Tác giả George Packer
Trần Ngọc Cư dịch
01:51:pm 28/11/11
(Bất bình đẳng xã hội và sự suy yếu của Mỹ)
Lời người dịch: Mặc dù bài tiểu luận sau đây không hề nói đến các cuộc biểu tình của Phong trào Occupy Wall Street, nhưng nó giải thích những nguyên nhân sâu xa đã đưa đến phản ứng dữ dội của phong trào này đối với giới tài phiệt Mỹ, tầng lớp chóp bu chiếm 1% dân số nhưng nắm giữ 23% tài sản quốc gia. Nền dân chủ Mỹ, đặt cơ sở trên giai cấp trung lưu, đã và đang bị giới tài phiệt đánh tráo xuyên qua các hành vi như nỗ lực vận động hành lang của các nhóm lợi ích, các ủy ban vận động tài chính tranh cử (political action committees), các quảng cáo trên TV. Bất bình đẳng xã hội là một đe dọa nghiêm trọng đối với thể chế dân chủ Mỹ.
——————————————-
Iraq là một trong những cuộc chiến làm cho người ta lên cân. Cách đây vài năm, tôi có dịp ăn trưa với một ký giả khác tại một quán bình dân kiểu Mỹ trong Khu vực xanh (Green Zone) của Thành phố Baghdad . Ở một bàn cạnh đó, hai thầu khoán Mỹ đang ăn vội vàng bánh mì kẹp thịt và khoai chiên. Họ mặc đồng phục của giới thầu khoán: quần kaki, áo polo, mũ bóng chày, và mang thẻ căn cước do Bộ Quốc phòng Mỹ cấp có bọc ni lông trên dây đeo cổ. Người đàn ông phục vụ thức ăn cho họ có lẽ là người Iraq duy nhất mà họ tiếp xúc trong ngày. Khu vực xanh được thiết kế để làm cho bạn có một ảo giác về Iraq và thấy mình như đang ở trong thị xã Normal của bang Illinois. Hiệu ứng ma túy này thấm dần vào tiềm thức của mọi người Mỹ đến đây để ngồi ì, làm việc, hay tiệc tùng sau những bức tường dày của khu vực này — người lính cũng như nhân viên dân sự, nhà ngoại giao cũng như nhà báo, người quan trọng cũng như kẻ tầm thường. Ít ai ở đây quá một năm; hầu như mọi người khi trở lại Mỹ đều mang theo một lô chuyện phóng đại về cuộc chiến, cố quên đi rằng họ đã để lại đằng sau những công trình xập xệ, dang dở và một đất nước đang bị cuốn hút vào một cuộc nội chiến. Khi hai người thầu khoán đứng dậy và bước ra khỏi tiệm ăn, bạn tôi nhìn tôi và nói, “Chúng ta không còn tài giỏi như trước đây”.
Chiến tranh Iraq là một loại thử nghiệm sức chịu đựng của tổ chức nhà nước Mỹ (the American body politic). Và mọi hệ thống và cơ quan chính yếu của nó đã hỏng cuộc trắc nghiệm này: ngành hành pháp lẫn ngành lập pháp, giới quân sự, giới tình báo, các tổ chức vụ lợi và vô vụ lợi, các phương tiện truyền thông. Hóa ra là các định chế của chúng ta chẳng còn lành mạnh nữa – nhưng chúng ta không nhận ra điều đó. Đơn giản là, khoảng nửa thế kỷ nay người Mỹ chưa đụng phải một thử thách nào khó khăn đến thế. Qui trách nhiệm cho một số cá nhân nhất định về thảm kịch Iraq là quá dễ dàng và hoàn toàn có lý. Nhưng qua nhiều năm nay, tôi trở nên quan tâm hơn về những thất bại vượt quá tầm mức cá nhân, và vượt quá phạm vi Iraq – tôi quan tâm về sự xơ cứng ngày càng trầm trọng của các định chế Mỹ. Iraq không phải là một trường hợp ngoại lệ. Đó là triệu chứng sống động của một xu thế lâu dài, càng năm càng trở nên tồi tệ. Chính những căn bệnh vốn dĩ đã dẫn đến cuộc chiếm đóng thảm bại tại Iraq lại được biểu hiện một cách đầy đủ tại thủ đô Washington mùa hè vừa qua trong sự thất bại thảm hại khi Chính phủ không định được một mức nợ trần (the debt-ceiling debacle). Những căn bệnh đó là: cứng ngắc về ý thức hệ đến mức cuồng tín, dững dưng trước sự thật, không thể nghĩ xa hơn những mục tiêu ngắn hạn, biến lợi ích quốc gia thành lợi thế đảng phái.
Trước đây, tình thế có khác hơn thế không? Có thật là chúng ta không còn tốt lành nữa chăng? Thử làm một thể nghiệm tư duy đi nhé: so sánh cuộc sống của bạn ngày nay với cuộc sống của một người nào đó như bạn ở thời điểm 1978. Chẳng hạn một cặp vợ chồng có học thức, có cuộc sống tương đối thoải mái ở một vị trí nào đó trong tuyệt đại đa số thuộc giai cấp trung lưu năm đó. Và hãy tưởng tượng cuộc sống của họ còn thiếu tiện nghi hơn cuộc sống hiện nay của bạn như thế nào. Anh chồng mặc một chiếc sơ mi polyester cổ xòe có in hình màu đà và vàng ánh và mang đôi kính gọng đồi mồi quá kích cỡ; chị vợ mặc chiếc áo đầm bằng tơ nhân tạo có cổ chữ V và mang giày cao đế. Buổi sáng họ uống cà phê phin hiệu Maxwell House. Họ lái chiếc Pacer, một loại ô tô con hai cửa của hãng AMC, máy lạnh bị hư và bộ Stereo 8 cứ làm xoắn băng nhựa. Khi chị vợ muốn dọn một món gì khá bảnh cho buổi ăn tối, thì đó là pasta primavera, một món mỳ Ý có nhiều rau. Họ viết thư bằng chiếc máy đánh chữ hiệu Selectric của IBM, mô-đen mới có ri-bông bôi xoá để sửa lỗi. Thời đó chỉ có TV dùng ăng-ten, và chương trình hay nhất là sô hài Laverne and Shirley. Gọi điện thoại ra ngoài địa phương phải mất mỗi phút một đôla vào cuối tuần; du lịch bằng máy bay là cực kỳ tốn kém. Thành phố gần nơi họ sống không còn là chỗ để họ tiêu khiển thì giờ: rác rưởi lấn hết vỉa hè, đồ phế thải chất đống ở mỗi góc đường, điện thoại công cộng bị bọn du thủ phá hoại để lấy tiền, các toa tàu điện ngầm vắng khách bị viết lên bừa bãi bằng những câu khả ố.
Theo tiêu chuẩn hiện nay, cuộc sống vào thời điểm 1978 là thiếu tiện nghi, chật hẹp, và xấu xí. Các sản phẩm hãy còn thô sơ và không chạy tốt lắm. Những công nghiệp chịu quá nhiều luật lệ, như ngành viễn liên và hàng không, là rất tốn kém và không cho khách hàng nhiều lựa chọn. Lúc bấy giờ, tình hình công nghiệp nói chung là trong giai đoạn suy tàn, nhưng cuộc cách mạng tin học đầy kiểu dáng thì chưa diễn ra để thay thế nó. Đời sống trước khi có Android, Apple Store, FedEx, HBO, Twitter, Whole Foods, Lipitor, túi khí an toàn, Quĩ chỉ số của các thị trường mới nổi, và khóa học chuẩn bị cho các trẻ em xuất sắc trước khi vào trường mầm non không phải là một thế giới mà nhiều người trong chúng ta muốn trở lại.
Từ bấy đến nay, trên bề mặt, đời sống đã được cải thiện rất nhiều, chí ít cho những người có học thức, tương đối thoải mái về vật chất — chẳng hạn 20% dân số chóp bu trên nấc thang kinh tế-xã hội. Song các cấu trúc sâu sắc hơn, các định chế làm nền tảng cho một xã hội dân chủ lành mạnh, đang tiếp tục rơi vào tình trạng suy đồi. Chúng ta có thể tiếp cận mọi thông tin trên thế giới qua đầu ngón tay, trong khi những vấn đề cơ bản nhất của chúng ta kéo dài từ năm này sang năm khác vẫn không được giải quyết: thay đổi khí hậu, bất bình đẳng lợi tức, nợ quốc gia, vấn đề nhập cư, thành tích giáo dục sa sút, cơ sở hạ tầng xuống cấp, các tiêu chuẩn tin tức suy giảm. Nhìn quanh, chúng ta thấy các thay đổi về công nghệ rất hào nhoáng, nhưng không có tiến bộ. Năm ngoái, một công ty có tên trên sàn giao dịch Wall Street mà ít ai nghe tới đã đào một đường rãnh dài 800 dặm đi dưới các cánh đồng, sông lạch, và núi non giữa Chicago và New York để đặt cáp quang (fiber-optic cable) nối liền Sàn giao dịch thương mại Chicago và Sàn giao dịch chứng khoán New York. Công trình xây dựng cơ sở hạ tầng này, với phí tổn 300 triệu USD, chỉ để tiết kiệm 3 mili giây cho các giao dịch ở tốc độ cao và số lượng lớn — một lợi thế cạnh tranh quan trọng. Song các tàu chở hành khách giữa Chicago và New York ngày nay gần như không chạy nhanh hơn thời điểm 1950 bao nhiêu, và nước Mỹ dường như không còn đủ khả năng chế tạo những con tàu chở hành khách nhanh hơn, chí ít vì lý do chính trị. Chỉ hỏi người dân của các bang Florida , Ohio , và Wisconsin , hẳn biết. Các thống đốc của những bang này vừa từ chối nhận tiền của liên bang dành cho các dự án xây dựng các đường xe lửa cao tốc.
Chúng ta có thể nâng cấp iPhones của chúng ta, nhưng chúng ta không thể sửa sang lại đường sá và cầu cống. Chúng ta phát minh ra băng rộng (broadband), nhưng chúng ta không thể nới rộng việc sử dụng nó đến 35% dân chúng. Chúng ta có thể sử dụng 300 kênh TV trên iPad, nhưng trong thập niên qua 20 tờ báo đã phải đóng cửa tất cả các văn phòng ở nước ngoài. Chúng ta có máy bỏ phiếu với nút bấm trên màn hình, nhưng năm ngoái chỉ có 40% số cử tri đã đăng ký chịu đi bầu. Hệ thống chính trị của chúng ta ngày càng bị phân cực, ngày càng bị bế tắc từ trong cơ chế, hơn bất cứ thời điểm nào từ thời Nội chiến đến nay. Ngày nay, không có việc hủy diệt uy tín cá nhân của thời đại McCarthy hay những cuộc đấu tranh trên đường phố của thập niên 1960. Song trong những giai đoạn đó, sức mạnh của các định chế vẫn còn tồn tại trong chính trị, trong doanh nghiệp, và trong giới truyền thông, đủ mạnh để giữ vững trung tâm của toàn hệ thống. Người ta thường gọi trung tâm đó là giới quyền lực (the establishment), và ngày nay nó không còn hiện hữu nữa. Việc giải quyết các vấn đề cơ bản bằng một tinh thần thực tiển dám làm, đầy lạc quan (a can-do practicality) – một đức tính mà trước đây thế giới thường gắn liền với nước Mỹ, một đức tính từng cứu vớt chúng ta ra khỏi thói kiêu căng hợm hĩnh của chính chúng ta — bây giờ dường như đã nằm ngoài tầm vói.
KHẾ ƯỚC BẤT THÀNH VĂN
Vì sao và bằng cách nào tình trạng này đã diễn ra? Đó là những câu hỏi hóc búa. Một lối trả lời quanh co là trước hết phải hỏi, nước Mỹ bắt đầu thay đổi khi nào? Bất cứ một khung thời gian nào cũng có một yếu tố tùy tiện trong đó và bắt đầu cho một giả thuyết. Giả thuyết của tôi có nguồn gốc từ cái năm 1978 thảm hại, đáng phải quên đi. Sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi tôi nói rằng vào khoảng năm 1978, đời số Mỹ bắt đầu thay đổi – và thay đổi nhanh chóng. Cũng như bây giờ, năm 1978 là một thời điểm mà mọi người cảm thấy bi quan – tỉ số lạm phát cao, tỉ số thất nghiệp cao, và giá xăng cũng cao. Nước Mỹ phản ứng lại cảm thức suy yếu này bằng cách từng buớc tránh xa cách dàn xếp xã hội (the social arrangement) đã tồn tại từ thập niên 1930 và thập niên 1940.
Cách dàn xếp đó là gì? Đôi khi nó được gọi là “nền kinh tế hỗn hợp”; từ ngữ mà tôi thích dùng là ”nền dân chủ giai cấp trung lưu”. Đó là khế ước bất thành văn của giới lao động, giới doanh nghiệp, và chính phủ — giữa giới quyền lực chóp bu và quần chúng. Khế ước này đã đảm bảo rằng những lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế sau Thế chiến II được phân phối rộng rãi hơn, và với sự phồn thịnh được chia đều hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử loài người. Trong thập niên 1970, tổng giám đốc của các tập đoàn kinh tế kiếm được khoảng 40 lần số lương của nhân viên thấp nhất trong công ty. (Vào năm 2007, tỉ lệ này là hơn 400 trên 1). Luật lao động và chính sách của chính phủ đã giữ được cán cân lực lượng giữa công nhân và chủ nhân trên một thế quân bình, dẫn đến một vòng luân lưu tích cực trong đó đồng lương cao hơn của công nhân đã kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn. Luật thuế đã hạn chế số lượng của cải có thể được tích lũy trong tay tư nhân và truyền thừa từ đời này sang đời khác, nhờ thế ngăn chặn được sự hình thành chế độ tài phiệt cha truyền con nối (inherited plutocracy). Các cơ quan điều tiết kinh tế (regulatory agencies) là đủ mạnh để ngăn chặn loại bong bóng đầu cơ (speculative bubbles) mà hiện nay thường xảy ra cứ vào khoảng 5 năm một lần: giữa cuộc Đại suy thoái trong Thập niên 1930 và Thời đại Reagan, không hề có một cuộc khủng hoảng tài chính nào diễn ra trên qui mô toàn hệ thống, đó là lý do tại sao hậu quả của các cuộc suy thoái kinh tế trong những thập niên ấy là nhẹ hơn thời gian gần đây rất nhiều. Ngân hàng thương mại là một doanh nhiệp ổn định đến buồn chán. (Trong các phim từ những thập niên 1940 và 1950, các chủ ngân hàng là những cột trụ vững chắc, tẻ nhạt của cộng đồng. Sinh hoạt của ngân hàng đầu tư, được phong toả bởi bức tường sắt của Đạo luật Glass-Steagall, là một thế giới khép kín của những tổ chức hùn vốn tư nhân trong đó những người giàu có phải cân nhắc cẩn thận những rủi ro vì họ đang chơi với đồng tiền của chính họ. Một phần do hậu quả của sự thịnh vượng chung này, việc tham gia chính trị của người dân đã đạt tới đỉnh cao trong những năm hậu chiến hơn bất cứ thời nào trong lịch sử (với ngoại lệ của những thành phần, như người Mỹ da đen ở Miền Nam, là nơi vào thời đó họ vẫn còn bị từ chối sự tiếp cận với thùng phiếu).
Đồng thời, tầng lớp chóp bu của nước Mỹ lúc bấy giờ đã đóng một vai trò mà ngày nay ta không còn thấy. Họ thực sự tự coi mình là người canh giữ các định chế và lợi ích quốc gia. Những người đứng đầu các ngân hàng, các tập đoàn kinh tế, các đại học, các văn phòng luật sư, các sáng hội, và các hãng truyền thông cũng có thể bị mua chuộc, cũng có thể đỉ bợm và tham lam như các đồng nghiệp của họ ngày nay, không hơn không kém. Nhưng họ đã vươn lên địa vị chóp bu trong một nền văn hóa có đủ sức kềm hãm những đặc điểm tiêu cực nói trên và chắc chắn họ không ca ngợi chúng. Những tổ chức như Council on Foreign Relations (Hội đồng nghiên cứu quan hệ đối ngoại), the Committee for Economic Development (Ủy ban phát triển kinh tế), và the Ford Foundation (Sáng hội Ford) không hành động để bênh vực một quan điểm đơn nhất của giới đặc quyền đặc lợi – quan điểm của nhà giàu. Nói cho ngay, các tổ chức này đã vượt lên trên các lợi ích xung khắc nhau trong nước và cố gắng đoàn kết chúng trong một ý niệm bao trùm là lợi ích quốc gia. Chính những nhà lãnh đạo doanh nghiệp từng phản đối Chính sách kinh tế mới (New Deal) — một cách mãnh liệt chẳng khác gì Phòng Thương mại Hoa Kỳ hiện nay đang chống cuộc cải tổ y tế và tài chính — về sau lại chấp nhận Chương trình An sinh Xã hội (Social Security) và các công đoàn, không cản trở Chương trình y tế dành cho người hưu trí (Medicare), và hậu thuẫn các sáng kiến khác trong chương trình cải tổ “Đại xã hội” (Great Society) của Lyndon Johnson. Họ coi các thành tựu lập pháp nói trên như một đóng góp cho sự hài hòa của xã hội để đảm bảo một nền kinh tế có hiệu năng. Năm 1964, Johnson thành lập Ủy ban Quốc gia về Công nghệ, Tự động hóa, và Tiến bộ Kinh tế để nghiên cứu hiệu quả của những cải cách sắp tới trên lực lượng lao động. Ủy ban này gồm có hai lãnh đạo lao động, hai lãnh đạo tập đoàn kinh tế, nhà hoạt động nhân quyền Whitney Young, và nhà xã hội học Daniel Bell. Hai năm sau, họ đưa ra các đề xuất gồm có: một lợi tức hằng năm được bảo đảm và một chương trình huấn nghệ rộng lớn. Đây là cách hành xử của tầng lớp chóp bu ngày trước: như thể họ có trách nhiệm thực sự đối với xã hội.
Hẳn nhiên, sự đồng thuận xã hội thời hậu chiến vẫn còn nhiều bất công. Nếu bạn là người da đen hoặc là phụ nữ, sự đồng thuận này vẫn chưa dành nhiều chỗ đứng cho bạn. Nó có thể áp bức, bắt bạn phải phục tùng, nó có thể độc tài, xâm phạm đời tư của bạn. Song giai đọan đó cũng đưa ra những phương cách sửa đổi những sai lầm tồn tại: chẳng hạn, một chính phủ mạnh, một giới doanh nghiệp sáng suốt, và một giới lao động tranh đấu là những thành trì quan trọng của phong trào dân quyền (the civil rights movement). Luyến tiếc dĩ vãng là một tình cảm vô ích. Như bất cứ thời đại nào, những năm hậu chiến cũng có những khuyết tật của nó. Song từ góc nhìn của chúng ta ở thời điểm 2011, đó là những năm khá tốt đẹp.
SỰ TRỖI DẬY CỦA GIỚI TÀI PHIỆT
Có hai sự kiện đã xảy đến cho sự sắp xếp xã hội có tính cách mới mẻ này. Trước hết là những biến động của thập niên 1960. Sự tường thuật quen thuộc là: tuổi trẻ nổi loạn và làm cách mạng, một phản ứng dữ dội mà ngày nay ta gọi là các cuộc chiến văn hóa, đã thay đổi vĩnh viễn phong cách và đạo lý Mỹ. Vượt hẳn ra ngoài tính không tưởng chính trị (political utopia), di sản của thập niên 1960 là sự giải phóng cá nhân. Một số nhân vật bảo thủ cho rằng cuộc cách mạng xã hội của thập niên 1960 và thập niên 1970 đã dọn đường cho cuộc cách mạng kinh tế của thập niên 1980, rằng Abbie Hoffman [người đồng sáng lập Đảng Thanh niên Quốc tế, gọi tắt "Yippies"] và Ronald Reagan cả hai đều tranh đấu cho tự do. Nhưng [tinh thần tự do được biểu hiện trong đại nhạc hội] Woodstock không đủ để phá vỡ chế độ dân chủ giai cấp trung lưu (middle-class democracy) đã từng phục vụ lợi ích của hằng chục triệu người Mỹ. Các chính quyền của Tổng thống Nixon và Tổng thống Ford đã thực sự kéo dài chế độ dân chủ giai cấp trung lưu ấy. Trong tác phẩm xuất bản năm 2001, The Paradox of American Democracy (Nghịch lý của Dân chủ Mỹ), John Judis nhận xét rằng trong 3 thập niên, từ 1933 đến 1966, chính phủ liên bang đã tạo ra 11 cơ quan điều hành để bảo vệ quyền lợi của người tiêu thụ, giới công nhân, và người đầu tư. Trong vòng 5 năm, từ 1970 đến 1975, chính phủ liên bang lập thêm 12 cơ quan nữa, gồm Cơ quan Bảo vệ Môi trường (the Environmental Protection Agency), Cơ quan Điều hành Y tế và An toàn Nghề nghiệp (the Occupational Safety and Health Commission). Richard Nixon là một chính trị gia phóng khoáng được che dấu dưới lớp áo bảo thủ (a closet liberal), và ngày nay chắn chắn ông sẽ đứng về cánh tả của Thượng nghị sĩ Olympia Snow, một nhân vật Cộng hòa ôn hòa.
Sự kiện thứ hai đã diễn ra là nạn suy trầm kinh tế của thập niên 1970, mà nguyên nhân là sự đình đốn kinh tế đi đôi với lạm phát (stagflation) và cú sốc dầu lửa [do sự phong toả cuả OPEC]. Sự kiện này bào mòn lợi tức của người Mỹ và niềm tin tưởng còn sót lại đối với chính phủ liên bang sau Chiến tranh Việt Nam, Watergate, và xáo trộn xã hội của thập niên 1960. Nó cũng báo động giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, và giới này đã biến sự báo động này thành hành động. Họ bắt đầu tin rằng bản thân chủ nghĩa tư bản đang bị những nhà hoạt động như Rachel Carson [bảo vệ môi trường] và Ralph Nader [bảo vệ quyền lợi người tiêu thụ] đánh phá, và họ tự tổ chức thành những nhóm vận động hành lang (lobbying groups) và những viện nghiên cứu chính sách (think tanks) — những nhóm này nhanh chóng trở thành các tổ chức hoạt động quen thuộc, đầy quyền lực trong chính trị Mỹ: the Business Roundtable, the Heritage Foundation, và một số tổ chức khác. Ngân sách và ảnh hưởng của chúng chẳng bao lâu đã có thể sánh với những nhóm kỳ cựu có ý thức đồng thuận cao hơn, như viện nghiên cứu Brookings Institution. Giữa thập niên 1970, các tổng giám đốc công ty không còn tin rằng họ có bổn phận phải hành động như những người bảo quản vô vị lợi của nền kinh tế quốc gia. Họ đã trở thành một nhóm lợi ích đặc biệt; và lợi ích mà họ đại diện là của chính họ. Irving Kristol, một nhà văn thuộc khuynh hướng tân bảo thủ, đã đóng một vai trò chủ yếu trong việc tập trung sự quan tâm của các giám đốc công ty vào chương trình nghị sự hẹp hòi và khẩn cấp hơn. Ông khuyên họ : “Lòng bác ái của các tập đoàn kinh tế không nhất thiết phải là, và không thể là, vô vị lợi”.
Trong các chi tiêu thiếu tinh thần vô vị lợi (non-disinterested) mà các tập đoàn bắt đầu xúc tiến, không có gì vị lợi hơn vận động hành lang (lobbying). Vận động hành lang đã có từ thời nước Mỹ mới thành lập, nhưng mãi cho đến giữa hay cuối thập niên 1970, nó chỉ là thủ tục giao tế tẻ nhạt. Năm 1971, chỉ có 145 doanh nghiệp được đại diện bởi các chuyên viên vận động hành lang có đăng ký tại Washington; vào năm 1982, con số này là 2.445. Năm 1974, chỉ có trên 600 ủy ban vận động chính trị (political action committees, viết tắt PAC), quyên góp được 12,5 triệu USD năm đó; năm 1982, có đến 3.371 ủy ban, quyên góp được 83 triệu USD. [PACs là các nhóm tư nhân được tổ chức để lựa chọn ứng cử viên hay theo đuổi các hoạt động lập pháp, DG.] Năm 1974, tổng số tiền chi tiêu cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống là 77 triệu USD ; năm 1982, con số đó lên tới 343 triệu USD. Không phải tất cả mọi vận động hành lang và chi tiêu tranh cử đều do các tập đoàn kinh tế thực hiện, nhưng các tập đoàn này chiếm đa số và làm tốt hơn bất cứ tổ chức nào khác. Và chúng đạt được kết quả mong muốn.
Những thay đổi này được thực hiện không những bởi các nhà tư tưởng bảo thủ và các đồng minh của họ trong giới doanh nghiệp. Trong số những người đã thúc đẩy sự chuyển biến phải kể đến những thành phần phóng khoáng mang lý tưởng cao thượng (high-minded liberals), những người theo khuynh hướng McGovern và những người đòi cải tổ chính trị sau vụ Watergate, tức những người đã đã tạo ra các luật bầu cử trong sạch cho phép cử tri bầu cử vòng đầu để chọn ứng cử viên chính thức (open primary, clean election laws). Họ cũng sáng tạo các hình thức vận động chính trị “bên ngoài” chủ yếu dựa vào quảng cáo trên TV. Trên lý thuyết, những cải tổ này đã mở rộng hệ thống chính trị cho những người trước đây bị tướt đoạt quyền bầu cử, bằng cách loại bỏ việc lựa chọn ứng cử viên do quyết định của một thiểu số (the smoke-filled room), do một nhóm người trong một đảng chính trị (the party caucus) hay do một đầu sỏ chính trị trong một thành phố (the urban boss) – thay thế Richard Daley bằng Jesse Jackson. Nhưng trong thực tế, những gì thay thế sinh hoạt chính trị cũ cũng không mang lại một nền chính trị mới mẻ công bình hơn. Thay vào đó, các chính đảng đã mất tính cố kết (coherence) và cả quyền hành đối với đảng viên. Vì bị chính trị cơ sở kiểu mới qua mặt, các đảng chính trị phải vận động bằng cách trực tiếp gửi thư (direct mail) đến các nhóm cử tri, phải chịu ơn các nhóm lợi ích đặc biệt, và nhận tài trợ từ các nhóm vận động hành lang. Trong khi đó, giới cử tri (the electorate) được chuyển hóa từ các liên minh của các khối khác nhau – như lao động, tiểu thương, và nông gia – thành một quốc gia bị phân tán nhỏ gồm những khán giả truyền hình. Các chính trị gia bắt đầu tập trung năng lực của mình vào việc vận động tiền bạc thật nhiều để mua các thời khoảng quảng cáo thật lớn. Rốt cuộc, nỗ lực vận động tài chính này đã không cho phép họ có đủ thì giờ để phục vụ nhân dân: như Nghị sĩ Tom Harkin, đảng viên Dân chủ bang Iowa, có lần đã nói với tôi, rằng ông và các đồng viện của ông đã mất tiêu nửa thời gian ngoài Quốc Hội để vận động tài chính.
Trường hợp sau đây nói lên hiệu ứng lệch lạc của tiến trình dân chủ hóa. Loại bỏ giới quyền lực chóp bu, hay chứng kiến họ từ bỏ thẩm quyền đạo lý, không nhất thiết tăng thêm quyền lực cho người dân bình thường. Một khi Walter Reuther của công đoàn Công nhân Xe hơi Thống nhất (UAW) và Walter Wriston của Ngân hàng Citicorp không còn sát cánh bên nhau trong Các nhiệm vụ làm cho thế giới tốt đẹp hơn (Commissions to Make the World a Better Place) mà bắt đầu mướn các chuyên viên vận động hành lang để tranh đấu cho quyền lợi riêng của phe nhóm mình tại Quốc Hội Mỹ, cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía các doanh nghiệp. Ba mươi năm sau, ai đã giành lợi thế trong Chính phủ — công đoàn UAW hay Citcorp?
Năm 1978, tất cả những xu thế này đều đi đến một giai đoạn nghiêm trọng. Năm đó, ba dự luật cải tổ [kinh tế và xã hội] được đưa ra trước Quốc Hội để biểu quyết. Một trong ba dự luật đó là thiết lập một văn phòng mới đại diện cho người tiêu thụ, giúp công chúng có được một tiếng nói bênh vực quyền lợi của giới tiêu thụ ngay trong bộ máy hành chính liên bang. Dự luật thứ hai đề nghị gia tăng một cách khiêm nhượng thuế lợi nhuận tài sản đầu tư (capital gains tax) và bải bỏ việc khấu trừ [ra khỏi lợi tức phải đóng thuế] các chi phí khoản đãi trong doanh nghiệp. Một dự luật thứ ba tìm cách tạo khó khăn để các công ty không thể tránh né luật lao động và cản trở việc tổ chức công đoàn. Những dự luật này đã được sự hậu thuẫn lưỡng đảng [Cộng hòa và Dân chủ] ở trong Quốc Hội; chúng được đưa ra đúng vào giai đoạn cuối cùng của một thời đại mà sự đồng thuận lưỡng đảng là chuyện bình thường, một thời đại mà các dự luật quan trọng và thiết yếu đều được sự hậu thuẫn từ hai đảng. Đấy là lúc Đảng Dân chủ kiểm soát được Nhà trắng và hai viện của Quốc Hội, và các dự luật này rất được dân chúng ủng hộ. Song, từng dự luật một theo nhau đi đến thất bại. (Cuối cùng dự luật thuế vụ được thông qua, nhưng chỉ sau khi nó bị thay đổi; thay vì tăng thuế lợi nhuận tài sản đầu tư [the capital gains tax rate], văn bản cuối cùng của dự luật đã cắt giảm thuế đó một nửa).
Sự kiện này đã diễn ra như thế nào và lý do tại sao là đề tài nghiên cứu trong tác phẩm gần đây của Jacob Hacker và Paul Pierson, Winner-Take-All Politics (Chính trị kẻ-thắng-chiếm-hết). Lý giải của họ, gói ghém trong hai từ, là “tài phiệt” (organized money). Các nhóm doanh nghiệp đã tung ra một đợt tấn công xuyên qua nỗ lực vận động hành lang (a lobbying attack), một chiến dịch mà Washington chưa bao giờ chứng kiến trước đó. Và khi đấu trường lắng dịu, người ta mới nhận ra một kỷ nguyên mới đã bắt đầu trong sinh hoạt chính trị Mỹ. Cuối năm 1978, các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống (the mid-term elections) đã cho phép Đảng Cộng hòa giành thêm 15 ghế trong Hạ viện và 3 ghế trong Thượng viện. Bản thân của những con số này không ấn tượng bằng bản chất của những thành viên Quốc Hội mới đến Washington. Họ không phải là loại chính trị gia tìm cách làm việc hài hòa với các đồng viện và giải quyết các vấn đề bằng cách thông qua các dự luật. Nói đúng ra, họ là những nhân vật bảo thủ nằm trong một phong trào vốn xung khắc ngay cả ý niệm chính phủ. Trong số đó có một giáo sư sử học từ bang Georgia tên là Newt Gingrich. Cuộc cách mạng Reagan đã bắt đầu vào năm 1978.
Giới tài phiệt không hề lén lút áp đặt những thay đổi rộng lớn này lên một quần chúng ngây thơ và thiếu cảnh giác. Vào cuối thập niên 1970, làn sóng phẫn nộ của dân chúng đối với Chính phủ đã lên cao, và Tổng thống Jimmy Carter nằm trong tầm nhắm tuyệt vời của họ. Đây không phải là một trường hợp về ý thức sai lầm của người dân, nhưng là một trường hợp về người dân đã chán ngán Chính phủ. Hai năm sau, Reagan lên nắm được chính quyền bằng một số phiếu cực lớn (a landslide). Chính dân chúng đã muốn nhà lãnh đạo này.
Nhưng cặp vợ chồng điển hình của năm 1978, với chiếc Pacer-AMC nói trên, không đi bầu để thấy phần bánh kinh tế của mình bị cắt giảm một cách thảm hại trong 30 năm qua. Họ không bất mãn vì lợi tức quốc gia đã rơi vào 1% dân số nằm ở chóp bu là quá ít hay vì luật thuế vụ đã tiến bộ một cách bất công đối với người giàu. Họ không hề muốn dẹp bỏ các chương trình chính phủ như An sinh Xã hội và Bảo hiểm y tế cho người già (Medicare), những chương trình đã mang lại an ninh kinh tế cho giai cấp trung lưu. Họ không đi bầu để làm suy yếu Chính phủ, bao lâu mà Chính phủ còn bảo vệ lợi ích của họ. Nhưng suốt 30 năm tiếp theo, thế lực khống chế chính trường đã theo đuổi những mục tiêu [đi ngược với nguyện vọng của cặp vợ chồng nói trên] như thể những mục tiêu này là những gì mà tuyệt đại đa số dân chúng Mỹ mong muốn. Giới tài phiệt và phong trào bảo thủ đã nắm lấy vận hội vào năm 1978 để khởi động một cuộc chuyển giao tài sản to lớn và kéo dài cả một thế hệ sang tay những người giàu có nhất nước Mỹ. Sự chuyển giao này đã diễn ra liên tục trong thời kỳ kinh tế hưng thịnh cũng như lúc gặp khó khăn, dưới các đời Tổng thống Dân chủ cũng như Cộng hòa, khi Đảng Dân chủ kiểm soát Quốc Hội cũng như khi Đảng Cộng hòa khống chế ngành lập pháp. Vì các nhà chính trị của Đảng Dân chủ cũng lũ lượt đến gõ cửa Wall Street và các tập đoàn kinh tế Mỹ, vì đấy là nơi có nhiều tiền lắm của. Các đảng viên Dân chủ cũng nhận hối lộ hợp pháp một cách nồng nhiệt như các đảng viên Cộng hòa, và khi có cơ hội một số trong bọn họ cũng bỏ phiếu ngoan ngoãn để phục vụ giới tài phiệt chẳng khác chi các đối thủ chính trị của mình. Năm 2007, khi Quốc Hội đang xét đến việc khép lại một kẽ hở trong đạo luật cho phép các nhà quản lý quĩ đối xung (hedge fund managers) chỉ trả 15% trên hầu hết lợi tức của mình – nghĩa là còn kém hơn tỉ suất thuế cuả các thư ký của họ — Nghị sĩ Dân chủ Charles Schumer của bang New York vội vàng đứng ra bên vực các viên quản lý này và đảm bảo rằng việc này không xảy ra. Cũng như Bob Dole, bấy giờ là một nghị sĩ Cộng hòa, đã tuyên bố từ năm 1982: “Người nghèo không đóng góp vào quĩ vận động tranh cử”.
LỜI HỨA HẸN CỦA MỸ QUỐC ĐÃ TRỞ THÀNH MAI MỈA
Sự bất bình đẳng xã hội là tệ nạn làm đầu mối cho nhiều tệ nạn khác. Cũng như một loại khí không mùi, bất bình đẳng xã hội đã thấm vào mọi ngỏ ngách nước Mỹ và làm suy yếu nền dân chủ nước này. Nhưng không ai tìm ra được nguồn gốc để khoá hẳn luồng khí đó lại. Qua nhiều năm, một số chính khách và học giả thậm chí không nhìn nhận sự hiện hữu của tình trạng bất bình đẳng này. Nhưng bằng chứng của sự chênh lệch giàu-nghèo ngày càng tràn ngập. Từ năm 1979 đến năm 2006, lợi tức hằng năm sau khi trừ thuế của người Mỹ trung lưu đã tăng lên 21% (được điều chỉnh vì lạm phát). Những người Mỹ nghèo nhất chỉ thấy lợi tức của mình tăng thêm 11%. Trong khi đó 1% dân số ở chóp bu có lợi tức tăng thêm 256%. Mức tăng này đã khiến tỉ lệ lợi tức của họ so với lợi tức quốc gia tăng lên gấp ba, lên tới con số 23%, tức là mức cao nhất từ năm 1928. Đường biểu đồ lợi tức của họ qua thời gian trông gần như bằng phẳng dưới các đời Tổng thống Kennedy, Johnson, Nixon, Ford, và Carter, nhưng tiếp theo đó là các đợt gia tăng đột biến liên tục dưới các đời Tổng thống Reagan, Bush Cha, Clinton và Bush Con.
Có người tranh luận rằng tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng này là một hậu quả tất yếu của những biến chuyển sâu rộng hơn: sự cạnh tranh toàn cầu, hàng hóa rẻ làm tại Trung Quốc, những thay đổi công nghệ. Mặc dù những yếu tố này có đóng một vai trò, nhưng không phải là vai trò quyết định. Tại châu Âu, nơi những diễn biến như thế cũng xảy ra, nhưng tình trạng bất bình đẳng vẫn còn dễ chịu hơn Mỹ nhiều. Yếu tố quyết định từ lâu vẫn là chính trị và chính sách công (politics and public policy). Rất nhiều tác phẩm nghiên cứu của các nhà kinh tế và các học giả trong vài năm qua đã trình bày một trường hợp chắc nịch là: trong ba thập niên qua, Chính phủ đã liên tục dành ưu đãi cho người giàu. Đây là cốt lõi của vấn đề: các lãnh đạo chính trị của chúng ta, các cơ chế của chúng ta.
Nhưng còn cơ bản hơn cả chính sách công, đó là sự chuyển hóa dài hạn về tư cách và đạo lý của giai cấp chóp bu trong xã hội Mỹ –những gì bây giờ họ sẵn sàng làm mà ngày xưa họ nhất định không làm, hay thậm chỉ không nghĩ đến việc làm điều đó. Những thay đổi chính trị đã thúc đẩy, rồi lại được hổ trợ bởi, những thay đổi sâu sắc trong các chuẩn mực về trách nhiệm và tự chế. Vào thời điểm 1978, có lẽ vẫn là một điều khả thi về mặt kinh tế và hoàn toàn hợp pháp nếu một giám đốc công ty tự thưởng cho mình hằng triệu đôla trong khi sa thải 40% số nhân viên và đòi hỏi những người ở lại hằng năm phải nghỉ phép không lương. Nhưng lúc bấy giờ không một lãnh đạo công ty nào muốn chuốc lấy ô nhục và phẫn nộ do một hành động như thế — cũng như một giám đốc công ty ngày nay không muốn bị trích dẫn là đã dùng một từ miệt thị chủng tộc hay bị chụp ảnh chung với một nữ hộ tống có trả tiền (paid escort). Ngày nay, thật khó tưởng tượng khi mở ra một tờ báo mà không chứng kiến những tin tức liên quan đến những món tiền thù lao kếch sù trắng trợn ở giới chóp bu và những khó khăn vật chất diễn ra đều khắp ở các tầng lớp bên dưới. Xoá bỏ một điều cấm kỵ là dễ dàng hơn tạo ra một điều cấm kỵ, và khi một điều cấm kỵ bị xói mòn, thì khó hồi phục nó lại như trước. Như Leo Tolstoy đã viết, “Không có một hoàn cảnh sinh sống nào mà con người không thể làm quen, nhất là khi anh ta thấy nó được mọi người chung quanh chấp nhận”.
Sự dai dẳng của xu thế này — một xu thế đã đưa đến tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng trong vòng 30 năm qua – cho thấy một cái vòng luẩn quẩn mà nước Mỹ không thể thoát ra được bằng các đường lối chính trị thông thường. Khi của cải càng ngày càng tập trung trong tay một thiểu số, thì giới giàu có cánh thế sẽ có thêm nhiều ảnh hưởng và hưởng thêm nhiều đặc quyền. Do đó, thiểu số này và các đồng minh chính trị của họ dễ dàng rủ bỏ sự tự chế mà khỏi phải trả giá về mặt xã hội. Sự dễ dãi này tiếp đó sẽ cho phép họ tự do tích lũy thêm nhiều tiền của, cho đến khi người ta không phân biệt được đâu là nguyên nhân và đâu là hậu quả. Hình như không có gì có thể hãm bớt tiến trình này – dù đó là chiến tranh, dù đó là tác động của công nghệ, dù đó là một cuộc bầu cử lịch sử. Có lẽ, do một sự lo sợ chính đáng là đất nước đang đi tới chỗ suy bại, giới giàu có và đồng minh chính trị của họ cuối cùng sẽ phải biết tự chế và, chẳng hạn, bắt đầu thay đổi tư duy về thuế má — dần dần khác với Stephen Schwarzman và ngày càng giống như Warren Buffet.
Trong khi đó, tình trạng bất bình đẳng sẽ tiếp tục chế nhạo lời hứa hẹn của nước Mỹ về cơ hội đồng đều cho mọi người dân. Bất bình đẳng tạo ra một nền kinh tế khập khễnh, đưa đến tình trạng người giàu nắm trong tay quá nhiều tiền của để tha hồ đầu cơ kiếm lợi trong khi giai cấp trung lưu không có đủ tiền để mua sắm những thứ mà họ cho rằng họ xứng đáng được hưởng, do đó họ phải đi vay mượn và lún sâu vào nợ nần. Những điều vừa nói nằm trong những nguyên nhân dài hạn đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc Đại suy thoái hiện nay. Bất bình đẳng sẽ biến xã hội thành một hệ thống giai cấp, giam hãm con người trong hoàn cảnh họ sinh ra — một lời nguyền rủa đối với chính ý niệm giấc mơ Mỹ. Bất bình đẳng ngăn cách chúng ta với nhau trong trường học, trong láng giềng, ở sở làm, trên máy bay, trong bệnh viện, trong đồ ăn thức uống, trong điều kiện thể chất, trong những gì chúng ta nghĩ, trong tương lai của con cái chúng ta, trong cách chúng ta chết. Bất bình đẳng làm cho nhiều người không tưởng tượng ra được đời sống của tha nhân – đó là một lý do vì sao số phận của hơn 14 triệu người Mỹ gần như thất nghiệp vĩnh viễn không để lại dấu ấn đáng kể nào trong thủ đô chính trị và trong thủ đô truyền thông của nước Mỹ. Bất bình đẳng xoái mòn lòng tin tưởng lẫn nhau giữa người dân trong cùng một nước, như thể mọi người đang ở trong một trò cờ gian bạc bịp. Bất bình đẳng dấy lên một sự phẫn nộ rộng lớn, một sự phẫn nộ nhắm vào mục tiêu ở bất cứ nơi nào nó có thể tìm ra đối tượng — chẳng hạn, người nhập cư, các nước ngoài, giới thượng lưu, mọi dạng thức chính quyền – và nó tưởng thưởng những kẻ mị dân trong khi làm mất uy tín những nhà cải cách. Bất bình đẳng làm suy yếu quyết tâm tìm kiếm những giải pháp đầy tham vọng cho các vấn đề tập thể to lớn, vì trong mắt của nhiều người, những vấn đề này không còn mang tính tập thể cao. Bất bình đẳng kinh tế-xã hội có tác dụng xói mòn dân chủ.
GEORGE PACKER là một cây viết thường trực của tờ New Yorker. Bài tiểu luận này dựa trên một bài Thuyết trình nằm trong Chương trình Tưởng niệm Joanna Jackson Goldman về đề tài Văn minh và Chính phủ Mỹ mà ông đã đọc vào đầu năm nay tại Trung tâm Cullman dành cho các Học giả và Nhà văn thuộc Thư viện Công cộng New York.
© Trần Ngọc Cư
.
.
.
No comments:
Post a Comment