Saturday, August 21, 2010

VINH DANH NGƯỜI ĐÃ TỰ THIÊU PHẢN ĐỐI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN

Vinh danh người đã tự thiêu phản đối chế độ cộng sản

Lê Diễn Đức

Tháng Tám 21, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/08/21/vinh-danh-ng%c6%b0%e1%bb%9di-da-t%e1%bb%b1-thieu-ph%e1%ba%a3n-d%e1%bb%91i-ch%e1%ba%bf-d%e1%bb%99-c%e1%bb%99ng-s%e1%ba%a3n/

.

Ryszard Siwiec tự thiêu ngày 8/09 /1968 - Ảnh: Tư liệu

http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/08/0111.jpg?w=400&h=229

.

Chính quyền cộng sản đã không dễ dàng, tự nguyện chuyển giao quyền lực cho nhân dân, chấp nhận bầu cử tự do từ năm 1989, nếu không có lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả của quần chúng Ba Lan, trong đó có Ryszard Siwiec.

Ngày 20 tháng Tám năm 2010, tại Praha, chính quyền thủ đô CH Czech (thuộc Tiệp Khắc cũ) đã kéo băng khánh thành bức tượng đài vinh danh một công dân Ba Lan: Ryszard Siwiec.

42 năm trước đây Ryszard Siwiec đã tự thiêu trên Sân vận động Mười năm tại Warsaawa, thủ đô Ba Lan, để phản đối chế độ độc tài toàn trị và sự can thiệp quân sự của Ba Lan (cùng với Liên Xô và các nước trong Hiệp ước Warszawa) vào Tiệp Khắc mùa Xuân năm 1968 nhằm dập tắt phong trào đòi tự do, dân chủ.

.

CH Czech khánh thành tượng đài tưởng niệm R. Siwiec ngày 20/08/2010 - Ảnh: CTK

http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/08/siwiec_pomnik.jpg?w=455&h=287

.

Ngày 8/09/1968, trong một buổi lễ hội với sự có mặt của những người đứng đầu của đảng và nhà nước cộng sản Ba Lan, ngoại giao đoàn và gần 100 ngàn người tham dự, sau khi tung tập truyền đơn vào đám đông, ông Ryszard Siwiec đã tẩm xăng tự thiêu. Ông nhất định chống cự lại những người cố gắng dập tắt ngọn lửa.

Dàn nhạc được chỉ thị phải khuyếch trương âm thanh, các đội nhảy múa tập thể thao diễn rộn rã, cốt làm cho khối lửa người cháy kia không được chú ý. Ryszard Siwiec chết bốn ngày sau đó vì bị bỏng hơn 85 phần trăm cơ thể.

Ông được chôn cất tại nghĩa trang tỉnh nhà Przemysl. Tang lễ, mặc dù lớn nhất trong lịch sử của địa phương, đã không thể trở thành một cuộc biểu tình chính trị, bởi vì an ninh bám sát, theo dõi toàn bộ tiến trình và thì thầm phao tin Ryszard Siwiec là một người nghiện rượu và bị tâm thần.

Trong những chiến dịch tuyên truyền tiếp theo, nhà cầm quyền cộng sản đã ra lệnh bóp méo sự kiện trên báo chí và phim ảnh với mục đích thuyết phục quần chúng rằng, họ đã chứng kiến hành động của một thằng điên.

Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Tổng thống dân cử đầu tiên của CH Czech, ông Vaclav Havel, nhà văn, nhà tranh đấu dân chủ nổi tiếng, đã truy tặng Ryszard Siwiec Huân chương cao nhất của Cộng hòa Czech (Double White Cross) dành cho người nước ngoài.

Trước khánh thành tượng đài, ngày 05/02/2009 tên của ông được đặt cho một đường phố ở Praha, nơi có Viện Nghiên Cứu Chế độ Toàn trị. Một tấm bảng hiệu tưởng niệm cũng được khánh thành và gắn trên tường của Viện vào ngày 13/02/2009.

.

Vài nét về Ryszard Siwiec

Ryszard Siwiec sinh ngày 07/03/1909 tại Debica (Ba Lan), chết ngày 12/09/1968 tại Warszawa.

Ông tốt nghiệp khoa triết học Đại học Lwów, gia nhập quân đội quốc gia, sau chiến tranh từ chối làm việc trong ngành giáo dục vì không muốn can dự vào vào chính sách tuyền truyền của chế độ cộng sản cho thanh niên. Ông làm kế toán, trồng vườn, chăn nuôi. Ông có năm người con.

Trong nhiều năm ông đã viết trên máy đánh chữ cá nhân những tờ rơi và ký tên Jan Polak. Cuộc xâm lăng Tiệp Khắc của Liên Xô với sự tham gia của quân đội Ba Lan đã buộc ông phải đánh động lương tâm của quần chúng. Trước khi tới Warszawa thực hiện kế hoạch tự thiêu, ông đã ghi âm lời nhắn nhủ của mình với đoạn kết thúc như sau:

Hỡi những người vẫn còn chứa đựng ngọn lửa của nhân loại, tình cảm con người, hãy nhớ! Hãy nghe tiếng thét của tôi, tiếng thét của người đàn ông từng trải, bình thường, một người con của nhân dân yêu chuộng tự do hơn tất cả, hơn cả mạng sống của mình, hãy ghi nhớ! Mọi thứ chưa phải đã quá muộn!”.

Đến với Warsaw bằng tàu hỏa, ông đã viết một lá thư chia tay với vợ là bà Maria. Sau khi ông tự thiêu, lá thư bị an ninh phát hiện tại Bưu điện, bị lưu giữ và 22 năm sau mới tới tay người vợ.

Maria em yêu, em đừng khóc. Sẽ làm tổn hại tới sức khoẻ mà em đang rất cần đến nó. Anh chắc chắn, cho thời điểm này anh đã sống được 60 năm. Anh xin lỗi, không thể nào khác hơn. Vì nó, để không bao giờ sự thật bị mất, anh sẽ chết cho nhân bản và tự do, cho một điều ít ác hơn so với cái chết của hàng triệu người. Em đừng đến Warszawa. Không một ai có thể giúp anh được nữa. Anh đến Warszawa bằng tàu hỏa, do đó chữ viết xấu vì bị rung. Anh cảm thấy nhẹ nhõm, bình an nội tâm hơn bao giờ hết…”.

Gần một năm rưỡi sau, tại Praha, trên quảng trường St. Wenceslas, cũng phản đối cuộc xâm lăng của Liên Xô, một sinh viên người Czech Jan Palach đã tự thiêu. Jan Palach không hề biết gì trước đó về Ryszad Siwiec, bởi vì các thông tin đầu tiên về hành động của Ryszard Siwiec tới tháng 4/1969 mới được công chúng biết đến (gần bốn tháng sau cái chết của Palach) qua làn sóng của Đài Âu châu Tự do.

Năm 1981, mặc dù Ba Lan vẫn còn trong chế độ cộng sản, gia đình của người quá cố bằng chi phí riêng của mình đã cho phát hành một cuốn sách nhỏ nói về hành động của Ryszard Siwiec.

Năm 1991, sau khi Ba Lan xoá bỏ chế độ cộng sản, đạo diễn Maciej Drygas cho ra đời cuốn phim “Tiếng thét của tôi” và giành được giải thưởng Felix tại Berlin cho thể loại phim tài liệu. Qua bộ phim này nhân vật Ryszard Siwiec mới được người Ba Lan biết đến rộng rãi sau nhiều thập niên bị che giấu.

Trong tháng 6/1991 Hội đồng thành phố Przemysl quyết định lấy tên Ryszard Siwiec đặt cho chiếc cầu mới xây dựng thay cho cầu treo cũ.

Ngày 07/03/2009, vào dịp 100 năm ngày sinh của Ryszard Siwiec, dân cư của địa phương, các nhà ngoại giao đến từ các nước láng giềng, chính quyền thành phố Przemysl và gia đình đã làm lễ tưởng niệm. Quốc hội Ba Lan đã thông qua nghị quyết đặc biệt tưởng nhớ ông trong sự hiện diện của góa phụ của Siwiec, đại sứ CH Czech và đại diện của Đại sứ quán Slovakia.

Ngay lối vào Sân vận động Mười năm ở Warszawa có gắn tấm bảng tưởng niệm ông theo sáng kiến của Tuần báo “Công đoàn Đoàn kết”.

Sân Vận động Mười năm đã bị phá bỏ, nhưng trên cùng vị trí một sân vận động mới hiện đại phục vụ cho Giải Chung kết Bóng đá châu Âu 2012 sẽ xây dựng xong vào tháng 7/2011. Hiện nay, có đề nghị lấy tên Richard Siwiec đặt tên cho sân vận động quốc gia này.

.

Lời kết

Nhân sự kiện thủ đô Praha của CH Czech khánh thành tượng đài vinh danh Ryszard Siwiec, nhớ tới ông, tới hàng chục công nhân Ba Lan bị công an cộng sản bắn chết trong các cuộc biểu tình đình công, nhớ tới hơn 10 ngàn người Ba Lan bị bắt giam và hàng chục ngàn người khác bị tra vấn, theo dõi sau ngày thiết quân luật 13/12/1981, tôi càng ý thức được rằng, nhân dân Ba Lan hôm nay thật xứng đáng được hưởng cuộc sống độc lập, dân chủ, tự do và hạnh phúc. Họ đã trả giá rất đắt cho tiến trình tranh đấu của mình. “Freedom is not free“!

Chính quyền cộng sản đã không dễ dàng, tự nguyện chuyển giao quyền lực cho nhân dân, chấp nhận bầu cử tự do vào năm 1989, nếu không có lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả của quần chúng Ba Lan, trong đó có Ryszard Siwiec.

Nguồn: Thông tin thời sự và tư liệu lấy từ Nhật báo Ba Lan “Gazeta Wyborcza” ngày 20/08/2010 và Pl.wikipedia

© Lê Diễn Đức Weblog 2010

.

.

.

No comments: