Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, October 17, 2011 2:42:36 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138597&z=97
Monday, October 17, 2011 2:42:36 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138597&z=97
Tư bản chủ nghĩa giẫy chết thế nào... tại Trung Quốc?
Thành phố Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang bên bờ Ðông Hải của Trung Quốc là nơi đặc biệt về kinh tế.
Với dân số trên chín triệu và các danh hiệu như trung tâm sản xuất số một của quốc gia về giày, đồ điện gia dụng, v.v... hoặc “hãng xưởng số một của thế giới,” Ôn Châu được coi là “cái nôi của tư bản chủ nghĩa.” Cư dân được gọi là “Do Thái phương Ðông” và nổi tiếng vì đã thử nghiệm kinh tế thị trường trước khi Trung Quốc tiến hành cải cách, hơn 30 năm về trước.
Cuộc thử nghiệm thành công mỹ mãn và người ta đã nói đến “Mô Thức Ôn Châu,” một mẫu mực cho nhiều địa phương khác từ nhiều thập niên qua.
Gần đây chính dân Ôn Châu lại đăng lời cáo phó: “Mô Thức Ôn Châu đã từ trần.”
Chuyện ấy không dính dáng gì đến tai hạn xe lửa cao tốc xảy ra ngày 23 Tháng Bảy vừa qua trong huyện Lộc Thành của Ôn Châu, một “sự cố kỹ thuật” đã tạm chấm dứt giấc mơ cao tốc vĩ cuồng của Bắc Kinh. Việc “Mô Thức Ôn Châu” từ trần còn là sự tiêu vong của giấc mơ tư bản chủ nghĩa của cả nước.
Bài này sẽ nói về chuyện đó - như một lời phân ưu!
***
Người dân Ôn Châu hãnh diện về khả năng tháo vát và luôn luôn đi bước tiên phong trong kinh tế để tìm ra nguồn lợi vào đúng thời điểm. Sự ứng hợp của họ có thể là tiêu biểu cho sự xoay trở của cả Trung Quốc vì những gì Ôn Châu thực hiện đều được các địa phương khác noi theo như một mẫu mực.
Những kẻ ghen tức thì gọi đó là phản ứng bầy đàn nhưng cả một đàn trên một tỷ dân thì tất nhiên phải tạo ra “phép lạ Trung Quốc.”
Từng là một tô giới hiếm hoi vẫn do người Trung Quốc kiểm soát trong thế kỷ 19, khi nhà Ðại Thanh bị liệt cường khuất phục, Ôn Châu có gần 340 cây số bờ biển nhưng lại hiếm tài nguyên nông sản và đất đai. Vì vậy, ngay từ “tiền kiếp” - trước khi Ðặng Tiểu Bình mở cửa - Ôn Châu tự chọn sự nghiệp của một hãng xưởng. Khi Trung Quốc mở cửa buôn bán với bên ngoài thì Ôn Châu trở thành trung tâm ráp chế.
Người dân tự động lập ra các cơ sở tiểu doanh và tuyển nhân công lãnh thầu cung cấp cơ phận và phụ tùng cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở trên. Theo đúng màu sắc Trung Quốc, vì vậy mới thành mẫu mực, tiểu doanh nghiệp Ôn Châu chọn chiến lược “lấy công làm lãi” và góp phần thấp nhất vào tiến trình sản xuất các mặt hàng kỹ nghệ nhẹ cho thị trường toàn cầu với giá rất rẻ, và mức lời rất mỏng.
Sự thành công của Ôn Châu trong mấy thập niên đổi mới liền được cả nước noi theo, khiến Trung Quốc và sản phẩm “chế tạo tại Trung Quốc” chinh phục thế giới. Mô Thức Ôn Châu lại phù hợp với chiến lược phát triển của lãnh đạo, là lấy xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng, nên cả nước tràn vào vào kinh tế thị trường.
Ðó là tư bản chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng, với sức dân là chính.
Xuất cảng đóng góp hơn một phần ba sản lượng quốc gia, lãnh đạo nắm lấy một dự trữ ngoại tệ khổng lồ và người dân thắt lưng buộc bụng để ráp chế những mặt hàng rẻ tiền, có phẩm chất kém. Các doanh nghiệp hì hục dưới đáy thì nhận mức lời cực thấp. Muốn mưu sinh thì họ chỉ còn giải pháp... ăn gian về phẩm chất.
Khi kinh tế toàn cầu còn thịnh đạt và ai ai cũng hài lòng với hàng Trung Quốc rẻ như bèo thì tiến trình phân công lao động ấy còn tồn tại.
Nhưng không hổ với danh hiệu tiên tiến, doanh gia Ôn Châu sớm thấy ra rằng làm ăn kiểu đó quả là khó khá khi kinh tế thế giới suy trầm, giới tiêu thụ toàn cầu bắt đầu thắt lưng buộc bụng và trở thành khó tính hơn với hàng họ Trung Quốc. Họ ôm tài sản tích lũy được để đặt vào cửa khác.
Lần đầu vào năm 1998 là khi nhà nước khuyến khích phát triển gia cư, lần thứ hai là 10 năm sau, là hiện nay, khi kinh tế thế giới bị tổng suy trầm. Ở giữa là một đợt bùng phát vào năm 2004.
Năm đó, tư bản Ôn Châu lặng lẽ giã từ thị trường ráp chế và bước vào thị trường địa ốc với 100 tỷ đô la. Và bước như chạy vì phải đánh nhanh rút lẹ - đầu cơ - khi cả nước cũng theo mẫu mực Ôn Châu mà thổi lên trào lưu chiếm đất xây nhà. Mô thức Ôn Châu trên quy mô toàn quốc đã thổi lên quả bóng địa ốc và dân Ôn Châu bèn lách khi thấy bóng có thể xì.
Họ đầu tư vào thương phẩm, nguyên nhiên vật liệu làm cả nước chạy theo như bị ma đuổi - và lại thổi lên một vài trái bóng khác.
Khi thấy nhà nước bước vào với cây kim chính sách để xì bóng trước khi bóng bể, nhà cửa và thương phẩm đều ế ẩm mất giá, tư bản Ôn Châu bèn nương theo mà đánh vào cửa khác. Họ đi vào thị trường cho vay lãi. Ðó là thị trường tín dụng “tự do,” một sinh hoạt được báo chí quốc doanh cho biết là có sự tham dự của 80% các hộ gia đình Ôn Châu!
Trong một chế độ mà tư doanh không thể cạnh tranh được với các đại gia, với hệ thống doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng tài trợ cũng của nhà nước, có nhiệm vụ cho nhau vay theo diện chính sách, thì Ôn Châu trở thành “chủ nợ sau cùng.” Ðó là trung tâm tài trợ các tiểu doanh nghiệp tư nhân, với lãi suất xám, là rất cao vì có rủi ro quá lớn.
Ngày nay, các địa phương khác cũng học thói Ôn Châu. Và cả nước sinh hoạt trong trạng thái vay lãi cắt cổ. Ở trên cùng là các đại gia có thể vay tiền với lãi suất âm, vì thuộc diện chính sách, rồi cho ở dưới vay lại theo nhiều tầng, mỗi tầng lại đắp thêm một phân lời như một loại bảo phí an toàn. Ở dưới cùng là tư doanh, các cơ sở tiểu doanh có mức lời cực thấp lại bị phân lời tín dụng bào mỏng và thị trường xuất cảng co cụm. Cho nên mới rụng như ruồi!
Việt Nam mới chỉ có năm vạn tiểu doanh vỡ nợ thì vẫn còn... bảnh.
Lãnh đạo Bắc Kinh không thể không thấy ra mối nguy đó. Tổng lý Quốc vụ viện là Ôn Gia Bảo đến tận Ôn Châu để xem xét tình hình và ra quyết định tung tiền chuộc nợ để tránh một vụ phá sản dây chuyền. Nhưng việc thi hành lại vẫn có... màu sắc Trung Hoa: các đại gia ở trên ưu tiên nắm hết và chỉ cấp cứu những cơ sở có quan hệ tốt và biết đền ơn đáp nghĩa một cách hậu hĩnh!
Vì vậy, sau khi lòng vòng thử nghiệm mọi giải pháp - từ ráp chế đến xây nhà và cho vay lãi, v.v... - Ôn Châu tiên tiến bắt đầu giẫy chết.
***
Mấy chục năm thử nghiệm tư bản chủ nghĩa tại một trung tâm tiên tiến nhất có thể là một tóm gọn của bài toán Trung Quốc.
Chiến lược phát triển bằng xuất cảng mà Bắc Kinh học lại từ các nước Ðông Á đã đi đến giới hạn cuối cùng. Thực tế thì bị nạn tổng suy trầm đẩy vào giới hạn đó còn nhanh hơn khả năng ứng phó của lãnh đạo. Và lệnh ứng phó của trung ương lại bị từng cấp cao thấp ở dưới bẻ quặt cho mục tiêu riêng vì đặc quyền đặc lợi phe nhóm, mà triều đình ở trên không thể chặn được. Cứ bần thần như bà Từ Hy vậy!
Cho đến nay, nhiều tổ hợp đầu tư Mỹ vẫn ngợi ca sự kỳ diệu của Trung Quốc mà cứ lờ đi chuyện Ôn Châu bốc khói. Quả là “Mỹ đế” lại vần với “Mỹ điếm”! Thực tế thì tư doanh Ôn Châu, tiểu doanh Trung Quốc và cả một quần chúng lầm than ở dưới đang bẽ bàng với tư bản chủ nghĩa.
Bao giờ họ sẽ noi gương “Phong trào 15-M” của Tây Ban Nha (Espana, Spain, Espagne) phát động ngày 15 Tháng Năm vừa qua, hoặc phong trào “Chiếm Wall Street” của Hoa Kỳ vừa manh nha vào Tháng Chín vừa rồi, mà... xuống đường biểu tình chống tư bản chủ nghĩa?
.
.
No comments:
Post a Comment