Saturday, August 21, 2010

SỰ PHẢN BỘI CỦA LÃNH ĐẠO

Sự phản bội của lãnh đạo

Ngô Thiện Khải

Cập nhật ngày: 21/08/2010

http://www.viettan.org/spip.php?article10097

Ngày 12 tháng 5 năm nay báo chí trong nước và đài phát thanh Việt Nam loan tin Hà Nội tổ chức lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân đã hy sinh tại Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988, dưới sự chủ tọa Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn M46 vùng D Hải quân. Toàn bài diễn văn và cả chương trình phát thanh đều không nói đến Trung Quốc, mà chỉ dùng hai chữ chung chung là "nước ngoài". Dù rằng trong dư luận bên ngoài và với tư liệu phim ảnh được chính phía Trung Quốc đưa lên YouTube, rõ ràng Trung Quốc là đầu mối của cuộc gây hấn đưa đến cái chết thảm của 64 chiến sĩ Việt Nam. Sự né tránh đụng chạm tới quan thầy Trung Quốc hiện nay làm cuộc tưởng niệm thành ra vô nghĩa, cả về lý tưởng lẫn công lao trong sự hy sinh của những liệt sĩ này.

.

Đây không phải là một trường hợp cá biệt hay một tiền lệ trong cách hành xử của Đảng. Ngay cả những người có đủ huân chương, giấy tờ tuyên thưởng là Bà Mẹ Anh Hùng, là gia đình liệt sĩ và chính bản thân đã từng có công với “cách mạng”, cũng không được Đảng và nhà nước CSVN đãi ngộ cho xứng đáng với công lao, xương máu của họ mà lẽ ra họ phải được hưởng. Ngược lại còn bị bạc đãi, thậm chí bị hành hung khi những đãi ngộ này nay va chạm vào quyền lợi của giai cấp lãnh đạo. Điển hình là bà Dương thị Kính, có mẹ là một bà mẹ liệt sĩ, đã bị UBND quận Bình Thạnh cho một lực lượng công an đông đảo đến cướp đất phá nhà vào tháng 10 năm 2002 . Mới tháng 7 vừa qua Đảng và nhà nước CSVN đã phủi tay lấp liếm vụ công an Bắc Giang bắt bớ tùy tiện, rồi đánh đập đến chết anh Nguyễn văn Khương, con trai một cựu chiến binh, chỉ vì một lý do mù mờ là vi phạm an toàn giao thông. Trong khi đó ở Khánh Hoà, bà Thái Thị Tiễn, 86 tuổi, người đã từng đào hầm để che giấu cán bộ thời kháng chiến, và được Nhà nước công nhận là gia đình có công với Cách mạng, đã phải nực nở trước sự phản bội của đảng : “…Khi gia đình tôi bị Cưỡng chế hơn 5.000 m2 đất, tôi đã phải ôm Bằng Tổ quốc ghi công để mong nhận được một chút liêm sỉ của chính quyền. Nhưng không ngờ đến tấm Bằng Tổ quốc ghi công của tôi cũng bị cướp đến nay chưa trả…”. Đây chỉ vài một vài trường hợp của vô số gia đình liệt sĩ nay trở thành dân oan.

.

Gần đây nhờ đóng góp của nhiều người trong và ngoài nước, thêm một vụ phản bội chiến sĩ QĐND của Đảng và nhà nước CSVN đã được đưa ra ánh sáng. Theo nhân chứng còn sống, đã có hơn 3.700 chiến sĩ thiệt mạng trong một cuộc hành quân nhằm chiếm lại một số cao điểm quanh Núi Đất - bị sửa tên thành Lão Sơn từ khi bị Trung Quốc chiếm đóng ở biên giới phía Bắc vào năm 1984. Các cao điểm này nằm trong số những vùng lãnh thổ Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ khi họ đơn phương phát động chiến tranh xâm lăng từ năm 1979, gây nên thiệt hại sinh mạng hàng mấy mươi ngàn cả thường dân lẫn quân đội Việt Nam.

Điều đáng chú ý về cuộc hành quân ở Núi Đất, thứ nhất, kết cuộc thê thảm cho những chiến sĩ QĐND thiệt mạng trong trận - thương binh bị thảm sát, nhiều người còn kêu la khi bị chôn sống, tất cả bị vùi dập trong hố tập thể để phải chịu chung chất hóa học và xe ủi của quân Trung Quốc, phần lớn đến từ việc một sĩ quan cao cấp trong QĐND ngầm cung cấp tin tức hành quân cho Trung Quốc. Một sự phản bội hẳn là phải có cơ dính líu tới một số không ít nhân vật cấp lãnh đạo của Đảng CSVN. Thứ hai, trừ những tin tức đã được uốn nắn cho sát “lề phải”, thì vẫn với thông lệ bưng bít thông tin, sự hy sinh của hàng ngàn chiến sĩ này vẫn đang bị bưng bít. Mãi đến nay thân nhân của họ vẫn còn không biết hài cốt họ ở đâu. Và rồi, đảng đã coi những hy sinh đó chỉ là vô ích với sự dâng nhượng đất biển cho Trung Quốc cách chính thức vào năm 1989, tiếp tục cho đến ngày hôm nay và còn kéo dài chưa biết đến khi nào.

.

Với cố tật bưng bít thông tin đã thành truyền thống của Đảng, còn bao nhiêu oan ức của cả người sống lẫn người chết vẫn chưa được biết đến? Câu hỏi ít hy vọng có câu trả lời, khi mọi tầng cấp lãnh đạo hiện nay của Việt Nam, từ Ủy ban Nhân dân tỉnh tới tới Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, vẫn thay nhau đánh bóng 16 chữ vàng của quan hệ (họ hy vọng) đời đời bền vững với Trung Quốc, còn tranh nhau dâng đất, dâng rừng và biển cho đế quốc phương Bắc để đổi lấy hợp đồng béo bở, lấy địa vị, chức quyền cho bản thân và gia đình họ. Càng ít hy vọng khi những di thể đang biến thành cát buị của các liệt sĩ Việt Nam vẫn còn bị vùi chôn ở đâu đó. Thanh danh của họ vẫn chưa được một lần nhắc đến bởi những người có trách nhiệm đẩy họ đến kết cuộc bi thảm. Thảm thương và nghịch lý hơn là, khi chính giới lãnh đạo này đã dành những đãi ngộ trang trọng hơn nhiều cho thi hài binh sĩ Trung Quốc ngay trên mảnh đất mà các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh để góp phần bảo vệ.

.

Chung cuộc, dù sự thật có được phơi bày nay mai hay không, cách hành xử hèn hạ của Đảng và nhà cầm quyền CSVN như hiện nay vẫn là bằng chứng rõ rệt và hùng hồn nhất cho sự phản bội của Đảng này đối với dân tộc của mọi miền đất nước, với những oan hồn trong bao cuộc chiến họ đã gây ra nhân danh độc lập chủ quyền của Việt Nam, và với người dân trong nước còn vất vưởng lầm than, còn phải gánh chịu hậu quả tàn độc khó lường trong tương lai vô định.

.

.

TÀI LIỆU :

GIAO TRANH ĐẪM MÁU TẠI CAO ĐIỂM 1509 ( LÃO SƠN ) THANH THỦY, HÀ GIANG NĂM 1984: (blog Phạm Viết Đào)

.

.

.

No comments: