Tuesday, August 31, 2010

CÁC ÔNG NGUYỄN HỮU CẦU và TRẦN VĂN THIÊNG KHÔNG ĐƯỢC ÂN XÁ

Các ông Nguyễn Hữu Cầu & Trần Văn Thiêng không được ân xá

Thanh Quang, phóng viên RFA

2010-08-30

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/No-news-of-release-for-prisoners-nguyen-huu-cau-tran-van-thieng-during-vns-national-day-ThQuang-08302010180121.html

Trong khoảng 17 ngàn tù nhân mà Việt Nam phóng thích dịp lễ Quốc Khánh 2/9, gia đình của 2 tù nhân chính trị “thâm niên” Nguyễn Hữu Cầu và Trần Văn Thiêng bày tỏ tuyệt vọng về tin hai ông không thể rời khỏi cảnh lao lý.

.

Không phóng thích?

Theo thân nhân của cựu Đại úy Địa phương quân VNCH Nguyễn Hữu Cầu đang trải qua cảnh tù đày CS trong gần 35 năm nay thì hiện gia đình không nhận được tin tức gì về việc ông có thể được phóng thích trong dịp lễ mùng 2 tháng 9 này. Người con gái tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu, cô Nguyễn Thị Anh Thư, cho biết:

Nguyễn Thị Anh Thư: Cháu không có nghe tin tức gì là thả ba cháu cả.

Và trường hợp người tù chính trị “thâm niên”, tiếp tục trong vòng lao lý tổng cộng gần 26 năm nay, là cựu Trung úy Cảnh sát đặc biệt VNCH Trần Văn Thiêng, cũng bặt tăm, như người con gái của ông, là cô Trần Thị Thiên Kim, kể lại:

Trần Thị Thiên Kim: Tới hôm nay thì cũng chẳng nghe gì hết. Bây giờ gia đình chỉ biết chờ thôi chớ không biết làm thế nào nữa!

.

Trong tình cảnh mà thân nhân của những “người tù thế kỷ” bày tỏ tuyệt vọng đó, chúng tôi tìm hiểu thêm chi tiết, trước hết, về trường hợp của ông Nguyễn Hữu Cầu. Sau khi mới vừa thăm cha, cô Nguyễn Thị Anh Thư cho biết:

Nguyễn Thị Anh Thư: Dạ hôm Chủ Nhật cháu có tới thăm ba cháu. Vô đó thì cháu cũng không có nghe tin tức gì là thả ba cháu cả. Mà cũng chẳng nghe ba nói gì luôn.

Nhưng chúng tôi ghi nhận được tin rằng giám thị trại giam yêu cầu ba cháu ký tên vào đơn để được về, mà ba cháu nhất quyết không ký. Thì vấn đề này hư thật ra sao?

Nguyễn Thị Anh Thư: Dạ hôm Chủ Nhật cháu cùng một người bạn nữa đi thăm ba. Lúc cháu lu bu vô sổ với những thứ thăm nuôi để ba cầm cái sổ đó xem có đủ đồ của ba không, thì bạn của cháu nói chuyện với một anh cũng ở tù nhưng sắp được thả. Anh ấy được ra ngoài quét dọn. Anh này cho biết là hôm thứ Sáu, có giám thị trại giam xuống, nói “anh Cầu ơi anh coi ký đơn để tôi lập hồ sơ thả anh về, chớ anh ở trong này hoài sao”. Ba cháu đáp rằng “Các anh nói kỳ quá. Đã bao nhiêu lần tôi nói với các anh rồi rằng tôi không có tội. Mà các anh nói là tha cho tôi, đặc xá cho tôi. Tôi đâu có tội mà phải đặc xá cho tôi?” Nên ông trại giam tức quá, đập bàn, thì ba mới nói “anh khỏi đập bàn, để tôi hất bàn luôn”. Vừa nói xong là ba hất bàn đổ luôn.

Thanh Quang: Thế còn cháu có làm đơn xin cho ba cháu về trị bệnh không?

Nguyễn Thị Anh Thư: Dạ chưa. Vì các cô, các bác nói là đã lên tiếng nhiều quá rồi. Thôi để chờ mùng 2 tháng 9 này xem nhà nước Việt Nam có thả ba ra không. Nếu họ không thả, thì mình làm đơn, gởi tới từng nơi lãnh đạo cấp cao để xin thả ba cháu. Nghe nói vậy nên tới giờ cháu không có làm đơn.

Thanh Quang: Tình trạng sức khỏe của ba cháu hiện như thế nào?

Nguyễn Thị Anh Thư: Dạ chuyến này đi thăm thì thấy ba cháu đỡ hơn chuyến trước. Đợt này 2 cha con ngồi nói chuyện với nhau thôi, không có ai nữa hết. Đợt trước thì có nhiều người lắm. Ba cũng nói là đợt trước ba nghe con nói các bác, các chú, các cô gởi lời thăm ba. Ba nói rằng bây giờ ba không lên tiếng trực tiếp ra ngoài được, nên ba nhắn qua con, gởi lời thân thương đến các anh em còn nhớ đến ba, cho ba có lời chúc phúc đến gia đình mọi người. Ba nói ở trong tù mà anh em vẫn còn nghĩ đến mình thì thật là không còn biết dùng từ gì để diễn tả hết bây giờ đây. Ba gởi lời chân tình và nồng thắm nhất đến các anh em ở ngoài. Ba nói thêm rằng Ba thấy các bác, các chú, các cô quan tâm đến ba như vậy, Ba nghẹn ngào lắm rồi. Ba nói không lẽ đàn ông mà lại khóc sao! Nhưng Ba nói chuyện quá cảm động nên Ba phải khóc một trận mới được.

Thanh Quang: Ba cháu bị cảnh đọa đày gần 35 năm nay. Trong khi còn một, hai ngày nữa là tới lễ mùng 2 tháng 9, mà việc ông được thả vẫn biệt tăm, thì cháu cảm thấy như thế nào trước tình cảnh của ba cháu như vậy?

Nguyễn Thị Anh Thư: Cháu cũng buồn lắm nhưng không biết nói gì bây giờ. Không biết nói gì nữa hết! Buồn dữ lắm. Cứ trông hoài, trông ngày, trông đêm, trông từng giờ luôn. Dạ cháu chỉ cầu mong là ba sớm được về với gia đình, về với các con thôi. Ngoài ra thì cháu không có cầu mong gì hơn nữa.

.

Chỉ biết chờ

Vừa rồi là cô Nguyễn Thị Anh Thư, bày tỏ nỗi niềm của mình khi cho tới giờ, cô hoàn toàn không có tin gì về triển vọng cha cô, ông Nguyễn Hữu Cầu, được trở về với con sau gần 35 năm tù đày. Thưa quý vị, một tù nhân khác bị án tù dài hạn và tiếp tục trong vòng lao lý gần 26 năm nay là cựu Trung úy Cảnh sát đặc biệt VNCH Trần Văn Thiêng, hiện 75 tuổi. Người tù bất khuất này, cũng giống như “tù nhân thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu, vẫn bặt tăm trong dịp lễ 2 tháng 9, khiến gia đình thêm buồn khổ. Người con gái ông Trần Văn Thiêng, là cô Trần Thị Thiên Kim, lên tiếng với chúng tôi như sau:

Trần Thị Thiên Kim: Dạ tình hình ba em thì cho tới giờ không nghe nói gì hết, dù gia đình đã làm đơn gởi lên Chủ tịch Nước. Làm đơn gởi khắp trại giam rồi, rồi bây giờ làm đơn gởi lên Chủ tịch Nước, cả Tổng bí thư nước Việt Nam. Nhưng tới hôm nay gia đình chẳng nghe gì hết. Bây giờ tụi em đang chờ thôi chớ không biết như thế nào nữa. Bây giờ chờ tới “phút 89” nữa thôi, tức tới mùng 2 tháng 9 này coi có được gì hay không. Vì hôm mới đây chính em lên gặp lãnh đạo trại giam, thì họ nói tội của ba em là tội nghiêm trọng an ninh quốc gia. Do đó không có chuyện ân xá. Bây giờ bị bệnh thì họ điều trị thôi chớ không ân xá. Nhưng qua ngày hôm sau thứ Bảy em nghe trên TV, về mục pháp luận, đề cập tới lệnh cho những người được xét duyệt, ân xá, thì ba em có được 2 điều kiện: Thứ nhất bị bệnh hiểm nghèo, thứ hai là trên 70 tuổi. Tới hôm nay rồi, trường hợp của ba vẫn không thấy như thế nào cả.

Thanh Quang: Hiện bây giờ Ba của cô đang ở đâu?

Trần Thị Thiên Kim: Dạ hiện giờ ba em đang nằm tại bệnh viện Xuân Lộc.

Thanh Quang: Tình trạng sức khỏe của ông ra sao?

Trần Thị Thiên Kim: Dạ nói chung, ba em hiện suy thận cấp độ 3 rồi. Còn bệnh tuyến tiền liệt nặng, nên vừa qua có đưa ra bệnh viện Đồng Nai mổ nhưng chỉ bữa trước là bữa sau bị đem về trại tù trở lại, thì hôm nay cuộc mổ ấy không có tác dụng gì nữa hết, vẫn là như vậy, tức vẫn không quản lý được đường tiểu. Thân thể ba hiện bị sưng phù lên hết. Hôm nay bác sĩ nói ba thêm chứng suy tim nữa.

Thanh Quang: Cho tới thời điểm này, tức còn một hai ngày nữa là tới lễ 2 tháng 9, mà gia đình không thấy tin tức, dấu hiệu gì của Ba của cô như vậy, thì trong cảnh tù đày dài lâu và khắc nghiệt của ông, gia đình cảm thấy như thế nào?

Trần Thị Thiên Kim: Dạ gia đình rất buồn, nhất là vì tình trạng sức khỏe của ba em càng ngày càng sa sút. Bây giờ gia đình chỉ mong làm sao ba em được về để con cái phụng dưỡng cha già đau yếu thôi. Vì khi hỏi bác sĩ thì bác sĩ chỉ nói là ba em sống (nghẹn ngào) không biết nỗi tới ngày mãn hạn tù hay không nữa (khóc).

Bà Lê Thị Đức, vợ ông Trần Văn Thiêng, cũng bày tỏ nỗi khổ đau:

Bà Lê Thị Đức: Buồn lắm! Buồn lắm. Gia đình buồn lắm. Trông ông ấy được về để trị bệnh thôi. Nếu kéo dài tình cảnh này, sợ chồng tôi không sống nỗi.

.

Thưa quý vị, ngoài 2 người “tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu và Trần Văn Thiêng, chúng tôi được tin còn nhiều tù nhân chính trị và tôn giáo khác, thậm chí ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, vẫn tiếp tục bị cảnh đọa đày.

Có lẽ tình cảnh ấy khiến tác giả Lê Minh ở Seyney, bên Úc, khi viết bài tựa đề “Nguyễn Hữu Cầu: Một số phận nghiệt ngã”, đã phải nêu lên nghi vấn rằng “Những tù nhân lương tâm với số phận nghiệt ngã… sẽ còn được bao nhiêu năm để sống trong nhà tù CS?”

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: