Monday, August 30, 2010

NƠI NÀO MÀ TRIẾT HỌC IM TIẾNG THÌ MINH TRIẾT CẤT LỜI

Nơi nào triết học im tiếng thì minh triết cất lời

Trần Mạnh Hảo

Thứ Hai, Ngày 30 Tháng 8 Năm 2010

http://www.talawas.org/2010/08/tran-manh-hao-noi-nao-triet-hoc-im.html

Tham luận đọc tại cuộc hội thảo “Minh triết doanh nhân, minh triết kinh doanh”, do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai và GS. Hoàng Ngọc Hiến, kết hợp với Trường Quản lý Giáo dục TPHCM, Hiệp hội Sản xuất & Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Sài Gòn ngày 29-08-2010

Nếu bạn loại trừ đối lập, bạn sẽ loại trừ chính thực tại.” (Héraclite)

Diogène, nhà triết học cổ Hi Lạp, bạn thân của Đại đế Alexandre, theo trường phái thiên nhiên, khổ hạnh, chống phân biệt chủng tộc, coi rẻ danh vọng, tiền bạc, thoát khỏi dục vọng, khinh thường mọi lý luận triết học siêu hình, nhất là thế giới ý niệm của Platon, đã nhiều lần cầm đèn đi giữa ban ngày trong thành Athènes đô hội để tìm một con người; nhưng rồi ông lắc đầu: Không tìm thấy ai ngoài chính ông (!) Có lần Diogène vặt trụi lông một con gà, cho gà chạy ra đường phố Athènes để giễu cợt Platon, rồi chỉ vào con gà trụi lông hô hoán: Tìm thấy rồi!… Tìm thấy con người của Platon rồi! Chẳng là chính Platon thông thái lại rất ngờ nghệch khi định nghĩa con người: “Con người là con vật không có lông, đi hai chân”.

Diogène không hề bị điên hay chập mạch, ông tuyệt nhiên tỉnh táo cầm đèn đi tìm con người trong thành phố giữa ban ngày đầy ắp người ta; chừng như ông muốn giễu cợt các nhà triết học đang uổng công đi tìm chân lý tuyệt đối; hoặc giả, Diogène cầm đèn giữa ban ngày đi tìm cái chúng ta đang tìm là minh triết chăng?

Triết học, kể từ thời Platon đốt đuốt siêu hình đi tìm thế giới tuyệt đối, con người tuyệt đối trong vũ trụ Ý niệm suốt hơn hai nghìn năm trước, cho đến Kant toan bằng con đường tiên nghiệm, thường nghiệm, vượt qua bản thế thực tại “vật tự nó” nhưng không tới được, bèn níu lấy sợi dây siêu nghiệm, đánh đu trong trầm tư mặc tưởng đi tìm cái tuyệt đối bản thể vũ trụ, tìm Thượng đế kiểu Brahman trong Ấn Độ giáo; đến lượt Hegel, Marx lại đi tìm cái tuyệt đối trên cõi đời, cái tuyệt đối chân thiện mỹ mà khởi thủy Platon hằng mong đạt tới; nhưng, hầu như thảy đều vô vọng. Hình như việc làm của các nhà triết học duy niệm kia giống hệt hành vi của triết gia Diogène cầm đèn giữa ban ngày đi tìm một con người Ý niệm siêu tồn tại.

Sinh thời, chính Marx cũng đã phải thốt lên: triết học Đức đã đến thời khốn cùng. Nhưng Marx vẫn hi vọng sự phục sinh của triết học trong công cuộc “cải tạo thế giới”, nên ông bám riết lấy ngọn lao triết học duy tâm đang mất đà là biện chứng pháp Hegel, dùng lực tàn duy vật toan phóng lao này tới cõi tuyệt đối đại đồng, nơi biện chứng pháp bị tiêu diệt, thực tại bị lãng quên, chỉ còn nằm tênh hênh cái thiên đường hư ảo mịt mờ.

Trước Marx, đại thi hào Goethe đã khuyên các nhà triết học: “Bạn ơi, mọi lý thuyết đều nhuộm màu xám, nhưng cuộc đời khác nào cây mãi xanh tươi.

Nietzsche, người đã kết thúc một thế kỷ triết học duy lý Đức bằng sự giễu cợt và báng bổ, đập phá, từng tuyên bố khi ông nghiên cứu bi kịch Hi Lạp: “Chân lý là người đàn bà mà các triết gia vụng về không chinh phục nổi.

Triết học, nói cho cùng, giống hệt một đứa trẻ con truy nguyên mọi thứ và mọi thứ hầu như vẫn im lặng, vẫn chưa có hồi âm. Tôi là ai? Tôi từ đâu ra? Tôi đến đây làm gì? Tôi đi về đâu? Đứa trẻ con triết học có lúc gào khóc cật vấn hư vô, như câu thơ Huy Cận: “Một câu hỏi lớn không lời đáp”… Nhưng các triết gia chừng như chưa tìm ra câu trả lời bản chất nhất, đúng đắn nhất có thể được coi là chân lý. Than ôi, có phải vì “chân lý là cái lý có chân” vun vút chạy theo dòng cuồng lưu đời sống biến dịch như Héraclite từng quan niệm?

Platon phán: “Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên”. Chúng tôi xin thêm: triết học bắt đầu từ sự hoài nghi, từ sự bế tắc của con người trước thực tại.

Rằng tôi có thực là tôi hay không, hay tôi đang là một kẻ khác? Kẻ khác kia có khi nào là chính tôi hay không? Hay chính là kẻ khác đang núp trong tôi để ngụy tạo thành tôi? Tôi có thực sự tồn tại hay tôi đang ở trong một ảo giác về sự tồn tại…? Tôi, như Trang Chu hoài nghi sau khi ngủ dậy: Vừa mơ thấy mình thành bướm, thức dậy ngơ ngác không biết mình vừa hóa thành bướm, hay bướm vừa hóa thành mình? Hay chàng Hamlet từng day dứt đến khốn khổ: “Tồn tại hay không tồn tại”?

Biết rằng, những suy tư triết học rốt ráo có thể là vô vọng, cốt để thỏa trí tò mò, là rách việc, là bao đồng, thậm chí có thể trở thành cái nguyên cớ, nguyên lý, cái công cụ cho các nhà cai trị gian hùng kiểu Machiavel thực thi cái ác.

Nhưng, nếu để mất đi tư duy triết học, con người có cơ teo dần khối óc, lý trí rồi tăm tối, ý niệm sẽ tàn phai, không còn biết cô đơn, day dứt. Như vậy, có thể con người chỉ dừng lại ở thời kỳ mê cuồng của thần rượu nho Dionysos, trong khoái lạc hiện sinh kiểu Dương Chu, mãi mãi không thể bước lên đỉnh cao trang nhã, mực thước của cái đẹp sang trọng mang tinh thần và thi pháp Apollon như nghệ thuật trác việt Hi Lạp đã đạt tới, hay trong cảm hứng thi ca quý phái, bay bổng, mẫu mực Đường thi.

Con người khổ vì trí tuệ, bất an vì triết học. Không có sự ngơ ngác trước hiện tồn, không có sự hoài nghi trước vũ trụ, không có sự tự lục vấn mình và tự nhiên, con người chỉ còn là một cây sậy thuần túy, không phải là một cây sậy có tư tưởng như Pascal từng tôn vinh. Vâng, “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Đây là câu khẩu hiệu tự tin quá trớn của trường phái duy lý mà Descartes là chủ soái. Chẳng lẽ, con người không tư duy, không mang những thao thức triết học trong đầu lại không tồn tại hay sao? Khi con người nằm ngủ, nó ở trong tình trạng mất tư duy; nhưng chẳng lẽ, khi ngủ, con người lại không tồn tại hay sao? May thay, khi triết học đã leo tới cõi sơn cùng thủy tận của duy lý thì con người vẫn còn những thung lũng, những khoảng trời minh triết… để “cư trần lạc đạo”. Ngoài tư duy, ngoài triết học, con người đã tìm ra nhiều phương cách để tồn tại: tồn tại bằng tôn giáo, tồn tại bằng hoan lạc bản năng, tồn tại bằng khoa học, tồn tại bằng nghệ thuật… chẳng hạn.

Tiếp thu tinh thần duy lý của Hi Lạp, Hegel tiếp tục chỉ đường: “Cái gì tồn tại đều hợp lý”. Sự chỉ đường thiếu minh triết này của Hegel đã góp phần đưa triết học duy lý phương Tây tới chỗ cùng đường. Có rất nhiều món vô lý, phi lý trong vũ trụ vẫn tồn tại đó sao? Ví dụ, con người đi từ đâu tới trái đất này, nó được Chúa tạo ra hay con khỉ tạo ra, vẫn là cái vượt qua sự hiểu biết, vượt qua cái có lý của con người. Thế giới này sinh ra do tất định hay ngẫu nhiên? Rằng có Thượng đế và linh hồn hay không? Chỉ cần một đứa bé chưa biết chữ, suốt ngày hỏi vặt (truy nguyên) cũng có thể đánh bại được triết luận trên của Hegel. Marx lại tiếp tục góp phần vào công cuộc làm bế tắc triết học bằng nhận định đại loại, lý trí của con người có thể nhận thức được toàn thể vũ trụ, giải thích được mọi hiện tượng của thế giới hiện tồn. Marx khẳng định không có Chúa, không có linh hồn, nhưng nghe đâu, trước khi lìa đời, Marx sợ hãi hỏi cha linh hồn đâu? Người giúp việc hỏi lại: thưa, tìm cha đạo Do Thái hay cha đạo Thiên Chúa giáo?

Sự chủ quan, áp đặt định kiến giới hạn của con người lên vũ trụ vô hạn là một hạn chế chết người của Hi Lạp, thông qua câu cách ngôn rất nổi tiếng của triết gia thời cổ đại Protagoras: “Con người là thước đo vạn vật”. Ngày nay, vạn vật đang đo đạc lại con người; rằng xem mày còn đủ kích thước tinh thần và văn hóa ở trọ thêm vài trăm năm nữa trên trái đất xanh tươi, nơi đang bị chính mày tàn phá có cơ tiêu vong này hay không?

Minh triết không cãi lý và cậy mình cậy mẩy kiểu thông thái triết học. Nó thuần phác là những nghiệm sinh đầy chất thấu thị của con người, kiểu như câu thơ Nguyễn Trãi: “Hoa thường hay héo cỏ thì tươi”, “Nước chảy không mòn bóng núi” hay câu thơ tuyệt diệu của Nguyễn Gia Thiều: “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán / Chết đuối người trên cạn mà chơi”.

Vậy, triết học có trước hay minh triết có trước? Hay hai cái cùng sinh ra trong cõi u tịch, khi con người khắc khoải đi tìm tia sáng của sự khôn ngoan?

Chúng tôi xin mạo muội có mấy định nghĩa về minh triết như sau:

Minh triết là trực giác thông tuệ.

Minh triết là khi bắt đầu suy tư bằng đôi mắt trẻ thơ.

Minh triết xuất hiện khi con người ngó vào bên trong bản thân mình để tìm ánh sáng.

Minh triết là sự thấu thị của tâm hồn…

Có lẽ con người đã đi từ thế giới khả giác đến thế giới khả niệm, nên minh triết xuất hiện trước triết học chăng?

Nghiên cứu cái gọi là “triết học tiền Socrate”, chúng ta thấy rằng, phần cốt lõi của dòng chảy tư tưởng này nghiêng về minh triết hơn.

Bằng trực giác có một không hai tạo ra sự minh triết, Héraclite đã tìm ra biện chứng pháp nguyên thủy, điều mà hơn hai nghìn năm sau Hegel tiếp thu và nâng cao thành hệ thống triết học biện chứng danh giá, đến nỗi có người đã gọi Hegel là Chúa Jesus của triết học thế kỷ thứ 19. Không có biện chứng pháp cổ sơ Héraclite, không thể có biện chứng pháp duy tâm Hegel. Trong cuốn Luận lý học, Hegel từng viết: “Tất cả những mệnh đề trong quyển Luận lý học của tôi, đều là những mệnh đề của Héraclite”.

Thuyết biến dịch của Héraclite là một lý thuyết vĩ đại, chi phối toàn bộ dòng chảy của minh triết và triết học Hi Lạp cũng như của thế giới phương Tây mãi tới sau này: tất cả đều tuôn chảy, không một sự gì đứng trong hữu thể vững chắc, cũng như “không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Cắt nghĩa thuyết biến dịch của Héraclite, Aristote giải thích thêm: “Cùng một sự vật vừa có lại vừa không, thực đấy mà ảo đấy”, rất gần với thuyết sắc - không nhà Phật.

Chính vì vậy, Nietzsche mới đề cao Héraclite đến mức: “Một khi trần gian này còn cần đến chân lý thì sẽ luôn mãi cần đến Héraclite”. Có thể nói, minh triết của Héraclite có nhiều nét tương đồng với minh triết của Lão tử, nhà Đạo học vĩ đại phương Đông đồng thời với ông: cùng coi vũ trụ tồn tại trong biến dịch, có đấy mà không đấy, cùng coi vạn vật là đồng nhất thể: muôn cũng là một, một cũng là muôn nên mới có từ “muôn một”, vũ trụ nhất thể trong đa thể và ngược lại.

Cùng với Lão tử, Héraclite có thể là một trong hai nhà minh triết vĩ đại nhất của nhân loại ngay từ buổi bình minh của lịch sử.

Bằng trực giác minh triết, hai nhà triết học Démocrite và Leucippe đã tạo ra tiền đề cho lý thuyết vật lý nguyên tử xuất hiện sau hai ông hơn hai nghìn năm. Từ khoảng mù sương của lịch sử, hai nhà triết học này đã khám phá ra vạn vật được cấu tạo bởi nguyên tử là những hạt vật chất nhỏ nhất không thể bị chia cắt.

Bằng trực giác minh triết, thiên tài toán học Pythagore đã coi toán học là chìa khóa mở vào vũ trụ, nâng toán học lên thành triết học, thành vũ trụ luận. Pithagore coi bản chất của vạn vật là con số, vì con số tượng trưng cho những chân lý bất dịch. Có thể coi Pythagore là vị thần minh, là tiền đề khởi xuất ra lý thuyết computer của thời đại Internet chúng ta chăng? Vì nhà toán học vĩ đại đã mở ra thuyết số hóa vạn vật, linh hồn của kỹ thật số computer hiện đại. Có thể, những tiên cảm, tiên tri của Pythagore về việc tạo hóa đã số hóa, chương trình hóa, mã hóa mọi hoạt động của con người và vũ trụ (có thể hiểu như số phận = phận người đã được số hóa)… đang có cơ được khoa học vật lý hiện đại coi hình như là chân lý?

Từ bỏ thời đại thần linh của hai đại thi hào mở đầu văn minh là Homère và Hésiode, Hi Lạp đã chuyển sang thời đại minh triết Héraclite, mở ra hừng đông triết học với khởi đầu Socrate.

Có thể nói: MINH TRIẾT của thời đại hoàng kim này được trực giác thấu thị, thời đại mà Héraclite đại diện, đã góp phần sinh ra triết học cổ đại Hi Lạp và toàn bộ nền triết học phương Tây đến tận thời của Descartes, Pascal, Kant, Hegel, Marx, Nietzsche, Heidegger…

Vâng, minh triết đã có trước triết học, cảm quan về thế giới khả giác đã có trước cảm quan về thế giới khả niệm. Dù ngay cả khi triết học khủng hoảng, bị thời đại tri thức bỏ rơi, minh triết vẫn còn hằng sống với con người, là thái độ khôn ngoan lương thiện của con người trước thực tại; bởi minh triết bao giờ cũng là cặp tình nhân của đời sống; khác với bà dì ghẻ triết học chỉ thích đay nghiến và cao ngạo, lăm lăm nén thực tại vào những phạm trù, những khái niệm, những quy nạp, những diễn dịch, những hệ thống theo kiểu nén cà nén dưa, toan khái quát hóa cả ánh trăng và sương khói, toan làm cuộc hôn phối giữa thực tại và hư vô, đặng lục vấn hiện tồn bằng gương mặt cau có của lí trí còi xương…

Tuy vậy, minh triết không tìm cách xung khắc với triết học mà đồng hành cùng triết học, bổ sung dưỡng chất thể xác và tinh thần cho nhà tu khổ hạnh triết học lúc sắp tàn hơi trên đường chinh phục ảo ảnh chân lý. Trên sa mạc triết học, minh triết có thể là những khóm mây hay thảng hoặc những cơn mưa. Khi dòng sông triết học phóng ra những ghềnh thác, hun hút chảy đến mệt nhoài, minh triết chợt hóa thân thành những chiếc hồ êm ả để dòng sông lý trí nghỉ ngơi, an ngủ. Và trong giấc ngủ đông của triết học, minh triết hầu như hiện thân thành những giấc mơ, những ngọn lửa sưởi ấm cả vô thức lẫn hữu thức. Ngọn lửa mà Héraclite từng coi như một biểu hiện của Logos, mang tinh thần biến dịch Thượng đế, hóa thân vào mọi hình thái sống và chết, thực và mộng, có và không.

Có thể nói, minh triết phần nào giống với linh hồn của triết học, dù triết học có chết đi, thì hồn vía của nó vẫn còn mãi với con người, đặng lúc tăm tối nhất, con người vẫn có thể xé lồng ngực mình, biến trái tim mình thành ngọn đuốt soi đường, như chàng Danco xưa của Gorki đã hóa thân thành ánh sáng, đưa đồng loại vượt qua cái chết đến sự sống.

Lạ thay, trong buổi bình minh của lịch sử, ở ba điểm khác nhau của thế giới, biệt lập nhau là Hi Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa, trong cùng một thời gian từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ III trước Thiên chúa, đã xuất hiện sự khởi đầu vĩ đại của minh triết, triết học và tôn giáo một cách rực rỡ nhất, huy hoàng nhất.

Cùng xuất hiện một lượt với minh triết Hi Lạp tiền Socrate, Đức Phật bước ra từ thế giới đa thần giáo Bà–la–môn. Ngài good bye siêu hình học đầy hỗn mang lẫn lộn trời và đất, lẫn lộn giữa thần và bò, giữa cái vô cùng và cái móng tay của sự vật trong kinh Veda; good bye siêu hình học Upanishad với Brahman (đại ngã) hít thở muôn ức các Atman (tiểu ngã) vào trong buồng phổi hư vô của mình, rồi thở ra như thủy triều những Atman được làm mới bằng những đợt sóng luân hồi đổi phận; good bye đấng sáng tạo toàn năng Brahma ẩn chứa trong Shiva hủy diệt tượng hình Linga, ẩn chứa trong Vishnu bảo tồn hình ảnh sinh nở phồn thực Yoni.

Chia tay các thần linh, chia tay ngai vàng thực tại, chia tay vợ và con trai mới sinh, chia tay hoan lạc trần gian, Đức Phật khoác trên mình tấm vải gai thực tại của thầy tu khổ hạnh, chân đất cô độc đi giữa vô minh để ăn mày chân lý, lách qua bạo tàn lừa dối, lặn ngụp trong chết chóc, trong đói rách nhân quần đặng tìm ra phương pháp giác ngộ mà diệt trừ khổ nạn chúng sinh.

Minh triết của Đức Phật là một công án lớn vào bậc nhất nhân loại: nghỉ chơi với thần linh, vĩnh biệt các Niết bàn (thiên đường) ảo tưởng. Ngài chỉ đường cho loài người: hãy tìm ra Niết bàn trong chính mình, trong sự giác ngộ về vô ngã sắc sắc không không, từ bỏ tham sân si, từ bỏ hận thù, lấy ân báo oán sẽ diệt được Karma (nghiệp chướng), thoát vòng bể khổ bằng từ bi hỉ xả. Tôn giáo của Phật là tôn giáo con người: “Phật là chúng sinh đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngài chỉ mang theo cái đuôi luân hồi của Bà-la–môn đến trú gốc bồ đề và tìm cách tu hành, đặng tiêu diệt nó.

Này bạn, bạn chỉ cần diệt được dục vọng là bước tới Niết bàn ngay trong chính mình, trong nhà mình, trong vợ con mình, trong làng xã, trong quốc gia và trong thế giới của mình. Tìm thấy Niết bàn trong thực tại, đặng sang bên kia thế giới, bạn sẽ được tịnh diệt, không còn phải luân hồi, không còn bị tái sinh trong kiếp con mèo con chó, trong kiếp kẻ nô tì hay kiếp bà bí thư, kiếp ông cán bộ… Lúc ấy, bạn đã đạt được tới toàn ngã (Brahman), không còn là một tiểu ngã (Atman) một linh hồn cô đơn trôi dạt như loài sứa vật vờ trên bể khổ trầm luân…

Minh triết Phật giáo là một tôn giáo kỳ lạ, tôn giáo vô thần. Phật bảo: bạn đang thờ chính cõi chân thiện mỹ trong tâm hồn bạn đấy, bạn vừa chuyển hóa thành Phật tự bên trong, thân xác bạn vừa là ngôi chùa nhìn tự bên ngoài. Vâng, một ngôi chùa biết đi lại, biết cần lao, biết khóc cười và biết lấy vợ…

Bằng trực giác nhìn xuyên tám cõi, Phật là hiện thân của minh triết. Có nhiều lời phán dạy của ngài đi trước khoa học thực nghiệm phương Tây hơn hai nghìn năm. Có lần Phật bảo: trong một giọt nước tồn tại hàng vạn sinh linh. Chân lý này làm nhiều người hồ nghi. Chỉ đến thế kỷ thứ XIX, Pasteur mới khám phá ra thế giới vi khuẩn, vi trùng thì lời Phật dạy trên mới được thực chứng. Một thí dụ khác, khi Phật bảo, rằng chúng ta đang sống trong càn khôn chứa ngàn muôn muôn thế giới. Vật lý hiện đại đã chứng minh lời Phật trên là đúng: có rất nhiều vũ trụ chồng chéo lên vũ trụ của chúng ta, có rất nhiều thiên hà bao bọc thiên hà của chúng ta, có rất nhiều thế giới song hành với thế giới chúng ta trong đại vũ trụ không đáy, không chiều, trôi dạt một cách cố định và ngược lại, chúng có thể nuốt chửng nhau vào các lỗ đen như loài mực nuốt bọn phù du.

Minh triết của Phật là minh triết của sự giải thoát: giải thoát chính cả sự giải thoát, giác ngộ chính cả sự giác ngộ. Ngài trỏ đường thoát vô minh, để chúng sinh tự do chọn lựa. Ngài không ép buộc ai phải đi tìm thiên đường trong chính mình: rằng con đường đi tới cõi mình còn khó hơn con đường đi tới cõi người, khó hơn con đường đi ra thế giới truy tìm hoan lạc trần gian. Sau này, có những kẻ bắt chước Ngài, nhưng làm ngược lại Ngài: đi tìm thiên đường trong cõi thế mù tăm. Họ trói hàng đoàn người không thích món thiên đường vật dục, áp tải đoàn người gào khóc kia bằng súng, bằng lưỡi lê, lưỡi mác, ép hàng triệu triệu người phải nhịn đói nhịn khát, rách rưới vô tài sản, lếch thếch lang thang chống gậy đi ăn mày thiên đường.

Dạ thưa các bác, em không thích vào hợp tác xã nông nghiệp đâu ạ! Không thích cũng phải vào! Dạ thưa các bác, em không thích vào thiên đường của các bác đâu ạ! Không thích cũng phải vào!

Họ thúc báng súng vào lưng những đoàn người bị áp tải đi tìm thiên đường, bắt cắt rừng, băng sa mạc, vượt biển bão tố để tìm cõi không cần làm vẫn có ăn, cõi chỉ nhìn đã sướng muốn chết. Ai trốn khỏi hành trình thương khó truy tìm thiên đường của họ, họ bắn bỏ.

Chưa bao giờ chúng con cần sự cứu độ của Ngài như lúc này, thưa Đức Phật! Xin Ngài mở vòng tay từ bi đón nhận những người anh em chúng con vừa trốn thoát khỏi cái thiên đường giả tạo được cai trị bằng đàn áp.

Ở bên kia dãy núi Pyrénées, à quên, bên kia dãy núi Himalaya cùng thời Đức Phật, tại nước Sở, thời nhà Chu, trên bờ sông Dương tử - chân lý vẫn được gọi là chân lý, không phải như danh ngôn của triết gia Pascal - xuất hiện một vị thánh làm thay đổi thế giới phương Đông. Vị thánh ấy là đức Lão tử, đã sinh ra một hệ thống triết học độc đáo bằng chính trực giác rất mực minh triết.

Nhiều người hiểu Đạo vô vi của Lão là không nói gì, không làm gì, tự nhiên sinh ra thế nào cứ để vậy, không cần tác động vào tự nhiên khiến vạn vật được tư do tự tại mà sinh sinh diệt diệt. Hiểu như vậy thì không còn Lão tử nữa. Minh triết Đạo vô vi của Lão là đây:“Đạo vô vi không nói gì mà không có gì không nói, không làm gì nhưng không có gì không làm”. Tinh thần Lão tử là vô vi một cách hữu vi và hữu vi một cách vô vi. Ngài để tâm đến vạn vật, nâng đỡ và an ủi vạn vật. Nhưng tuyệt nhiên ngài không can dự quá sâu vào sự phát triển của chúng, tuôn thủ quá trình tự nhiên của sự vật.

Lão tử sinh ra trong thời loạn, dân chúng bị quan quyền hà hiếp vô cùng tận: cướp bóc, tham nhũng, hành pháp là hành dân bằng mọi phương pháp, hành chính là hành dân là chính. Lão tử cho rằng làm (hữu vi) như vậy, thà không làm (vô vi) còn hơn. Quan lại thời Xuân Thu biến dân thành nô bộc, mặc dù Trung Quốc thời cổ đại không có chế độ nô lệ như thời cổ đại Hi-La; việc lập ra Đạo vô vi là ý nguyện cứu đời của Ngài, muốn dân được hưởng chút tự do, tự tại của kiếp người.

Căm hận bọn cầm quyền áp bức hành hạ dân đen, Lão tử đã ngó lên trời mắng cả Thiên Địa là bất nhân, sao không biết thương dân nghèo, sao thấy dân lành bị khốn khổ mà không cứu: “Thiên địa bất nhân, xem vạn vật như chó kết bằng rơm”. Như vậy, theo Lão tử, ông trời nếu có kia không phải là người, vì ông đâu có biết thương người. Thuyết “thiên địa bất nhân” của Lão chống lại thuyết “thiên nhân đồng loại” của thời Văn vương, Võ vương nhà Chu. Trời không biết thương dân, nên Trời là kẻ độc ác.

Cho hay, thuyết Đạo vô vi của Lão vẫn là thuyết cứu đời, cứu người, thậm chí là siêu cứu người vì nó rất nhân bản và cao cả, rất thẳm sâu vậy. Đấy chính là minh triết.

Ngày nay, thuyết vô vi của Lão chừng như vẫn còn rất cần thiết, để những kẻ nóng ruột từng đốt cháy giai đoạn quá độ, bỏ qua quá trình tiến hóa tự nhiên của sự vật mà làm hỏng sự vật suy nghĩ lại mà ăn năn sám hối. Này anh kia, anh mới được mười tuổi sao đã “bỏ qua thời kỳ quá độ” là tuổi thanh niên mà đòi cưới vợ nhỉ? Này chị kia, quả mít mới đang còn tuổi lớn, đang còn tuổi non, sao chị nỡ “bỏ qua thời kỳ quá độ” là thời kỳ già của nó, đã vội bẻ non hòng giấm giúi rồi ngồi chờ suốt cả trăm năm xem mít có chín hay không? Này, bác kia, nước bác đang còn phong kiến, chưa từng qua tư bản chủ nghĩa, sao bác đã bỏ qua thời kỳ quá độ tư bản mà tiến thẳng lên xã hội đại công nghiệp xã hội chủ nghĩa, bác đã hỏi Ngài Lão tử chưa? Chết thật, hữu vi như thế thà rằng vô vi triệt để còn hơn.

Cách đây hơn hai mươi năm, trong một bài bàn về triết học hữu vi và vô vi Trung Hoa, chúng tôi từng viết: “Nếu sông Hoàng Hà là bộ óc của nước Trung Hoa thì sông Dương tử chính là tâm hồn của Trung Hoa vậy”; có ý cho rằng nếu Nho giáo của Khổng Mạnh cương cường phương Bắc là dương, thì Lão Trang phương Nam uyển chuyển lãng mạn là âm, hài hòa nhau, bổ khuyết nhau, ôm ấp nhau mà làm nên văn hóa Hoa Hạ. Một bên Hữu, một bên Vô, một bên lấy Nhân rất thực làm gốc, một bên lấy Đạo rất ảo làm gốc thì văn hóa Trung Nguyên mới có cơ đứng vững suốt mấy nghìn năm, nếu chỉ có một bên, e rằng nước Trung Hoa đã đổ từ lâu vậy.

Nay bằng cái nhìn minh triết của hai phái Đạo và Nho, mới thấy cách ví von trước kia của chúng tôi là quá khập khễnh. Bởi vì vô vi của Lão là một kiểu siêu hữu vi, hữu vi ở bề sâu: cứu đời ở chỗ tưởng như không cứu đời, ấy mới là cứu đời đích thực vậy.

Minh triết lớn nhất của Lão tử là phát hiện ra khái niệm Đạo: cao hơn thiên địa, sinh ra cả có và không, sinh ra tồn tại và hư vô, sinh ra tất thảy trừ chính mình, có trước vô cùng, không tự sinh không tự diệt… Vũ trụ luận này của Lão là minh triết lớn nhất, vượt qua các vũ trụ luận từ xưa tới nay. Phát minh này của Lão không thể chứng minh bằng thực nghiệm, vì nó mang tính trực giác mặc khải, chỉ có thể gọi nó là minh triết mà thôi.

Trong thời Xuân Thu, gần như cùng trang lứa với Lão tử, ở nước Lỗ bên bờ sông Hoàng Hà, một vị thánh cứu đời khác là Đức Khổng Phu tử đã được sinh ra. Nếu không có sự xuất hiện của nhà bách khoa này, lịch sử Trung Hoa, lịch sử phương Đông sẽ gần như không còn là lịch sử nữa, giống như sự giáng thế của Chúa Kitô đã quyết định nền văn minh Thiên chúa giáo cho thế giới phương Tây hôm nay. Vai trò của Ngài với minh triết, với triết học và luân lý phương Đông là tối quan trọng, hệt vai trò quyết định của Aristote với văn minh phương Tây vậy.

Sau hơn hai ngàn rưởi năm, cho tới ngày nay (và có thể cho tới khi loài người kết thúc) thuyết CHÍNH DANH của Khổng tử vẫn còn quá cần thiết cho từng con người và cho toàn bộ xã hội: “Danh chính thì ngôn thuận, ngôn không thuận thì việc không thành”. Trong quá trình tiến hóa từ dã man tới văn minh, từ độc tài tới dân chủ, từ văn minh cơ bắp tới nền văn minh tri thức, chưa có học thuyết nào giản dị mà sâu sắc, tác động tích cực lên sự phát triển của lịch sử loài người như học thuyết chính danh này của Khổng tử.

Ngày nay, khi nhân loại đã bước sang kỷ nguyên tri thức, kỷ nguyên văn hóa của thế giới phẳng, mà lạ thay, có một số xứ sở, ví như xứ sở của chúng ta, vẫn còn tình trạng xã hội nhân quần lộn tùng phèo như thời Khổng tử đã nhìn thấy các trật tự luân thường bị đảo lộn: vua không ra vua, dân không ra dân, cha mẹ không ra cha mẹ, con cái không ra con cái, người không ra người, ngợm không ra ngợm, luật pháp không ra luật pháp, giáo dục không ra giáo dục, văn hóa không ra văn hóa, bằng cấp không ra bằng cấp… thì than ôi, thuyết chính danh vẫn còn đó để cứu đời.

Nho giáo Khổng Mạnh là những minh triết nhân bản nhất khi đã đưa con người lên hàng thần linh để tôn thờ, đó là Đạo Nhân: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ngày nay, trên những phần đất đau thương của thế giới, có những kẻ cầm quyền vẫn tôn thờ bạo lực, thờ thuyết duy ác mà lờ đi đạo thờ Người nhân bản của Đức Khổng phu tử, thì học thuyết Nhân vị, học thuyết chính danh, học thuyết trung dung, học thuyết lấy dân làm gốc của Nho giáo vẫn còn nguyên giá trị cứu đời, cứu người vốn có từ thời cổ đại.

Sau sự thất bại của các tà thuyết xa lạ với con người được thể nghiệm bằng máu và nước mắt, minh triết phương Đông lớn nhất của dân tộc ta vẫn là thế giới đa nguyên văn hóa: tam giáo đồng nguyên. Nhìn vào truyền thống văn hóa dân tộc, nhìn vào văn học nghệ thuật, vào miếu mạo đình chùa, nhà cửa, ẩm thực, ngôn ngữ, tôn giáo, ngó vào tư tưởng tâm hồn ông cha, đâu đâu ta cũng thấy hòa trộn ba yếu tố nhân bản nhất, thiêng liêng và sâu sắc nhất: Phật, Nho, Lão.

Trở lại với nền văn hóa đa nguyên này của ông cha đã từng làm nên nước Việt một nghìn năm Thăng Long, đã đánh bại các đế quốc phương Bắc như Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh (mà không cần có sự chi tiền tối đa nào của ngoại bang ví dụ như Liên Xô, Trung Quốc mới đây chẳng hạn) để bảo tồn giang sơn giống nòi, có lẽ là phương cách tốt nhất đưa đất nước ta thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng văn hóa do sự thiếu chính danh, thiếu lòng nhân mà dư hận thù, thiếu chuẩn mực văn minh hôm nay gây ra. Đây chính là minh triết lớn nhất vậy. Hình như “Zarathoustra đã phán như thế”?

Sài Gòn ngày 24-08-2010

© 2010 Trần Mạnh Hảo

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: