Tuesday, August 31, 2010

KHOA HỌC MÌ ĂN LIỀN

Khoa học mì ăn liền

http://www.danchimviet.info/archives/16961

Trưa hôm qua đang úp mặt vào chảo, xóc thật lực vì khách xếp hàng đông… chờ ăn. Chuông điện thoại lại kêu reng reng, tôi tưởng khách gọi điện đến đặt bàn, bảo cậu phụ việc ra nghe máy. Phút sau cậu ta quay vào bảo điện thoại của ông bạn gọi cho tôi. Không thể dừng tay được, tôi bảo:

- Nói với nó tao đang bận, tý nữa gọi lại.

- Thì em đã nói như vậy, nhưng anh ấy không nghe, cứ đòi gặp anh ngay.

- Thằng này đỉa thật!

Tôi buộc phải vặn nhỏ bếp, cầm ống nghe. Tiếng ông bạn lanh lảnh:

- Đã biết gì chưa? Ngô bảo Châu đã ẵm giải Noben toán học rôì!

- Biết rồi, nhưng không phải là giải Noben mà là giải Fields. (tôi buột mồm giải thích như vậy).

Ông bạn này có tính bảo thủ, hiếu thắng lại ít nghiên cứu sách báo, nên khi nghe tôi nói vậy, văng tục ngay:

- Ông đ.. biết gì cả, tôi vừa đọc báo trong nước, các tít lớn chạy dài trên đầu trang, người ta còn đóng mở ngoặc cẩn thận chữ Noben toán học mà lị.

- Người ta ví giải Fields như giải Noben thôi, bởi vì giải Fields ít người biết, chỉ có những người trong ngành toán họ mới biết thôi, giải Noben ai ai cũng biết nên mấy ông nhà báo mượn tý… vậy mà. Cái đóng mở ngoặc của tiếng Việt ta đa nghiã lắm đấy, có khi là câu trích nguyên văn, khi là những lời bơm nhau, đôi khi là những lời khen đểu…

Ông bạn vẫn không chịu:

- Tôi thấy cả báo nguoiviet.de cũng đăng như vậy mà.

- Thì mấy bác nguoiviet.de, bê nguyên xi bài của các báo lớn trong nước, không cần biết đúng hay sai, vì các bác ấy tin không phải là BÁO XẤU, ( cũng phải thông cảm, vì có ai trả lương đâu, các bác ấy cũng phải có thời gian đi kiếm cơm chứ, nên không đọc lại) ông chẳng mới kể cho tôi hôm rồi các bác ấy trả lời như vậy, khi một độc giả kiến nghị bài viết sai, hay lỗi gì đó, trên mục bình luận đó sao. ….Thôi… thôi tôi không nói với ông nữa, chảo mỳ của tôi cháy khét lẹt rồi…

Chẳng cần biết giải thưởng Fields của giáo sư Châu thuộc ngành nghề gì, chỉ biết thế giới có mấy ông được nhận, thế là bà nhà tôi và mấy bà hàng xóm phấn khởi ra mặt, còn dọa cuối tuần này tổ chức liên hoan, kiểu gì cánh đàn ông chúng tôi cũng phải uống ăn mừng. Cả xóm tôi có mấy thằng đàn ông, không hiểu sao ông nào cũng dính chứng bệnh huyết áp cao chết tiệt. Nghe các bà phán thế, chúng tôi sợ lắm:

- Vui thì vui rồi …nhưng cái khoản nhấc lên nhấc xuống xin các bà tha cho .

Bà nhà tôi là chúa dậy muộn, sao sáng nay bà lục đục sớm thế không biết. Lúc sau thấy bà tha về một tập báo, lật lật, mở mở từng trang dò tìm. Trời ạ! Thì ra bà tìm xem người ta viết gì về giáo sư Châu và giải thưởng này. Quái lạ báo Đức không có một dòng nào đăng về sự kiện trọng đại này. Bà nhà tôi thất vọng, kéo chăn tôi:

- Này .. ông, báo chí trong nước nói giải thưởng này như giải Noben, mà sao báo Đức không đăng là thế nào. Giải Noben dù người Đức có trúng hay không, tôi thấy mọi báo đều đăng ở trang nhất cơ mà?

Đang tơ lơ mơ ngủ, bị vợ kéo chăn, kể cũng hơi bực mình, nhưng cố giữ hoà khí:

- Cũng như thể thao, bà thấy không, hai đứa con mình đều thi đấu bóng bàn (tischtennis) cho đội tuyển trẻ của Bang đến Liên bang, cũng nhận giải từ trong, đến ngoài nước, vật chất tý xíu, báo chí ít quan tâm, nếu có đăng họ chỉ lướt qua. Còn Tennis (chỉ vất chữ Tisch đi thôi) cùng đội trẻ tập huấn như các con mình, nhưng giải thưởng nặng gấp bao lần, báo chí đăng tùm lum cả. Trường hợp giải Fields đúng như vậy, báo chí và người Đức có thể họ không coi trọng bằng giải Noben, vì giải Fields có khoảng chục ngàn usd, còn giải Noben nhiều gấp trăm lần. Hơn nữa báo giới truyền thông ở Đức toàn của tư nhân, người ta chỉ đăng những gì người đọc thích. Có thế họ mới bán được báo. Giời ơi! người Đức quả là thực dụng.

Nghe tôi giải thích lung tung một hồi, chẳng biết đúng sai thế nào bà vợ tôi thở dài đánh thượt. Tôi kéo chăn trùm đầu ngủ tiếp.

Gần nhà có một chị quê ở Phú thọ cũng đang làm nghề xóc chảo như tôi, chị sống ở Đức cũng gần ba mươi năm rồi, nhưng chị còn nhớ nghề nông lắm. Hôm qua chị đến nhà, bảo tôi:

- Cậu này, cái ông giáo sư Châu còn trẻ sao mà ông ấy giỏi thế nhỉ! Chị chẳng biết ông ấy nghiên cứu công trình bổ đầu (bổ đề) bổ đít gì đó có lợi cho nông dân ta không? Chị nghĩ, cái nhà ông này bỏ thời gian nghiên cứu, chắc chắn ông ấy cứu được cả làng ung thư ở quê chị.

- Giáo sư Châu chỉ nghiên cưú về toán lý thuyết thôi, nó là nền tảng cho các ngành khoa học thực hành…

Tôi đang định giải thích cho chị bằng sự hiểu biết lõm bõm của mình, chị cắt ngang lời:

- Chị chẳng biết lý thuyết hay thực hành là gì cả, nó còn xa vời với đời sống dân mình lắm. Chị cứ thấy tiêng tiếc thế nào ấy, ông ấy nghiên cứu ra ngành nghề gì tạo nhiều công ăn việc làm cho thanh niên, hoặc bà con nông dân đỡ phải con trâu đi trước cái cầy đi sau, có phải tốt hơn bao nhiêu không.

- Việt nam đã có phim mì ăn liền, nhạc ăn liền, đất cát ăn liền và ty tỷ cái ăn liền khác …bây giờ chị laị muốn có khoa học, toán học ăn liền nữa. Nghe được câu này, có lẽ giáo sư Châu cũng vái phục chị đấy.

Tôi vừa nói hết câu, chị sắn quần qúa đầu gối, như chuẩn bị xuống đồng vỡ ải không bằng:

- Đấy… Đấy, cậu nói không có khoa học mỳ ăn liền nhé . Nhưng tôi hỏi cậu mấy ông nông dân ở Nam bộ, học mới hết cấp hai trường làng, thế mà họ mầy mò sáng chế ra các loại máy cấy, máy cầy, tuốt đập lúa, bóc vỏ các loại củ qủa, rất tiện lợi, giải phóng sức lao động cho bà con nông dân. Gía thành lại rẻ, bà con nông dân từ Nam cho đến Bắc tin dùng. Trong khi chúng ta có hết viện này đến viện nọ, giáo sư, tiến sỹ nghiên cứu hết năm này đến năm khác có chế được cái máy nào ra hồn cho nông dân không? Vậy mấy ông nông dân chế tạo này không gọi là các nhà khoa học mì ăn liền thì là gì đây? Tôi cam đoan với cậu tên tuổi của giáo sư Châu, không được sáu, bẩy mươi triệu bà con nông dân ta biết đến bằng mấy ông nông dân chế tạo mì ăn liền này, dù báo chí, truyền hình ngày nào cũng đưa tin về giáo sư Châu.

Chị nói một thôi một hồi, tôi chưa kịp hoàn hồn, chị rũ ống quần đứng dậy, đi thẳng ra cổng.

Qủa thật ngẫm đi ngẫm lại, cái ý kiến của chị hàng xóm nhà tôi không phải là không có lý, hoàn cảnh đất nước ta hiện tại.

Hôm rồi đọc báo, thấy ông phó thủ tướng Nguyễn thiện Nhân nói chính phủ chuẩn bị chi sáu, bảy trăm tỷ chuẩn bị thành lập viện cao cấp toán học, mời giáo sư Châu về làm việc. Nghĩ mà thấy buồn, dường như chúng ta làm bất cứ việc gì đều không có hoạch định trước, mà chỉ làm theo cảm tính và phong trào. Nếu như giáo sư Châu không nhận được giải Fields, thì cái viện toán này có ra đời hay không? Ôi! Gía như sáu, bẩy trăm tỷ này chi cho giáo dục cơ sở ở những vùng khó khăn thì hay biết bao nhiêu. Mùa hè về nhìn thấy ở bệnh viện nhi trung ương năm, sáu cháu chung một giường bệnh, nghĩ mà tội qúa (ảnh báo vnnet).

Hôm qua báo chí có thông báo, ngày 28 tháng 8 này, nhà nước tổ chức đón rước long trọng giáo sư Châu, có lẽ tốn kém lắm. Ở Đức đã lâu, tôi cũng hay theo dõi các sự kiện chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của họ. Là nước giầu có, nhưng những ngày trọng đại, lễ tết họ làm đơn giản và tiết kiệm. Tôi tin giáo sư Châu ở nước ngoài lâu năm cũng biết rõ điều này. Vinh quang với ông đến lúc này qúa đầy đủ. Một sự chào đón lãng phí nào nữa cũng không làm ông vinh quang hơn lên. Tôi mà như giáo sư Châu (đây chỉ là giả dụ thôi, không phải thật đâu nhé) xin nhà nước thay sự đón tiếp long trọng đó bằng hiện vật. Giáo sư dùng số tiền đó tặng cho các cháu nhà nghèo đỗ đại học năm nay chưa có tiền nhập học, nhân mùa tựu trường. Thời gian đã bố trí cho giáo sư để diễn thuyết, hay đọc diễn văn cảm tưởng ấy, ông lên giảng đường dậy dỗ các cháu sinh viên hữu ích hơn.

Đây là câu chuyện vui, ngày chủ nhật của mấy ông bà chuyên làm nghề xóc chảo ở Đức. Chúng tôi vô cùng mến phục tài năng của giáo sư trẻ Ngô bảo Châu ( mặc dù chúng tôi chẳng hiểu cái bổ đề của giáo sư là gì). Nhưng qủa thật, nói tự hào chúng tôi còn hơi lăn tăn. Cái hội xóc chảo chúng tôi đã thống nhất với nhau, khi nào bệnh viện nhi trung ương ở Hà nội, mỗi cháu bệnh nhân được nằm riêng một giường không phải chung chạ năm, sáu cháu như hiện nay, dứt khoát phải ăn uông thật say, kể cả lúc huyết áp đang tăng ầm ầm.

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

.

.

.

No comments: