghĩa thì bị cấm. Trong lúc đó, vài đảng “bỏ túi” đối lập “cuội” thì được đăng ký và được trúng cử vào Quốc hội.
Thực ra để làm những việc này thì không khó gì cả, khi đảng của Tổng thống chiếm đại đa số trong Quốc hội lại thêm có mấy đảng đối lập “cuội” toa rập theo đảng cầm quyền. Chỉ cần Tổng thống đưa ra những dự luật về sửa đổi luật bầu cử, luật về các đảng chính trị, về báo chí, về trưng cầu dân ý, về biểu tình, về các tổ chức tôn giáo, … thậm chí cả về việc dùng lại quốc thiều của Liên Xô cũ làm quốc thiều của Liên bang Nga, thì “khối đa số” trong Quốc hội, tức là Đảng “Nước Nga Thống nhất”, bảo đảm chắc chắn Quốc hội sẽ thông qua thành luật. Chỉ xin nêu một trong số rất nhiều điểm thay đổi, là việc nâng ngưỡng phần trăm được bầu để có dân biểu trong Quốc hội từ 5% (được thực hiện từ những năm 90 thế kỷ trước đến năm 2003) lên 7% (được thực hiện từ năm 2007). Chỉ một điểm thay đổi đó thôi, Tổng thống đã gạt được nhiều đảng dân chủ và đảng đối lập ra khỏi Quốc hội hồi năm 2007. Trong cuộc bầu cử năm 2003, Đảng “Nước Nga Thống nhất” là đảng của Tổng thống, thu được 37,57 % số phiếu, cho phép đảng đó có đoàn dân biểu đông nhất trong Quốc hội, và hồi đó trong Quốc hội có 8 đảng. Đến khóa 5 được bầu lên năm 2007, đảng của Tổng thống thu được 64,3 % số phiếu, được có 315 dân biểu trong tổng số 450 dân biểu ở Quốc hội (chiếm 70% số ghế), và trong Quốc hội chỉ còn 4 đảng: ngoài Đảng “Nước Nga Thống nhất”, có thêm Đảng Cộng sản Liên bang Nga (ĐCS) có 57 dân biểu (12,7% số ghế), Đảng Tự do Dân chủ Nga có 40 dân biểu (8,9% số ghế) và Đảng “Nước Nga Công bằng” có 38 dân biểu (8,4% số ghế). Cần nói rõ, trừ ĐCS là đối lập thật, còn hai đảng sau chỉ là những đảng “bỏ túi” đối lập “cuội”. Luật về các đảng chính trị đưa ra rất nhiều điều khoản ngặt nghèo (trái với điều 30 của Hiến pháp) để Bộ Tư pháp, Viện Tổng công tố và các tòa án viện cớ lặt vặt về kỹ thuật pháp lý để dễ dàng không cho các đảng dân chủ hay đối lập được đăng ký, do đó gạt họ ra khỏi việc ứng cử, ra khỏi sinh hoạt chính trị của đất nước. Trong số các đảng không được đăng ký trước cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới (04.12.2011), đáng chú ý có Đảng Tự do Nhân dân (còn gọi là Parnas), là chính đảng do cựu Thủ tướng Mikhail Kasyanov, cựu Phó Thủ tướng Boris Nemtsov và cựu dân biểu Quốc hội nhiều khóa Vladimir Ryzhkov làm đồng chủ tịch. Điều này chứng tỏ kẻ cầm quyền run sợ trước một tổ chức dân chủ đối lập thật sự.
Sau khi đã triệt hạ được nhiều đảng và đã thay đổi hầu hết các đạo luật quan trọng rồi, thì mới đây, hồi tháng 10.2011, Quốc hội lại thông qua luật hạ ngưỡng phần trăm được bầu vào Quốc hội từ 7% xuống 5% để làm ra vẻ mở rộng dân chủ, nhưng điều này sẽ… không được thi hành trong cuộc bầu cử dân biểu vào Quốc hội năm 2011, mà phải đợi đến năm 2016 mới thực hiện!

4/ Bước quan trọng nữa trong kịch bản của ông Putin là phải dẹp hết báo chí và các kênh truyền hình độc lập đã tồn tại dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, như các kênh NTV, ORT, TV-6 do các “đại gia” Nga bỏ vốn, thuê người làm.
Nhiều người cho rằng, ngay sau khi ông Putin làm Tổng thống, dường như có một thỏa thuận nào đó giữa Tổng thống với các “đại gia”, mà người Nga gọi là “oligarchi”, là: nếu các “đại gia” xử sự tốt, không có lối làm ăn đáng ngờ (“lối làm ăn đáng ngờ” hàm ý có dính đến chính trị) thì chính phủ sẽ làm ngơ trước những vi phạm luật pháp đã xảy ra trước đây của các vị ấy. Còn các vị nào biết ngoan ngoãn với điện Kremli thì sẽ được yên ổn làm ăn và hưởng lợi, chẳng hạn như tỷ phú Roman Abramovich…
Để dẹp báo chí và các kênh truyền hình độc lập, việc trước tiên là mở một chiến dịch đánh “olgarchi” có dính đến chính trị, tức là những người chủ báo chí và các kênh truyền hình độc lập hoặc ủng hộ phe đối lập với Tổng thống. Bốn ngày sau khi Tổng thống nhậm chức, ngày 11.05.2000, văn phòng của holding “Mediamost”, là công ty của ông Vladimir Gusinski, chủ của kênh truyền hình NTV là kênh được khán thính giả Nga ưa thích nhất, bị khám xét. Đến ngày 13.06.1999, thì ông này bị bắt giam. Theo dư luận, hồi năm 1999, kênh NTV đã ủng hộ các đối thủ chính trị của ông Putin trong cuộc bầu cử vào Quốc hội, là ông Yuri Luzhkov và ông Evgheni Primakov thuộc khối “Tổ quốc – Toàn bộ nước Nga” (OVR) hồi bấy giờ họ chưa nhập vào đảng của Tổng thống. Về vụ này, ông Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô, cho biết rằng: ngày 20.06.2000, trong nhà tù Butyrski, Bộ trưởng Báo chí Mikhail Lesin đã đề nghị ông Gusinski ký hợp đồng chuyển giao các cổ phần của kênh NTV cho công ty “Gazprom”, nếu đồng ý thì sẽ được đình cứu về hình sự. Ông Gorbachev nhận xét rằng: “đây là cuộc săng-ta trắng trợn nhất của nhà nước”. Ông Gusinski đã đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu và tòa án này đã bắt Liên bang Nga phải trả cho ông Gusinski 88 ngàn euro đền bù án phí. Nhưng việc sách nhiễu của các cơ quan nhà nước đối với ông vẫn liên tục tiếp diễn, cuối cùng ông Gusinski buộc phải chạy ra nước ngoài.
“Đại gia” thứ hai bị đánh nặng dưới thời Tổng thống Putin là ông Boris Berezovski, người nắm được các cổ phiếu kiểm soát của kênh ORT. Vì nợ nần, ông này buộc phải chuyển giao quyền sở hữu cho công ty “Gazprom”, và sau đó kênh truyền hình TV-6 của ông bị ngừng phát. Ông Berezovski bị buộc nhiều thứ tội cả hình sự lẫn chính trị, cuối cùng ông phải chạy sang Anh xin cư trú chính trị. Còn các kênh truyền hình độc lập ORT, NTV đều trở thành những kênh của nhà nước, và các nhà báo tiến bộ ở đấy đều bị thải loại hết.
Nhưng, có lẽ những “đại gia” bị đánh nặng nề nhất là hai ông Mikhail Khodorkovski và Platon Lebedev, đứng đầu công ty khai thác dầu lửa “Yukos”. Hai ông bị buộc vào tội hình sự, sau khi ông Khodorkovski tuyên bố sẽ tài trợ cho “Liên minh các lực lượng hữu phái” (SPS), Đảng “Quả táo” và ĐCS là các chính đảng đối lập với Tổng thống. Tháng 05.2005, hai ông Khodorkovski và Lebedev bị kết án 9 năm tù vì tội lừa đảo và biển thủ. Đến năm 2010, người ta lại bày ra một vụ án thứ hai nữa để xử hai ông lần nữa. Hai vụ án này bị nhiều người phản đối, cho đó là một vụ án chính trị. Tháng 05.2010, ông Mikhail Kasyanov, cựu thủ tướng Nga, người làm chứng tại phiên tòa đã khẳng định rằng: thực ra cách làm việc của công ty “Yukos” không khác gì các công ty dầu lửa lớn trong nước hồi đó, thế mà bây giờ lại đem ra để buộc tội hai ông Khodorkovski và Lebedev thì không đúng, và điều này chứng tỏ rằng vụ án này nhằm mục đích chính trị. Ông còn nói rằng ông Putin đã từng nói riêng với ông rằng “công ty “Yukos” đã tài trợ cho các đảng “Quả táo” và SPS mà ông đã cho phép tài trợ, đồng thời tài trợ cả cho Đảng Cộng sản mà ông không cho phép”. Ngày 30.12.2010, tòa lại kết án hai ông Khodorkovski và Lebedev mỗi người 14 năm tù nữa, trừ thời hạn đã thụ án. Tài sản của công ty “Yukos” bị chia chác cho các công ty khác thuộc những người thân với Tổng thống. Vụ án Khodorkovski và Lebedev đã gây ra nhiều phản ứng trong giới trí thức Nga: ngày 28.06.2005, tờ “Izvestya” đăng lời kêu gọi của 50 nhà hoạt động văn hóa, khoa học và đại diện các tổ chức xã hội phản đối bản án đối với các người lãnh đạo công ty dầu lửa “Yukos”. Bị phản đối mạnh mẽ của dư luận, nhưng ông chủ điện Kremli vẫn không có ý định xét lại vụ án, mặc dù Tòa án Nhân quyền châu Âu (TANQCÂ) ngày 20.09.2011 đã có kết luận: “TANQCÂ xác nhận là nhà nước Nga đã vi phạm quyền của công ty được bảo vệ sở hữu của mình”,… “chính quyền đã hạn chế quyền của “Yukos” có được một tòa án công bằng trong vụ xử án về trả tiền thuế năm 2000”, v.v….
Do những việc kể trên, Tổng thống Putin thường bị giới trí thức tiến bộ buộc tội là đã hạn chế tự do ngôn luận, đã dẹp bỏ các phương tiện thông tin đại chúng độc lập, như việc chiếm kênh truyền hình NTV và TV-6, đóng cửa kênh TVC, đóng cửa các tờ báo độc lập hoặc chuyển quyền sở hữu của các báo này. Ủy ban bảo vệ các nhà báo quốc tế đã khẳng định là dưới thời Tổng thống Putin, 13 nhà báo đã bị giết trong số đó người nổi tiếng nhất là bà Anna Politkovskya (người tố cáo kịch liệt những hành động tàn bạo trong cuộc chiến tranh ở Chechnya), mà những kẻ giết người cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Còn trong bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2008 của tổ chức “Các phóng viên không biên giới”, nước Nga bị xếp vào hạng 144 trong số 173 nước. Riêng ông Putin thì hồi năm 2001, tổ chức “Các phóng viên không biên giới” xếp hạng thứ 20 trong số 30 kẻ thù tồi tệ nhất của báo chí, còn Ủy ban bảo vệ các nhà báo quốc tế thì xếp ông vào hạng thứ 5 trong số 10 kẻ thù tồi tệ nhất của báo chí.

5/ Theo nhận xét của nhiều nhà quan sát, ngay từ ngày lên cầm quyền ở nước Nga, Tổng thống đưa những người cùng quê ở Leningrad (sau này là S.Petersburg), bạn bè thân thích và đặc biệt là những đồng nghiệp từng phục vụ trong bộ máy KGB trước đây hay các cơ quan an ninh ngày nay vào nắm mọi cơ quan lãnh đạo của bộ máy nhà nước, từ hạ viện (Quốc hội) đến thượng viện (Hội đồng Liên bang), từ chính phủ trung ương đến các nước cộng hòa, các tỉnh, thành phố, từ các tập đoàn kinh tế lớn đến các công ty quan trọng trong nước… Đây là chỗ dựa vững chắc của Tổng thống.
Hậu quả của những hiện tượng này là dưới vẻ ngoài dân chủ, một cơ cấu chính trị độc đoán đã xác lập trên đất Nga và đang biến thành chế độ toàn trị. Mà chế độ độc đoán, toàn trị tất yếu sinh ra nạn tham nhũng, và hiện nay nước Nga đang bị chìm đắm trong cái tai nạn khủng khiếp đó.
Hai tác giả cuốn sách “Putin. Tổng kết. 10 năm”, Boris Nemtsov và Vladimir Milov, cho biết rằng: dựa trên những dẫn liệu chính thức thì những người trong cánh hẩu của Tổng thống đã nhanh chóng làm giàu và một số không ít trở thành triệu phú và tỷ phú đô-la. Dưới thời ông Putin, tình trạng biển thủ rất trầm trọng trong giới quan chức, nhất là các quan lớn. Theo sự đánh giá của Transparency International thì hàng năm số tiền tham nhũng ở Nga là 300 tỷ đô-la Mỹ, bằng một phần tư của GDP (tổng sản phẩm trong nước). Năm 2000, nước Nga đứng thứ 82 trong bảng xếp hạng của Transparency International, đến năm 2009, đã tụt xuống đứng thứ 146 trong bảng xếp hạng đó; Nga đứng gần với Camerun, Ecuador, Kenya, Sierra Leone, Đông Timor, Zimbabwe! Trong khi đó từ năm 2000 đến năm 2010 số lượng tỷ phú ở Nga đã tăng lên đến mức “chóng mặt”. Hai tác giả cũng dẫn ra dữ liệu của Tổng cục thống kê Nga, trong mục “Hối lộ” từ năm 2000 đến năm 2009 đã tăng lên 87% từ 7 ngàn lên 13 ngàn vụ. Nhưng hai ông đánh giá con số này quá thấp so với thực tế và nhấn mạnh rằng nạn tham nhũng ở Nga phần lớn là không bị trừng trị.

6/ Theo ý kiến của Tổng thống Putin thì “các tôn giáo truyền thống của Nga và lá chắn hạt nhân là những yếu tố chính để củng cố nhà nước Nga và tạo nên những tiền đề bảo đảm nền an ninh đối nội và đối ngoại của đất nước” (Báo Nga ”Umnyi gorod” ngày 12.05.2009).
Đúng như vậy, ngay sau khi bước lên ngôi vị Tổng thống, ông Putin làm mọi cách để chứng tỏ mình là tín đồ nhiệt thành của Chính thống giáo, Trong tất cả các buổi thánh lễ lớn của đạo Chính thống, ông đều có mặt, và mỗi lần đến các địa phương trên nước Nga, ông thường ghé thăm các nhà thờ và tu viện Chính thống giáo. Sự quan tâm đó của Tổng thống làm cho dân Nga số đông theo đạo Chính thống rất hả hê, nhiều người có cảm tưởng dường như đạo Chính thống đã là một quốc giáo ở Nga. Mặc dù Hiến pháp ghi rõ Liên bang Nga là một nhà nước thế tục, nhưng ngày nay, Chính thống giáo thường có mặt trong mọi hoạt động của nhà nước: từ việc khánh thành một trường học đến việc kết thúc khóa học của sĩ quan an ninh, sĩ quan quân đội, đến việc hạ thủy chiếc tàu ngầm nguyên tử, v.v… đều có các vị linh mục Chính thống giáo đến chúc phúc và rảy nước thánh. Thậm chí người ta còn đang tích cực vận động để Quốc hội thông qua một đạo luật cho phép giảng dạy giáo lý Chính thống giáo trong nhà trường. Nhưng việc này đang bị nhiều nhà trí thức nổi tiếng phản đối nên người ta tạm thời chưa động đến…
Còn “lá chắn hạt nhân” thì Tổng thống đặc biệt quan tâm. Nhiều người còn nhớ, khi ông Putin lên cầm quyền, do nhà nước thiếu tiền nên quân đội, hải quân, không quân đều ở trong tình trạng sa sút nặng nề, thậm chí không lực chỉ còn bằng một nửa so với thời chiến tranh lạnh. Nhưng khi ngồi vào ngôi vị Tổng thống, ông lợi dụng ngay vận may của mình là giá dầu khí tăng vọt, nhờ đó nước Nga bội thu được những số tiền khổng lồ nhờ xuất cảng dầu khí. Và ông đã dùng phần lớn số tiền đó đưa vào ngân sách quân sự, và bằng cách đó ông cố khôi phục vị thế nước Nga trên đấu trường quốc tế. Dần dà lực lượng vũ trang của Nga ngày càng củng cố và tăng cường. Đến cuối nhiệm kỳ hai, Tổng thống Putin đã có thể lên giọng thách thức, nói cứng với Phương Tây, đặc biệt là với Mỹ và NATO. Nhiều người còn nhớ, tại Hội nghị Munich lần thứ 43 hồi tháng 02.2007, với sự hiện diện của nữ thủ tướng Liên bang Đức, Angela Merkel, và nhiều bộ trưởng quốc phòng trên thế giới, Tổng thống Putin đã kể lể những nỗi bực mình của Moskva, nhất là việc khối NATO kết nạp thêm những thành viên ở sát biên giới nước Nga, và ông mạnh mẽ buộc tội chính quyền ông Bush đã mưu toan tạo dựng một thế giới “đơn cực”.
Và dường như theo một kế hoạch “diễu võ dương oai” đã định trước, vào đầu năm 2007, ông Sergei Ivanov, Bộ trưởng Quốc phòng hồi đó đã dõng dạc tuyên bố chính phủ dự định chi phí cho quốc phòng 800 nghìn đồng bảng Anh; chính phủ dự định đưa vào sử dụng hai loại tên lửa đạn đạo hạt nhân mới “Bulava” và “Sineva” cho các tàu ngầm, cả hai loại đó đều có tầm bắn đến 5 nghìn dặm và có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân; dự định mua tổ hợp tên lửa phòng không C-400 rất có hiệu lực chống tên lửa đối phương; đã có kế hoạch chi một số tiền lớn cho việc sản xuất máy bay ném bom chiến lược mới Tu-160, có khả năng phóng những tên lửa có cánh; sản xuất máy bay ném bom-cường kích Su-34 có thể giáng những đòn khủng khiếp vào các mục tiêu được bảo vệ trong bất cứ thời tiết nào; sản xuất loại máy bay cường kích “Sukhoi” thế hệ thứ năm T-50; Hạm đội Nga dự định bổ sung thêm sáu hàng không mẫu hạm hạt nhân (hiện chỉ có một) và tám chiếc tàu lặn; một loại tên lửa đạn đạo hạt nhân mới là P-36M2 “Voevoda” sẽ được chế tạo vào cuối năm 2016; đến năm 2025, nước Nga sẽ tăng lực lượng không quân gấp hai lần, v.v… Những kế hoạch sản xuất vũ khí mà trước đây bao giờ cũng coi là “tuyệt mật” thì bây giờ người ta thoải mái “bật mí” ra tất cả. Còn tờ báo Nga “Svobodnaya Press” (Báo chí Tự do) đăng những tin “bật mí” đó dưới tựa đề: “Moskva dọa rằng đến năm 2016 Phương Tây có thể nhớ lại những cơn ác mộng về đêm của “chiến tranh lạnh” chắc là để người dân Nga khoái trá vì nước Nga đã đủ sức hù dọa được Phương Tây. Có lẽ anh chàng nhà báo này còn trẻ nên kém hiểu biết về lịch sử, vì nếu nhớ lại thời “chiến tranh lạnh” với cuộc chạy đua vũ trang khủng khiếp thì kẻ có “những cơn ác mộng về đêm” không phải là Phương Tây mà chính là những người Nga trị vì Liên Xô hồi đó đã bị hụt hơi, kiệt sức rồi ngã gục trong cuộc chạy đua!
Nhưng cái giọng lưỡi của anh nhà báo này phản ánh đúng cái tính hung hăng thích dọa dẫm – các nhà báo thế giới thường viết là “thích khoe cơ bắp” của ông chủ điện Kremli. Còn nhớ, hồi ấy hai nước Czech và Ba Lan đồng ý cho Hoa Kỳ đặt trên đất mình căn cứ cho hệ thống phòng thủ chống tên lửa (PRO) của Hoa Kỳ thì bao nhiêu lời dọa dẫm đã đưa ra, thậm chí người ta tuyên bố sẽ đặt giàn tên lửa có đầu đạn hạt nhân ở Kaleningrad và chĩa tên lửa nhắm thẳng vào căn cứ đó ở Czech và Ba Lan. Rồi những chiếc máy bay ném bom Tu-95 của Nga bay gần căn cứ hải quân của Mỹ ở Guam ở phía Tây Thái Bình Dương và chiếc chiến hạm Nga đến tận vùng biển châu Mỹ la tinh để viếng thăm Venezuela tỏ tình hữu nghị với ông bạn Hugo Chavez cốt để trêu tức người Mỹ. Rồi bùng lên những căng thẳng giữa nước Nga và nước Anh do vụ một cựu gián điệp Nga bị giết mà người ta nghi có bàn tay của mật vụ Nga, tiếp đến những xung đột quân sự giữa quân Nga và quân Georgia, rồi việc quân Nga cắm mốc biên giới bằng khối bêtông sơn lá cờ nước Nga trên Bắc cực, bất chấp luật biển quốc tế và sự phản đối của Canada và Na Uy, v.v. và v.v… Khi công bố thông điệp hàng năm của mình, Tổng thống Medvedev cũng dùng giọng thách thức nói rằng: “nước Nga và Phương Tây đang đứng trước một lựa chọn – hoặc là thỏa thuận với nhau về sự đối tác sâu trong việc cùng nhau chế tạo hệ thống phòng thủ chống tên lửa (PRO), hoặc là bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang”. Còn ông Putin khi tuyên bố cho tái diễn việc máy bay ném bom chiến lược bay tuần tra, ông ta đã tuyên bố: “Đã bắt đầu việc trực nhật chiến đấu”. Có lẽ ông tin rằng dân Nga tán đồng chính sách cứng rắn đầy tính chiến đấu của ông ta!

Về đại thể kịch bản để giữ lâu dài ngôi báu ở nước Nga là như vậy. Cũng cần nhắc lại rằng, ông Putin có “số đỏ”: trong hai nhiệm kỳ làm tổng thống, giá dâu lửa và khí đốt tăng vọt, mà nước Nga thì chủ yếu sống nhờ xuất khẩu tài nguyên, chủ yếu là dầu khí. Do thu được nhiều ngoại tệ nên nền kinh tế nước Nga bắt đầu phát triển, và chính phủ Nga dùng một phần nhỏ số tiền bội thu đó vào việc cải thiện phần nào đời sống cho người dân, còn phần lớn thì bỏ vào việc tăng cường quân lực. Dựa vào những thành tựu đó, báo chí và các phương tiện thông tin nhà nước ra sức quảng cáo cho ông Putin, cố tạo nên một hào quang chói lọi quanh ông. Riêng ông cũng cố gắng bằng mọi cách tỏ ra mình là một con người “toàn năng”: trên mặt báo cũng như trên màn hình, người Nga thường được thấy hình ảnh của ông, khi thì chỉ thị cho ông bộ trưởng này, khi thì huấn thị cho vị tỉnh trưởng kia, khi thì biểu diễn võ giu-đô, khi thì ngồi trong buồng lái máy bay phản lực tiêm kích, khi thì mặc quân phục hải quân đứng quan sát việc phóng tên lửa, khi thì ngồi trong chiếc xuồng lặn xuống hồ Baikal, khi thì dập tắt lửa trên máy bay, khi thì lái mô tô hiện đại, khi thì chơi với hổ, với gấu trắng Bắc cực… Nhưng thủ thuật này dùng nhiều quá nên người dân dễ nhàm chán, nhất là cái màn trình diễn quá “lố” gần đây, ông Thủ tướng Nga lấy từ đáy biển Azov lên chiếc amphore (vò cổ có hai quai) thì dân chúng chê cười quá thể đến nỗi người phát ngôn của Thủ tướng phải công khai “nói rõ lại” là chiếc amphore đó các nhà khảo cổ đã tìm được từ trước, người ta đã đặt xuống đáy biển để Thủ tướng Putin đưa nó lên thêm một lần nữa mà thôi, đồng thời người phát ngôn này đổ lỗi cho người đưa tin đã nói không rõ!

Thật ra, không cần đến những thủ thuật tuyên truyền đó, một khi ông chủ của điện Kremli đã nắm trong tay mọi cơ cấu quyền lực, từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng… thì mọi cuộc bầu cử (kể cả cuộc bầu cử Quốc hội Nga ngày 04.12.2011, cuộc bầu cử Tổng thống Nga ngày 04.03.2012) đều đã định trước kết quả rồi. Mọi cuộc gọi là “bầu cử” ở nước Nga trong điều kiện hiện nay chỉ là một trò hề không hơn không kém! Chính ông Gary Kasparov, vua cờ nổi tiếng thế giới, người sáng lập phong trào đối lập “Mặt trận dân sự thống nhất”, đã đánh giá như vậy.

Điều đáng sợ cho nước Nga và dân Nga là cứ theo cái đà này nước Nga khó tránh khỏi tuột dài xuống tận… chế độ độc tài toàn trị, cái chế độ bạo tàn khủng khiếp mà dân Nga đã từng nếm trải trên 73 năm trời với bao nhiêu xương máu oan nghiệt của người dân! Hình ảnh một kẻ độc tài mới lại đang mờ mờ ảo ảo hiện ra như một bóng ma trên đất nước Nga! Và ông chủ đích thực điện Kremli tin rằng “sứ mệnh lịch sử” của mình là “đến năm 2017 nước Nga sẽ là nước đứng đầu trong nền chính trị và kinh tế thế giới” (trích từ “Kế hoạch Putin” do Đảng “Nước Nga Thống nhất” công bố hồi năm 2007) và chính vì thế, theo lời ông nói, ông cần phải ra ứng cử Tổng thống lần nữa để hoàn thành dự định đã đề ra (xem cuộc phỏng vấn ông Putin do các cán bộ lãnh đạo các kênh truyền hình nhà nước Nga tổ chức hôm 17.10.2011). Ông Putin tin chắc là ở ngôi vị Tổng thống, ông sẽ hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” đó.

Còn nhiều nhà phân tích ít nhiều khách quan và nhất là phe dân chủ đối lập thì cho rằng việc ông Putin lên làm Tổng thống lần nữa sẽ là một kịch bản tồi tệ nhất cho nước Nga, vì những cơ cấu dân chủ ít nhiều còn sót lại sẽ bị xóa sạch dẫn đến sự phá hoại đến cùng nhà nước dân chủ, trong đó có cả sự thoái hóa của hệ thống tư pháp, của lực lượng vũ trang và của hệ thống y tế. Cựu Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov cho rằng, trên cương vị Tổng thống – có thể kéo dài đến 12 năm theo luật mới – thì toàn bộ cấu trúc quyền lực và lực lượng an ninh sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các cựu sĩ quan KGB. Còn cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov thì dự đoán sẽ có một đợt chảy vốn ra nước ngoài và một đợt tiếp tục chảy chất xám lớn nữa, nghĩa là nhiều chuyên gia có trình độ chuyên nghiệp cao sẽ tiếp tục bỏ ra nước ngoài, cộng thêm hiện tượng đã xảy ra trong những tháng gần đây là nhiều tỷ đô-la của các nhà đầu tư phương Tây sẽ tiếp tục rút khỏi thị trường Nga. Tất cả những điều này tạo ra trở ngại lớn cho việc hiện đại hóa nền kinh tế nước Nga, mà trong chuyện này thi “bàn tay sắt” không thể giúp được gì cho Tổng thống cả. Đó là chưa nói đến trường hợp xấu hơn cho nước Nga là giá dầu lửa có thể hạ xuống dưới 80 đô-la/thùng, đây sẽ là một đòn mạnh giáng xuống nền kinh tế Nga và sẽ tạo nên nhiều khó khăn mới, nhất là về mặt xã hội. có thể dẫn đến những rối loạn xã hội. Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cảnh báo rằng nước Nga đang lún sâu vào tình trạng trì trệ như dưới thời Leonid Brezhnev. Thế là các bloggers Nga được dịp tung ra nhiều tranh biếm họa… như bức dưới đây:
Hai cuộc bầu cử lớn nhất – bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống – đã đến gần mà không khí chính trị ở nước Nga chẳng có vẻ gì sôi động cả. Theo nhận xét của nhiều nhà phân tích thì đa số cử tri đều coi có bầu cử hay không thì cũng thế thôi, chẳng có gì thay đổi cả; một số đông có ý định không đi bầu; còn một số khác chủ trương đi bầu nhưng xóa bỏ hết tên các ứng viên.

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc vài đoạn trong một buổi truyền hình trực tiếp khá độc đáo cuộc phỏng vấn ông Sergei Zverev, nguyên phó chủ sự Văn phòng Kremli (dưới thời ông Yeltsin), nay là người đứng đầu công ty KROS (Công ty phát triển liên hệ xã hội).

Được hỏi: Tại sao cuộc vận động tranh cử chẳng có gì sôi nổi cả?
Sergei Zverev đáp: Vì sao không có gi sôi nổi cả à? Theo tôi, chẳng hề có chút gì sôi nổi đâu. Sôi nổi cái gì kia chứ? Cuộc bầu cử đã kết thúc hôm 24 tháng 9 rồi cơ mà. (Ý nói hôm đại hội Đảng “Nước Nga Thống nhất” trên sân vận động Moskva).

Hỏi: Nhưng sao lại sớm thế?
Đáp: Có thể có những nguyên nhân khác nhau. Nhưng, bạn cũng biết đấy, trong hệ thống chính trị của nước ta mà phỏng đoán là việc làm khá vô nghĩa. Chỉ có thể trả lời: vì nó là thế thôi. Nhưng bây giờ thì đang có chuyện sôi nổi khác: ai sẽ ra đi và ai còn ở lại. Phải ngồi thế nào để không sai lầm. Đấy, như ông Dmitri Anatolievich (tức là Medvedev) đó – hoàn toàn là “con vịt què” (ám chỉ Tổng thống sắp hết nhiệm kỳ) hay trái lại, là con vịt hiện đang bay lên? (ám chỉ sẽ lên làm Thủ tướng) Hay là con vịt đang bay lên thì bị một viên đạn bắn trúng lại rơi xuống? (ám chỉ Thủ tướng bị hạ xuống để thay bằng người bạn thân thiết nhất trong ngành KGB của Tổng thống, nguyên bộ trưởng Quốc phòng và hiện là Phó Thủ tướng thứ nhất đương nhiệm, là ông Sergei Ivanov đã phục sẵn máy năm nay rồi). Như thế nghĩa là hiện nay cái diễn trường của những sôi động không ít hơn, mà có thể nói là rộng hơn nhiều… Hai năm trước, chúng ta đã nói với nhau rằng mọi điều đều tùy thuộc ở chỗ Vladimir Vladimirovich (tức là Putin) có muốn chia bớt quyền lực cho ai hay không. Về đại thể tình hình đến bây giờ cũng thế thôi. …
Câu chuyện còn dài, song người viết xin dừng lại đây để mọi người tự kết luận.
(Kiev)

© Hoàng Trường Sa
© Đàn Chim Việt

THEO DÒNG SỰ KIỆN:

.
.
.

No comments: