Saturday, August 28, 2010

NHỮNG BÀI THƠ, NHẠC CHO HOÀNG SA - TRƯỜNG SA

Những bài thơ, nhạc cho Hoàng Sa Trường Sa

Mặc Lâm, phóng viên RFA

2010-08-28

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-poems-music-for-hoang-sa-truong-sa-mlam-08282010141147.html

Mấy lúc gần đây mặc cho chính quyền có thái độ nhũn nhặn đối với vấn đề Hoàng Sa Trường Sa, người trẻ trong và ngoài nước đã chọn Internet làm vũ khí truyền thông để chuyển tải tiếng nói của họ.

Những bài viết tuy dài ngắn khác nhau, nhưng chủ đề chính là đòi chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.

Bên cạnh những bài viết có tính chính luận, có không ít bài thơ được gửi đi khắp thế giới trong chủ đề này. Hôm nay chúng tôi mời quý vị thưởng thức vài bài thơ hoặc nhạc phổ từ thơ rất độc đáo của những ngòi bút nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, nhưng nét chung của các tác giả lại rất giống nhau: xót xa trước những mất mát không thể bù đắp, và đau đớn trên từng giọt máu đã đổ ra để bảo vệ tổ quốc.

Ngược thời gian trở về với năm 1974, toàn dân Miền Nam lúc ấy đang sống trong chiến tranh với Miền Bắc nhưng khi nghe tin Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm thì hầu như cả Miền Nam rực lửa. Quân đội vừa phải đối diện với các lực lượng lớn đang ùa vào từ Miền Bắc lại phải đối phó với kẻ thù bên ngoài là Trung Quốc, thế gọng kềm đã làm suy kiệt sức chiến đấu của đội binh tinh nhuệ của Miền Nam lúc bấy giờ.

.

Bài Thơ Cho Hải Ðảo Hờn Căm

Nhà thơ Phạm Lê Phan, vào chiều 30 Tết Giáp Dần, đã sáng tác bài thơ mang tên “Bài Thơ Cho Hải Ðảo Hờn Căm” như một lời nhắn đối với hải đảo xa xôi. Lời nhắn này làm mềm lòng người nghe và vẫn còn âm hưởng cho tới bây giờ, nhiều năm sau ngày bài thơ được sáng tác

Trung tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 đã tuẫn tiết theo tàu khi đụng độ với hải quân TQ

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Net-effects-on-paracel-and-spratly-issues-12022009160137.html/hai-chien-hoang-sa-305.jpg

Lời biển gọi cuối năm
Hờn căm trừng mắt lửa
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa ...
Mẹ đứng mũi Sơn Chà
Gửi hồn ra Ðông Hải
Ðảo nổi giận nên biển cuồn sống dậy
Ôi, đất nước ông cha: tay đứt lòng đau
Súng thét khơi xa, sao lửa đốt trong đầu
Lòng mẹ bời bời: ruột mềm máu chảy
Mắt mẹ trông vời, triền môi run rẩy:
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi các cháu con ta?

Con cháu mẹ
Năm mươi đứa làm anh hùng của bể
Năm mươi con thành dũng sĩ Trường Sơn
Bốn ngàn năm mài nhọn mũi căm hờn
Phóng mắt hận, nghiến răng ghìm giặc Bắc.
Cờ Nương Tử phất bay hồn xâm lược
Gươm Mê Linh thét máu nhuộm đầu voi
"Trèo lên đỉnh núi mà coi
Dáng Bà quản tượng trăng soi ngời ngời".
Cửu Chân hề, Cửu Chân ơi!
Gót nhi nữ ra khơi
Ðạp tan luồng sóng dữ
Chém cá tràng kình, rạng danh liệt nữ
Dũng khí Nhụy Kiều gục mặt Bắc quân!

Ngậm mối thù truyền kiếp mấy ngàn năm
Con cháu mẹ từng nhọc nhằn u uất
Ðắm biển mò châu phơi rừng tìm ngọc
Nanh vuốt sài lang nào kể gái hay trai
Máu mỡ no nê muông thú một bầy
Loài đỉa Hán vốn cuồng say máu Việt
Nước độc rừng thiêng một đi là một chết
Vạn người đi, không một bóng ma về

.

Nhà thơ Phạm Lê Phan khi ấy ngồi ở Sài Gòn nhưng lòng như lửa đốt. Ông dẫn người đọc thơ ông tỏa ra muôn ngã để cùng đau nỗi đau mất nước. Từ Trường sơn cho đến Hoàng Sa. Từ cội nguồn Bạch Đằng đến An Lộc, Trị Thiên, tất cả làm thơ của Phạm Lê Phan như vắt ra thành máu. Kiêu hùng mà xót xa lạ lung.

Ðá Trường Sơn con khắc ngập câu thề:
"Ðòi nợ máu phải đổi răng, đổi mắt!"
Bạch Ðằng xưa nghẹn giòng muôn xác giặc
Dù Hán, dù Mông nước đỏ cũng hôi tanh
Tóc thú đuôi sam - gươm dáo Việt tung hoành.
Vó ngựa Lý, Lê từng phen đạp Tống
Ngọn dáo Ðinh, Trần vạch cõi Nam uy dũng,
Ðầu Mãn Thanh vờn kiếm lộng Quang Trung.
Trải an nguy son sắt vẫn một lòng
Mỗi tấc đất một chiến công oanh liệt
Mỗi tên người một anh hùng, nữ kiệt
Mỗi gốc cây muôn xác quỉ vùi sâu
Dòng Việt Nam chưa hề biết cúi đầu
Dù giặc Bắc bạo tàn hơn súc vật!

.

Chất trường ca trong bài thơ rõ nét nhất khi tác giả chuyển đổi các cung bậc làm nó trở thành một bài “Hành” thể loại có tác dụng tương đương tiếng trống ra trận và từ đó thăm thẳm vang vang trong lòng người đọc. Mang mang nỗi ngậm ngùi nhưng cũng không thiếu phần hùng tráng.

Hồn Nam Hải cuối năm
Lạnh căm căm hơi bấc
Bởi thương con mẹ lên đỉnh Sơn Trà
"Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa
Khôn thiêng nối gót mẹ cha mà về".
Hãy đứng thẳng mà đi
Hỡi đàn con từng khua sôi biển cả
Cất cao đầu uống lời thề sông Hóa
Hàm Tử, Vân Ðồn, Tây Kết, Chương Dương,
Vươn chiến công kim cổ Bạch Ðằng Giang
Xô cuồng vọng Bắc Kinh vào biển máu!
Xưa ông cha mình giết Liễu Thăng, Hoằng Tháo
Ðánh gục đầu Tôn Sĩ Nghị, Thoát Hoan.
Giờ bè lũ Mao lại xâm phạm biên quan
Xua hải tặc cuồng điên lên cướp đảo
Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa yêu dấu
Ðất đai ta một mảng cũng thịt xương
Tổ quốc ta một tấc cũng tim gan
Xương thịt đứt thì tim gan đau xót!
Hỡi đàn con của Cửu Long bất khuất
Ngạo nghễ trên vai hồn An Lộc, Tam Biên
Mang trong tim giòng máu thép Trị Thiên
Lời phạt Bắc thét run hồn biển cả.

Chiều cuối năm, một mối thù chưa trả
Xuân sắp về - trời bỗng nặng nề mưa ...

.

Ai Đó Nói Với Tôi Câu Chuyện Này Có Thật

Khác với giọng thơ lúc bi tráng lúc ngậm ngùi của Phạm Lê Phan, nhà thơ Đỗ Trung Quân tuy cũng ở Sài Gòn nhưng mốc thời gian là hơn bốn mươi năm sau. Thời điểm này tòa tổng lãnh sự Trung Quốc đã nằm chễm chệ tại thành phố mang tên Bác. Trong bài thơ “Ai đó nói với tôi câu chuyện này có thật” Đỗ Trung Quân đặt mình vào người lính gác, vị trí gần nhất trước tòa lãnh sự để nhìn vào bên trong, thốt lời cay đắng:

tôi

người lính gác bên ngoài sứ quán trung quốc

tôi hai mươi tuổi

có đủ kỷ luật quân đội

làm nhiệm vụ người lính cấp trên giao

tôi im lặng

nhưng tôi nói thầm

tiên sư bố chúng mày!

bọn ăn cướp

ông chỉ là thằng lính gác

nhưng quốc tịch Việt Nam

tôi

người lính gác bên ngoài lãnh sự quán trung quốc

tôi hai mươi mốt tuổi

có đủ kỷ luật quân đội

tôi làm nhiệm vụ cấp trên giao

“này anh kia! ra khỏi khu vực này! khu cấm tụ tập!”

rồi tôi lại im lặng

chỉ nói thầm

“cứ phun bãi nước miếng vào chúng nó, rồi đi đi những người đồng tuổi!

cam đoan coi như tôi không thấy

thật đấy!”

tôi

Người lính gác bên ngoài dinh thái thú

lặng im

nhưng lòng tôi cuộn sóng

sóng...

sóng...

sóng...

.

Tổ Quốc Nhìn Từ Biển

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến không cay đắng như Đỗ Trung Quân, là người lính nằm ở Trường Sơn nhưng lòng lại tha thiết với Hoàng Sa khi hay tin giặc chiếm. Trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” Nguyễn Việt Chiến nhìn thật sâu vào lịch sử bằng cái nhìn tỉnh táo của một người lính.

.


Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn


Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

.

Nguyễn Việt Chiến không huyền thoại hóa nhân vật lịch sử mà mời gọi người đọc sờ tay vào các địa danh thân thương đầy bão tố. Ở đó, Nguyễn Việt Chiến nhận ra nhiều đau đớn vẫn còn trên quê hương anh.

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình goá phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

.

Và Nguyễn Việt Chiến cũng như hàng triệu người khác, cứ mỗi lần giặc tới là anh lại đếm. Cử chỉ đếm ở đây chỉ có thể giải thích như một sự kiên nhẫn vô giới hạn. Như một thước đo căm phẫn ngày một dài ra, và cuối cùng thì Tổ Quốc hôm nay đang trập trung về biển.


Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thủa trước*
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

.

Gần Lắm Trường Sa

Khác với những nhà thơ nam, trong bài thơ “Gần Lắm Trường Sa” Lê Thị Kim bộc lộ tâm tình với biển một cách nhẹ nhàng hơn, chị kể về tình yêu, về đảo xa, về những lần thăm đảo trong trí tưởng tượng, chị viết:


Hỡi quần đảo cuối trời xanh
Như trăm hạt thóc vãi thành đảo con
Sóng bào mãi vẫn không mòn
Vẫn còn biển cả vẫn còn Trường Sa

Lời anh kể dẫn tôi ra
Bước lên ghềnh đá chim sa xuống đầu
Những loài chim biển hải âu
Tưởng người là loại chim đâu mới về

Sóng ù đặc cả tai nghe
Gió thường là trận bão ghê tốc nhà
Gặp hầm hào ở Trường Sa
Những người lính trẻ vừa xa đất liền

Lê Thị Kim lặng lẽ ngồi nghe anh kể, hòa với muối biển với sóng to, chị cảm nhận được niềm trân quý đảo của những người lính như thế nào.Trường Sa vẫn nằm ngoài kia trong tâm tưởng chị. Nó đã hòa vào tình yêu riêng tư của hai người và thật khó mà biết được bây giờ chị yêu đảo hay yêu anh, bởi lời lẽ trong bài thơ chỉ nhắc đến đảo, nhắc một cách trìu mến thân quen.

Anh ngồi kể rất bình yên
Mà sao sóng gió lại truyền sang tôi
Mà sao chùm đảo xa khơi
Nở tung toé tựa sao trời vụt lên

Nụ cười tôi giấc mơ đêm
Với quần đảo ấy đã liên quan nhiều
Những người lính đảo tiền tiêu
Chiều nay tiếng biển có kêu đầy hầm

Tay tôi tựa có ai cầm
Thì ra một lá me nằm trong tay
Sài Gòn cây sóng đôi cây
Trường Sa ngoài ấy người hay nhớ nhà

Nơi nào cũng đất ông cha
Sá chi sóng lạ là đà cơn say
Hỡi chùm đảo cuối chân mây
Đâu như chùm trái trên cây mà nhìn

Ở nơi sừng sững niềm tin
Hỡi quần đảo của bốn nghìn năm qua
Tấm lòng theo mũi tàu ra
Với tôi quần đảo Trường Sa rất gần

Không những thơ xuất hiện trên internet còn có vô số các nhạc phẩm post lên ấy như một đóng góp với Hoàng Sa Trường Sa. Nhà thơ Trịnh Sơn có bài thơ được phổ nhạc mang tên “Tiếng Nói Thế Hệ Trẻ”; nhạc phẩm này phần nào đã nói lên được nỗi phấn khích của người trẻ hôm nay trước mất mát của dân tộc. Tác phẩm được Tâm Thư trình bày…

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: